- Tản Văn
Trời đừng nắng nữa...
Thứ năm - 03/06/2021 22:28
Trời đừng nắng nữa...
Trời đừng nắng nữa trời ơi
Cải con nó héo nữa rồi nó đau.
Lần đầu mình biết đến 2 câu ca dao này là khi thầy Lê Thái Phong giảng về Văn học dân gian cách đây đã hơn 40 năm. Đó là tâm trạng lo lắng của người nông dân trước hoàn cảnh thời tiết nắng nóng gay gắt, là tiếng lòng xót xa đến đồng cảm của họ đối với những cây hoa màu bé nhỏ, yếu ớt trước thiên nhiên khắc nghiệt.
Ở đây, mình chỉ đề cập đến một khía cạnh nhỏ: thế nào là "cải con" trong 2 câu ca dao này?
Lẽ đương nhiên "cải con" là cây cải nhỏ, nhưng không phải tất cả những cây cải nhỏ đang được gieo trồng đều gọi là "cải con". Phải là người đã từng gieo trồng những cây hoa màu như cải, cà pháo, cà tím... thì mới hiểu cụ thể về từ này. Với mình, tuy gia đình không làm nông nhưng mình có may mắn đã từng được tự tay gieo trồng và chăm sóc khá nhiều loại rau màu.
Số là hồi nhỏ mình sống với mẹ trong khu tập thể của Cửa hàng ăn uống Hương Sơn (Hà Tĩnh). Đó là những dãy nhà tranh vách nứa rất chật chội và cũng chẳng có đất mà trồng vài luống rau. Đến năm 1978, một sự kiện quan trọng đã xảy ra: chuyển thị trấn từ Phố Châu xuống Nầm. Nghe đâu là xuất phát từ 1 chuyến tham quan của lãnh đạo huyện và tỉnh (Nghệ Tĩnh) ở 1 thị trấn của 1 nước Đông Âu và họ đã bê nguyên hình mẫu bên đó về áp cho Hương Sơn quê nhà. Đó là 1 sai lầm lớn. Hồi ấy, dân thường gọi thị trấn Nầm là thị trấn "Lầm"!!! Riêng Phố Châu (do người Pháp chọn đặt làm thị trấn) thì áp dụng khẩu hiệu:
Dời dân lên ở vùng cao
Để đất bằng phẳng đưa vào trồng ngô!!!
Thế là toàn bộ nhà dân ở ngoài thị trấn phải di chuyển vào phía trong vùng Đồng Phố. Riêng các cơ quan thì được giữ nguyên. Thế là các loại máy ủi lớn nhỏ đã cào bằng cả một thị trấn. Rồi máy cày, máy bừa rộn ràng chạy để tạo ra cả 1 cánh đồng mênh mông. Người ta gọi đó là "công nghiệp hóa nông nghiệp", là "làm ăn lớn". Nghe đâu Quỳnh Lưu là huyện đi đầu. Tuy nhiên, chắc là do máy móc cồng kềnh nên họ đã chừa ra khoảnh đất rộng cả hơn chục mét giáp với khu tập thể bọn mình. Mình và ông anh cày cuốc tích cực lắm nên đã tạo lập được mảnh vườn khoảng hơn trăm mét vuông. Hồi đó, các loại hạt giống rất hiếm nên khi làm đất xong là mẹ ra chợ mua các loại cây giống về trồng. Đầu tiên là "cải con" vì đây là loại thông dụng lại mau thu hoạch. Tiếp đến là cà chua con, cà tím con. Đó là những cây rau màu được người ta gieo hạt theo luống. Khi cây lớn được chừng mươi phân (cm) thì họ tỉa (nhổ) những cây tốt trong luống để mang đi trồng hoặc mang ra chợ bán làm cây giống. Khi tỉa, đất phải ẩm ướt để nhổ được càng nhiều rễ càng tốt. Rồi người ta đùm gốc cây bằng lá chuối tươi. Mỗi đùm chừng 20-30 cây con. Do bị nhổ ra khỏi luống đất, một số rễ bị đứt nên trồng các các loại cây rau này khá công phu. Nếu đi chợ vào buổi sáng mua về thì thường phải cất vào nơi râm mát, chờ đến chiều tối, khi đã tắt hoặc nhạt nắng thì mới trồng. Như thế, cây con khi mới trồng, rễ chưa kịp bén thì sẽ tránh được cái nắng cả ngày cũng như tranh thủ được không khí mát mẻ cùng những hạt sương đêm để mà phục hồi. Rồi mấy ngày tiếp theo cây cũng phải được chăm sóc rất chu đáo. Với những cây rau đã phát triển thì 1 ngày tưới 1 lần cũng được, lỡ quên cũng chưa đến nỗi nào. Riêng với cây rau mới trồng thì ngày phải tưới 2 lần, nếu trời nóng quá thì còn phải che nắng cho đám cây con. Nếu ta không chăm sóc chu đáo như thế thì các cây con mới trồng rất dễ bị héo, thậm chí không sống nổi.
Đã lâu lắm rồi không được trồng rau (vì lấy đất đâu mà trồng). Thế nhưng hôm nay mình vẫn đọc câu ca dao: "Trời đừng nắng nữa trời ơi"!
Trần Anh Chiến