- Trang thơ
Dân là nước
Thứ năm - 28/11/2019 00:21
Bài thơ “Quan hải” của Nguyễn Trãi
關海
樁木重重海浪前,
沉江鐵鎖亦徒然。
覆舟始信民猶水,
恃險難憑命在天。
禍福有媒非一日,
英雄遺恨幾千年。
乾坤今古無窮意,
卻在滄浪遠樹煙。
Phiên âm:
Quan Hải
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền,
Trầm giang thiết toả diệc đồ nhiên.
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ,
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên.
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỷ thiên niên.
Càn khôn kim cổ vô cùng ý,
Khước tại Thương Lang viễn thụ yên.
Dịch nghĩa
Khóa cửa biển
Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển
Xích sắt ngầm dưới sông cũng vậy thôi.
Thuyền bị lật mới tin rằng dân như nước,
Cậy đất hiểm cũng khó dựa, mệnh là ở trời.
Hoạ phúc có manh mối không phải một ngày,
Anh hùng để mối hận mấy nghìn năm sau.
Lẽ của trời đất và xưa nay, thực là vô cùng
Vẫn là ở chỗ sắc nước bát ngát, cây khói xa vời.
Dịch thơ:
Khóa cửa biển
Cửa biển cọc giăng để sóng nhồi,
Đáy sông xích sắt cũng vậy thôi.
Lật thuyền mới hiểu “Dân là Nước”,
Hiểm địa có hơn được mệnh trời.
Họa phúc nguồn cơn đâu ngày một,
Anh hùng để hận lại muôn đời.
Nguyên lý đất trời vô cùng tận,
Thương Lang cây ẩn khói mây trôi.
Bùi Đại Dũng
------------
Bài thơ “Quan Hải” (Khóa cửa biển) tương truyền viết ra khi Nguyễn Trãi mục kích công trình phòng thủ của nhà Hồ để chống quân Minh xâm lược. Tuy việc làm giống với các bậc tiền nhân (thời Ngô Quyền chống quân Nam Hán, thời Lê Hoàn chống quân Tống, thời Trần (Trần Hưng Đạo) chống Nguyên Mông) nhưng tiền nhân thì thành công, còn cha con Hồ Quý Ly thì thất bại.
Cũng vẫn là việc sử dụng nơi hiểm địa, dùng cọc lim trồng ở cửa biển, xích sắt giăng ngầm đáy sông… nhưng lòng dân, niềm tin của dân thì khác. Đây là giai đoạn nhà Hồ mới đoạt vương quyền từ nhà Trần dù đã suy thoái, nhưng lòng dân chưa theo. Đó là lý do trọng yếu mà Nguyễn Trãi đã chỉ ra: “Phúc do thuỷ tín dân do thuỷ”. Cũng cần nói thêm rằng, Nguyễn Trãi sử dụng một số điển tích trong bài thơ này.
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ có nguồn gốc từ một lập luận của Tuân Tử, một triết gia nước Triệu (nay thuộc Trung Quốc sống từ khoảng giữa thế kỷ 4 và 3 trước Công Nguyên). Tuân Tử có nói: "Dân do thủy dã, thủy năng tải châu, nhi năng phúc châu" (Dân cũng như nước, nước chở thuyền được mà cũng làm đắm thuyền được). Thương Lang tương truyền là địa danh thuộc phần hạ lưu sông Hán (Trung Quốc) gắn với bài thơ Ngư Phủ của Khuất Nguyên. Cuối bài có hai câu "Thương Lang chi thuỷ thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh; Thương Lang chi thuỷ trọc hề, khả dĩ trạc ngã túc", nghĩa là: Dòng nước Thương Lang trong, ta có thể giặt dải mũ; Dòng nước Thương Lang đục, ta có thể rửa chân. Thương Lang được dùng để chỉ nơi ẩn dật.