• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

12 Sứ đồ ở miền Nam Cực

Thứ sáu - 05/06/2020 05:47

 

The Twelve Apostles (tạm dịch: "Mười hai Sứ đồ" hay “Mười hai tông đồ”) là một tập hợp các khối đá ở ngoài khơi Vườn quốc gia Port Campbell, tiểu bang Victoria, Úc. Các cột đá nằm gần nhau này được hình thành do đá vôi bị xói mòn bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Nam Đại Dương tạo nên các hang động trong vách đá, các vòm đá rồi sau đó bị sụp đổ, để lại những khối đá chơ vơ ven biển, có khối cao đến 45 m. Trước năm 1922 địa điểm này có tên là Sow and Piglets, sau đó được đổi thành The Apostles. Hiện nay, nơi đây chỉ còn lại chín (9) khối đá chứ không đủ mười hai (12) khối như lúc ban đầu.

 

Cách đây mấy năm (năm 2012), tôi đã được đến thăm “12 Sứ đồ”. Lúc đó trời thật đẹp. Đôi ba đám mây trắng kết bông trên một mảng màu thẳm xanh lung linh nắng vàng. Màu xanh ngút ngát của trời hòa cùng màu xanh của đại dương tạo cảm giác thật bình yên. Nhưng chả hiểu sao lần này “12 Sứ đồ” lại chào đón tôi với một trạng thái rất khác trước. Hai tiếng đồng hồ ở bên 12 Sứ đồ, tôi đã chứng kiến sự hùng vĩ và biến đổi khó lường của thời tiết, của đất trời. Gần 60 phút ngồi trong ô tô, đếm từng đợt mưa quất trên cửa kính, nghe tiếng gió gào thét trong cơn giận hờn. Đôi lúc, cảm giác như gió đang muốn bế và tung lên trời cao chiếc xe ô tô đang chứa 4 sinh mạng với đủ loại tâm thái. Mưa cứ thế ào ào. Gió cứ thế gào thét. Và cảm giác cô đơn ngày nào khi sống giữa cuồng phong bão tố mỗi lần đến với biển khơi lại ập tới. Tôi chính lại bản thân, thầm mong trời mau ngớt mưa để chúng tôi có thể ra khỏi ô tô, đến gần hơn nơi các vị tông đồ đang tọa lạc. Bởi với tôi thì không thành vấn đề, nhưng với những người bạn đồng hành của tôi thì đây đúng là một cơ hội hiếm hoi để họ có thể đặt chân tới một nơi linh thiêng và hùng vĩ. Thật may mắn là cuối cùng mưa cũng đã ngớt nhường khoảng không cho dăm ba sợi nắng bừng lên.

 

Chúng tôi đã có một khoảng thời gian đủ để ngắm nhìn các Sứ đồ trong cảnh gió giật mạnh như bão, sóng biển cuộn dâng, trời lúc nhiều mây nặng trĩu sầm sì, lúc lại bừng tươi màu nắng. Tôi đã cố hết sức để quấn chặt khăn, quay lưng lại với gió. Nhưng gió thật lạ, cứ như muốn giật tung tất cả mọi thứ ở đây và ném đi, đến mức mà suýt nữa tôi rơi cả cái điện thoại khi cố chụp những hình ảnh của các vị tông đồ. Gió đẩy tôi đi trên con đường nhỏ ven biển có hàng rào chắn và những bông hoa biển đang nở rộ một cách kiên cường và nhẫn nại. Tôi như được gió nâng lên và bay, như không phải bước đi bằng chân người, cảm giác vừa sợ, vừa thích.

 

Biết là không thể có thêm thời gian ở lại với các vị tông đồ trong cảnh thời tiết thất thường, chúng tôi đành lên xe ra về. Nhưng lại như mọi khi, trời lại bừng lên những vạt nắng rực rỡ và những khoảng mây trong xanh lại hiện ra như nhắn nhủ, như mời gọi. Không cầm lòng được trước cảnh trời mây trong xanh và nắng vàng mời gọi, chúng tôi quyết định ghé vào điểm ngắm cuối cùng của di tích thiên nhiên kỳ vĩ này. Thật bất ngờ, trước mắt chúng tôi có một con đường nhỏ với những bậc đá chênh vênh giúp chúng tôi hạ từ độ cao 45 m để dần xuống với biển.

 

Khi đặt chân trên bãi cát vàng rực nắng, ngắm nhìn những khối đá câm lặng, lắng mình trong những đợt sóng biển ào ào cao ngất và tiếng gió gào thét, tôi chợt nhớ tới một cảnh tượng mà tôi đã từng thấy khi ngồi thiền. Hình như có cái gì đó rất thân quen, rất liên quan giữa cảnh tượng mà tôi nhìn được ở trong định với không gian sâu thẳm đằng sau cảnh vật nơi này. Trong lúc đả tọa cách đây 3 tháng, tôi đã nhìn thấy một cảnh tượng đẹp như ở chốn thần tiên với cảnh núi non hùng vĩ và dòng suối nước trong văn vắt, nơi có nhiều bậc đá đẹp và phẳng. Một cô gái cao chừng 1,9m, rất xinh đẹp, có cặp mắt phượng tuyệt mĩ, tuổi chừng 16, 17, đang ngồi chơi đàn. Phía sau lưng cô là dòng suối trong vắt, xa xa là một thác nước nhiều tầng đẹp vô cùng. Phía tay trái cô gái là một người đàn ông, chắc hẳn là bố của cô gái. Ông có dáng người quyền quý và thanh thoát, cao chừng 2m, và điều đặc biệt là ông có một mảng tóc trắng rất đẹp ở chỏm. Phía trước cô gái chừng 3 m là một chàng trai da trắng, đẹp hoàn mỹ với nụ cười thánh khiết. Chàng trai này ở lứa tuổi cùng với cô gái nhưng lại là người thấp nhất trong số 3 người họ, chàng chỉ cao khoảng 1,8m thôi. Hai bên bờ lô nhô những người cao lớn khoảng chừng 2m đang đứng như bảo vệ hay phục vụ ba người này. Không hiểu họ thuộc tộc người gì, chỉ biết rằng họ cao lớn và đẹp lắm, thật khác xa với người hiện đại chúng ta; mà có khi họ thuộc về nền văn minh nhân loại khác với nền văn minh nhân loại mà chúng ta đang có….

 

Tôi bừng tỉnh, nhìn xung quanh và chợt ngộ ra điều bí ẩn đang được cất giấu trong thẳm sâu đại dương, đằng sau sự trầm lặng những tảng đá và bãi cát vàng rực nắng kia. Hình như tôi có nhân duyên với nơi này, với những người, những vật mà tôi nhìn thấy trong định. Trước đó, tôi đã đọc một vài bài viết về Nam cực, nơi có nền văn minh nhân loại thời kì trước, cách chúng ta rất rất nhiều năm rồi. Tôi chợt hiểu vì sao tôi lại được an bài quay trở lại bãi biển này thêm một lần nữa. Để nghe được lời nhắn nhủ trong tiếng sóng ầm ào dội từ ngàn vạn kiếp trước. Để nghe được tiếng gọi của cao xanh từ ầm ầm tiếng gió thét. Để hiểu được vì sao trong lúc ở miền Nam cực này, cứ lên xe đi tới một địa điểm nào đó thì chúng tôi lại gặp mưa, còn lúc quay trở về thì trời lại nắng đẹp. Tôi đã hiểu được vì sao tôi cần phải quý trọng thời gian lúc này, và đó là lý do tôi phải sẵn sàng chuẩn bị hành trang cho chuyến quay trở về lần này. Đại Đạo là vô hình. Nhưng bây giờ, con đường trở về của Đại Đạo đã được nắng vàng trải thảm. Đó là một duyên cơ thiên định.

 

Với một nụ cười bình thản, tôi quay gót lần theo những bậc đá chênh vênh để trở về mặt đất nơi chiếc xe ô tô đang chờ chúng tôi trong chuyến trở về ngoạn mục và ấn tượng.


Trần Huyền Tâm

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.