• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Lịch sử một vùng quê

Thứ tư - 15/07/2020 09:59


Khi đang ở trên quê hương bước những bước chân trên mảnh đất này có ai nghĩ đến đất quê mình có lịch sử hình thành như thế nào không nhỉ ? Tôi nghĩ là có song ngặt nỗi các tư liệu không có nhiều và không phổ biến hơn nữa trong cuộc sống còn đang bận rộn bộn bề nên ít có điều kiện tìm tòi tham khảo, bởi thế nay tôi mạn phép ghi lại lịch sử hình thành đất Bách thuận quê mình qua những tư liệu mà tôi đã tìm hiểu và được đọc.


Để có một vùng quê giàu có và trù phú ngày hôm nay là cả một quá trình có tới gần nghìn năm nhờ vào thiên nhiên và công sức lao động của người xưa những ngày đầu mở đất .Trước khi chưa có hệ thống đê điều thì vùng hạ lưu sông Hồng thường bị lũ lụt hàng năm gây cảnh lụt lội ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của người dân bởi thế vào thế kỷ thứ 13 thời nhà Trần đã cho đắp đê ngăn lũ dọc hai bên sông từ vùng trung du đến hạ nguồn. Dĩ nhiên khi đắp đê thì vị trí đắp được cách đều hai bên so với dòng nước và những vùng đất ven sông là nơi lấy đất để làm việc này, không những thế theo thời gian nhiều đời sau vẫn tiếp tục lấy đất để tu bổ làm rộng chân đê cho đê thêm vững chãi.


Ở khu vực quê chúng ta ngày ấy ngoài việc đắp đê nhà Trần còn cho đào mở rộng sông Đào ra tới tận đất Tam Phủ gặp sông Hồng tạo ra ngã ba sông đối diện với đất Liên Hồng Thượng Xuân bây giờ. Điều kỳ diệu từ thiên nhiên là ở đây, sông Hồng khi gặp sông Đào thì đột ngột lượn khúc thay đổi dòng chảy xối thẳng vào vùng đất bên kia sông thuộc Nam Trực Nam Định ngày nay gây lở đất và xói mòn mà ta thấy hiện đê bên đó đã sát tới bờ sông. Có lở thì ắt có bồi, dòng chảy sau khi bị chắn bởi vùng đất đó lại chuyển hướng sang đất Thái Bình ở chỗ Trà Khê bây giờ và một phần nước sông được dồn chảy ngược trở lại theo những con mương được hình thành do lấy đất đắp đê từ trước mà thành một con sông nhỏ ven đê người xưa gọi là dòng Tào Khê hay sông Dồn (dân mình thường gọi là sông Đồn) được gọi về sau, sông này giờ không còn do người dân Bình Minh, Toàn Thắng, Tiền Phong từ khi sông Hồng được điều tiết nước không gây ngập lụt đã được cải tạo thành vườn cả.


Thời đó nơi đây đã không bị xói mòn mà hàng năm còn được bồi đắp thêm nhờ luôn bị ngập lụt và cả lượng phù sa từ dòng Tào Khê nhưng vẫn chỉ là một nơi đất bãi hoang vắng lau sậy um tùm mà phải tới vài trăm năm mới hình thành được một vùng đất gần như ngày nay.


Ngược lại phía bên kia sông theo tháng năm bị xói mòn bởi dòng chảy nên người dân bên đó cứ mất dần đất canh tác nên khoảng đầu thế kỷ thứ 16 bắt đầu có người sang khai hóa và đến cuối thế kỷ này đã có nhiều người sang lập trại làm vườn lập tên chung là Thận Vy trang hay dân dã gọi làng Gòi sau này.


Không thấy có tư liệu nào khẳng định người từ dòng họ nào sang trước trong các dòng họ vượt sông sang khai phá đầu tiên là các dòng họ Phạm Bá , Trịnh Viết , Nguyễn Như, Phạm Văn,Trịnh Văn, Nguyễn Văn hay Trịnh Đăng nhưng tất cả đều từ bên kia sông tràn sang và dân Bách Thuận ngày nay hầu như đều có gốc từ Nam Định.


Địa danh hành chính đầu tiên được xác nhận ở giữa thế kỷ 17 đời vua Lê Thần Tông và sau đó các dòng họ khác cũng qua sông đến lập nghiệp nên dân số thêm đông mà được lập làng xã . Khi đó tên hành chính là xã Thận Vy huyện Thượng Nguyên phủ Thiên Trường trấn Sơn Nam Hạ. Địa danh đó tồn tại tới khi thành lập tỉnh Thái Bình năm 1890 đất Thận Vy được chuyển về đây và đổi tên là làng Thuận Vy huyện Thư Trì phủ Kiến Xương sau năm 1945 thì xóa bỏ đơn vị phủ thì trực thuộc huyện Thư Trì tới giờ là huyện Vũ Thư do năm1969 huyện Thư Trì được sáp nhập với một phần huyện Vũ Tiên thành tên mới như vậy.


Các làng Thuận Vi Bách Tính Thuận Nghiệp năm xưa đã chung một xã gọi là xã Bách Thuận sau đó tách ra thành ba xã riêng biệt, ở những thời gian gần đây lần đầu tiên sáp nhập trở lại hai xã Bách Tính và Thuận Nghiệp thành Bách Thuận sau đó sáp nhập xã Thuận Vi và thêm phần đất Thượng Xuân từ Xã Tân Lập mà vẫn giữ tên chung, ngược lại cắt phần đất Trà Khê Tang Bổng từ Thuận Nghiệp cũ về xã Tân Lập và hình thành hoàn chỉnh xã Bách Thuận ngày nay. (Do bài đang nói về sự lịch sử  vùng đất bãi nên không đề cập tới đất Thuận Tân cũng thuộc Bách Thuận ).


Có thể các tài liệu chưa hẳn đủ hoặc tôi viết lại cũng có thể sai sót nhưng hy vọng rằng có thể giúp những người chưa biết hiểu được phần nào về lịch sử hình thành mảnh đất quê nhà mà thấy yêu thêm quê hương của mình và biết ơn các bậc tiền nhân năm xưa,những người là các cụ tổ các dòng họ đã có công khai hoang mở đất để lại cho hậu thế ngày nay.


Nguyễn Như Thạnh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.