• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Những mảng màu số phận

Thứ hai - 07/09/2020 10:35


Những năm 70-80 của thế kỷ trước, Liên Xô nói riêng và các nước Xã hội chủ nghĩa nói chung đều cấm chiếu phim tư bản. Mà không hiểu sao, phim Ấn Độ lại được chiếu khá thường xuyên trong các rạp phim ở Liên Xô. Sinh viên thời đó hay đi xem phim Ấn Độ. Phần vì ít có sự lựa chọn nào khác, phần vì đã chán những phim Liên Xô hầu hết về đề tài chiến tranh, nhưng có lẽ cái chính là bởi phim Ấn Độ mang đến một thế giới khác, một thế giới đầy sắc màu tươi rói với cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ “sắc màu”. Những cuộc tình lâm ly, những quan hệ gia tộc chằng chịt, những ngập tràn hạnh phúc và buốt nhói chia ly... Đó là những “bảng màu”  (palettes) tâm trạng mà lại được thể hiện qua những “bảng màu” hành động: khóc, cười, ca hát, nhảy nhót, thẫn thờ đi đứng, nằm ngồi..., và qua những “bảng màu”, hiện vật, có mặt trong đời sống hàng ngày: những bộ áo Sari rực rỡ, những vòng khăn quấn đầu, màu của rau quả củ, màu của vô vàn gia vị, màu của những món ăn tràn ngập lễ hội, màu của những công trình kiến trúc đã trở thành những kỳ quan thế giới. 
 

Mình biết về Ấn độ qua những bộ phim đó, và đã ước mơ được đặt chân đến. 
 

Chẳng xa xôi cách trở gì, mà cũng phải hơn hai chục năm sau mình mới đến được Ấn Độ. 


Cảm giác đầu tiên làm sống dậy những ấn tượng đầu tiên từ khi xem phim, là mình thực sự được tắm mình trong thế giới màu sắc. Ngay từ khi bước xuống sân bay, ở cổng an ninh biên phòng. Các nữ nhân viên mặc đồng phục một màu xám. Nhưng ngay lập tức mắt mình bị “bắt sáng” bởi thứ chói lọi phát  sáng: những chiếc nhẫn, chiếc vòng vàng đeo chi chít trên tay. Mà vàng phải là màu vàng chóe, vàng tươi. Sẽ là nhạt nhoà nếu đem vàng xanh của Nga, vàng hồng của Ý, dù là trang sức của steffany hay của Carter mà đặt bên cạnh. Các bà các cô thích vàng mười. Các cô cứ lúc túc gõ máy computer, trong khi những chiếc vòng vàng cứ lúc lắc, rung rinh toả ánh vàng. 


Rồi xe chạy vào thành phố. Xe có thể là thô sơ và tuềnh toàng, nhưng xe được bao bọc trọn bởi những hình vẽ đầy màu sắc, thành ra trông nó cũng dễ thương như một thứ đồ chơi của con trẻ, hồn nhiên với vẻ đẹp riêng của mình, tự tin luồn lách sát bên những Rolls Royce, Mercedes...Ngồi trên xe mình cứ phải dài cổ ngó bên trái, bên phải, níu lại phía sau, vì bất cứ thứ gì vừa lướt qua mắt mình cũng đầy ngộn sắc màu: một ông già nhỏ thó đội trên đầu vòng khăn quấn nhiều tầng, như đội nguyên một chiếc thúng bằng vải. 


Những phụ nữ mặc áo Sari không ít hơn 3 màu trên người. Những ngôi đền, chùa với bao nhiêu chi tiết nhỏ xíu mà tỉ mỉ, tinh vi với từng màu cho từng hoạ tiết nhỏ. 
 

Người lái xe đang ầm ầm chạy bỗng phanh kít, đột ngột dừng bên đường nói: Nhìn kìa, đây là một kiến trúc người dân thành phố tôi rất tự hào! Mình háo hức nhìn lên: cả một tòa nhà to lớn, đồ sộ, lối kiến trúc hiện đại, được sơn bằng một màu hồng! Người lái xe giục giã: chụp hình đi! Màu hồng đẹp thế chứ! Mình nhìn thấy rõ niềm tự hào trong mắt người bản địa. 
 

Khi đến thăm một cung vua ở một miền phương nam, mình thực sự choáng ngợp trong long lanh màu sắc. Những chiếc cột to lớn với những chạm trổ bằng vàng và những đường viền bằng ngọc bích. Sàn và tường nhà với hoạ tiết đuôi công với đủ màu xanh. Một toà lộng lẫy với tất cả các màu tồn tại trên thế giới này, màu nào cũng kéo theo một palletes dài với đầy đủ các cung bậc của nó. Đã là vàng thì đủ cả vàng thư, vàng nghệ, vàng cam, vàng chanh. Đã xanh thì có cả lục, cả lam, cả chàm...


Người ta bảo phụ nữ là sự phản chiếu của chính thiên nhiên vùng miền đó. Đất nước rộng lớn ( đứng thứ 7 về diện tích thế giới), với địa hình phong phú đa dạng, cao thì núi Himalaya, dài thì sông Hằng, rộng thì đồng bằng Ấn- Hằng, rừng già thì Bengal, hoang mạc thì Thar, biển thì Ấn Độ dương... 


Bao nhiêu màu sắc của sông, núi, rừng, biển, là bấy nhiêu sắc màu trong bàn tay người phụ nữ Ấn. Chợ gia vị với vô vàn gia vị, vô vàn màu sắc, tưởng chừng cả đời mình cũng không thể biết hết, nhớ hết. Vậy mà chợ chỉ là một góc trên bếp của các của các bà các chị. Hộp đựng gia vị có hàng chục ngăn. Khi đãi khách thì tất cả phụ nữ trong nhà đều vào bếp. Cô bé 11 tuổi và bà cụ gần trăm tuổi, mỗi người tự làm món của mình, mỗi người mở ra một ngăn hộp gia vị, nhộn nhịp, mà trật tự, vui vẻ, để sau đó toàn bộ sắc màu từ bếp di chuyển lên bàn ăn. Hàng chục, hàng chục món, và vì chúng có sắc màu khác nhau nên khách cứ muốn nếm hết, nếm cho đủ từng thứ màu. Sau này mình có quên tên món nào, chỉ cần nhắc lại cho gia chủ màu của món đó, là có mối để tìm ra tên của chúng. Một món ăn truyền thống mà mình rất nhớ là món Onam Sadya. Trước mỗi người là nguyên một chiếc lá chuối xanh ngắt. Người phục vụ thứ nhất tiến đến với một chùm cái xô nhỏ, họ múc từ mỗi cái xô một loại nước xốt. Cái lá chuối trở thành palletes màu với đủ màu nước xốt khác nhau. Người phục thứ hai tiến đến với chiếc mâm đồng, trong đó là các món thịt khác nhau được tẩm ướp khác nhau với các gia vị màu sắc khác nhau. Và sau nữa, cái bảng màu bằng lá chuối được tô vẽ lần cuối với các loại cơm, củ, quả chế biến khác nhau với các màu khác nhau...Mình đã ăn trước hết bằng mắt, bằng sự ngắm nghía thích thú, bằng sự tò mò đón đợi những sắc màu. 


Và điều bất ngờ cuối cùng là khi rời nhà hàng, người ta cúi chào cảm ơn và trân trọng dâng lên khách một thứ “ tráng miệng” bắt buộc, mình nhận thấy, họ đợi cho đến khi mình thực sự cho thứ đó vào miệng. Mình kính cẩn cảm ơn và nâng niu cho thứ đó vào miệng. Cảm giác vừa quen vừa lạ, và khi đã thấy nóng râm ran trong miệng thì mình thốt lên: miếng trầu!? Họ gật đầu vội giải thích: ăn cho thơm và sạch miệng sau bữa ăn, và... cho đỏ môi, đẹp! Trời đất, sau bữa ăn cũng lại cần tô lại sắc màu (môi)! Người Ấn riêng thật riêng! 


Thiên nhiên nhuộm lên phụ nữ Ấn mọi sắc màu của nó. Áo Sari là thứ để phụ nữ Ấn trở thành đặc biệt, nhìn là nhận ra ngay. Dường như dải sông Hằng đã hóa thân thành mảnh vải dài, mà người phụ nữ đo bằng những sải tay mình. Dường như sắc màu thiên nhiên lặn vào màu vải, để khi quấn áo vào người, thấy như mình đang gần gũi lắm với đồng quê, sông núi quanh mình. Nếu là đàn ông, chắc mình si mê người mặc Sari lắm. Nó dịu dàng với những sắc màu khi thì hài hoà, khi thì tương phản tạo nên cá tính. Nó quấn quýt nâng niu da thịt, chỗ kín, chỗ hở để ánh nhìn cứ phải tha thiết chờ mong. Nó tạo nên những giấc mơ rất riêng, riêng của anh chăn cừu, riêng của người đại quý tộc. Chàng chăn cừu cảm thấy gần gũi khi vuốt ve tấm áo Sari bằng vải thô trong bàn tay thô ráp của mình, trong khi chàng công tử ngất ngây với tiếng sột soạt mềm mại từ dải tơ áo Sari trong đêm lễ hội. 


Màu đỏ rực rỡ, quyền quý được dành cho áo Sari cô dâu, màu vàng hạnh phúc được dùng cho các phụ nữ có bầu, màu trắng đơn sắc được dành cho phụ nữ goá bụa... 


Vậy đấy, màu sắc đôi khi là đẳng cấp, là trạng thái tâm tư, là cá tính, là từng giai đoạn cuộc đời. 


Cái bảng màu cuộc đời này được nói lên cả bằng nghĩa đen và nghĩa bóng. 


Mình đã có nửa tháng trời nghe và cảm tâm tình người Ấn. Những ngày đó hình như mình đã mang cuộc đời mình soi trong trong bảng màu cuộc sống nơi đó, để thấy yên lòng, khi ngộ ra, màu sắc không là đơn sắc. Bất cứ màu nào cũng có nhiều cung bậc, trong bất cứ màu nào cũng chứa đựng những màu nguyên bản đã từng được hoà vào nhau, trộn với nhau theo tỉ lệ tưởng như ngẫu nhiên, nhưng thực tế là những nhân duyên để tạo thành một màu Số phận. 


Ấn Độ vẫn luôn là huyền bí với mình. 


Vẫn là nơi mình sẽ trở lại, không chỉ một lần…


Bùi Thanh Huyền

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.