• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Thần làng mùa lũ

Thứ sáu - 11/02/2022 21:58




THẦN LÀNG MÙA LŨ

(Nguyễn Quốc Văn)


Ðã thành thông lệ, tôi không nhớ rõ từ bao giờ, nhà tôi thường gói bánh vào sáng ba mươi. Sau bữa cúng tất niên, bố tôi xếp ba chồng gạch thay cho ông đầu rau rồi đặt thùng bánh chưng lên, chất củi gộc vào, lấy lửa từ cái đèn dầu trên bàn thờ châm bếp luộc bánh. 


Đêm ấy, cả nhà tôi thức canh bánh, đón giao thừa. Sang canh thì bánh đã rền, được vớt ra, xếp đều lên một cánh cửa sổ thành nhiều chồng và đặt lên trên một cách cửa nữa, xếp các cối đá, gạch cho đủ độ nặng ép bánh.


Trong khi chờ bánh, ai có chuyện gì đều đem ra kể. Câu chuyện bố tôi kể cả nhà đều thuộc lòng. Riêng tôi, tôi chép vào trang giấy này, để lỡ về sau đến tuổi thất thập, nếu có phải kể lại cho con cháu, cũng khỏi sợ nhầm lẫn.


"... Năm ấy, mưa to gió lớn nhiều. Đê sông Hồng, sông Đáy, sông Luộc và nhiều con sông khác nữa bị nước cuốn trôi đi từng mảng. Lúc ấy bố mới chừng năm tuổi, tên là Hạ. Năm tuổi, việc nhớ chỉ lõm bõm. Duy cái ăn thì nhớ rõ mồn một. Đói thì nhớ lâu, vậy thôi.


Khi nước rút, nhà cửa xiêu vẹo hoặc trôi mất. Riêng nhà ta ở nhà thờ họ, gọi là từ đường, xây bằng gạch ong, cột bằng gỗ lim đặt trên thớt đá, nước không làm gì được, phù sa mịn như mỡ phủ dầy đến hai tấc. Ngoài vườn, cam quít thối rễ, thân cứ đen lại. Góc vườn, những bụi lá dong rũ xuống, từ gốc bật mầm, gặp phù sa lớn nhanh trở lại, xanh mỡ màng. Phía ngõ ra vào, mấy khóm tre, hóm trúc cũng đứng thẳng lại, ngọn như những cây nêu cong lên, đung đưa.


Thóc giống quí hơn vàng đã vãi ngoài diệc mạ. Cả làng hầu như chẳng còn nhà nào có cơm ăn. May thay, ngoài đồng, trong các mương rạch, ao chuôm cá nhiều vô kể. Đúng là trời sinh voi trời sinh cỏ. Cứ thò tay xuống vũng nước là bắt được cá. Cá nướng,cá luộc, cá nấu canh, cá om trấu, cá kho... Trông thấy cá, bụng thì đói, nhưng vẫn sợ.


Khoảng giữa tháng Chạp, lúa đã cấy xong, xanh lạ lùng. Năm ấy lập xuân sớm. Ông nội dẫn bố và bác Trung ra cồn Tròn. Bố mang cuốc, bác Trung mang xẻng cho ông. Tưởng ông dẫn đi be đắp bờ ruộng ai ngờ ông dẫn đi thăm mộ tổ. Bố hỏi ông: "Thầy ơi! Cái đụn to kia là mộ tổ nhà ta phải không?". "Không. Đó là mả con mẹ Mìn ăn mày. Mỗi người một nắm đất mà to thế đấy." Bác Trung chỉ một cái mộ xây ở hai đầu có hai cái cột, trên đỉnh cột có tạc hình hai cái búp hoa đại, hỏi: "Có lẽ là cái này, hả thầy?". Ông nội bảo: "Đấy là sinh phần của cụ tiến sĩ họ Phan. Chả biết ông cụ đỗ tiến sĩ hồi nào, chỉ nghe gia phả họ Phan kể thế..." 


Đến một chỗ bằng phẳng ở giữa cồn, ông nội tự dưng bảo: "Các con thử tìm mộ tổ mình xem". Bố và bác Trung nhìn quanh chẳng thấy gì, cùng nói là không biết. "Vậy thì thầy chỉ cho. Nhớ lấy, nhá". Ông lấy cái xẻng bác Trung đang vác trên vai, cắm phập xuống giữa cồn, bước về phía Bắc ba bước rưỡi, bảo bố đánh dấu bằng một nhát cuốc. Rồi, trở lại chỗ xẻng, bước về phía nam ba bước rưỡi. Cũng vậy, ông bước về phía Đông và phía Tây, đánh dấu thành một cái dấu thập, mỗi nét dài bảy bước. Cuối cùng, ông nối đầu dấu thập ấy bằng các vạch ngang tạo ra một hình vuông, mỗi cạnh cũng bảy bước. Ông nói: "Mộ tổ ta đấy". Mãi sau này bố mới hiểu ý ông nội. Mộ tổ họ Trần ở đâu không ai rõ. Ơở cồn Tròn, cái cồn tượng Trời, cái khoảng vuông tượng Đất. Điền trang thái ấp... ở đấy cả.


Về nhà, lúc ấy ông mới cho xúc phù sa ở gầm các bàn thờ dọn ra sân. Ông tự nhào luyện đất cho nhuyễn, đóng được mấy chục viên gạch thất loại nhỏ. Ông nói qua Tết gởi vào lò gạch ông lý Sâm nung thành gạch, lấy gạch đó đánh dấu khu mộ tổ tiên cho dễ nhớ.


Làng ta từ xưa có lệ cúng thành hoàng ở miếu. Lệ ấy bây giờ vẫn còn nên các con đều biết cả. Lễ vật cũng đơn giản,gồm chín cái bánh chưng, chín bát nước trong và một cút rượu trắng. Cúng xong, lý trưởng làng -đồng thời cũng là chủ tế -tự tay ném tất cả lễ vật xuống sông, cầu xin đấng linh thiêng cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng được bình yên.


Suốt mấy ngày liền ông nội các con hết lên Đặng lại xuống Oản kiếm gạo, lúc về cứ thở dài thườn thượt. Năm nay đến phiên họ Trần lo dâng lễ vật cho làng ông nội các con là trưởng tộc, làm sao không lo lắng!


Chừng hai mươi Tết, ông nội sai bác Trung và bố ra vườn hái lá dong, rửa thật sạch, xếp vào rổ để ở góc bếp. Ông chặt một cây tre bánh tẻ, chẻ bao nhiêu là lạt. Quái lạ, ông lo được gạo nếp rồi sao? Giấu kĩ quá!


Hôm sau, bố và bác Trung đi chăn trâu, bà nội đi chợ. Đến trưa về, lạ chưa, ông nội đã gói xong chín cái bánh chưng. Vẻ mặt ông trầm ngâm. Ông khẽ bảo: "Năm nay gạo hiếm. Chỉ đủ gạo gói bánh dâng làng".


Tối, ông xếp ba chồng gạch thất thành ba ông đầu rau, lấy củi gộc đốt rồi đặt thùng bánh lên. Ông bảo cả nhà đi ngủ. 


Sáng, bánh đã ép xong, đều chằn chặn, vuông vưng vức. Bác Trung hít hít. Ông bảo: "Năm nay lụt, gạo cũng chả thơm nổi nữa". Đúng như thế. Y có mùi lá dong thì vẫn muôn thuở như vậy. Bố nhìn hau háu, nuốt nước bọt. Bác Trung nhìn bố thương hại.


Cả ngày hai ba tháng Chạp, dân làng xì xụp vái lạy trước bục thờ ở miếu thành hoàng. Nhìn những tấm bánh vuông vức ông lý trưởng ném xuống sông, nhiều đứa trẻ con khóc òa lên.


Nửa đêm, bác Trung từ đâu về không rõ, ướt như chuột lột, người cứ run bắn lên, răng đập vào nhau lập cập. Bác thì thào bảo bố:" Tao liều mạng lặn xuống sông mò bánh...". "Chết, sao anh lại làm thế? Miếu làng mình thiêng lắm. Rồi các ngài vật hộc máu mồm ra...". Bác Trung càng run hơn, nói không ra tiếng: "Tao biết rồi. Giờ thì tao tin... Tao mò được một cái bánh. Lên bờ, mở ra xem thì...". Bố im lặng, lo lắng nắm lấy tay bác, có ý bảo bác nói khe khẽ, kẻo ông biết thì chết. Bác Trung hiểu ý, thì thào vào tai bố: "Lạ quá em ạ! Các ngài đã hoá bánh của bố thành đất sét hết."


Vụ chiêm năm ấy lúa tốt bời bời. Mùa gặt, nhà nào nhà ấy thóc chất ngất đầy bịch. Cả làng nói miếu làng mình thiêng".


Câu chuyện bố tôi kể, cả nhà đã thuộc lòng, nhưng năm nào cũng vậy, mỗi người hiểu theo một cách. Người trợn mắt ra mà tin. Người tủm tỉm cười. Có người mới nghe đến chữ năm ấy, đã lặng rời câu chuyện xưa bước vào đêm trừ tịch đón một năm mới đang tới…


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.