- Văn học dân gian
Kiến nguyệt vong chỉ
Thứ tư - 15/04/2020 08:44
Thành ngữ tiếng Hàn, Hán: 견월망지(見月忘 指 - kiến nguyệt vong chỉ). Ở đây, kiến - nhìn, nguyệt - trăng, vong - quên, chỉ - ngón tay.
Câu này có nghĩa là hãy quên ngón tay đi, chỉ nhìn trăng thôi.
Câu này được trích trong điển tích về Lục Tổ Thiền Huệ Năng. Đại ý rằng, có một người nhờ Lục Tổ thiền Huệ Năng giảng 1 đoạn Kinh. Lục Tổ nói: thí chủ đọc giúp, ta sẽ giải, ta không biết chữ. Người kia ngạc nhiên, cho rằng làm sao thấu hiểu Phật pháp nếu không biết chữ. Lục Tổ bảo: Phật pháp như ánh trăng, văn tự như ngón tay. Ngón tay chỉ trăng chứ ngón tay không phải trăng, nhìn thấy trăng rồi thì hà tất phải nhìn ngón tay làm gì.
Đây là ý lớn đại diện cho Thiền đốn ngộ, trực chỉ kiến tánh.
Sau này, người ta dùng câu này để ám chỉ khuyên bỏ qua cái rườm rà, hãy nhìn vào điều chính yếu.
Bên tiếng Hàn còn có câu 4 chữ khác, trong đó 3 chữ giống, 1 chữ đồng âm dị nghĩa khi viết bằng chữ Hàn, nhưng lại khác khi dùng chữ Nho, đó là "見月望 指" (견월망지 - kiến nguyệt vọng chỉ), tức là nương theo ngón tay chỉ để nhìn trăng (vọng - vong).
Đều là nhìn trăng, nhưng bên thì bỏ ngón tay, đằng thì giữ lại. Nhưng ý của Lục tổ là bỏ.
Dương Chính Chức