- Góc chia sẻ
Ăn mày và khất thực
Thứ hai - 25/03/2024 16:32
(Ảnh: KIm Anh)
ĂN MÀY VÀ KHẤT THỰC
(Dương Chính Chức)
Trong một bộ phim về Đức Phật Thích Ca, thấy Đức Phật nói về Bố thí; ý chính là:
- Đi khất thực là một biện pháp để có được sự khiêm cung, an tịnh.
Ý này nghĩa là dám xin miếng ăn từ người khác, bất kể họ sang hay hèn hơn mình chính là dám bỏ cả sự ngạo mạn, thể diện của cái Tôi (Ngã mạn). Bỏ được Ngã mạn thì lòng yên ổn vì không còn bận tâm duy trì sĩ diện.
- Việc ta đi khất thực là giúp cho người cho tăng trưởng sự từ bi và sự tu tập của họ.
Ta chú ý từ "khất thực" hay "xin ăn" này. Xin bố thí đồ ăn chứ không xin bố thí tài vật. Xin ăn nên mới cầm bát. Người cho có thể phát tâm cho đồ ăn, cho của cải, tiền bạc vì họ nghĩ cho là cho thôi. Nhưng, người xin thì luôn phải tâm niệm là chỉ xin ăn, không xin tiền bạc, của cải, như vậy dù được cho cũng không bì vướng tham vào chúng.
Những thứ không xin mà được cho gọi là cung dưỡng và nhận cung dưỡng (ta hay nói là cúng dường), có thể đó là đồ ăn hoặc vật dụng (như việc Đức Phật và tăng đoàn tiếp nhận tịnh xá Kỳ viên, hoặc y phục từ các thí chủ). Ta để ý sẽ thấy chỉ có vật dụng chứ không có tiền.
- Ăn mày và khất thực khác nhau¹. Ăn mày là trốn tránh trách nhiệm. Còn khi ta khất thực, những tự đại, ngạo mạn cũng theo đó giảm dần; đối với người bố thí, việc cho đi cũng là cách đoạn trừ lòng tham, gột sạch tội lỗi của mình.
-----
Thế mà bây giờ sư tăng toàn xin tiền, rồi lại còn ngồi với nhau, bày cho nhau cách ép các thí chủ xuống tiền; khi thu phong bì cúng dường thì mặt lộ rõ sự hoan hỉ. Đạo Phật vốn theo thanh tịnh, giản tiện, tùy cảnh mà bây giờ chùa thì nguy nga, sư thì xa hoa.
-----
¹ Phim dịch là "Xin ăn và Khất thực là khác nhau". Cách dịch này không chính xác. Nên dịch là "Ăn mày và khất thực".
"Khất thực" (乞食) chính nghĩa là xin ăn rồi. Khất là xin. Khất thực chính là xin bố thí đồ ăn.
Còn "ăn mày" là xin, nhặt nhạnh đồ ăn thừa, đồng bạc lẻ để sinh tồn. "Mày" chính là lớp cám mỏng trên gạo, ngô, thứ thừa bỏ đi.