• dau-title
  • Góc chia sẻ
  • cuoi-title

Bà nội

Thứ sáu - 24/01/2020 23:56


Bà nội tôi 94 tuổi, móm mém chẳng còn cái răng nào nhưng vẫn ăn được bánh đa, mỗi ngày vẫn chăm mấy đứa chắt, đi bộ giữ sức khoẻ và đặc biệt rất minh mẫn. 


Mỗi mùa đông, Bà nội vẫn vận cái áo len và cái khăn nhung tôi mua tặng 15 năm về trước. Bà nội vẫn thích giản dị vậy thôi. 


Ngày xưa Bà nội có một cái quán nhỏ ngay mặt đường gần nhà. Bà nội bán chuối chín, chè Thái Nguyên, rượu Kim Sơn và bột đậu xanh. Đông khách lắm vì mua hàng của Bà nội luôn rẻ nhất và thật. Bà nội bẩu là: “buôn bán phải thành tâm”, “hàng thật, lãi ít nhưng đông khách, bán đc số lượng lớn”. Bài học về "quy mô" và "cá đẻ nhanh" tôi học được là từ đó".


Sau này, mở đường ra phố Huyện, cái quán ra mặt đường to. Các nhà khác thì mừng, còn tụi nhỏ chúng tôi thì lo muốn chết vì con đường nhỏ yên bình ngày xưa, nay tấp nập hơn. Sợ lão tài nào say rượu, nhấn ga một cái có mà đi cả quán và cả Bà nội. Nhiều năm thấy Bà nội cặm cụi, thấy thương nhiều nhưng vận động kiểu gì Bà nội cũng không chịu đóng cửa quán. Chúng tôi xuống gặp ông Cậu Út của Bà nội bàn mưu: nhân lúc Bà nội đi vắng, thuê xe ủi tới ủn cái quán đi. Về nhà thấy cái quán biến mất, Bà nội khóc, dỗi mấy tuần không nhìn mặt Cậu Út và mấy đứa luôn.


Yên yên được mấy tháng, thấy Bà nội vui khoẻ đi thăm họ hàng, tham gia hội họp, sinh hoạt Đảng,... chúng tôi lại nhận được “mật báo”: nghe đâu Bà nội đi xin việc bác hàng xóm để đan thảm cói (mỗi cái được đâu 10.000 đ). Biết là bị bọn nhỏ chúng tôi phản đối nên Bà nội giấu tiệt. Tụi tôi rình nhưng cứ thấy tiếng động là Bà nội lại hắng giọng: “chắc có con chuột, nó chạy nên Bà bật đèn đuổi nó đi thôi”. Rồi Bà nội tắt đèn đi ngủ. Mấy cái thảm mà bà nội cất vô tủ gỗ lim ngày xưa, khoá lại, bó tay không tìm đâu ra chứng cứ. Cho tới một hôm, thằng Cu Đan tóm được Cụ đang hì hụi khâu thêu lúc 2h sáng. Nó quát om lên, gọi cả bác hàng xóm chủ thầu đề nghị không được cho Bà làm nữa. Rồi nó châm lửa đốt mấy cái thảm đó ở sân. Bà nội lại giận, cả tuần bỏ ăn, tụi nhỏ chúng tôi nịnh thế nào cũng ko được, Cu Đan còn quỳ xin lỗi nhưng tính Cụ giận dai. Cụ đi xin việc trở lại, mấy bác chủ thầu trong xóm không ai dám cho Cụ nhận việc. Chuyện này cho đến tận giờ, mỗi khi nhắc lại, Bà nội vẫn dỗi. 


Bà nội thi thoảng lại kể những câu chuyện ngày xưa cả nhà đánh địch. Bà quen Ông trong kháng chiến. Ông nhỏ tuổi hơn Bà nội đến là khó tin (8 tuổi). Ông là công an tỉnh được cài cắm về vùng công giáo Phát Diệm làm an ninh chính trị. Bà nội khi đó là Chủ nhiệm Hợp tác xã. Sau này, nghe kể là Ngày Tết, anh em xã viên mang một bao lúa thừa định mức sau khi quét sân phơi tới biếu quà gia đình tiêu biểu khi Ông đi họp. Ông về bắt Bà viết bản tự kiểm điểm, mang bao lúa trả lại Hợp tác xã vì nhất định "Không tham ô một hào, một cắc của ai". 


Bà nội có mấy anh chị em đều theo kháng chiến hết. Bị địch bắt - Cậu Út bị cắt 1 vành tai, chặt 3 đầu ngón tay (để không thể bóp cò súng nữa) còn người khác thì bị nung dùi sắt xiên qua bắp chân. Các ông em khác cũng toàn cấp Đại Tá, kể cả lái xe Trường Sơn cũng Đại Tá, Trung Tá gì đó luôn. Bà nội tự hào lắm. Nhớ ngày xưa thi thoảng các ông tới trường kể chuyện kháng chiến, mình ngồi chào cờ cũng thấy oai "Ông tao đấy"!. Tiếc là bây giờ các ông đã về gần hết với Tổ tiên. 


Bà nội hay khóc thương Bác cả mới cưới vợ được 5 ngày đã đi chiến trường, giờ vẫn nằm lại biên giới Campuchia. Sau 3 năm chịu tang, Bà nội chủ hôn gả chồng cho bác gái. Cứ mỗi Tết đến, bác gái về nhà, mình lại thấy hai người phụ nữ ấy ôm nhau khóc. 


Bà nội có một vườn rau, cái ao nhỏ, đàn gà và cái giàn trồng gấc, trồng bầu. Bà nội lúc nào cũng ưu tiên đứa cháu gái rượu. Thậm chí, đến giờ vẫn gửi cho nó cả lá sả, hương nhu, rồi hoa bưởi và cây sài đất để nó khỏi cần đi tắm thuốc bắc Tài Thu. 


Bà nội tôi từng ăn cơm tro, nhường cơm trắng cho cháu ăn đi học.


“Rế không được cao hơn nồi”- Bà nội dạy vậy!


Mấy ngày giáp Tết, chẳng có gì nhiều để khoe. Nghĩ tới Bà nội, mình up lại mấy cái ảnh cũ và cái clip quay từ mùa Đông năm trước khoe Bà nội với mọi người.


Trần Thị Thu Hà

Từ khóa: bà nội

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.