• dau-title
  • Góc chia sẻ
  • cuoi-title

Hai chiều chia sẻ

Thứ sáu - 18/08/2023 15:11



(Ảnh: Lan Phương)


HAI CHIỀU CHIA SẺ

(Nguyễn Thu Thủy)


Năm 2014, mình được tham dự chương trình về chính sách kinh tế vĩ mô tại Đức. 


Hồi đó, khi vào vòng thi phỏng vấn cuối cùng, mình gặp câu hỏi: "bạn thích gì về nước Đức nhất?". 


Mình đã trả lời rằng, mình thấy nước Đức là trụ cột về kinh tế của khu vực Châu Âu. Mình nghĩ để làm được điều đó thì chính sách của Đức không chỉ đảm bảo nền kinh tế trong nước mà cả cách đối ứng với môi trường kinh tế khu vực và quốc tế, do đó mình muốn được tìm hiểu và học hỏi. 


Trong quá trình học tại Đức, có hai điều mà mình vẫn giữ mãi trong trí nhớ, mà chưa thực hiện được. 


1. THỐNG KÊ CÁC CHỈ SỐ KINH TẾ VĨ MÔ VÀ KHẢ NĂNG DỰ BÁO CHỈ SỐ "TỰ THÂN"


Điều đầu tiên là khả năng dự báo các chỉ số vĩ mô, từ chi tiêu chính phủ tới tính toán mức tăng trưởng. Năm 2014, chưa xảy ra covid, cũng là 2 năm sau khi Hy Lạp đổ vỡ trái phiếu chính phủ. Italia ngập trong nợ công. Từ trước đó, chính phủ Đức đã có đủ công cụ tính toán không cho phép xảy ra sai số tới 0.01%. Và dĩ nhiên Đức không gặp phải vấn đề với nợ công quốc gia, thậm chí còn là chủ nợ với các nước lâm vào tình trạng "dột từ nóc nhà" thời kỳ đó.


Sau này học thêm về thị trường Mỹ (dù sao thì hồi ở UK mình chỉ học về quantitative finance, chủ yếu là các sản phẩm đầu tư, và lý thuyết đầu tư, thay vì đi sâu về kinh tế vĩ mô, nên sau này vẫn phải học thêm nhiều chi tiết). Mình cũng thấy việc thị trường Mỹ có đủ công cụ ghi nhận lịch sử dữ liệu, công khai, vô cùng tiện ích, hiển thị trên đồ thị và cho phép thay đổi bằng nhiều trường dữ liệu khác nhau, đủ để mình lắp ráp các dữ liệu chính sách, các sự kiện vào dòng thời gian, đó là một điều mà ở Việt Nam chưa có.


Ở Mỹ thì việc dự báo và thực tế lệch nhau tương đối, nhưng ở châu Âu thì hầu hết dự báo rất sát với thực tế. Quan sát thời gian qua thì hầu hết tới 90% dữ liệu dự báo rất chính xác số thực tế. Đợt này có nhiều lần lệch với dự báo, nên ECB mới nhận định là "uncertainty" (độ bất ổn) trong môi trường kinh tế rất cao. 


Tạm không bàn về môi trường kinh tế hiện tại, chỉ tính tới việc đủ khả năng dự báo và công khai công bố thông tin, thì nền kinh tế sẽ có được "cái khiên" chống lại những biến cố về tiền tệ. Các nhà hoạch định chính sách sẽ dễ dàng hơn trong việc điều phối. Dĩ nhiên thời gian qua, khi covid và xung đột khu vực Ukraina xảy ra, dẫn đến nhiều thất bại trong việc điều hành. Nhưng rõ ràng là nếu tình trạng đó xảy ra với một nền kinh tế mù mờ không định hướng, đơn cử như xung đột xảy ra ngay sát vách nhà, thì đã chắc gì vững được như họ? 


Mấu chốt nhất chính là khả năng thống kê dữ liệu và có được mô hình tỷ lệ đúng cao nhất có thể, thì việc dự báo xu hướng giá cả, xu hướng đầu tư, và hơn hết là việc điều hành chính sách sẽ gia tăng tính hiệu quả. Người làm ăn kinh tế, người đầu tư vốn cả trong ngoài nền kinh tế đó sẽ có đủ công cụ để ra quyết định "rational" (hợp lý) hơn. Việc này tốt cho đại trà, ở phạm vi rộng. 


Cái tư duy "đục nước béo cò" nảy sinh từ những mập mờ trong môi trường kinh tế là hệ tư duy ăn rễ vào những người giàu đã trải qua thời kỳ mập mờ. Nó vẫn đúng và luôn đúng, vậy mới giải thích được việc những người tiên phong đi từ những nước phát triển đầu tư vào những nước chưa phát triển, mới chiếm lĩnh vị thế đi đầu và tích luỹ trước của cải giá rẻ. Ngay trong đầu tư cổ phiếu cũng vậy, cứ cái gì còn mù mờ mà nhìn ra cơ hội trước thì sẽ béo bở khi nó trở nên minh bạch. 


Nhưng "đục nước béo cò" sẽ sản sinh ra phân chia giàu nghèo ngày một cao nếu lợi ích cộng đồng không được đảm bảo. Mình từng qua Ấn Độ, vì niềm tin tôn giáo mù mờ của người dân, và cách thức đối xử của giới thượng lưu, quản lý dân số không tốt, việc phân hoá giàu nghèo thực sự rất tệ hại. Trong một thành phố giàu có như Mumbai vẫn tràn trề hàng "đàn" người ăn xin ăn mày, một sân golf xanh mơn mởn vẫn có thể đặt cạnh một khu vực giặt giũ nước đen ngầu như sông Tô Lịch. 


Một xã hội như vậy thì không thể đảm bảo an sinh cho tất cả mọi người. 


Một nền kinh tế không dự tính được tương lai không đủ sức đối mặt với tương lai đột biến. 


Cho nên điều đáng trăn trở là làm sao có được đủ các công cụ thống kê dự báo kinh tế công khai cho tất cả mọi người. 


2. THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH CHỨNG CHỈ CO2


Điều thứ hai mà mình học tại Đức là thị trường giao dịch chứng chỉ Carbon (CO2). 


Nói thật thì hồi đó môn này khó nhất, chỉ sợ thi vào môn này, chắc chắn bốc thăm đánh bừa. Căn bản ngoài việc bị jet lag nặng, và thầy cô nói hơi khó nghe (nói chung cũng tùy người nói, không phải người Đức nào nói tiếng Anh cũng dễ nghe, giống như không phải người Việt Nam nào nói tiếng Việt cũng dễ hiểu), thì nội dung về giao dịch chứng chỉ carbon có khá nhiều phân tích định lượng phức tạp. 


Cho tới giờ khi "Net Zero" trở thành xu hướng, một nội dung được quan tâm nhất hiện nay, thì điều này lại dấy lên nhiều tâm trạng. 


Giao dịch chứng chỉ carbon cũng như giao dịch trên giá trị của một tài sản cơ sở (underlying assets). Việc xếp nó vào "assets" đã là cả một trời định nghĩa, chưa nói tới năm 2014, tại Việt Nam chưa có giao dịch phái sinh. Thời đó anh em còn mò mẫm làm sao cho ra được sản phẩm Index Futures (Hợp đồng tương lai trên chỉ số chứng khoán), và làm thế nào để giải thích cho cơ quan ban hành chính sách về sản phẩm này, làm thế nào đào tạo người dân hiểu về nó, một sản phẩm gần như cơ bản nhất của cơ bản, thì đối mặt với loại sản phẩm còn khó mà xếp vào "assets" (tức là lưu lượng khí CO2 phải được xếp vào hạng mục tài sản), và khó cả việc định lượng (làm sao chúng ta đủ công cụ công nghệ để định lượng nó) là một việc khó không ở mức bình thường. 


Nói tới việc học đầu tư từ những năm 2009-2010, thì mình cũng không học về cái này. Lý do là vì nó không phải sản phẩm "bình dân học vụ". Không phải ai cũng sẽ giao dịch nó, vì nó là sản phẩm dành cho những nhà sản xuất lớn, những doanh nghiệp được cho là có mức độ xả CO2 không ở mức hít thở của một con người. Một sản phẩm để đóng góp vào sự bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn trái đất, một tương lai của hàng chục thế hệ, thì không chỉ cho 1 người mà phải là sự tập hợp tài chính của vô vàn người, nó thuộc về việc bảo tồn sự tồn tại của các định chế chính trị. 


Do đó, để làm chính sách thì phải hiểu nó và xây dựng sản phẩm này. Và khi nó đã trở nên rõ ràng thì người đầu tư cũng cần hiểu nó để lựa chọn những doanh nghiệp có chính sách ESG tốt (Environment - Society - Governance / Môi trường - Xã hội - Quản trị).


Lý do là vì, thay vì sự giàu có đến từ cướp bóc, sự giàu có bền vững sẽ đạt được khi tính đại chúng của chính sách được đảm bảo. Sự giàu có đại chúng có thể tạo ra sự giàu có cá nhân cực kỳ mạnh mẽ. 


Vì việc gì cũng có hai chiều, nên mình tạm dừng luận bàn tới đây. 


Để giảm cân nên quyết định ngồi gõ bàn phím cho tiêu calo.


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.