• dau-title
  • Góc chia sẻ
  • cuoi-title

Tên gọi các thể loại truyện giữa tiếng Việt và Tiên Hàn.

Thứ năm - 27/04/2023 09:02


(Ảnh: Van Pham)




TÊN GỌI CÁC THỂ LOẠI TRUYỆN GIỮA TIẾNG VIỆT VÀ TIÊN HÀN

(Dương Chính Chức)

 

1. Thần thoại, chữ Hán viết là 神話, là những câu chuyện của, hoặc về các vị thần tiên, không phải về người phàm. 

 

Tiếng Tiên, Hàn giống ta, gọi là 신화, chữ Hán cũng là 神話, tức thần thoại.

 

Về bản chất diễn đạt của các câu chuyện thần thoại cơ bản vẫn giữ đúng ý đó. Con người nếu có xuất hiện thì cũng là vai phụ. 

 

2. Ngụ ngôn, chữ Hán viết là 寓言, tức là câu chuyện kể thế này, nhưng ý tứ gửi gắm vào là thế kia. Ngụ ngôn là những lời nói có ngụ ý. 

 

Tiếng Tiên, Hàn dùng khác Việt chút ít, là 우화, chữ Hán là 寓話, tức ngụ thoại. Khác chút về chữ chứ ý như nhau.

 

Các câu chuyện ngụ ngôn Việt Nam hay được dùng bằng cách nhân cách hóa bọn động thực vật. Bạn Thỏ, lão Hổ, nàng Sen, chàng Trúc...Thực ra, cứ nói có ngụ ý là ngụ ngôn, ngụ thoại rồi. 

 

3. Huyền thoại, chữ Hán viết là 玄話, ý là chỉ câu chuyện mập mờ chả biết có thật hay không. Huyền là huyền bí ấy.

 

 Tiếng Tiên, Hàn khác ta một chữ, họ gọi là 설화, chữ Hán là 說話, tức thuyết thoại. Thuyết thoại là chuyện được nói, kể lại. Có vẻ thuyết thoại diễn tả mức huyền bí ít hơn so với huyền thoại của Việt. 

 

4. Cổ tích, chữ Hán viết là 古蹟, ý là chuyện có tích cổ, tích xưa, hay có kiểu "ngày xửa ngày xưa". Nó không nhất thiết phải có yếu tố thần thoại nhưng cổ tích Việt lại hay có. Có tí thần tiên, biến hóa nó mới hay. Cổ tích là hình thức điển hình để minh họa cho một di tích từ xưa (di tích là vết tích còn lưu lại), kiểu nàng vọng phu, chuyện trầu cau hay chuyện liên quan bánh chưng bánh dày.

 

Tiếng Tiên, Hàn lại mang ý khác hẳn. Họ gọi chuyện cổ tích là 

동화, chữ Hán viết là 童話, tức là đồng thoại, chuyện cho trẻ con. 

 

5. Truyền thuyết, chữ Hán viết là 傳說, tức là câu chuyện được truyền lại. Tiếng Tiên, Hàn gọi là 전설, chữ Hán là 傳說, tức cũng là truyền thuyết như ta. 

 

Truyền thuyết tương đối giống với 설화 (thuyết thoại) của Tiên, Hàn. 

 

6. Truyện dân gian, chữ Hán viết là 民間傳, tức là những câu chuyện tồn tại trong dân gian xưa nay, nhiều khi không có thật và đương nhiên không phải chính sử, kiểu chuyện Sọ Dừa, chuyện Tấm Cám...Đa phần các thể loại truyện kể ở trên đều là truyện dân gian.

 

Tiếng Tiên, Hàn gọi là 민감설화, chữ Hán viết là 民間說話, tức dân gian thuyết thoại, hay còn gọi là 민담, tức dân đàm (民譚). 

 

7. Sử thi, chữ Hán viết là 史詩, tức là câu chuyện có tính chất lịch sử, hoặc tự sự được viết theo thể vận văn (韻文), tức văn vần. Nói có tính chất lịch sử bởi nó kể về chuyện quá khứ nhưng có thể là thần thoại.

 

Tiếng Tiên, Hàn gọi là 서사시, chữ Hán viết là 敍事詩, tức tự sự thi, họ cũng gọi đó là những bài tự sự thi kiểu vận văn (운문).

 

* Tự sự chắc nhiều người hiểu là kể về bản thân. Thực ra, tự sự là kể, thuật lại sự việc, thế thôi. 

 

8. Truyện cười là những câu chuyện gây cười. Ta vẫn gọi là tiếu lâm, tức rừng cười. Tiếng Tiên, Hàn thì thể hiện bằng nhiều tên, như 우스운 이야기 (truyện buồn cười), 웃긴 이야기 (truyện gây cười), 유머 (phiên âm từ humor), 우스개 (hài, 개 là gọn của 개그 vốn phiên âm từ gag). 

 

Chú ý là những cái nói trên khác với 농담/롱담 (弄談, lộng đàm) tức là nói đùa. 

 

Chắc còn nữa, chưa nhớ ra hết....

 

(Tranh minh họa: 이연주)

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.