- Lý luận - Phê bình
Câu hỏi lớn trong kiếp nhân sinh vô thường
Thứ sáu - 29/05/2020 11:22
Tôi muốn ra khỏi ngôi nhà im ắng để tiếp xúc với phố xá phồn tạp ngoài kia. Có thể ngồi ở một trạm xe buýt nào đó.... Mặc cho người lên kẻ xuống. Mặc cho tiếng ình ình chát chúa của đám xe cộ căng dần những sợi dây thần kinh. Mặc cho nắng bức và ngột ngạt khói xe bụi đường... Tôi sẽ ngồi viết về Hemingway cùng với tác phẩm mỏng như truyện ngắn để đời của Ông, và chuẩn bị một chuyến ra khơi cùng "Ông già và biển cả".
Cả đời của Hemingway cũng là một cuộc hành trình. Đi khắp nơi trên thế giới thì đâu đâu ông cũng chỉ thấy là quán trọ. Ông leo lên những đỉnh núi cao vút ở châu Phi. Ông lên chiếc thuyền cô đơn ra giữa trời nước mênh mang vùng Cu-ba để thả lưỡi câu của Khương Tử Nha. Nhưng tính cách mạnh mẽ, tư duy vạm vỡ của ông chính là lao như cơn gió thốc vào lò lửa bát quái của những cuộc chiến đẫm máu. Ông là nhân chứng cho 2 cuộc chiến tranh Thế giới. Ông về Mỹ với mình đầy thương tích. Và tâm hồn thương tích nhiều hơn. Có những vết thương không lành. Luôn rỉ máu.
Ông nhận mình là "thế hệ vứt đi". Chứng kiến quá nhiều tư tâm ích kỷ của con người ; chứng kiến những giá trị hư vô của kiếp nhân sinh, Ông cố vẫy vùng để thoát khỏi những gì Hậu Thiên mà bao nhiêu người hôm nay đang cổ súy: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Hemingway tích lũy quá nhiều cái sàng khôn, nên ông nhìn ra cái lý bên trong đó là sự dại khờ, Mê lầm của kiếp người.
Ông không muốn nói. Đúng hơn là dùng thiên tài văn chương của mình để nói cái điều muốn cấm khẩu mình. Ông quay về với cách các nhà thơ Đường phương Đông thường làm. "Nguyên lý tảng băng trôi" của ông thực ra là truyền tải cái "Ý ở ngoài lời ".
Những phân tích, bình luận về Tiểu thuyết “Ông già và biển cả” của Ernest Hemingway (bản dịch của Huy Phương) đã được nói rất nhiều rồi. Ở đây, tôi chỉ muốn giới hạn bài viết của mình để tìm hiểu "nguyên lý tảng băng trôi" trong một số chi tiết về mối quan hệ giữa ông lão đánh cá và con cá trong đoạn trích: “Xan-ti-a-gô và con cá kiếm” (Sách giáo khoa văn học 12).
Người ta thường lấy chi tiết con cá “bơi đi, chiếc đuôi lớn vùng vẫy trong không khí” làm làm minh chứng cho thứ hình tượng ba phần nổi, bảy phần chìm của Hemingway.
Bởi, trước đó ông lão đã: “Ước gì mình nom thấy nó dù chỉ một lần, để ít ra thì cũng biết được là mình đang đương đầu với cái gì đây chứ” (trang 42) khi con cá nổi lên trên mặt nước thì có nghĩa là nó đã kiệt sức, khả năng kéo chiếc thuyền của nó không còn “một đường thẳng tắp” (tr.43), “những cái túi bên xương sống căng đầy không khí và nó chẳng lặn được xuống sâu” (Tr.49). Bởi thế nó bắt đầu lượn vòng.
Ở đoạn trích, có một đoạn rất lạ nói về mối quan hệ giữa ông lão và con cá. Khi thì đối thoại: “Cá ơi đằng nào rồi mày cũng phải chết thôi. Mày cũng muốn tao chết theo mày hay sao?” Khi thì độc thoại: “Cá ơi quả là mày muốn giết tao (…) đó cũng là quyền của mày thôi. Anh bạn cá kia ơi thân già này chưa bao giờ trông thấy một cái gì lớn lao, oai vệ, đường hoàng đẹp đẽ đến như anh. Đấy, anh cứ giết ta đi. Ta giết anh hay anh giết ta, cái đó ta nào có quản ngại gì”. Khi thì lấy con cá làm cái gương cho mình phấn đấu: “Phải bình tĩnh và chịu nỗi nhọc nhằn này sao cho xứng là một người. Hoặc cũng được như con cá”.
Mối quan hệ này có cần lưu tâm tới và coi nó như một ẩn dụ của một “tảng băng” mà chúng ta đã nói ở trên kia không?
Ta biết rằng ông lão đã 74 tuổi, đã trải nghiệm rất nhiều về cái nghề đánh cá. Lão phán đoán: “Cứ độ hai ba vòng nữa mình sẽ tóm được cu cậu (tr.82)” nhưng thực tế thì con cá đã lượn tiếp không biết bao nhiêu vòng nữa ngoài dự kiến kinh nghiệm nghề nghiệp của lão. Quả thật đây là lần đầu tiên trong đời, lão già gặp một đối thủ khác lạ - một đối thủ mà lão không dễ gì đánh quỵ. Vâng, đây là đối thủ lão cần chinh phục chứ không phải là một địch thủ mà lão phải khuất phục. Cho nên đáng lẽ lão phải căm thù, phải nguyền rủa con cá chết tiệt đã quần thảo lão ba ngày đến kiệt sức, đến rã rời thì lão lại bày tỏ thái độ rất thân thiện. Bao nhiêu lần gọi “Cá ơi” rồi “anh bạn cá kia ơi” rồi thì “anh” … Rõ ràng lão già đang tâm sự thân mật với đối tượng đánh bắt của mình bằng những lời âu yếm, bằng sự chia sẻ tâm sự, bằng sự công khai nói lên điều thán phục kính trọng (câu 4). Thậm chí, lão đã tỏ cái thái độ yếu đuối thân già của mình mong con cá vì sự kiệt sức của mình mà hy sinh. Thậm chí dỗi hờn kết án con cá (câu 2), mối quan hệ thân thiện giờ đây đã bị đẩy xa ra, lão không gọi “mày, tao” mà là “anh, ta”. Có cái gì đó như lời van xin năn nỉ đối thủ cần phải hiểu mình, cảm thông với mình mà nhượng bộ bằng sự hy sinh.
Rõ ràng, lão già đã nghi ngờ khả năng của mình. Lão không khẳng định “mình phải giết nó (tr.55)” mà xác định “mình còn chống chọi được”.
Tại sao lão già lại tâm sự với con cá tha thiết như vậy? Nếu những lần trước lão ra khơi, lão đánh bắt những con cá nhỏ như là chuyện đời thường, thì lần này lão đã vớ được một con cá lớn. Những lần trước chỉ cần khuất phục là đủ thì lần này lão phải chinh phục. Lão đã có đối thủ. Sống trên đời này không có một đối thủ thì cũng thật là buồn. Vua cờ Mooc-phi của Mỹ vì không có “kỳ phùng địch thủ” trở nên “độc cô cầu bại” mà chết trong buồn chán, tủi nhục. Trên một phương diện nào đó, con cá lớn này đối với người đánh cá nhà nghề nó còn là kẻ tri âm, tri kỷ “bây giờ mình phải gắn bó với nhau” (tr.46) “nó cũng là người anh em của mình” (tr.55). Cho nên không phải ngẫu nhiên, khi giết chết con cá, lão già vui ít buồn nhiều cứ ý như “Chung Tử đi rồi lẻ Bá Nha” vậy. Chính lão đã hối hận: "Mình đã trót già đời rồi. Nhưng mình đã giết con cá này, nó là anh em của mình, và bây giờ thì mình phải gánh chịu lấy mọi nhọc nhằn" (tr.87).
Quả thật cuộc chiến đấu của ông già với con cá lại “Thấm đượm một tình yêu” với đối thủ.
Trong các tác phẩm, không phải ít lần ta bắt gặp những câu văn bày tỏ thái độ trân trọng, yêu thương con cá của ngư ông như vậy: "Nó cắn câu và kéo mồi đàng hoàng như một kẻ mày râu nam tử, nó tìm cách chống cự không hề hoảng hốt" (tr.44); "Cũng may mà những giống vật đó chẳng được tinh khôn bằng những kẻ săn giết chúng tuy chúng cao thượng và có sức khỏe hơn" (tr.58); "Con cá kia là bạn hữu của mình, mình chưa bao giờ trông thấy mà cũng chưa bao giờ nghe ai nói đến một con cá như thế. Tuy vậy mình phải giết nó "(tr.69); "Thế nhưng con người có đáng ăn thịt nó không nhỉ? Không, nhất định là không. Chẳng một kẻ nào xứng đáng được ăn thịt nó, thử ngẫm mà xem, nó thật oai vệ và dũng cảm biết chừng nào!" (tr.70).
Yêu thương và trân trọng nhưng buộc phải giết những người anh em của mình phải chăng đó chính là bi kịch của chúng ta, của cái thế giới đang dần trở nên bại hoại “trong thời đại chúng ta”? Cái thời đại mạt thế vì ích kỷ cùng cực mà máu lửa, chiến tranh, mưu mô ác độc và bẩn thỉu xô nhân loại vào lò sát sinh với hai cuộc thế chiến tàn khốc…. Phải chăng Hemingway “sứ giả của nhân loại” sống trong tâm xoáy của những biến động kinh hồn thế kỷ đã cho ta nhận thức ra cái trớ trêu ấy và ông thay mặt “thế hệ vứt đi” rung những hồi chuông phản tỉnh chúng ta? Đó phải chăng là cái trớ trêu mà Sô-lô-khốp đã phản ánh trong “Sông Đông êm đềm” khi mặt trận im tiếng súng, binh lính của hai chiến tuyến tràn vào công sự của nhau cười nói hát ca, để rồi sau đó theo lệnh chỉ huy lại nã đạn vào đầu nhau… Sự tha hóa của con người đã trở thành cái máy vận hành chỉ qua một cái công tắc của một kẻ tha hóa trên đó mà ta gọi là chỉ huy, lãnh đạo!
Con cá có phải chăng là mục đích mà nhà văn đeo đuổi để sáng tạo nên tác phẩm lớn nhưng “lực bất tòng tâm”? Nó có phải là khái niệm ước mơ, là khát vọng vô tận của con người muốn chinh phục mọi thứ bằng bản sự và ý chí của mình?
Giết chết một con cá, chinh phục một đối tượng khó chinh phục phải chăng Hemingway đã chứng minh cái mà nhiều người gọi là chủ đề của tác phẩm: “Con người có thể bị tiêu diệt nhưng không bị khuất phục”?
Nhưng dư âm đọng lại là “nỗi buồn về thân phận con người trên thế gian này” (Hoàng Nhân). Bản chất và ý nghĩa thực sự của chiến thắng lại là sự thất bại, phải chăng đây là một sự phi lý có thực, là nét đặc trưng của “thời đại chúng ta”? Nó không chỉ là lời than thở: "Cá ơi, lẽ ra tao không nên đi xa đến thế này. Chẳng ích gì cho mày mà cũng chẳng ích gì cho tao. Cá ơi, lòng tao ăn năn lắm"(tr.101); "Ta thật tức là đã ra khơi quá xa như thế. Tao đã làm hại cả mày lẫn tao." ( tr.106); "Ta đã đi quá xa" (tr.111).
Nó không chỉ là hình ảnh ông lão vác cột buồm “rồi nằm sấp lên những tờ báo cũ, hai tay dang thẳng, lòng bàn tay ngửa lên trời” khiến ta liên tưởng đến cụ Ma-bớp trong “Những người khốn khổ” của V. Huy-gô cũng ngã sấp xuống mặt đường đóng hình chữ thập như Đức Chúa chịu nạn… Lão già phải vác cây thánh giá, phải tự đóng đinh mình khi mình gây tội “giết người anh em” là con cá đáng kính trọng “Nó đã chọn cảnh sống ẩn thân trong vùng nước sâu thẳm, tối tăm, xa các lưỡi câu, xa những phường nham hiểm…(tr.46)”
Lão già đã ân hận, đã ăn năn ngay sau khi giết cá, ngay sau khi giành thắng lợi, lão đã thấy sự thất bại rồi! ("Cá ơi, lòng tao ăn năn lắm - tao đã làm hại cả mày lẫn tao…")
Tự nhận mình là “Thế hệ vứt đi” tự cô lập trên biển cả làm bạn với chim trời cá nước nhưng Hemingway vẫn là “con người xã hội”. Nếu coi ông già là nhà văn thì ta thấy sự trăn trở của tác giả về hành động giết con cá (Tất nhiên có thể hiểu theo nghĩa ẩn dụ) không phải giản đơn.
Ông già đã giày vò và đã dùng mọi lý lẽ của thời đại để rũ bỏ một hành động phạm tội.…“Tuy vậy, mình cũng giết nó. May thay là người ta không buộc lòng phải giết đến cả những vì sao!".
Đây phải chăng là dư âm của phiên tòa xét xử các tướng tá, quan chức của chế độ phát xít tại Thành phố Nürnberg sau khi Đức Quốc xã thua trận. Trước công lý những kẻ sắp bị treo cổ vẫn leo lẻo biện minh cho hành động giết người của mình là làm theo lệnh của Quốc Trưởng.
Thế giới hôm nay vẫn chẳng rút ra được kinh nghiệm nhiều hơn. Thứ ngụy biện này lại được nói ra trong phiên tòa xét xử xử bọn Khơ me Đỏ; bọn gây chiến tranh thảm sát ở châu Phi và vùng Ban căng…
Kỳ lạ thay, nấp bóng Tín Ngưỡng, Hít-le thảm sát Do Thái. Cũng vậy, ngay thời đại chúng ta đang sống, Giang Trạch Dân cũng dán nhãn hiệu vu vơ: "Pháp Luân Công là tà đạo" rồi lập ra phòng 610 với số nhân viên đông đúc và cách thức hành ác siêu quyền lực chẳng khác gì Gestapo. Giả định hàng chục ngàn cảnh sát 610 đứng trước một phiên tòa công lý liệu có lặp lại những kẻ đã đứng dưới giá treo cổ?
Hãy đọc tiếp những lời tự vấn: "Giá như có một người, ngày nào cũng tìm cách giết chết vầng trăng thì sẽ ra sao nhỉ? (…) Ừ Trăng thì nó chạy lẫn đi. Nhưng giả sử có một người nào đấy ngày nào cũng nghĩ cách giết chết mặt trời chẳng hạn? Sống như mình thế này cũng là may mắn lắm” (tr.69)
Có những kẻ còn ác hơn mình, còn có mưu toan tạo ngày tận thế. Ý nghĩ ấy cũng không xoa dịu được ông lão. Ông lại tiếp dằn vặt mình: "Nhưng dù sao chưa phải buộc lòng đi đuổi bắt mặt trời, hoặc trăng sao cũng là điều may mắn. Cứ sống lênh đênh trên mặt biển săn giết những người anh em của mình như thế cũng đã mệt lắm rồi". (tr.70)
Vẫn không giải tỏa được sự ăn năn, ông lão lại tiếp tục giày nát con tim mình: "Cứ suy ra thì ở đời bằng cách này hay cách khác chỉ tuyền là một trò giết chóc lẫn nhau mà thôi." (tr.97). Và rồi lão tự xỉ vả mình: “Bố mày giết nó vì lòng kiêu ngạo, vì bố mày trót làm cái nghề đánh cá này. Bố mày yêu con cá kia khi nó còn sống và còn yêu nó khi nó đã chết, chẳng phải vì chết đói và bán kiếm tiền mà bố mày giết con cá” (tr.97).
Lão xác nhận: "Nghề đánh cá này nuôi sống mình bao nhiêu thì cũng giết chết mình bấy nhiêu". (tr.97)
Thử thay thế cụm từ “Nghề đánh cá này” bằng “Nghề văn này” ta sẽ thấy một di chúc về nghề nghiệp của Hemingway. Rõ ràng vì kiêu hãnh và lòng tự ái của nghề đánh cá mà lão giết con cá, vì lão trót sinh ra đã là người đánh cá. Như quan tòa vốn là thiện nhân nhưng trong một Nhà nước quan liêu phản động nó phải làm điều ác. Những kẻ cầm cán cân công lý trong một thời đại mọi giá trị đạo đức bị lật nhào thì ít hay nhiều, có chút nhân bản ăn năn thì cũng chịu sự tha hóa.
Lão có thể từ bỏ nghề đánh cá để bảo vệ con cá, bảo vệ cái Đẹp được không? Có thể bảo vai trò viên quản ngục để thăng hoa thành cái tài cái khí phách của Huấn Cao như trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân được không?
Địa vị xã hội nhiều lúc đã giết chết cái Đẹp, biến nó thành bộ xương vô hồn. Địa vị mà xã hội giao cho ông lão làm nghề đánh cá thì lão không có quyền chối từ việc đánh cá mặc dù nhiều lúc lão không muốn. Ở đây không chỉ là sự đối lập của con người tự nhiên với con người xã hội mà là đối lập giữa con người Thiện căn bản chất với con người của cái Ác đang bị xã hội vắt nặn.
Ông lão hành động không theo sự thúc ép trực tiếp nhưng thực ra lão đã phải chua chát mà thực hiện một nhiệm vụ được xã hội giao phó. Thật là mỉa mai chua xót khi mà lão cứ luận tội mình: "Nếu bố mày yêu nó mà giết nó cũng chẳng có gì là tội lỗi. Hay chính vì thế mà tội lỗi lại càng nặng thêm nhỉ."; "Dù sao thì mình cũng thỏa dạ mà giết được nó. Nó thật đẹp. Thật oai vệ. Nó chẳng biết sợ là gì."
Và hỡi các chính khách trong thế giới đầy những lời lừa mị, các người đã bao giờ nói như lão già này chưa: "Mình giết nó trong hoàn cảnh tự vệ chính đáng. Và mình đã giết nó một cách tài tình."
Giọng điệu mai mỉa của Hemingway không làm chúng ta cười được. Những lời biện hộ của những kẻ mạnh kiểu này “trong thời đại chúng ta” không hiếm.
Thế mà “Mặt trời vẫn mọc”, thế mà những con cá trốn tránh những phường nham hiểm vẫn bị giết. Phải chăng dù nó có to lớn, đường bệ, dù nó có cao thượng, đẹp đẽ, dù nó có ở nơi xa trong vùng nước thẳm…thì nó vẫn cứ bị tiêu diệt…
Thời đại của Hemingway sống, các trải nghiệm mà ông tham gia, ông chứng kiến, đặc biệt hai cuộc thế chiến đẫm máu chẳng phải là như thế chăng? Muốn không bị tiêu diệt thì không có quyền làm cá….
Người ta nói rằng: nhân tài là do thông minh, do chăm chỉ, do ý chí, do kinh nghiệm tích lũy mà có. Còn Thiên Tài phải do ...Trời!
Các sinh mệnh cao tầng đã an bài cho các Thiên Tài đến với loài người như một sự sắp xếp có dụng ý. Theo tôi, nó hoàn toàn không ngẫu nhiên. Tôi nhớ không nguyên văn lời Einstein nói: Trước hết là các nghệ sĩ lớn, sau đó mới là các nhà khoa học... Chính họ mở đường và dẫn nhân loại bước vững chắc vào văn minh lâu dài.
Tôi tôn sùng Nguyễn Du không chỉ là nhà nhân đạo vĩ đại, nhà thơ dân tộc kiệt xuất... Mà tôi cho rằng, Ông là một trong những Thiên Tài được giao phó cho sứ mệnh rao giảng những điều các Giác Giả đã truyền dạy thế nhân bằng nghệ thuật ngôn ngữ, bằng hình tượng nhân vật. Đọc những dòng:
"Đã mang lấy Nghiệp vào Thân
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài"
“Tu là cõi phúc, tình là dây oan."...
Hoặc ai đã từng quan tâm tới giáo lý của Phật Gia, chỉ cần tìm hiểu khái niệm "Thân Phận" thì "Từ điển Truyện Kiều" của Đào Duy Anh thống kê có 63 chữ "thân"với nghĩa là mình, tức là thân thể; có 43 chữ "phận" với nghĩa là phần riêng, địa vị, số phận. Thử thống kê một số câu thơ:
"Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên.
Thân này thôi có còn gì mà mong!
Thân này đã bỏ những ngày ra đi!
Rằng tôi bèo bọt chút thân.
Thân lươn bao quản lấm đầu.
Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân.
Cửa người đày đọa chút thân.
Chút thân quằn quại vũng lầy.
Thân lươn bao quản lấm đầu.
Đành thân cát dập sóng dồi.
Thân sao thân đến thế này.
Phận bèo bao quản nước sa.
Phận hồng nhan có mong manh.
Đau đớn thay phận đàn bà!
Phận con thôi có ra gì mai sau"....
Các dòng thơ trên cho ta Ngộ được rất nhiều điều. Hemingway cũng thế! Ông là Thiên Tài có sứ mạng rao giảng những điều mà nhân loại luôn băn khoăn. Theo thể Ngộ của từng người mà hình tượng vốn hiển minh qua ngôn ngữ lại trở thành một tảng băng trôi với chúng ta.
Đọc lại "Ông già và biển cả" lần này, tôi vào căn phòng yên lặng, tránh mọi phồn tạp có thể. Tôi giở từng trang sột soạt cùng tiếng tích tắc như nhanh dần của đồng hồ. Gấp sách lại. Một câu hỏi lửng lơ như tự kiếp nào: Rốt cuộc, người ta sinh ra, sống với Đời này để làm gì? Trầm tư thụ động hay là tuôn vào cõi bể dâu để làm gì? Hành động rồi chiến thắng để làm gì? Alexandros Đại Đế buông cánh tay không ra khỏi quan tài khi ông có quyền lực, của cải và đế quốc rộng lớn. Vua A Dục bẻ kiếm đột nhiên chấm dứt các cuộc chinh phạt bất bại để hoằng dương Phật Pháp; Hít-le đồ tể và họ Giang tắm máu; Nguyễn Du xưa và Hemingway nay, cả Đông lẫn Tây đều day dứt với những điều trông thấy.
Họ đã thấy nhân sinh vô thường. Ai cũng sống kiếp đoạn trường của cõi nhân sinh.
Săn cá lớn để làm gì? Đi xa bờ là ý chí, là khát vọng. Nhưng liệu con người có cao ngạo để khẳng định trí tuệ và năng lực của mình là không biên giới? Bắt được con cá rồi giết được nó, rồi đưa về bờ… kết quả chỉ là một bộ xương! Mọi hành động, mọi tính toán, mọi trạng thái phấn khích hay u buồn của con người đều không ngoài chữ Tình (hiểu theo nghĩa rộng) dẫn động? Sống kiếp con người luôn Khổ, bởi vì Mê.
"Ông già" hòa hợp hay đối kháng với "biển cả"?
Tôi lựa chọn hành động cuối cùng của ông lão: Nằm giang tay hình chữ Thập trên bãi biển, muốn giác ngộ ở một thế giới khác. Nơi ấy thoát mọi sự ràng buộc và rắc rối của những câu hỏi kiếp nhân sinh: "Nỗi hờn kim cổ Trời khôn hỏi" ( Nguyễn Du).
Câu trả lời của Hemingway đã quá rõ.
Tảng băng không trôi trên biển nữa.
Cả bảy phần còn lại của nó hoàn nguyên trên bãi cát!
La Vinh