- Lý luận - Phê bình
Giấc mộng Trang Chu
Thứ hai - 22/06/2020 12:19
Trong phần "Tề vật luận" có bài cuối cùng thường được người sau gọi là "Mộng hồ điệp", hay "Trang Chu mộng hồ điệp" là một đoạn văn nổi tiếng kim cổ. Câu "Không biết Chu chiêm bao là bướm hay bướm chiêm bao là Chu" rất thú vị, với lẽ "Bướm chiêm bao là Chu" thì cả cuộc đời phức tạp chỉ nằm trong một giấc mơ của con bướm mà thôi...
Không ít người đã dành nhiều thời gian để đi tìm hiểu về Trang, nhân vật có nhiều giai thoại và nhiều huyền áo thần bí, được Tư Mã Thiên đánh giá rất cao thuộc trường phái Đạo Gia. Đông Tây Kim Cổ bàn không biết chán trước tác NAM HOA KINH này. Thậm chí, có nhiều học giả quá khích cho rằng: Nếu phải hủy hết nền văn hóa khổng lồ của 5000 năm Trung Hoa, thì chỉ cần một cuốn sách của Trang còn lại là đủ. Là thơ, là văn, là triết, là tín ngưỡng.. Là, là rất nhiều thứ! Vậy mà dường như người ta vẫn không thấy mệt khi tìm hiểu về tác phẩm này.
Cứ như một gã Nho sinh ngày xưa trong Liêu Trai của Bồ Tùng Linh. Chàng bị một Nàng áo xanh vốn là con nhặng xanh lừa vào rừng quên hết Thánh Hiền để rồi vớt người tình ỏng ẻo của mình trầm mình trong lọ mực. Lang thang đi cùng Trang Tử cũng cầm bằng như trao thần tính lẫn thần hồn cho ma hay là cho du Thần tản Tiên không biết nữa... Ông dắt mình vượt suối, băng ngàn, uống sương trên lá thông cheo leo vách núi, ngồi trên cánh bướm chập chờn ngắm mình trong cái hồ nhân ảnh để vừa hân hoan vừa muốn khóc cười khi thấy mình vừa là bướm vừa là Thánh Nhân; vừa thấy Thị là Phi, vừa không có Thị Phi…
"Trang Chu mộng hồ điệp" là một đoạn văn nổi tiếng kim cổ, nguyên văn như sau: "Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp, hủ hủ nhiên hồ điệp dã, tự dụ thích chí dữ bất tri Chu dã. Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã. Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư? Hồ điệp chi mộng vi Chu dư? Chu dữ hồ điệp, tắc tất hữu phận hĩ. Thử chi vị Vật hóa".
Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch: "Xưa Trang Chu chiêm bao thấy mình là bướm vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Chu nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Chu. Không biết Chu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Chu? Chu và bướm ắt phải có tánh phận khác nhau. Đó gọi là Vật hóa".
Tích này được nhắc đến rất nhiều trong văn chương về sau, như trong bài "Cầm Sắt " của Lý Thương Ẩn đời Đường có câu: "Trang Chu hiểu mộng mê hồ điệp" nghĩa là: "Trang Chu một sớm nọ mơ thấy mình là bướm".
Có một lần kia
Trang Chu mộng thấy mình là bướm
Thế là phấp phới bay, bướm mà
Tự mình thích chí lắm!
Không còn biết gì Chu
Bỗng nhiên rồi thức giấc
Thì lạ lùng chưa, lại là Chu
Không biết giấc mơ Chu đã làm ra bướm
Hay giấc mơ bướm đã làm ra Chu?
Chu và bướm ắt phải khác phận
Đấy gọi là vật hóa.
Trang Chu đi vào trong mộng, hóa bướm. Đó đâu chỉ là khoảng khắc của riêng ông? Và chúng ta ai mà chẳng có những giấc mơ đồng dạng. Ta tin khoa học nên ta phớt lờ. Hễ ai mà nói điều nằm ngoài kiến văn của mình thì ta dán cho người ta hai chữ Mê tín. Thậm chí, người đang ca ngợi Trang có thể bị liên lụy, bị ném đá.
Bashô, một Nguyễn Du Nhật Bản mới nhập vào hồn bướm của Trang Chu trong bài Haiku kỳ ảo: "Em là bướm ư/Ta là giấc mộng/Trong hồn Trang Chu".
Có thể tham khảo để vào cánh rừng không có lối ra của Trang đoạn văn này nữa. Thiên "Tề vật luận" kể rằng:
“Cái bóng của cái bóng hỏi cái bóng:
- Lúc nãy anh đi, bây giờ anh ngừng. Lúc nãy anh ngồi, bây giờ anh đứng. Tại sao anh không có thái độ độc lập vậy?
Cái bóng đáp:
- Tôi sở dĩ như vậy là vì tùy thuộc một cái gì. Cái gì đó lại tùy thuộc một cái gì khác. Tôi tùy thuộc một cái gì thì cũng như con rắn tùy thuộc vảy của nó, con ve tùy thuộc cánh của nó. Làm sao tôi hiểu được cái gì làm cho tôi lúc thì thế này, lúc thì thế khác”.
“Cái bóng của cái bóng” (Võng lưỡng) là mộng của mộng, ký hiệu của ký hiệu. Là mộng, huyễn, bào, ảnh. Vũ trụ có bao nhiêu cái bóng? Mỗi người có bao nhiêu cái bóng? Bông hồng có bao nhiêu cái bóng? Và cánh bướm…?
Cái bóng này tùy thuộc cái bóng kia...
Sinh sinh hóa hóa, sắc không diệu kỳ...
Khoa học ngày nay mới chớm chạm vào được 4% thế giới vật chất của hệ Ngân Hà. Einstein đã từng nói: "Chúng ta vẫn không biết được một phần một ngàn của một phần trăm những gì mà thiên nhiên đã tiết lộ cho chúng ta". Như vậy thì còn rất lâu nữa con người mới biết được, mới hiểu được cái móng tay của vũ trụ. Mọi thành tựu khoa học về Thân thể người khi tiếp cận cái tiểu vũ trụ Ngân Hà nhỏ trong thân mỗi chúng ta đều là những khám phá nửa vời. Nếu đủ bình tĩnh và khiêm tốn, nhân loại phải nên thừa nhận: Cái không biết là bất khả tư nghì. Và đừng nói điều không tưởng: "Chúng ta đang tiệm cận tới chân lý". Cứ tiệm cận, cứ cho là biết hết 96% còn lại của Ngân Hà đi thì ta mới bóc được cái cánh đầu tiên của đóa sen. Sau Ngân Hà, sau, sau Ngân Hà ấy nữa, sẽ là cái gì đây… Chúng ta bao giờ tới chân lý tối thượng?
Chỉ nói riêng lĩnh vực giấc mơ thôi, cũng đã là rất khó lý giải. Người ta đặt cho cái khoa học nghiên cứu về thần kinh, về giấc mơ này bao nhiêu là khái niệm. Nào là tiềm ý thức, hạ ý thức; nào là ý niệm, linh cảm... Dưới tầm ảnh hưởng rộng lớn của phân tâm học, đã có ít nhất 22 nhánh lý thuyết nghiên cứu về sự phát triển tâm trí con người. Nhưng đến nay, lý thuyết này đã bị chỉ trích rất nhiều, có quan điểm cho rằng đó là một hệ lý thuyết phi khoa học..
Nhưng cõi người là Mê, Phật nói vậy ai cũng tưởng là ẩn ngôn bóng gió… Mộng phải chăng là Thật? Có điều tín tức của nó là từ những không gian khác, thời gian khác. Khi chúng ta luôn cho rằng chỉ có 1 và duy nhất 1 thời không thì tất cả mọi nhận thức của chúng ta chỉ là Một, duy nhất trong một hệ quy chiếu đó.
Thử tưởng tượng có nhiều thời-không, có nhiều hệ vật chất, có nhiều hệ sinh mệnh khác thế giới chúng ta đang sống thì có lẽ ta hiểu Lão Trang thêm chút nào chăng?
Tôi thấy tâm đắc ý kiến của một người bạn: "Chân lý của vũ trụ luôn hiện diện xung quanh chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thường ưu tiên sử dụng tư tưởng cứng nhắc của mình và thường coi những sự việc được bày ra trước mắt là chân lý, chứ không xem xét và suy nghĩ về các dữ kiện thâu thập được".
Và đây mới là tư tưởng khiến mình phải ngước mắt nhìn Trang như con kiến nhìn núi Thái Sơn: "Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai; dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi dĩ ! Dĩ nhi vi tri giả, đãi nhi dĩ hĩ ! Vi thiện vô cận danh, vi ác vô cận hình, duyên đốc dĩ vi kinh, khả dĩ bảo thân, khả dĩ toàn sinh, khả dĩ dưỡng thân, khả dĩ tận niên".
Tạm dịch: "Đời ta có hạn mà tri thức thì không bờ. Lấy cái có hạn mà đuổi theo cái không bờ thì nguy. Đã biết nguy mà còn đuổi theo thì càng nguy hơn. Làm điều thiện không gần danh, làm điều ác không gần hình phạt, duyên đốc dĩ vi kinh, có thể giữ được thân mình, có thể bảo toàn được sinh mệnh, có thể phụng dưỡng được mẹ cha, có thể sống trọn tuổi trời".
Riêng 5 chữ kinh dị: “DUYÊN ĐỐC DĨ VI KINH” nói trên, chỉ có ý không có lời. Chỉ có xác chữ, còn tư tưởng thì cho ta tìm hoa đuổi bướm. Chữ ''kinh'' trong ''duyên đốc dĩ vi kinh'' là ý nói đến chính đạo, lẽ đạo ngay thẳng. ''Duyên'' có nghĩa là theo, noi theo. ''Duyên đốc'' là con đường mà trời không đoạn tuyệt với con người, chỉ cần chăm chỉ tìm, nhẫn nại, bao dung thì sẽ được. Mà cách cụ thể của ''duyên đốc'' chính là làm tốt mọi việc không vì danh lợi, không phạm đến đạo Trời, biết hướng vào mình, biết làm vì người, tất cả thuận theo lẽ tự nhiên. Chỉ cần tuân theo những nguyên tắc căn bản này thì có thể thoát khỏi cuộc sống ồn ào, phức tạp và ''bảo vệ được bản thân, bảo toàn được tính mạng, phụng dưỡng song thân, an hưởng tuổi già''.
Thế đấy, cổ nhân đã nhận ra rằng, giết hại bản thân không gì hơn là hiếu sắc, đạo dưỡng sinh không gì hơn là ham muốn ít. Giấc mộng Trang Chu thực ra sẽ là đơn giản nếu hiểu được cái lắt léo của cuộc luân hồi Chu hóa bướm rồi bướm lại hóa Chu.
Có lẽ phải tìm về những chốn xưa
Thửa Thiên Nhân đồng tại
Vật vô tri cũng biết hóa linh hồn
Gió biển đùa cùng lá hàng dương
Ai đó bắt dùm ta một đốm bướm:
Chập chờn chốn xưa
Nghe Trang Tử gõ bồn
Hát mê say
Trong ngày tang vợ
Ơi, Trang Chu..
Mộng vi Hồ Điệp dư…
La Vinh