• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Có một thời đại thi ca

Thứ tư - 17/06/2020 14:14

 

Trong lịch sử phát triển dài lâu và liên tục, có lẽ, trên thế giới hiếm thấy một dân tộc nào lại có một thời đại thi ca cao vọng và sang trọng của các thi sĩ từ bậc đế vương đến nhiều tên tuổi trên các lĩnh vực đời sống xã hội ở nhiều triều đại như đất nước Việt Nam.


Có lẽ, từ non sông gấm vóc, từ lịch sử bốn nghìn năm mang truyền thống của sự gắn bó, đoàn kết trong lối sống cộng đồng, con người Việt Nam vốn cần cù lao động trong một nắng, hai sương. Họ từng đứng lên suốt những chuỗi dài của thế kỷ giặc dã với ý chí kiên cường, bất khuất,  một lòng đánh giặc, cứu nước, cứu nhà.


Người Việt Nam trọng tình, trọng nghĩa, giàu yêu thương, nhân ái và giàu có tâm tình.Từ lời hát ru đến câu đồng dao, câu ca dao, tục ngữ… Tất cả cảm rung ấy cùng với mảnh đất ngổn ngang nỗi niềm, thế sự… Rồi, trước nhất và trên hết là tài năng, là nét văn hoá, là ý thức coi trọng giá trị của đạo học. “Học giả như hoà đạo” ( Người có học quý như lúa hoà, lúa đạo ). Hay: “ Vạn ban giai hạ phẩm / Duy hữu dộc thư cao / (Nghĩa là, người có học giữ phẩm giá cao nhất trên đời ).


Có lẽ, vì lẽ đó, nhìn về các triều đại khá xa, chúng ta gặp từ vua Lý Thái tổ, tức lý Công Uẩn, ông sinh năm 947 ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Khi còn nhỏ tu hành trong chùa bị nhà sư giam phạt dưới mái tam quan, Lý Công Uẩn đã ứng tác bốn câu thơ với khẩu khí của bậc đế vương, như:


Trời làm gối đệm, đất làm chiên

Nhật nguyệt cùng ta đánh giấc yên

Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi

Chỉ sợ sơn hà, xã tắc nghiêng

                      

Ở triều đại nhà Lý, vị  Tể tướng Lý Thường Kiệt còn để lại bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”… được lịch sử coi như một tuyên ngôn cho xã tắc.


Vào triều đại nhà Trần, thơ ca càng phát triển rực rỡ, câu thơ của nhà vua Trần Nhân Tông ( 1279 – 1293 ) với cảm quan lớn trước sứ mệnh cao cả của Tổ quốc .


Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Nghĩa: (Đất nước hai phen chồn ngựa đá/ Non sông muôn thuở vững âu vàng)


Ở triều Trần, chúng ta còn gặp áng văn “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần quốc Tuấn hay vị tướng Trần Quang Khải được xem như nhà thơ có vị trí không nhỏ qua “Lạc Đạo thi tập”.


Triều đại Lê, một tao đàn lớn nhất mang tên “nhị thập bát tú” mà đứng đầu tao đàn này là nhà vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Ông trị vì  đất nước được 38 năm, cho đến phút qua đời, nhà vua  vẫn tỉnh táo ngồi trên ghế ngọc viết bài thơ tuyệt mệnh.


Đến triều đại Nguyễn, nhà vua Tự Đức (1848 – 1883) thường xướng hoạ thi ca với các quần thần. Câu thơ thật hay của nhà vua được lưu truyền khi ông viết về nỗi nhớ thương, tặng một người tri kỷ.

                       

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi


Rõ ràng, qua các triều đại vua chúa đất Việt, chúng ta có thể coi đấy là “một thời đại thi ca” của các nhà vua  với nét độc đáo của nền văn hoá dân tộc.


Ngày nay, các nhà lãnh đạo của nước ta từ đồng chí Xuân Thuỷ, Lê Đức Thọ , Tố Hữu đến Sóng Hồng, tức Tổng Bí thư Trường Chinh. Và, đỉnh cao là Bác Hồ, vị Chủ tịch kính yêu của dân tộc đã để lại nhiều áng thơ hay làm rung động và thuyết phục hàng triệu triệu con tim của người dân đất nước. Từ những bài thơ chúc Tết vào mỗi dịp Xuân về đến tập thơ “ Ngục trung nhật ký”, thi sĩ Cu Ba PitaRode Righet đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn khi bình phẩm thơ Người.    


Quả thực, trước sự phát triển liên tục và dài xa của của lịch sử  đất Việt, chúng ta có “một thời đại thi ca” của các thi sĩ đặc biệt”, trong nền văn hoá đất nước.                                                      


Kim Chuông                                                                                                                                                                                       
(Bài in Báo Văn nghệ, tháng 2/ 2015)

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.