• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Ký ức tuổi thơ trong “Mũ Rơm Vàng” của thi sĩ Ánh Tuyết

Thứ năm - 21/05/2020 13:46




Chị là một nhà thơ. Thơ chị thiết tha và ngập tràn cảm xúc. Chị từng được mệnh danh một thời là “Xuân Quỳnh của quê lúa Thái Bình”. Hiện nay, chị là một trong số ít ỏi nữ giữ chức vụ quyền Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình. Có lẽ ở cương vị này, chị quan tâm nhiều hơn đến phong trào văn nghệ có bề dày tầm vóc của Thái Bình bằng cái tâm của một nhà thơ.


Trong lần về nhận giải thưởng cho tập bút kí “Gửi lại dấu yêu” của mình vào ngày 09/01/2019 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Hà Nội, tôi đã rất hạnh phúc bất ngờ khi chị Nguyễn Ánh Tuyết đã thay mặt cho Hội văn học nghệ thuật Thái Bình tặng tôi một lẵng hoa hồng thật đẹp để chúc mừng với lý do: Tôi đã từng là môn sinh trong nhóm Búp trên cành Thái Bình trên 40 năm trước. Tình cảm trân trọng chị dành cho tôi, khiến tôi vô cùng biết ơn và xúc động!


Khi cầm trên tay cuốn “Mũ rơm vàng” nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2017 của chị gửi tặng, tôi đã háo hức đọc liên tục suốt hơn 3 tiếng đồng hồ. Cuốn sách chỉ có 150 trang nhưng vô cùng cuốn hút. Tên cuốn sách đã ngay lập tức gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử đau thương mà anh dũng của dân tộc ta trong những năm chống Mỹ - Những năm tháng mũ rơm vàng theo chân các em bé đến trường đi học, đi bắt cua, bắt cá, đi nhổ mạ, mót lúa ngoài đồng.


Đọc những trang sách của Ánh Tuyết tất cả như sống dậy, gần gũi đến lạ kỳ! Truyện viết cho thiếu nhi cần mạch lạc, giản dị và nhiều cảm xúc. Ánh Tuyết đã sắp xếp cuốn sách thành từng chương, mỗi chương một chủ đề: Chương I là về mảnh đất Duyên Hà quê chị với “phố huyện”, “chợ Thá”, “những đêm sôi động”. Người viết như đứa trẻ hân hoan giới thiệu những món ăn dân giã đặc biệt của quê mình: từ mía xương gà “giòn, ngọt, thơm” đến củ từ “dẻo quánh” ngọt bùi ăn không biết no”. Còn khoai nước luộc “khoai chín bằng hơi dẻo dẻo thơm thơm”, “Ăn một lại muốn ăn hai, ăn ba ăn bốn lại nài ăn năm”.


Và bao nhiêu hoa thơm quả ngọt cho đến con lợn con gà và cả hình ảnh cùng những đứa trẻ theo mẹ đi chợ…, tất cả đều hiện lên bình dị thân thương như bức tranh “chợ quê” qua ngòi bút đầy yêu thương của Ánh Tuyết.


Chương II là những bài về làng quê. Vẫn giọng văn thủ thỉ thân thương, Ánh Tuyết lại tự hào giới thiệu về làng “làng tôi nằm chếch về phía Nam của phố huyện, ngày xưa các cụ gọi là làng Duyên Phúc. Chúng tôi rất tự hào về tên của làng mình”, và làng trong văn chị cũng có những cây đa, bến nước, giếng làng, mái đình cổ kính, giếng làng mát trong cùng những ngôi chùa trầm mặc thâm nghiêm, những con đường lát gạch - quà tặng của những người con gái đi lấy chồng xa. Đọc trang nào của Nguyễn Ánh Tuyết, tôi cũng thấy tình yêu vô bờ bến của chị dành cho quê hương, gia đình.


Văn xuôi Nguyễn Ánh Tuyết rất giàu chất thơ. Chất thơ từ cuộc sống với bao yêu thương dịu ngọt của con người giành cho nhau. Chất thơ toát lên từ lý tưởng sống đẹp đẽ của con người trong giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Chất thơ toát lên từ tình yêu và niềm tự hào, từ giọng văn mộc mạc yêu thương. Chị viết về cha về người chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.


“Tôi nhận ra một điều, có những người sống luôn, sống mãi không bao giờ chết. Cha tôi là một người như thế. Người sống đẹp đẽ trong lòng Tổ quốc, đồng chí, đồng đội của mình”.


Cứ mộc mạc và đằm sâu như thế, Nguyễn Ánh Tuyết đưa người đọc trở về với những gì đẹp nhất, bình dị và tha thiết nhất của những năm tháng xa xưa. Năm tháng mà ở đó tình yêu quê hương Tổ quốc đã trở thành máu thịt đã trở thành hơi thở của con người.


Ánh Tuyết viết về người mẹ hiền của chị với biết bao thương mến: “Mẹ lúc trẻ, mẹ đẹp nổi tiếng một vùng. Tóc dài đen nhưng nhức, da trắng môi đỏ, mặt trái xoan, sống mũi thẳng tắp, dáng mẹ đi thư thả khoan thai, giọng nói dịu dàng truyền cảm”.


Đọc những trang văn chị viết về cha về mẹ tôi chợt nghĩ: Có lẽ Ánh Tuyết đã được thừa hưởng những nét đẹp của mẹ, tài năng của bố.

Và chị viết về bà nội của mình với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc nhất. Bà là người bà điển hình của chịu đựng, hy sinh lặng thầm cao cả, đầy yêu thương của những người bà, người mẹ trong những năm đất nước chiến tranh. Hình ảnh người mẹ, người bà có con có chồng đi chiến đấu rồi mãi mãi không về, để lại những đau đớn nhớ thương khôn tả cho người ở lại, luôn là nỗi xót thương ám ảnh mỗi khi tôi đọc những trang viết về đề tài ấy. Những trang sách của Ánh Tuyết làm tôi thổn thức rưng rưng.


Thú vị và hồn nhiên là chương IV chương viết về những ngày thơ ấu đáng yêu của chị. Đọc từng chuyện qua lời kể dí dỏm và chân chất của Ánh Tuyết, tôi, hay bất cứ những ai được sinh ra lớn lên trong giai đoạn lịch sử ấy sẽ thấy hạnh phúc khi gặp lại tuổi thơ mình. Đọc “Lớp vỡ lòng” hay “thằng Thứ”, “Vồ cua ngày tháng sáu” hay “Đội mưa rượt đuổi cào cào” rồi “Thú tắm ao”. Còn có cả những chuyện bí hiểm ở làng. Cả thế giới đáng yêu, trong trẻo của tuổi thơ cùng những cảnh học hành đùa vui của trẻ con làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện ra. Thế giới trẻ thơ tràn ngập tiếng cười. Tràn ngập say mê. Tràn ngập những khát khao khám phá. Những năm tháng nghèo đói, gian lao mà đáng yêu, đáng nhớ vô ngần! Tôi nhớ, và còn nhiều người nữa, ai cũng nhớ và như thấy tuổi thơ mình trong những dòng văn “Đêm đông ở làng quê nghèo chẳng làm gì ra chăn ấm nệm êm, người ta lấy rạ sạch đánh thành tấm tranh trải đều trên giường, trải chiếu lên thế là đã có một tấm đệm êm phải biết”, và “không khí” tưng bừng đón tết xưa với cảnh “ngày tết, nhà nào cũng cố gói mười tấm bánh chưng… Những tấm bánh vuông vắn tượng trưng cho mặt đất, cho lòng hiếu thuận của con cháu với trời đất tổ tiên cứ cao dần…” “Bà vừa trông chừng nồi bánh vừa kể chuyện tết những ngày bà còn bé tí…”.


Chao ôi là thân thương! Chao ôi là xiết bao nhung nhớ! Trong những câu chữ gợi nhớ về tết xưa của chị!


Nhưng có lẽ ấn tượng sẽ mãi không phai của một thế hệ “Mang mũ rơm đi học đường dài/ Truyện thần kỳ dân tộc ta là vậy” - Tố Hữu. Đó là hình ảnh những cô bé, cậu bé lúp xúp lon ton với mũ rơm vàng đến lớp mỗi ngày. Tôi nhớ như in cảnh trưa nắng chang chang, chúng tôi dắt tay nhau đi học. Đứa nào cũng đầu đội mũ rơm để tránh bom bi. Túi đựng sách luôn có thuốc đỏ, bông băng để phòng khi bị thương vì bom đạn giặc thì có cái mà cấp cứu kịp thời. Có khi đang đi, máy bay Mĩ rít gầm sà xuống thấp, động cơ máy bay rít lên ở trên không. Chúng tôi vội kéo nhau nằm sấp xuống úp mặt xuống mặt đường bỏng rát, đầu vẫn đội mũ rơm. Lát sau máy bay bay xa rồi mới lồm cồm bò dậy phủi đất, cát trên mặt và biết rằng mình, đứa bên cạnh mình còn đang sống. Hãy nghe Ánh Tuyết khắc họa lại những ngày tháng ấy:


“Học trò thời chiến nên chúng tôi đã biết nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh. Đứa nào cũng có tác phong nhanh nhẹn, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất. Chúng tôi già dặn cứng cáp lên rất nhiều”.
 

Hay: “quả bom bi chỉ cỡ chừng quả dứa, nom rất hấp dẫn giống như một thứ đồ chơi hiền hành. Thế nhưng bên trong lòng nó chứa đựng 360 viên bi con chỉ nhỏ bằng hạt đỗ xanh. Khi bom nổ, chỉ nghe thấy một tiếng “bụp” rất nhỏ, vỏ quả bom mở ra như cánh hoa, 360 viên bi văng ra lao đi tìm da thịt con người mà chui thật sâu vào trong khoan phá. Nguy hiểm vô cùng với những người bị trúng bom bi, bề ngoài nhìn vết thương chỉ nhỏ bằng đầu đũa nhưng quái ác là viên bi cứ thế chui sâu vào cơ thể nội tạng tàn phá… Nó lấy đi mạng sống của con người, rất nhanh, rất hiểm độc”.


Vì vậy, để chống lại bom bi, nhân dân đã nghĩ ra một sáng kiến vô cùng độc đáo mà hiệu quả. Lấy rơm tết thành những chiếc mũ thật dày và đẹp để bảo vệ cái đầu”… “Chẳng may bị trúng bom bi thì những chiếc mũ rơm sẽ khiến cho bom bi hết đường gây tội ác”.


Quả thật với ngót 200 trang sách và 5 chương truyện với gần 30 tác phẩm Nguyễn Ánh Tuyết đã cho bạn đọc được trở về với những kí ức tuổi thơ ngập tràn yêu thương, khó nhọc đắng cay mà hạnh phúc của chị. Có một nhà lí luận văn học đã từng nói “Văn chương là một tấm gương phản ánh hiện thực mà ai soi vào cũng thấy có mình trong đó”.


 

Nguyễn Ánh Tuyết và “Mũ rơm vàng” không chỉ thể hiện một hiện thực mà còn chắp cánh cho hiện thực của một giai đoạn lịch sử đặc biệt bay lên bằng tình yêu bằng văn chương của chị. Chức năng của văn chương là nâng cao nhận thức, giáo dục con người một cách tự giác… Người đọc sẽ yêu “Mũ rơm vàng” như yêu những kí ức tuổi thơ đắng cay lam lũ mà dịu ngọt, thầm tiên của mình. Để rồi khép trang sách lại vẫn còn thấy cả một khoảng trời thân thương hiện ra trong trẻo, tinh khôi đầy  thương mến.


Mũ rơm vàng còn mãi là câu chuyện cổ tích huyền diệu về một thời chưa xa giúp cho các em bé thời nay được sống trong đủ đầy hạnh phúc có thể hiểu được về tuổi thơ của cha mẹ, ông bà, hiểu được giá trị của mỗi ngày bình yên các em đang sống và biết trân trọng hơn, mỗi phút giây được đến trường, mỗi bát cơm, mỗi củ khoai hạt lúa hôm nay. Điều đáng trân trọng là tác giả đã từ ký ức tuổi thơ của mình khái quát được hình ảnh của cả một thế hệ trẻ em Việt Nam trong chiến tranh của một “xứ sở lạ lùng” về những cô bé cậu bé vượt qua mưa bom bão đạn, qua khó nghèo vẫn chăm chỉ học hành, rèn luyện:


“Đến em thơ cũng hóa anh hùng

Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ

Và hoa lá cũng biến thành vũ khí”

(Tố Hữu)


Và đó là chuyện cổ tích của trẻ thơ Việt Nam thời chống Mỹ mà “Mũ rơm vàng” của Ánh Tuyết đã góp vào kho tàng ấy nhiều câu chuyện hấp dẫn, thú vị và giàu giá trị nhân văn.


Ngày 20 tháng 7 năm 2019

Bùi Thị Biên Linh

 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.