• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Tản mạn một niềm thương

Thứ năm - 04/06/2020 17:14


Có lẽ khi viết những dòng thơ trữ tình xót xa mang sắc điệu trào phúng rất riêng của phong vị Tú Xương, nhà thơ bên dòng sông Vị không hề nghĩ đến việc đặt tên. Thế nhưng, người đời sau bằng cảm nhận dân dã đã dùng hai tiếng "Thương vợ" không chê vào đâu được đặt tên, chuyển tải tác phẩm vào trong tâm thức mọi độc giả qua nhiều thế hệ. 


Có thể nói đây là tác phẩm có chiều hướng dân gian hóa. Hình tượng bà Tú hay lam hay làm, nhẫn nại nuôi chồng nuôi con bất chấp thời thế của nước lên nước ròng, bất chấp dòng sông có bị lấp để lên đồng lên bãi và khắc khoải tiếng gọi đò đã trở thành hình tượng người phụ nữ Việt Nam, mang vẻ đẹp rất riêng mà rất truyền thống. Cái vẻ đẹp ngỡ như sống chết cho đạo thờ chồng nuôi con theo thân theo phận, theo sự nhẫn nhục an bài. Tuy nhiên nếu hiểu sâu xa thì chính Mẹ Việt Nam trong cốt cách của bà Tú ngỡ như khuất lấp trong cuộc đời lại chính là linh hồn dân tộc, chính là đại diện cho nền văn hóa chữ Tình (ở mặt tích cực, gần với từ bi, trách nhiệm), văn hóa "Âm tính" của người Việt.


Chính cái sức mạnh kì diệu của dân tộc Việt Nam, cái đẹp rạng ngời của người Việt Nam là ở hình tượng bà Tú đã nâng lên tầm khái quát: Trong lúc những kẻ sĩ đích thực bị thói đời làm cho điên đảo phải “làm quan tại gia” và giễu mình ăn nhờ lương vợ, sống nhờ “mẹ mày” thì để giữ cho cái tế bào gia đình bình ổn, đã có người đàn bà, người phụ nữ Việt Nam. Cái chất biện chứng trong văn hóa người Việt phải chăng là từ cách ứng xử rất vật chất, rất co giãn này của người phụ nữ Việt Nam? Phải thế chăng mà khi cắt nghĩa cái chữ An của tiếng Hán, những nhà Nho bình dân thường có khuynh hướng đề cao phụ nữ: Người phụ nữ là nhân tố quan trọng nhất ở trong nhà; họ là sợ bình ổn để phát triển cho một gia đình bền vững. Các đại Nho chắc hẳn sẽ mỉm cười vào cái lí của chữ An đơn giản nằm trong quan hệ trọng nam khinh nữ của văn hóa dương tính phương Bắc: Phụ nữ quanh quẩn trong nhà không ra khỏi đường mới đảm bảo yên ổn!


Có lẽ vậy mà "Thương vợ" đi vào sách giáo khoa từ rất lâu nhưng không có một phản ứng thắc mắc ở những người khó tính nhất. Có một thời, người ta không chấp nhận đưa bài "Tát nước đầu đình" và sau đó là những câu ca dao tình yêu vào chương trình bởi lẽ học trò còn nhỏ tuổi, đưa tình yêu lứa đôi vào, có nguy cơ định hướng cho trẻ sớm yêu đương thì không tốt!


Chúng ta không chỉ đợi cho học sinh phải đến thời đến tuổi rồi mới học tình yêu; phải đến lúc làm cha, làm chồng mới học "Thương vợ". Hiểu theo một lô-gíc rất hình thức và giản đơn như vậy, có nguy cơ là chúng ta chỉ "tắm ao ta", muốn học Si-le chẳng hạn thì phải làm người Đức!


"Thương vợ" đã được khai thác rất nhiều vẻ đẹp. Ánh sáng của viên ngọc ngũ sắc này phát ra từ nhiều phía, nhiều cường độ, nhiều tán sắc. Và dĩ nhiên, để nói cho cùng triệt trong một hoặc hai tiết giảng văn cho học trò là điều không dễ.


Tuy nhiên, cũng như mọi tác phẩm văn học khác, để tránh mọi tranh luận về "quả trứng và con gà mái" trong hướng khai thác đơn vị hình tượng của tác phẩm, chúng ta phải xác định cái đích chúng ta cần truyền thụ. Có thể di động một vài ba từ ngữ diễn đạt độ đậm nhạt của chủ đề tư tưởng nhưng ý bài thơ thì đã rõ:


Tú Xương bộc lộ tình cảm thương vợ của một người đàn ông Việt Nam thất cơ lỡ thế trước thời vận cười ra nước mắt. Hình tượng bà Tú và là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam hiện lên thật đảm đang, đáng kính trọng. Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết cụ thể của tác phẩm, mọi người còn phải tranh luận nhiều để mong làm sao sáng tỏ cốt lõi cái tư tưởng của tác phẩm.


Điều trước nhất là cần phải xác định một cái phông để tác phẩm sống trong môi trường tự nhiên của nó. Cái phông văn hóa Việt đã nói ở trên rất có ý nghĩa. Tú Xương sống trong nền văn hóa Việt cho nên cảm nhận về người phụ nữ có vai trò to lớn trong gia đình và xã hội là cảm nhận tự nhiên. Tính cách nhà Nho là một chuyện, tính cách nhà Nho Việt Nam là chuyện khác; nhà Nho Tú Xương thất cơ lỡ vận trong thời buổi Á Âu trộn lẫn," chí cha chí chát" những là lượt gai mắt lại là chuyện khác nữa!


Tuy nhiên, ở cái nền văn hóa biện chứng lúa nước này, nếu định hình một số khái niệm, có nguy cơ "Tây phương hóa" một cách giả tạo những thực tế xã hội luôn giao thoa, xâm thực. Thí dụ như vấn đề giai cấp, giai tầng; vấn đề nhà Nho chẳng hạn. Tôi cho rằng, trong quá khứ, người đàn ông Việt Nam ở một số trường hợp, sống nhờ bàn tay tháo vát của vợ, họ không chỉ chấp nhận mà còn coi là hiển nhiên. Và như một bản năng, người phụ nữ Việt Nam "tay hòm chìa khóa" đảm đang, nữ tướng trong gia đình, chủ động lo toan cũng là một thực tế hiển nhiên.


Không chỉ Tú Xương mà ngay cả Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến một đại Nho cũng bị cái tâm thức Việt Nam này chi phối. Nho thì rất Nho nhưng bình dân thì rất bình dân. Hãy so sánh hai tiếng khóc Dương Khuê một văn bản bằng tiếng Hán của nhà Nho Nguyễn Khuyến và một bài song thất lục bát tiếng Nôm của ông lão Nguyễn Khuyến trong làng tre lũy xóm Việt Nam thì rõ. Có lẽ không cần dẫn ra đây những tác phẩm thật khó ngờ của Nguyễn Khuyến (trong "Chân dung và đối thoại", khi nói chuyện làng Cuội, Trần Đăng Khoa chép lại bài thơ của Nguyễn Khuyến mà vẫn không hết ngạc nhiên vì chất dân dã đời thường đến thế!). Cho nên, theo chúng tôi nghĩ, cần phải cân nhắc khi dùng cái mẫu câu có quan hệ nhượng bộ "Tuy ...nhưng" để nói về các nhà Nho Việt Nam: "Tuy Tú Xương là một nhà Nho nhưng.."


Cho rằng, có chất Nho 100% trong thơ ông Tú đi nữa thì tư tưởng nhà Nho không phải lúc nào cũng xấu, cũng cần đả kích. Nên nhớ rằng Đức khổng coi nhà Chu là xã hội lí tưởng, (Cao Bá Quát cũng tự đặt hiệu Chu Thần) và ngài đã nói: Tài năng khó tìm đó chẳng phải là sự thật sao ? Trong đời Đường (Nghiêu), đời Ngu (Thuấn) thịnh trị như vậy, mà chỉ có một người đàn bà (mẹ của Văn Vương) và chỉ chín người đàn ông mà thôi (Chương VIII. Thái Bá)


Như vậy, con người Việt Nam, đặc biệt là những người như Tú Xương, Nguyễn Khuyến là những người không thống nhất một thứ tư tưởng. Tính nhập nhằng, uyển chuyển trong tư tưởng của họ khi viết thơ Nôm thường nghiêng theo hệ tư tưởng công xã, theo cái chuẩn của ca dao, hò vè, truyện cổ hơn là các kinh sách Thánh Hiền. 


Người ta đã nói rất nhiều về tính dân gian trong  "Thương vợ". Đây có lẽ là cái mạch ngầm làm nên sức sống nội tại cho tác phẩm.


Phải nói rằng, nếu phân tích bài thơ theo cấu trúc thi pháp nghiêm ngặt của thơ Đường thì hơi khiên cưỡng. Thứ nhất, thơ Đường, đặc biệt là thơ Tống sau này, nó không nặng nề quy ước chặt chẽ như ta cố gò vào để phân tích. Với lại, thơ các nhà Nho Việt Nam ảnh hưởng tính duy lí của Tống nhiều hơn Đường. Vì thế tìm hiểu tác phẩm không nhất thiết phải đề, thực, luận, kết!


Thứ hai, Tú Xương đã dân gian hóa cả về cấu trúc của một bài thơ cách luật. Hai dòng đầu nếu xét về nội dung thì đó là một câu có thể theo quan hệ nhân quả: "Nhờ bà Tú quanh năm buôn bán ở mom sông nên bà mới nuôi đủ năm con với một chồng". Cố gắng gò thành khai đề và thừa đề cũng có cái lý của nó, nhưng nói rằng nó giống hai câu thực thì dễ chấp nhận hơn!


Thứ ba là, Tú Xương làm thơ không có dấu vết của kỹ xảo, nói đúng hơn, hơi thở của cảm xúc đã sinh ra câu chữ tự nhiên. Các nhà Nho rất sợ lặp từ và tránh các "chữ nước" (những chữ không đối chọi hoặc không kêu, không sang trọng). Họ thường đổ khuôn đúc chữ hiểu trong cái nghĩa công phu và tích cực! Tú Xương đã lặp tới ba tiếng Năm [Quanh năm, năm con, năm nắng đặc biệt là 2 tiếng năm chỉ số đếm!]. Dùng "chữ nước" như vậy để lưu danh Truyện Kiều đã là thiên tài; dùng nó để viết thơ thất ngôn bát cú và để đời thì quả là một thành công đáng ghi nhận của Tú Xương!


Trên tinh thần dân gian mà chúng tôi cho rằng "một duyên, hai nợ" không nên hiểu duyên thì một mà nợ đến hai Ta biết rằng, thành ngữ dân gian dùng số đếm ở đây để thấy thứ tự, thấy vị trí nhất, nhì chi phối hôn nhân. "Một duyên, hai nợ, ba tình" cũng giống như "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" vậy ! Có người nói nhờ chu cảnh "âu đành phận" nên cách hiểu trên là đúng. Thế thì, cần mở rộng chu cảnh hơn: Chẳng lẽ nắng ít hơn một nửa trong "Năm nắng mười mưa"? Ta cũng rất khó nói rằng "duyên" hoặc "nắng" nhận những giá trị tiêu cực hơn "nợ" và "mưa".


Lối tách từ như thế này trong tiếng Việt tạo nên những kết cấu bền vững của thành ngữ. Nó nói lên được nhiều hơn nghĩa của các thành tố cộng lại. Nó gợi vì độ nhòe ngữ nghĩa của nó lớn. Và đây là cách nói rất dân gian.


Chúng tôi thấy từ "đủ" ở câu thứ hai nên cho học sinh tiếp nhận cả hai giá trị:


-"Đầy đủ": dùng cách nói khoa trương một cách thành thực để thấy bà Tú nuôi con và ông Tú đủ đầy không thiếu cái gì.


-  " Đủ bộ": có thêm ông chồng nữa là đủ tất cả. Cách hiểu này giàu hình ảnh, tạo cho người đọc liên tưởng tới những tình huống thú vị: Thế là đã phát khẩu phần ăn mặc cho đủ tất cả mọi người. Suýt nữa thì quên ông chồng! (Bởi trong ý nghĩ của người vợ thì nhân vật này không được đánh giá, cư xử như với con!). Ta cũng có thể hình dung 5 cái miệng ăn đang mở ra cho mẹ đút mồi, tự dưng bay về 1 cái miệng nữa để được đút cho đủ!?


Câu thơ có ý vị trào phúng, nhưng tiếng cười của Tú Xương "Như mảnh vỡ thủy tinh" nó cứa cắt, day dứt không thôi người đọc và ắt hẳn với Tú Xương, nó đau hơn!

Nếu coi cấu trúc độc đáo của bài thơ là một yếu tố quan trọng làm nên hình tượng thì chúng tôi thấy các quan hệ các  câu thơ ở đây không theo quan hệ hình tuyến thông thường của thể thất ngôn bát cú( chúng tôi không dám nói thêm là Đường luật ở phía sau !). Nghĩa là theo Đề ,Thực, Luận và Kết. 


Nói rõ hơn, chúng tôi sẽ phân tích, bài thơ này theo 3 phần.

Phần Một :

(1) Quanh năm buôn bán ở mom sông 

(3) Lặn lội thân cò khi quãng vắng, 

(4) Eo sèo mặt nước buổi đò đông 

Phần Hai:

(2) Nuôi đủ năm con với một chồng 

(5) Một duyên ,hai nợ ,âu đành phận 

(6) Năm nắng mười sương dám quản công. 

Phần Ba:

(7) Cha mẹ thói đời ăn ở bạc, 

(8) Có chồng hờ hững cũng như không. 


Chúng ta sẽ bắt đầu như vậy :


Câu 1: "Quanh năm buôn bán ở mom sông"


Nó sẽ được liên kết với câu 3, 4 về ý nghĩa


"Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông"


Hóa ra, cụ thể của chuyện buôn bán ở "mom sông" cũng thật là nhiêu khê vất vả. Vì "mom sông" nên mới có "Con cò lặn lội bờ sông" mới vì chồng mà "tiếng khóc nỉ non" không ai cảm thông chia sẻ. Vì ở "mom sông" nên giành hàng đắt rẻ ngay trên đò giang mặt nước ngấp nghé để "eo sèo". Quanh năm lặn lội, eo sèo, cả khi quang gánh không hàng cũng như nếu có hàng từ "mom sông" về đến nhà qua "quãng vắng"; cả khi bất chấp tính mạng nơi đông người chen lấn, thì bà Tú hiện lên thật bản lĩnh, thật đáng kính thương. Dù "vắng" hay "đông" thì bà cũng thui thủi một "thân cò". Phải chăng cái hình tượng Mẹ Việt Nam sau này trong văn học cận, hiện đại làm người đọc xao lòng và cảm động với niềm kính trọng bắt đầu từ bà Tú trong một gia đình đi ra?


Chỉ đọc một đoạn thơ ngắn của người con nhớ Mẹ rất đời thường này, ta gặp bao nhiêu người Mẹ, người vợ sống với hy sinh, với trách nhiệm hiến dâng?


"Mẹ ta vượt thác, xuống ghềnh

Bán bưng, với cả đàn em héo gầy

Mặt hoa, da phấn thơ ngây

Chỉ La Giang với hàng ngày Mẹ soi

Ảnh thời thiếu nữ mẹ cười

Cho con rơi lệ giữa đời sông La"

(La Vinh)


Vâng, hình tượng bà Tú sau này sẽ phát triển thành biểu tượng chỉ tính cách một dân tộc. Chúng ta thương và kính, chúng ta kính thương và trân trọng hơn là thương hại, cảm thương. Chỉ thấy tội nghiệp, tồi tội cho đôi mắt ngấn lệ của ông Tú!


Câu 2: "Nuôi đủ năm con với một chồng"


Nó liên thông với câu 5 và 6:


"Một duyên, hai nợ âu đành phận

Năm nắng, mười mưa, dám quản công"


"Thân" ở câu trên gắn với thân cò; "phận" ở câu dưới gắn với duyên với nợ; dãi nắng dầm mưa đâu ngại vì công chuyện vun vén cho gia đình. [Trong "Truyện Kiều" có 63 chữ "thân" là mình. Nếu "tâm" là hình nhi thượng, là đời sống tinh thần, là lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo lí thì "thân" là hình nhi hạ là cái phần vật chất duy nhất của con người, là phần hữu hạn nhỏ bé dễ hư nát và đau đớn nhất của bất cứ ai. Có "thân" là có "nghiệp", có "nghiệp" là có "khổ". (Những thế giới nghệ thuật thơ Trần Đình Sử Nxb GD 1997 Tr 333 đến 340)]


Cấu trúc phân li của các câu thơ đã nắm lấy cái "thân" quăng nó vào cơn gió bụi của cuộc đời eo sèo nơi đầu sông quãng vắng (câu 1). Còn cái "phận" thì đặt nó kẹp giữa "duyên nợ ba sinh", bắt nó phải đành chịu một cách thụ động bởi chữ "tình" ở con số 3 sau "duyên và nợ" không được nhắc tới trong văn bản (Một duyên, hai nợ, ba tình) 


"Vì ai cho tớ phải lênh đênh

Nặng lắm ai ơi một chữ tình." (Tản Đà)


Cho hay trả giá  cái chữ "Tình" ấy dù giới tính nào, thời nào nó cũng nặng. Biết vậy nhưng ai cũng muốn vào để "đành phận" mà thử thách với nắng mưa, lấy "công lênh chẳng quản" mà xây đắp, vén vun...


Nếu cái "thân cò" liên kết với câu 1, thì "đành phận" liên kết với câu 2 nếu "thân" bầm dập ở chốn buôn bán quanh năm suốt tháng là hiện thực nhãn tiền thì "phận" nó hướng tới quan hệ gia đình "Nuôi đủ năm con với một chồng". Quăng "thân" và "phận" ra hai nơi để ứng với hai vế nhân quả của câu 1 và 2, cấu trúc phân li này đã làm cho 2 cái tập hợp  nhỏ phân li khác "Một duyên hai nợ", "Năm nắng mười mưa" trở nên thống nhất một hình tượng thân phận con người đáng lẽ phải kêu ca nhưng cứ tuôn vào cuộc sống mà ham sống, mà hi sinh vì hạnh phúc gia đình!


"Thân" rồi "phận"; "duyên" rồi "nợ"; rồi cộng tất cả những khái niệm khá trừu tượng này của tư tưởng Nho, Phật đã được Tú Xương dân gian hóa thật nhuyễn để định hình một bà Tú, một người phụ nữ Việt Nam thật đáng kính trọng! 


Như vậy, qua cấu trúc của hình tượng ta thấy cái quang gánh hai đầu của bà Tú: 5 đứa con bằng với sức nặng của 1 ông chồng (Nuôi đủ 5 con với 1 chồng).  Cả sáu người quây quanh 1 người trung tâm là bà Tú thành cái con số 7 đầy bí ẩn "Những con số dương -Tư Mã Thiên viết - đạt được sự hoàn thiện ở con số 7 . Nó luôn là dấu chỉ đặc trưng của sự hoàn hảo. Trong Đạo Gia thì Ngộ là trạng thái viên mãn" (Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới Trường viết văn Nguyễn Du 1997, Tr 71)


Tuy nhiên, để có được sự hạnh phúc hoàn hảo như vậy đôi vai gầy guộc của bà Tú phải gồng thêm một gánh nữa cho đủ "phận". Một đầu là "phận", một đầu là "công":


"Một Duyên, hai Nợ, âu đành PHẬN, 

Năm nắng mười mưa, dám quản CÔNG.


"Có" phận "nên phải dùng "công", nhờ "công" mà "đành phận". Logic có vẻ nghiệt ngã như vòng luân hồi nhưng thực ra sự hi sinh đã nở hạnh phúc cho đời bà Tú và nở trọn trong lòng người đọc bông hoa hồng 7 cánh (Từ điển sđd. Tr 69 )


Thực ra, khi thưởng thức những bài thơ cách luật xưa ta rất chú ý tới hai dòng kết (Nếu là thất ngôn bát cú!) Gs Phan Ngọc trong "Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ" (Nxb trẻ 1995) đã cho ta biết các cụ xưa thường làm hai câu kết trước lúc làm các câu thơ phía trên. Vì thế sức nặng của "Thương vợ" chính là cái câu chửi đời ở cuối:


"Cha mẹ Thói Đời, ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững, cũng như không!"


Câu chửi mà tạo thành thơ có sức nặng đã nổi danh ở Hồ Xuân Hương:


"Chém cha cái kiếp lấy chồng chung !"


Nguyễn Công Trứ cay cú hơn với thế gian "Nhạt nồng trong chiếc túi vơi đầy":


"Đù mẹ nhân tình gớm ghiếc thay!"


Và giai thoại kể lại bài văn tế một tên thực dân bỏ mạng:


"Khốn nạn thân ông

Đéo mẹ cha nó!"


Là của Nguyễn Khuyến.


Tú Xương bao giờ cũng phanh phui những thói đời quanh mình trực diện và mãnh liệt. Thế nhưng tiếng chửi ở đây là để cho tiếng Thương được cất lên.


"Cha mẹ thói đời ăn ở bạc"


Tôi đã viết hoa hai chữ Thói Đời ở trên. Nó là một danh từ. Có thể gắn cho "cái thằng Thói Đời"; "Cha mẹ cái lũ Thói Đời... ". Quả là kín đáo, sâu xa một thể tất nhân tình


"Có chồng hờ hững cũng như không!"


"Thói đời "của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho ta thấy "Vũng thành đồi" chỉ qua một cuộc "biến cải" trong chớp mắt. Vì thế mà con người nếm đủ hết những đối cực: "Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi." Dĩ nhiên ngọt bùi ít hơn nhiều so với Mặn nhạt chua cay!


Tú Xương sống trong dòng sông đời giao thoa những lớp sóng kim tiền và đạo đức của buổi Á Âu lẫn lộn thì "thói đời" càng phơi bày những biến động khôn lường. Cái bảng giá trị của đời, của xã hội, của tài, tình thay đổi như bảng biểu kê ở các trung tâm thị trường chứng khoán bây giờ. Chửi “Thói Đời” ăn ở bạc bẽo đâu phải là không địa chỉ? Đây là cái nguyên nhân mà bà Tú "Có chồng hờ hững cũng như không!". Nếu cho tôi chọn cái từ hay nhất, biểu đạt nhiều nhất tình cảm "thương vợ"  của ông Tú, thì tôi sẽ chọn từ "hờ hững". "Hờ hững" được đặt ở giữa câu thơ để kiểm soát hai giá trị "có "và "không". Nó tham gia vào có để cân bằng cái phương trình “Có = Không” thật nghịch lí và khiến ta muốn cười ra nước mắt.


"Hờ hững" không chỉ tuyệt hay khi nằm trong chu cảnh của hai dòng kết mà bản thân nó có đến 3 tầng nghĩa bổ sung cho nhau. Người ta nói thương hờ khóc mướn hoặc hờ khóc (như trong Vợ nhặt của Kim Lân). "Hờ" là biểu hiện của hình thức giả dối với nội dung. Nó là ngụy tạo trắng trợn. "Thương hờ" là có vẻ như thương nhưng thương một cách cơ học, tệ hơn cả sự vô tình. Đó là sự gá tình gá nghĩa, là nghĩa vụ ràng buộc đày đoạ? Là  chữ Tình vốn nhìn dưới góc độ nào cũng đầy vị tư, ích kỷ của con người. Vâng, ở đây chỉ Tình chứ không Thương! Yếu tố "hững" cũng tách ra như một từ đơn hoạt động độc lập hoặc kết hợp thành từ như "hụt hững". Một cú sốc tâm lý khi mình phát giác ra điều mình quan tâm đã mất, đã không là sự thật. Cả "hờ "và" hững" gộp lại nó tạo nên một hình thức của từ láy. Mà từ láy trong tiếng Việt là loại từ có hàm lượng mờ nghĩa nhiều nhất, có khả năng để cho thơ ca khai thác đời sống tâm hồn rất phong phú và phức tạp của con người. Không phải ngẫu nhiên mà Kiều trách kim:


"Trách lòng hờ hững vơi lòng"


Như vậy, đã là lòng (chữ Tâm), là những giá trị tinh thần đích thực thì không "hờ hững". "Hờ hững" là đối diện mà không "đàm tâm" được. "Hờ hững" làm cho đối thoại của những tấm lòng tri kỷ tri âm không còn ý nghĩa và như thế sự kết giao trăm năm là điều không thể có! Nếu Tú Xương  nói "hững hờ" thì hiệu quả ắt giảm đi nhiều:


"Hững hờ cốc sữa biếng cầm tay"  (Bản dịch" Dương phụ hành", Cao Bá Quát Sgk văn 11). 


"Hững hờ" thiên về hành động. Ở đây là cầm cốc sữa cho lấy có, chứ thực ra không quan tâm, không muốn uống. Từ "hờ hững" của Tú Xương lại nói đến sự lạnh nhạt trong quan hệ vợ chồng. Sự không chú ý của chồng với vợ!


Hai câu kết chứa một tiền giả định: Nếu không có Thói Đời bạc bẽo thì người chồng không "hờ hững" với vợ!


Đúng là cuộc đời "Khi cười, khi khóc, khi than thở" của Tú Xương đã quá hững hờ với ông, quá tệ bạc với ông khiến ông phẫn uất , ông ngông, ông bao đồng chuyện thiên hạ mà nhiều lúc quên cái hy sinh lớn lao của vợ mình là bà Tú. Một thoáng giác ngộ, bừng tâm lại mới thấy bà Tú thật là đáng trọng, đáng kính đến nhường nào!


Nhân vật trữ tình đã hiểu nỗi đau âm thầm của bà Tú, của mọi người phụ nữ Việt Nam. Những lam lũ và cuộc sống tối mặt tối mày của người phụ nữ ở xứ sở này hình như từ xưa đến nay là vậy. Người phụ nữ Việt Nam có thể chịu đựng được những nỗi đau lớn lao. Thậm chí, từ những bi kịch kinh người họ đã hành động. Đó là Hai Bà Trưng, bà Triệu, là nữ tướng Bùi Thị Xuân trước lúc bị voi giày đã nhìn được ánh mắt yêu thương của chồng là Trần Quang Diệu cùng trên bãi tử hình.... 


Thế nhưng, người phụ nữ Việt Nam không thể chịu đựng nổi những người thân "hờ hững" với mình. Đó là một sỉ nhục, một nỗi đau ê ẩm luôn rớm máu trong đời sống tâm linh của người phụ nữ Việt… Cái ngọc trai oan hồn Mị Châu sáng trong lên khi nước giếng Trọng Thủy nhỏ vào phải chăng từ sâu xa, sự thủy chung (dĩ nhiên không phải là sự hờ hững) đã làm cho mát dạ người chín suối ? Đây cũng là lý do sâu xa để Đồ Chiểu thấy nỗi đau của người mẹ già và người vợ trẻ khi mất người thân.


"Đau đớn bấy mẹ già  ngồi khóc trẻ ( ....)

Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng (...)


Con dù lớn ,với người mẹ thì vẫn là đứa trẻ thơ cần ân cần, chăm sóc; vợ dù khỏe vẫn là người "vợ yếu". Họ cần tình yêu thương hơn mọi thứ trên đời để được hi sinh và dựa cậy. Dĩ nhiên đó là điểm tựa tinh thần! Việc nuôi một ông Tú dài lưng tốn vải do thất cơ lỡ vận đối với bà Tú và của những người phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh như vậy không phải là điều lạ trong xã hội Việt Nam. Dường như đức kiên tâm và chịu đựng những bĩ cực cuộc đời thế này là điều mà phụ nữ Việt Nam mặc nhiên chấp nhận. Họ thà nuôi chồng, định hướng đường bay cho chồng vào vùng trời nhân  nghĩa chứ không khuyến khích chồng tìm tiền bạc trong tội lỗi độc ác. Tôi không cho rằng ông Tú mặc cảm điều này. Cái mặc cảm và thấy mình tội lỗi là ở sự "hờ hững" với vợ cơ!


Nhân vật trữ tình trong bài thơ này là ai ? Ông Tú, bà Tú hay của một người kể hàm ẩn ở ngôi thứ ba như thi pháp hiện đại mà Bakhtin thường nói?


Nếu cho rằng cùng trong một kênh ngôn ngữ có cùng một lúc nhiều lời kể, nhiều giọng điệu nghĩa là có "ngôn ngữ chập" của giọng ông Tú, bà Tú và giọng của kẻ thứ 3 (kẻ biết hết) thì e rằng cái khái niệm tiếng nói đa thanh vốn là của tiểu thuyết hiện đại được dùng để hiểu ở đây không ổn. Phải có một điều kiện lịch sử xã hội cụ thể con người đa diện của văn hóa tư bản phương Tây đặc biệt vào thời kì nhận thức cái "tôi" khủng hoảng của mình mới có cái đa thanh trong ngôn ngữ tiểu thuyết. Ta nhầm tính chất nhiều giọng ở "Thương vợ" có lẽ do đặc trưng của thơ. Với những đường biên của nghĩa rất mờ, thơ có thể gợi cho người thưởng thức theo nhiều hướng. Trong đó, không loại trừ người nghe (độc giả) bằng chủ quan và sự mẫn cảm của mình có thể nghe được tiếng ông Tú lẫn bà Tú.


Tôi nghiêng về giọng điệu của người thứ 3 hàm ẩn ở bài "Thương vợ". Dĩ nhiên, để có cái nhân vật thứ 3 này cũng phải có những điều kiện, những ứng xử vật chất tương ứng. Điều kiện xã hội phải tạo những nhân tố chín muồi.


Chúng ta không đi sâu vào lý giải ở đây. Cần thấy rằng, thời Tú Xương cái cá nhân, cái tôi đã thành hình khá rõ. Việc "lạ hóa" mình, gọi mình một cách ngất ngưởng là "ông Hi Văn", là "tay", là "ông ngất ngưởng" trong thơ Nguyễn Công Trứ trước cả Tú Xương. Và việc Tản Đà, sinh sau đẻ muộn so với Tú Xương, nôm na hơn gọi mình là "bác": "Trời sinh ra bác Tản Đà". Tất cả  họ đã đẩy mình vào tác phẩm như một đối tượng để cho tác giả nhận thức, miêu tả…


Tác giả Tú Xương đã nhận thức một nhân vật bà Tú và ông Tú trong một gia đình 5 miệng ăn với tư cách là người kể hàm ẩn, ở bên ngoài. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó lại là sự thật. Điều của Tú Xương làm Nguyễn Công Trứ, Tản Đà cũng làm theo cách khác mà thôi!


Ắt hẳn, có thể còn nhiều cách tiếp cận bài "Thương vợ" sâu sắc và độc đáo hơn. Một thoáng với bà Tú, tôi hiểu nhiều hơn về người phụ nữ vốn là bà tôi, mẹ tôi, người tôi yêu. Những "Đấng" người đó gần gũi mà chứa bao vũ trụ bí mật không cùng. Họ là văn hóa Việt Nam, là Mẹ Việt Nam....


Với Mẹ mình, nhiều lúc thức nhận lại cái đạo con cho tròn, không phải là không ý nghĩa


Với người phụ nữ Việt Nam, ta hiểu cái bất biến của hình tượng bà Tú vô cùng cần thiết cho đời sống thường biến của dân tộc Việt Nam


Anh Vũ

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.