- Lý luận - Phê bình
Về một kiểu lạc đề
Thứ bảy - 08/08/2020 20:07
Trong mỗi bài viết, xác định được đề tài (phạm vi cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm) và ý nghĩa tư tưởng (vấn đề được phát hiện thông qua nhân vật, sự kiện)... Một yêu cầu đặt ra với mỗi tác giả là nghệ thuật biểu hiện ?
Làm thế nào để bài viết có được sự sinh động, hấp dẫn và giá trị đem đến cho người đọc điều người viết muốn gửi gắm.
Tuyệt vời thay, ở những bài viết với lối biểu hiện trong sáng, gọn gàng, thường nhìn rõ ở dòng đơn tuyến. Anh muốn nói về cây, về biển, về dòng sông, mùa màng, hoa trái... Cả hai giá trị phản ánh và sau giá trị phản ánh là vấn đề được đặt ra là gì, đều thấy thỏa đáng ở câu chữ cuối cùng khi trang viết khép lại.
Có thể, coi đây là một kiểu “đúng đề” với lối biểu hiện mà người viết đã chọn. Nhưng, thật tuyệt vời hơn nữa, khi thi sĩ Xuân Diệu từng nói rằng, chỉ có người viết “xoàng”, ngồi chiếu “hạng ba” mới không biết dăm, bảy lần “lạc để” để đi “đúng đề” vậy.
Xuân Diệu dẫn chứng, có một chàng trai tìm được người mình yêu liền đến thẳng nhà cô gái nói rằng: “Em thân yêu ơi! Anh đang ở tuổi thanh xuân. Đang mang nặng trong con tim tình yêu. Anh xin yêu em. Em đồng ý lấy anh, em nhé”.
Chàng trai đi “đúng đề” quá rồi chứ. Anh cần lấy vợ, lại gặp người đã lọt vào mắt xanh yêu dấu. Nhưng, lạ chưa, khi chàng trai nói câu ấy, cô gái đã khinh bỉ, bỏ đi. Lần thứ hai, vẫn cái kiểu “đúng đề” như vậy, cô gái khác đã thẳng tay tát vào mặt chàng trai, ngượng ngùng trước lời tỏ tình thô kệch.
Còn, một chàng trai khác, với một “kiểu lạc đề”, anh tìm đến nhà cô gái với phong tư ôn nhuận, dáng vẻ mịn màng, lịch lãm. Anh muốn tỏ tình với người con gái kia. Nhưng, lạ chưa ? Ngồi suốt cả chiều thu tri kỷ, chàng trai không hề nhắc đến một chữ yêu nào.
Chàng trai dáng nhẹ nhàng, thư thái. Anh nói về ba dòng Thiên - Địa - Nhân trong vũ trụ. Anh nói về “Tề vật luận” của Trang Tử, “Đạo đức kinh” của Lão. Anh mê say với “Tứ đề”, bốn pháp ấn của đạo Phật. Anh lý giải về thế giới quan, bản thể luận của Starha qua “vô tạo giả, vô ngã, vô thường”... Anh nói về nhân sinh quan của con người mới với đạo đức truyền thống thông qua ngũ thường (Nhân - Nghĩa - Lễ- Trí - Tín) của Đức Khổng...
Song thân (đôi bậc cha mẹ) của cô gái ngồi nghe đều nhìn chàng trai một cách trìu mến và ngưỡng mộ. Cả hai bố mẹ cô gái đều nghĩ rằng: “Ôi, chàng trai thật uyên thâm, hiền dịu. Một con người? Hay tiểu vũ trụ có ở con người ấy. Phúc nhà ta, sao có được người này làm cái, làm con trong nhà cơ chứ?”.
Còn cô gái đứng nép bên tấm mành nghe chuyện, thấy con tim dồn lên nhịp đập, cô muốn kêu lên: “Trời ơi, ước gì chàng trai kia tà chồng ta ở cõi đời này”.
Đấy. Với một kiểu “lạc đề” chàng trai kia đã đến với tình yêu trong một lối đi riêng.
Rồi, có một diễn viên xiếc biểu diễn trên sợi dây thép mong manh được căng giữa không trung, anh đi từ A đến B một cách lẹ làng, đẹp mắt. “Thật đúng đề”. Nhưng, chàng diễn viên sành điệu hơn, nghệ thuật hơn, anh đã biết “lạc đề” bằng cách đang đi, giả vờ ngã rồi quay lượn, tạo sự sinh động ở quá trình đi từ A đến B như thế.
Ở không ít bài viết Xuân Diệu đã sử dụng kiểu lạc đề. Ông chỉ viết về một chữ trong bài thơ của Nguyễn Trãi, nhưng đã cho độc giả biết ba nghìn chữ ở nhiều tầng “văng xa”, nhiều kiến thức cổ kim, đông tây để làm sáng lên một chữ ấy.
Có bài viết về một vấn đề, nhưng với kiến thức sâu rộng, qua liên tưởng, so sánh hay từ lối gọi nhau ở vấn đề, sự kiện, người đọc bắt gặp ở đấy bao nhiêu lượng thông tin, biểu hiện vốn sống, vốn hiểu biết được dồn nén trên trang viết của người cầm bút.
Thử mình ở thi pháp trên, trong bài “Thả diều,” tôi viết :
Ai người thả cánh diều bay
Kéo mây, kéo cả ta đây lên trời
Ơ này, thơ mộng vừa thôi
Diều đang làm võng, làm nôi ru mình
Với tiêu đề “Thả diều,” bốn câu thơ trên, quả tình, bám rất chặt và đi “đúng đề.” Nhưng, để phá cách, phá vỡ trật tự của ngôn từ, ngữ nghĩa, bốn câu thơ tiếp nối sau đấy, người viết đã lấy nghệ thuật “lạc đề”, tạo những vòng đồng tâm trong quy tụ:
Ta thường qua đục rồi xanh
Thường quen lội giữa chòng chành mà đi
Thường chài mất, lẫn cả chì
Thường tay không chẳng còn gì lại gieo …
Và, quay lại, bám chặt vào tiêu đề sau phút “lạc đề” ấy:
Diều hay chiếc lưỡi câu chiều
Mắc hồn ta giữa phiêu diêu gió trời
Dây bay hay trái tim người
Ta tin có thật Cuội ngồi cưới trăng
Và ta có thể tin rằng
Chiều nay ai thả diều bằng bùa mê ...
(Thơ Kim Chuông)
Thực tế sáng tác, ở trang văn hay trên mỗi trang thơ, chúng ta thường gặp, có một kiểu “lạc đề” để đi “đúng đề”, có khi ở chi tiết, sự kiện, ở lối kết cấu, ở cách quy nạp từ nhiều phía khi người viết có được những phẩm chất nói trên.
KIM CHUÔNG