- Tác giả - Tác phẩm
Giới thiệu tác phẩm mới: Dấu yêu gửi lại
Thứ hai - 07/10/2024 14:09
Trang mạng Văn chương Nhà Búp xin trân trọng giới thiệu với các bạn tập thơ và văn xuôi Dấu yêu gửi lại của một thành viên Nhà Búp - cô giáo, nhà thơ Phạm Minh Châu qua bài viết của nhà thơ Kim Chuông, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình,Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình.
“DẤU YÊU GỬI LẠI” – MỘT TIẾNG LÒNG ĐƯỢM NỒNG, ĐẰM SÂU CỦA HỒN NGƯỜI CẦM BÚT
(Đọc “Dấu yêu gửi lại” - Tập “Thơ & Văn xuôi” của Phạm Minh Châu – NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2024)
Trước cuộc đời rộng lớn, Văn chương có một quy luật riêng. Nó chẳng khác ngôi nhà bốn phương không cửa. Mỗi “khách Văn, đề huề lưng túi gió trăng” này, đều đơn thương, độc mã, “tự nguyện” đặt bước chân “xuất - nhập.” Họ đến và đi. Vào và ra. Tới và lui, lúc nào? Đều giống như “phong vân” kỳ ảo. Bởi vậy, có thần đồng sáu, bảy tuổi, đã nổi tiếng trên văn đàn quốc gia, thế giới, rồi tự dưng biến mất. Lại có người năm, sáu, bảy mươi tuổi, thậm chí đã “bát thập niên” rồi mới đặt bút, thả tiếng sét rạng ngời vào bầu trời văn chương nhân loại.
Sáng tạo văn chương giống như công cuộc săn tìm, khai thác quặng. Có người bổ nhát cuốc đầu tiên đã gặp quặng chói sáng. Có người gặp đất đá. Rồi, quặng. Rồi, đất đá. Rồi, quặng. Cũng có người thực sự vô vọng trước năm tháng săn tìm. Mặc dù, cuộc săn tìm ấy tốn không ít mồ hôi, công sức.
Từ cái nhìn này, chợt ngoảnh về “Lớp Đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học của Thái Bình,” từ những năm 1976 - 1990. Đến nay, đã gần nửa thế kỷ đời người. Từ gần hai trăm gương mặt tụ về “Ngôi đền thiêng văn chương” thuở ấy. Năm mươi năm dài xa, “vòm minh tinh Khuê văn” kia? Ai còn trụ đến hôm rày? Ai đã dạt trôi, lặng thầm lặn vào góc trời nào? Ai đã vì sao, dứt bỏ mối tơ vương dang dở…?
Quả tình, “Cơm áo không đùa với khách Thơ”. Cõi Sương khói Ta Bà đã gió giông, đã sẩy sàng, đãi lọc… Để những “đệ tử” thủy chung, còn neo đậu trên bồng bềnh dòng trôi “cái đạo thi ca”, có khi đổ cả tâm huyết đời mình mà vẫn trắng tay, đứng nhìn cái vô tăm tích…
Là thế! Vậy mà, sao không vui? Sao không nâng niu, trân trọng sao được? Khi bước vào mùa thu của năm thứ 49 này, kể từ ngày Thái Bình mở ra cánh đồng ươm trồng, gieo cấy. Cùng với các Văn - Thi sĩ: Trần Huyền Tâm, Bùi Thị Biên Linh, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thúy Hằng, Lã Bắc Lý, Bùi Thanh Huyền, Nguyễn Thị Toán, Nguyễn Diệu Liên, Lê Thị Kim Hạnh, Trương Minh Hiếu … Những người đã có một, hai ba, tới sáu, bảy, mười … đầu sách. Những người đã trở thành Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật của các tỉnh thành, rồi Hội viên Hội Nhà văn đất nước… Năm gương mặt thi nhân: Nguyễn Thị Toán, Nguyễn Phương Thủy, Nguyễn Diệu Liên, Trương Minh Hiếu và Phạm Minh Châu, hôm nay, lại tiếp tục “trình làng” năm ấn phẩm tươi ròng, làm dầy đậm hơn, lung linh hơn, khung trời văn chương miền châu thổ Thái Bình, đất địa linh nhân kiệt.
Là Nhà văn, người thầy, từng giữ vai trò Chủ nhiệm, tôi thật sự tự hào, khi cầm bút viết lời bình cho các tập sách.
Trước cái ríu ran, đa thanh, đa giọng điệu. Khi Trần Huyền Tâm dào dạt, mát lành với khuynh hướng tư tưởng rõ rệt trong ý thức khơi sâu và hướng tới cõi Thiền. Khi Bùi Thị Biên Linh, Nguyễn Thúy Hằng, Bùi Thanh Huyền, Nguyễn Phương Thủy, Bùi Lan Anh, Lê Kim Hạnh, Trương Minh Hiếu … Là sức rung của tâm hồn thi sĩ. Là cái Đẹp của niềm yêu thương, nhân ái. Rồi, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thị Toán với năng lực khơi sâu của tầng chìm suy tưởng với cái riêng trong phát hiện, kiến giải. Rồi, Nguyễn Diệu Liên với nét xanh trong, tung tẩy, phóng khoáng, trong sắc thái mới mẻ, trẻ trung …
Còn, Phạm Minh Châu, với “Dấu yêu gửi lại”. Với tập “Thơ và Văn xuôi” mà chúng ta đang có trên thi đàn “Văn chương Nhóm Búp”, nó là “Quả đầu mùa” nhưng đã chín thơm từ hơn bốn mươi năm chắt chiu hương sắc.
Từ năm 1980 của thế kỷ trước, khi mới mười một tuổi, Phạm Minh Châu, đã được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình mời về “Lớp năng khiếu sáng tác văn học” làm một “Nhà văn nhí”. Bởi, từ lớp Ba, đến lớp Bảy, khi đang còn là cô trò nhỏ trường làng, Phạm Minh Châu đã liên tục là Học sinh giỏi Quốc gia, luôn đạt điểm cao trong các kỳ thi cả nước. Bởi, Phạm Minh Châu đã sớm yêu văn chương. Đã sớm tập viết những bài thơ ngẫu hứng khi cảm xúc ùa về bất chợt.
Cô gái đất làng Phong Châu (Đông Hưng) nằm liền kề làng Khuốc, cái nôi nghệ thuật Chèo nổi tiếng của Thái Bình, của đồng bằng Bắc bộ. Đoàn Chèo Thái Bình lại nhiều năm đóng đô trên đất làng mình. Với Châu, sao nhớ nổi, đã hàng mấy trăm đêm từng ngồi nghe các nghệ sĩ hát dân ca. Biểu diễn, dàn dựng các tích Chèo lâm ly, thống thiết. Để rồi, tâm hồn ấy, không gian ấy đã hóa thành suối nguồn chảy dạt dào, mướt mát trong Châu. Nó có cả ánh lửa và hương sắc phù sa trong khát khao, mơ ước. Trong mỗi vần thơ, mỗi trang văn thăng hoa, cất cánh sau này…
Đọc Phạm Minh Châu. Đọc “Dấu yêu gửi lại”, điều thú vị là người đồng hành, chiêm ngưỡng được nghe thấy, nhìn thấy và ngỡ như, mình có thể nắm cầm được cả cái mong manh, cái vía hồn thi sĩ.
Quả thực, “Văn là Người”. Phạm Minh Châu - Nhà giáo - Thi sĩ này là bóng hình của cái Đẹp. (Với văn chương, không phải bất cứ ai trên đời, lành hiền, xinh đẹp đều làm được thơ hay). Nhưng, sự thống nhất và ăn khớp giữa Thơ và Người, với Phạm Minh Châu là một cặp phạm trù tuyệt diệu.
Bởi, gặp Phạm Minh Châu là như gặp sắc hoa. Nghĩ về Minh Châu là lạc về miền mát lành, ấm áp. Đối diện với Minh Châu là đối diện với khoảng trong xanh, nồng đượm. Và, nghe Minh Châu thổ lộ, tâm tình… Là nghe cơn mưa ngọt ngào, tưới tắm của cái vui, cái hài, cái dí dỏm, cái muốn đem lại cho nhau tận gốc rễ cõi lòng, nguồn yêu thương, đắp điếm…
Phạm Minh Châu là thế. Nữ Thi sĩ xinh đẹp này là thế. “Cô Nhà văn nhí này”. Người đàn bà quê lúa Thái Bình này, đã bước qua tuổi năm mươi. Với nửa thế kỷ đi giữa cõi người. Với bao cuộc ngụp lặn, mưu sinh trước tháng năm, đâu ít gian lao, ghềnh thác. Rồi, cuộc đời làm vợ, làm mẹ, lấy chồng, sinh con, xây tổ ấm gia đình. Rồi, là một cô giáo trong mối quan hệ ràng rịt, cả áp lực nữa, giữa nhà trường, học trò, với sự nghiệp trồng người trước bao nhiêu khó khăn, thử thách thời cuộc…
Đâu phải nhẹ tênh với những gì thanh thản, vô ưu, được? Nhưng, có một Phạm Minh Châu đi giữa “Cõi Đời - Cõi Thơ” trong cái nhìn thật Đẹp. Dường như, tất cả những gì là xù xì, gai góc. Là khoảng tối của âu lo, nhọc nhằn, thậm chí day trở, buồn thương… Nhưng, khi nằm trong Châu, đi qua Châu, đều được nén chìm vào sâu xa góc khuất. Để rồi, chỉ riêng mình, tự mình nhấn chìm, gánh chịu… Để rồi, cái tự Ta vần xoay. Tự Ta vượt thoát. Tự Ta, đóng vai trò chủ thể… Tự Ta khi tách vỏ, hiện hình… thì, chỉ còn “Ta - Một dáng vẻ” của cái tươi xanh, hồn nhiên, trong trẻo trước ánh ngày, dâng hiến.
Vâng. Hãy thử tìm trong “Dấu yêu gửi lại”, trong thơ Phạm Minh Châu mà xem! Người đọc xong, đố biết Thi sĩ đã bám vào những việc, những cảnh gì, mô tả?
Thơ Phạm Minh Châu không quan tâm đến “Việc”, đến “Sự”. Không quan tâm đến những va đập, bụi bặm, gai góc đời thường. Ngoài mấy bài viết tặng chồng, nơi người thân yêu của mình từng cống hiến tài năng, trí tuệ cho công cuộc dựng xây Tổ quốc. Hay, ít bài viết tặng chị. Tặng bạn bè cùng lớp. Rồi, “Nhật ký tặng bé mùa Covid… v.v… “Sự” - với thơ Minh Châu, chỉ là “Cớ”. Cái “Cớ” cần cho sự khai sáng cảm xúc thi nhân. Cái Cớ là điểm tựa, là bến mở. Là Phút dội lên tiếng vang nơi con sóng gọi bờ... Tiếng vang mang âm hưởng ngân nga ấy, chính là tiếng lòng Châu. Là cái Trời phú cho trái tim thi nhân một sức rung trước con mắt ngắm nhìn vạn vật.
Hãy đọc, những câu thơ thật đẹp khi Phạm Minh Châu viết về “Rằm tháng Giêng”:
Gió gom mưa nắng sớm chiều
Để thành bảy sắc đem thêu cầu vồng
Hoặc:
Câu thơ viết thả lên trời
Làm sao đem đến với người ta yêu
Hoặc, với “Mùa Thu Tây Bắc”:
Em ước lúc này được nắm tay anh
Giữa thung lũng vàng như đôi bướm trắng
Trời thẳm xanh, suối reo trong tĩnh lặng
Mình như nốt nhạc trầm xao xuyến giữa bao la.
Hoặc, đây là, trong “Tháng Giêng vô tình”, nào đấy:
Cao nguyên vàng nắng xanh rừng
Mình em ngơ ngác đếm từng bước chân
Đàn tình ai gảy mà ngân
Gió mang thương nhớ trong ngần tới anh.
Hoặc, đây nữa. Lời “tự bạch” chân thành, khi “Trẩy hội Chùa Hương”:
Khỏa tay mặt nước êm đềm
Buông trôi tất cả ưu phiền, sân si
Vẳng nghe trong gió thầm thì
Tiếng kinh cầu lắng từ bi trong hồn.
Luôn giống như con tằm chui vào cái bọc của khoảng xanh. Luôn ngụp bơi trong miên man khoảng xanh của mộng mơ, ảo huyền, trong mát. Ý thức này, Phạm Minh Châu chỉ dành cho lối mở khi tìm đến thơ, đánh thức thơ, biểu cảm thơ. Còn với thực tại, Phạm Minh Châu là người đi nhiều. Người thơ này luôn muốn vươn xa. Luôn muốn ôm chứa trong mắt mình “ngàn vạn núi sông kỳ lạ của thiên hạ”. Bởi vậy, những chuyến đi đến với Á, Âu... Đến với Nga, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ… Đến với thế giới của Núi sông - Cảnh vật - Con người… Là niềm mê say, phấn hứng. Là cái khát, muốn gom nhặt cho đầy góc hồn mình cái Biết, cái khám phá, cái diệu kỳ của thế giới đó đây. Song, những Biển, những tháng Giêng. Những Chùa Hương. Những mùa thu Tây Bắc. Những Đàn tình, Bướm trắng… Tất cả “Hiện thực ngoài Ta”, thuộc về ngoại giới kia, khi bước vào thơ Phạm Minh Châu nó chỉ còn một nửa, còn ít hơn thế nữa. Còn cái bóng mờ. Còn sương khói. Còn, cái Ta nương nhờ, ta vịn cầm, thôi nhé. Bởi, tất cả “là Ta đấy”. Là Hồn Ta thấm loang, sóng sánh. “Là Thơ”, khi Ta đã lấy cái phần hơn mà chiếm lĩnh, nó không phải chỉ ở chữ nghĩa, mà ở cái Cảm sâu đằm.
Cứ nhìn các tiêu đề: “Phượng thu”, “Phượng vàng”, “Tháng Giêng vô tình”, “Lập Đông”, “Nơi tôi tìm đến” … Rồi, “Không đề”, “Gọi mùa”, “Gửi lại” … Hay, “Hương quê trong phố”, hoặc, “Cho những ngày dấu yêu” … là rõ.
Phạm Minh Châu tìm thơ ở “Không gian hồn mình” nhiều hơn. Và, không gian thơ khi tìm giữa hồn mình, thì nhà thơ nhiều khi phải “đem hồn mình ra làm một thế giới” khác. Đấy là, thế giới thứ hai. Thế giới của hồn ta suy tưởng.
Trong mạch chảy nối dài, thơ Phạm Minh Châu là hương sắc phù sa. “Là Muối” ở bến bờ lắng chắt. Thơ đi trong cái Đẹp - Lành - Hữu ích. Thơ, không vẩn chút bụi mờ của sự ngột ngạt, bi thương, ai oán. Dẫu, có lúc, đây là chút giận hờn, thở than, nhưng nó là cái Đẹp, trong “Bể lớn yêu thương”:
Nếu như mình không gặp nhau
Thì mong nhớ chẳng làm đau tháng ngày...
Giá như có kiếp sau này
Cho mình thương trọn những ngày vắng nhau!
(Ghi hộ một người)
Hoặc, đây là chút nỗi niềm se lạnh. Nhưng nó không phải là cái đang diễn ra, mà nó là cái đã thuộc về “thì quá khứ.” Cái trong ta đã xa rồi. Cái mà Ta đã bình tâm nhớ lại trong diết da, ngoảnh lại:
Phượng vàng rụng hết rồi anh
Và lời hẹn cũng tan thành khói sương
Chẳng còn ấm áp lời thương
Màu hoa phai bạc, con đường ngút xa
Chỉ còn lại một mình ta…
Và héo úa...
với màu hoa lìa cành
(Phượng vàng)
Hoặc, vẫn là cái ở “thì quá khứ” ấy, cái ta nắm cầm được quy luật con người, thiên nhiên. Chứ (Ta) không vật vã trong thực tại diện kiến, khi trong thơ, gửi “Mừng sinh nhật Bạn”:
Cùng thêm một tuổi nữa rồi
Nhìn nhau xa xót, Bạn - Tôi... chớm già
Ngậm ngùi nhặt chiếc lá đa
Mùa Thu chở tuổi trẻ ta về trời.
Dễ nhận thấy, “Dấu yêu gửi lại” chính là dòng sông hồn mình. “Dòng sông thơ ca” của Phạm Minh Châu. Trên phông lớn là mạch nguồn biếc xanh, êm ả, thơ Phạm Minh Châu là tiếng nói chân thành, tươi tắn. Thơ của cái Tình, cái Tinh, cái Đẹp. Thơ của nguồn vui, nguồn yêu thương, trong sáng. Càng dễ nhận diện hơn, thơ của người thơ luôn dí dỏm, hài, và hóm. Ở các bài “viết tặng bốn nàng Tiểu mã”. Hay, “Vè nói ngược” thơ tặng các bé lớp song Ngữ Nhật – Anh. Hay, thơ “Cho những ngày dấu yêu” viết tặng lớp 9D4. Và, thơ “Những chuyến đò của đời tôi” tặng lớp 9D1 v.v… là những minh chứng ấy.
Điều đáng nói nữa, ở “Dấu yêu gửi lại” thơ Phạm Minh Châu có những hình ảnh đẹp và gợi. Những câu thơ có sức đẩy, sức liên tưởng khá xa giữa hình ảnh đời sống khi bước vào hình ảnh thi ca. Những câu thơ mà khoảng giữa của nó là tài năng. Là cả sự rộng dài của năng lực tái tạo và sáng tạo của nghệ sĩ.
Ở “Dấu yêu gửi lại” cùng với Thơ, Phần Văn xuôi, Phạm Minh Châu chọn, giới thiệu tới hơn chục Bút ký, Ghi chép với những bức tranh đa sắc màu, khá hấp dẫn và lý thú. Phạm Minh Châu viết nhiều, viết kỹ và sâu, về Cha, về Mẹ, về chị, về em. Về Cảnh quê, Người quê… viết về những gì thật quen gần, thân thuộc.
Với văn phong của một thi sĩ, trên mỗi trang viết, Phạm Minh Châu có được cái mê hoặc, cuốn hút của cảm xúc. Đấy là chất thơ, chất trữ tình, trước lượng thông tin với năng lượng của sức cháy nơi tâm hồn giao cảm.
Điều cốt lõi hơn thế trong cái bao trùm, cái vượt lên câu chữ, cái sáng dậy ở tình tiết, sự kiện là đạo đức, tình người. Là cõi lòng yêu thương, thờ cha, kính mẹ. Là cái Thiện, cái hướng về cái Đẹp nơi tâm hồn Phạm Minh Châu, người cầm bút, đóng vai trò chủ thể.
Văn xuôi Phạm Minh Châu bám chặt lối tự sự. Người viết ít “dựng” nhưng lối kể hấp dẫn ở cái duyên dẫn dắt. Nét đẹp làng quê được tái hiện khá điển hình, trong “Ai có quê thì về” hay ở hầu khắp các trang viết về thiên nhiên, cảnh vật. Hãy đọc:
… “Đâu đó ở quê, vẫn còn những "Trang viên" xanh tươi, những góc khuất hiền hòa cho bờ dậu, khóm tre, mảnh ao chưa xây kè bê-tông để chuồn chuồn, cánh cam, sâu róm, ếch nhái... tha hồ hoan ca cái bản nhạc cổ sơ của đồng quê muôn thủa!
Chiều chiều, đêm trăng tiếng sáo diều vẫn ngân nga vi vút ru vỗ những hàng cau, khóm tre may mắn còn sót lại, âm thầm bền bỉ lưu giữ chút hương thơm tịnh nguyên ngan ngát của đất quê xưa cũ muôn đời! Bưởi vẫn nồng nàn mỗi Tháng Ba về, Thị vẫn mê hoặc kẻ xa quê trên vòm lá, Chào Mào vẫn về ăn Ổi mà chẳng ai xua…!”
Hoặc trong ghi chép “Buổi đầu tôi đi gặt”, những dòng Văn xuôi ở đây, ngỡ như những dòng Thơ Văn xuôi tung tẩy mà phóng khoáng. Ví như:
… “Ba mẹ con tôi quẩy quang gánh ra đồng lúc trời vẫn còn mờ tối. … Tôi đứng trước ruộng lúa chín rộ đầy ắp như một mâm xôi mà không biết bắt đầu từ đâu. Mẹ tôi chỉ cho tôi chỗ đứng, dặn dò cẩn thận kẻo cắt vào tay…”. … “Sau trận mưa rào, ruộng ì ũm những nước, tôi bước chân xuống, một tiếng “ọp” gọn lỏn phát ra và tia nước đục ngầu phụt lên làm bẩn quần áo tôi. Tôi cười ngượng nghịu…”
Đấy là, trong “Buổi đầu tôi đi gặt”. Còn ở “Phố Làng”:
... “Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về Phố Xưa là cây Bàng cổ thụ ở bên kia đường thuộc làng Bùi. Tôi chưa thấy ở đâu có cây bàng to và đẹp như thế! Một thân cây to có đến hai người lớn với tay ôm! Một tán cây tròn, đều và rộng, trùm rợp cả con đường 39A với những búp lá mỡ màng xanh như ngọc vào mùa xuân – một cái màu xanh non tơ như phát sáng mà tôi nghĩ không có loài cây nào có được. …
… Hai cụ bà đã ở độ tuổi “nước thời gian nhuộm tóc trắng phau phau”… vấn khăn tròn, đội khăn mỏ quạ, răng đen nhưng nhức. Sáng sáng, mỗi cụ gánh một gánh nặng từ làng Nguyễn đến gốc bàng. Nào là ngô rang, lạc rang, kẹo bột, kẹo gừng, kẹo lạc, vỏ quế, bưởi, dâu da, sung, khế, ổi, roi…Mùa nào thức ấy, được bày ra. Chao ôi, toàn những thứ luôn xuất hiện trong giấc mơ của bất cứ đứa trẻ nhà quê nào như tôi bấy giờ. Trẻ con luôn có mặt bên những mẹt hàng của hai cụ, dù chủ yếu là đứng nhìn và nuốt nước bọt ao ước chứ làm gì có tiền mua…”
Ở “Dấu yêu gửi lại”, văn xuôi của Phạm Minh Châu giàu tình tiết. Những quan sát khá tinh. Những hình ảnh khá cô đặc, điển hình. Chẳng hạn, trong Ghi chép: “Chiếc xe đạp của cha tôi”:
… “Về hưu, thầy (cha) tôi vẫn tham gia công tác xã hội, ông làm cán bộ tuyên huấn, nên hay đi công tác phong trào ở các xã trong huyện. Chiếc xe đạp thiếu nhi cà tàng, bánh 650ml, màu vàng sữa đã tróc sơn, không phanh, không chuông, thường xuyên tuột xích, săm lốp vá chằng vá đụp, vẫn thủy chung cùng ông trên những ngả đường. Mùa gặt, nó biến thành xe thồ lúa, rạ, phân bón ra đồng.
… Thầy thường chở tôi đi học trên những con đường nông thôn liên xã lầy lội hay ngồn ngộn rạ rơm. Thầy gò lưng trên gác-ba-ga có lót mảnh áo mưa cho khỏi đau mông vì ngày ấy, đường xóc long sòng sọc. Nhiều đoạn đường xấu quá, thầy phải xuống đẩy hay dắt xe. Nếu là đường gồ ghề thì tôi xuống xe lẽo đẽo đi sau; nếu đường lầy lội, thầy tôi vẫn cố cho tôi ngồi trên xe vì sợ tôi đi bộ thì bẩn quần áo, không kịp vào lớp học đúng giờ.
Thầy tôi dầm chân trong bùn lầy lõng lõng hòa lẫn phân trâu bò, cố sức giữ và đẩy chiếc xe cà tàng. Tôi ngồi sau yên xe, chân cố nâng cao tránh bùn lấm, mặt tái đi vì sợ, chỉ muốn xuống đường đi mà thầy tôi không cho... Thực ra, lúc ấy tôi chưa biết thương thầy như bây giờ, vì vậy mỗi lần nhớ lại, tôi lại se sắt một nỗi ân hận muộn màng …”
Và, đây nữa, hình ảnh người “mẹ chồng” hết lòng bao dung, tận tụy: “Hơn 20 năm làm dâu trong nhà, chẳng bao giờ mẹ trách cứ, yêu cầu, ngăn cấm cả bốn chị em dâu chúng tôi một việc gì. Chị em chúng tôi cảm thấy mẹ còn dễ với chúng tôi hơn cả mẹ đẻ mình, hơn cả con gái mẹ. Chúng tôi có lười nhác, vụng về trong công việc hay cư xử mẹ cũng không bao giờ trách móc. Mẹ bảo với bà Ru - người em sinh đôi: “Mình chẳng có công nuôi dạy, tự nhiên được thêm đứa con gái về lo việc nhà mình, sao lại đòi hỏi nó, nó cũng như con gái mình thôi ...”.
… “Phải bảo vệ con dâu chứ. Vì nó là mẹ các cháu mình. Gia đình nó tan vỡ thì cháu mình bơ vơ. Đàn bà có ai không khổ. Nó lại là đứa con dâu tốt, nó có sai lầm thì cũng là chuyện thường, con trai mình cũng có vô tội đâu”. Tôi kể chuyện ấy cho bạn tôi ở thành phố nghe, tất cả đều lặng đi vì cảm phục và xúc động. Đó bà mẹ chồng “nhà quê” đã hơn 80 tuổi, không được học hành, lại được giáo dục bằng lễ giáo phong kiến... nhưng lòng nhân từ, vị tha và sự sáng suốt của các cụ, tôi nghĩ, nhiều người trẻ, có học có khi không bằng…”
Rồi, đây nữa, hình ảnh người bố chồng trong “NGƯỜI - HIỀN” được Phạm Minh Châu tái dựng, trong nghệ thuật “Kể - Tả” - Và, “Bình” làm sống dậy một chân dung một con người đáng kính.
… “Trong mắt tôi cũng như những người đã từng làm việc, người thân thiết hay tiếp xúc với ông, cha chồng tôi thực sự là một Người-Hiền rất điển hình của những trí thức xưa …”
… “Ông có dáng người dong dỏng, da trắng và một gương mặt đẹp: mũi và trán cao, mắt sáng, miệng rộng, nét môi cương nghị rất đàn ông. Nhưng nổi bật, gây ấn tượng đặc biệt nhất là đôi tai của ông: đôi tai dày. to, đẹp như tai Đức Phật…Điều đáng nói là: tất cả những nét ấy đều hài hòa lại thành một vẻ đẹp hiền hậu, mực thước, thân thiện… đặc trưng của một nhà giáo thời xưa.
… Cũng giống cha đẻ tôi, hai ông rất thích làm vườn. Cha tôi thích trồng hoa, còn ông thì thích trồng cây ăn quả. Sau này, lần nào về quê tôi cũng thấy cha cặm cụi trong vườn vào các buổi sáng: nhặt cỏ, vun gốc, tỉa cành, tưới cây hay hái quả. Thấy con cái về, ông hồ hởi vào nhà tay mang theo những thứ rau trái vườn nhà cho các con thưởng thức, và bao giờ cũng có một câu nói vui vẻ “Bố giờ thành nông dân rồi”.
… Hình như đó là niềm vui của tất cả những trí thức sống thanh cao và trong sáng của thời ông, cái thời của những “kẻ sỹ Bắc Hà” mang trong mình cả hai nền văn hóa Hán học và Tây học, trọng chữ “Thanh, Liêm” biết buông bỏ “tham, sân, si” để tìm về một chữ Nhàn, giản dị như phong cách của những bậc Hiền Nho ngày xa cũ …”
Có thể trích dẫn nhiều hơn nữa, ở “Người hiền”, ở “Mẹ chồng tôi”, ở “Chú Út”, ở “Phố làng”, ở “Ai có quê thì về… Hoặc, những ghi chép về các chuyến đi du ngoạn đến với các nước xa xôi, trước rất nhiều cái Gặp, cái Thấy, cái liên tưởng, nghĩ suy, lý thú và hấp dẫn… trong phần văn xuôi ở “Dấu yêu gửi lại” của Phạm Minh Châu.
Và. Với Phạm Minh Châu. Với “Dấu yêu gửi lại.”
Là Văn? Hay là Thơ? Trên những trang viết của một Nhà giáo - Một Nữ Văn Thi sĩ, điểm phát lộ sáng nhất được quy tụ nơi cái nhìn, đó là: “Một gương mặt mát trong. Một tâm hồn tươi xanh, dào dạt. Một vía hồn yêu say, ngọt mát. Một tâm hồn yêu thương, nồng ấm. Một bến bờ ấm áp, xa vang … nơi neo đậu tìm về …”.
Phạm Minh Châu là thế!
Văn - Thi sĩ Phạm Minh Châu là thế!
Chúng ta thật vui, thật tự hào, khi miền trời văn chương mang tên “Nhóm Búp” của Thái Bình, của nền văn học đương đại, có thêm Phạm Minh Châu, có thêm mảnh sao Khuê lấp lánh!
Hải Phòng, những ngày Thu 2024
K.C