• dau-title
  • Tác giả - Tác phẩm
  • cuoi-title

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI: TẬP THƠ VÀ VĂN XUÔI "DUYÊN 2"

Thứ sáu - 13/09/2024 10:36



GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI: TẬP THƠ & VĂN XUÔI “DUYÊN 2” 


Chuyên mục Tác giả tác phẩm của Nhà Búp xin trân trọng giới thiệu với các bạn bài viết của nhà thơ Kim Chuông (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình - Chủ nhiệm Lớp Đào tạo Bồi dưỡng Các em có năng khiếu sáng tác Văn học ở Thái Bình 1976-1990) giới thiệu về cuốn sách chung thứ 7 của các nhà văn nhà thơ trong nhóm "Nhà Búp", tập thơ và văn xuôi Duyên 2 do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 9 năm 2024.


LỜI TỰA


Tập Thơ và Văn xuôi mang tên “DUYÊN 2” là tập hợp những sáng tác văn học được chọn lựa của Các “Thành viên Nhà Búp”.


Sau các tập “Diệu khúc Sen” (2018), “Búp và Hoa” (2018), “Gửi Miền yêu thương” (2019), “Khung trời bình yên” (2019), “Chùa Keo” (2020), “Duyên 1” (2023), Tập “DUYÊN 2” được trình làng vào đầu thu, Giáp Thìn năm 2024 này, cũng khá đồ sộ ở trang in. Ở sự phong phú, sinh động về thể loại. Ở sự đóng góp đông đảo của tác giả. Ở sức nặng của trang viết nơi tâm  hồn, trí tuệ trước sự thăng hoa, khai sáng của công cuộc lao động, sáng tạo nghệ thuật của những người  cầm bút…


“DUYÊN 2” thực sự là “gia tài văn chương”  không nhỏ của các văn thi sĩ đã góp vào nền văn học đất nước một giá trị hữu ích, một mạch nguồn khơi mở, một dòng chảy có riêng dáng vẻ trước biển lớn thi ca đương đại…


Đi từ cái duyên” ấy. “Cái duyên” trước tiên phải kể đến, đó là, vào đầu Hè năm 1976, khi Thái Bình là tỉnh đầu tiên trên cả nước mở lớp “Đào tạo, bồi dưỡng Các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học” do Nhà văn Bút Ngữ, Chủ tịch Hội VHNT Thái Bình và ông Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên là Chủ tịch  Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khởi xướng.


Đã qua nửa thế kỷ dài xa, từ “Lò luyện văn chương, 1976” tới nay, Thái Bình đã có một miền “Khuê văn minh tinh” với những “gương mặt văn chương” đã và đang sáng lên với nhiều giọng điệu lấp lánh. Với trên 50 tập sách in riêng và in chung đã được các Nhà xuất bản ấn hành. Với 50 Giải thưởng mà các “Nhà văn nhóm Búp” giành được qua các cuộc thi sáng tác văn học trong nước và Quốc tế.


Với hai tác giả tiên phong, đi đầu đã gia nhập, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Với hàng chục cây bút là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật của các tỉnh thành trên cả nước. Không ít người nổi danh là Nhà báo xuất sắc trên các cơ quan Báo chí. Những thầy cô giáo giỏi văn, những cán bộ trong đội ngũ Trí thức khoa học, Văn học nghệ thuật của cả nước. Không ít những tác giả đã có từ 5 tới 10 tập sách in riêng, đủ tiêu chuẩn kết nạp, nhưng họ chưa gia nhập là Hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật của các tỉnh thành, hay Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vì lý do riêng tư nào đó.


Điều đáng nói, đấy là, 5 năm qua, từ khi trang “Báo Mạng” ra đời mang tên “Nhabup.vn” do Nhóm Văn Búp đứng đầu là Thi sĩ Trần Huyền Tâm, người sáng lập, người đóng vai trò “Chủ Nguyên súy tao đàn”, vai trò “Chủ bút”, đã thực sự làm nên diễn đàn sôi nổi trong mối liên kết, làm nên cánh đồng ươm gieo, hái gặt của rất nhiều cây bút với những sáng tác phong phú, đa sắc màu, đa diện. Đã mở ra luồng không khí văn chương mới mẻ, trong lao động sáng tạo nghệ thuật, trong in ấn xuất bản, trong tổ chức trại viết, trong các chuyến đi thâm nhập thực tế trên hai miền Nam Bắc. Trong các diễn đàn xung quanh “công việc bếp núc” của thi ca… Với các hoạt động ấy. Với một tờ “Báo mạng.” Với các chuyên mục được mở, như: Thơ, Truyện ngắn, Tản Văn, Bút ký, Lý luận Phê bình, Dịch thuật... Tờ Báo xuất hiện thường xuyên những sáng tác mới. Gương mặt tác giả mới. Những bài “Giới thiệu sách,” những bình phẩm văn chương…


Từ ngọn lửa này đã đốt lên nguồn cảm hứng, thu hút các “Nhà văn Nhóm Búp” cùng các “Cộng tác viên” là các nhà văn, nhà thơ, những bạn bầu yêu tin, gắn bó, và trở thành “thành viên” thân thiết của “Đại gia đình văn chương Nhà Búp” đông vui về số lượng, “Mạnh và Hay” về chất lượng, thực sự làm nên khoảng sáng trong “cái DUYÊN” có được ở cuộc hội tụ này.


Tập “DUYÊN 1” ra đời đầu năm 2023, với 57 tác giả (Nửa phần là Nhà văn Nhóm Búp) giới thiệu 138 bài thơ, 26 bài văn. Tập “DUYÊN 2”, sách dày gần 500 trang in, có 72 tác giả với 219 bài viết, trong đó có 193 bài thơ, 26 bài văn xuôi. Có nhà văn đóng góp ở cả ba thể loại.


Cùng với các cây bút là nhà văn chuyên nghiệp, các “nhà văn Nhóm Búp” và “thành viên Nhà Búp”, tập “DUYÊN 2” này, còn có sự tham gia của các thế hệ Búp, như bố mẹ và con gái của Búp Họa Mi, bố mẹ của Rơm Vàng. Rồi, các “Nhà văn Nhóm Búp” từ nước ngoài tìm về “Ngôi nhà thân yêu xưa” của mình sau thời gian dài xa nhau, “vắng hình, cách mặt.”...


Nối tiếp và đắp dầy nơi mạch nguồn đã mở, “DUYÊN 2” vẫn là cái đa thanh, đa sắc màu, giọng điệu. Trên các trang viết, người đọc gặp ở đây sự ríu ran, tươi tắn của cảm xúc chân thành, ý tưởng tươi mới. Gần 200 bài thơ, tự nó vang lên nơi sâu thẳm con tim. Nơi ngỡ như không còn ranh giới trong sự nhập hòa giữa Đất - Trời và Hồn người giao cảm. Thơ với sự phong lưu, bề bộn nơi ngoại giới gọi về. Thơ của “cái Nhìn”. Thơ của “đại giác” được đẻ ra “đại mộng”. Những “Nhà văn nhí” một thời, mạnh về trực giác, mạnh về “hướng ngoại,” bây giờ đã bám chặt hiện thực của “Cõi lớn Ta bà” để quay về ngụp lặn nơi hồn mình để có được cái “độc thoại,” cái “hiện thực hoài nghi.” Cái hiện thực của tầng chìm sâu nơi hồn mình suy tưởng. Có thể nói, ở mỗi chùm thơ, mỗi tác giả thơ, là một lối tiếp cận, lối mở, mang dáng vẻ khác nhau, nơi đốt lên cảm xúc, nơi liên tưởng văng xa, nơi đảo lật những trật tự ngôn từ, với cái gốc của hồn thơ trong thăng hoa, kết đọng... Và, cái gốc, cái nền lớn của nó, đấy là cái chân mộc. “Cái thực” đã làm nên “câu thơ Hay”, câu thơ lay động và ám ảnh hồn người. 


Cùng với Thơ, “DUYÊN 2” giới thiệu khá đậm những trang văn xuôi bao gồm các Truyện ngắn, Bút ký, Tản văn... giàu chất văn. Giàu chi tiết, giàu cảnh huống, cảnh sự. Với lối tự sự có duyên. Lối mô tả mà các sự kiện điển hình, cảnh huống điển hình, hấp dẫn qua khả năng “tái tạo hóa,” “khái quát hóa”, đã đem lại giá trị phản ánh, giá trị hữu ích. Giá trị của thông điệp có từ thông tin mà nhà văn muốn gửi tới cuộc đời. Ở mỗi bài viết là những bài học mang chiều sâu, góp cho đời có thêm “những tia sáng nhận biết...”


Góp vào “DUYÊN 2,” phần khá sinh động nữa, đó là những trang “Lý luận - Phê bình” với cách soi nhìn, cách phẩm bình, cách cảm nhận, phát hiện… Các bài viết ở đây đều có được sự cảm nhận sâu trong hòa đồng. Trong mổ xẻ. Trong cái đặt ra những vấn đề mang lý luận ở nội dung, thi pháp. Ở hình ảnh, hình tượng, kết cấu. Ở sở trường, sở đoản. Ở hướng mở mang thế mạnh, giúp người viết tự nâng cao mình trong tự thức, và ý thức sáng tạo… Bên cạnh các “Nhà văn Nhóm Búp”, các “Nhà văn là thành viên Nhà Búp” đã góp vào tập sách một mảng đậm với thế mạnh riêng ở giọng điệu, ở cách chiếm lĩnh hiện thực, ở sự chiêm nghiệm, trải nghiệm, ở thi pháp, ở tiếng lòng mà mỗi nhà văn thực sự là những vũ trụ bí ẩn và riêng biệt....


“DUYÊN 2” là tập sách Hay. Là sản phẩm quý hiếm của “các Nhà văn, Nhà thơ Nhà Búp” được chọn lựa, tập hợp, tề tựu... Lần nữa, làm sáng lên “khoảng sáng văn chương” ở một miền trời mang mạch nguồn, với dáng vẻ riêng, đáng nâng niu, trân trọng. Xin trân trọng giới thiệu cùng công chúng, bạn đọc, bạn viết. 


Nhà thơ KIM CHUÔNG

(Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình - Chủ nhiệm Lớp Đào tạo Bồi dưỡng Các em có năng khiếu sáng tác Văn học ở Thái Bình 1976-1990)



 



Các bài viết liên quan:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.