• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Phượng vàng xinh đẹp của tôi

Thứ hai - 15/11/2021 16:06





PHƯỢNG VÀNG XINH ĐẸP CỦA TÔI
 
Tôi thích gọi em bằng cái tên Phượng Vàng xinh đẹp bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, em là một cô bạn đồng hương, xinh đẹp của tôi. Thứ hai, em đang sống ở thành phố được mệnh danh là Thành Phố Hoa Phượng. Thứ ba, tôi rất thích bài thơ dễ thương của em có tên gọi: Phượng Vàng. Hoa phượng thường được gọi bằng cái tên thương mến: Hoa học trò. Nhưng Phượng Vàng thì rất lạ, rất đặc biệt! Nó giống như Em và Tôi. Chúng tôi gắn bó bằng những kỷ niệm đẹp và vô cùng Đặc Biệt từ “Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường”. Và trên hết, chính là tình cảm nồng ấm chúng tôi dành cho nhau.
 
Em là Phạm Thị Minh Châu - người con gái quê lúa hiền lành thơm thảo theo chồng về đất cảng. Chồng em là Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Hải quân Việt Nam. Thành phố của những mùa phượng rực rỡ thắm tươi trên mỗi nẻo đường cũng là nơi cô giáo Minh Châu miệt mài gieo trồng trên cánh đồng chữ nghĩa. Và em đã gặt hái bao mùa trái ngọt hoa thơm.
 
Ở  phương Nam xa xôi, giữa những nắng mưa luôn ồn ào sôi nổi, tôi thường nhớ về phương Bắc mờ xa với niềm trân trọng và xiết bao yêu dấu - đó là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nơi mỗi tấc đất đều lung linh bao kỉ niệm bên mẹ cha và những người thân thương suốt thời thơ ấu. Bao kỷ niệm dấu yêu lại xôn xao trong tôi như muôn ngàn con sóng nhỏ. Trong đó có những kỷ niệm thật Lạ Lùng được se bởi chữ Duyên Lành - duyên văn chương chữ nghĩa của Châu và tôi.
 
Ngày ấy, sau khi thi học sinh giỏi văn toàn Miền Bắc lớp 4/7, tôi được chọn về theo học tại Lớp Bồi Dưỡng những thiếu nhỉ có năng khiếu sáng tác Văn Học Nghệ Thuật do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình mở, đầu tiên trên phạm vi cả nước. Tôi học khoá đầu tiên. Lớp có 12 học sinh. Bạn lớn nhất 14 tuổi, tôi vừa qua tuổi 11. Chúng tôi được học tập với sự hướng dẫn dạy dỗ của những nghệ sĩ tên tuổi thời ấy: Về thơ có nhà thơ Kim Chuông, nhà thơ Lê Bính, nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng, nhà thơ Phạm Hổ..; về văn có nhà văn Tô Hoài, nhà văn Phong Thu, nhà văn Bút Ngữ...
 
Ngoài văn và thơ là chính, chúng tôi còn được làm quen với hội họa, điêu khắc nhờ họa sĩ Bùi Tằng Hoàn, họa sĩ - nhà điêu khắc Hà Trí Dũng. Được làm quen với âm nhạc nhờ nhạc sĩ Hoàng Vân.
 
Cả tuần được học trên hội trường có quạt máy mát rượi, bàn ghế bóng loáng. Thứ 7 được các chú các bác nghệ sĩ chở vào thư viện lớn đọc sách. Chủ nhật lại được đi xem phim trong rạp. Ăn uống tỉnh nuôi. Thỉnh thoảng còn có xe ô tô chở đi tham quan những cảnh đẹp nổi tiếng nhất khắp mọi miền đất nước. Bài viết nào của chúng tôi viết ra đều được các nhà văn, nhà thơ nhận xét đánh giá, bài hay sẽ được chọn đọc trên đài phát thanh của tỉnh, đài tiếng nói Việt Nam và in trên các báo như : Thiếu Niên Tiền Phong, Tập San Văn Nghệ Thái Bình, báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam ... Tỉnh còn dành riêng một tập san có tên là Búp Trên Cành để giới thiệu các tác phẩm của các cháu thiếu nhi lớp sáng tác tài  năng. Tập san được các bác các chú họa sĩ tên tuổi vẽ mình họa. Vui nhất  khi nó được phát hành khắp nơi, nhất là đến các trường học. Vào những năm đất nước vừa đi qua chiến tranh thiếu thốn đói khổ trăm bề, những đứa trẻ trạc tuổi chúng tôi phải chăn trâu cắt cỏ bắt cua bắt tép, mót những bông lúa rơi trong mùa gặt để có tiền ăn học thì chúng tôi được học tập, chăm sóc như những công chúa, những hoàng tử nhỏ.
 
Nhưng học hết năm thứ 4 của hệ 5 năm, gia đình tôi chuyển vào miền Nam lập nghiệp. Tôi đành rời xa mái trường đặc biệt ấy, mang theo bao nuối tiếc  nhớ nhung. Hồi đó thông tin liên lạc đâu thuận tiện như bây giờ!
 
Chuyện kỳ diệu đến như giấc mơ! Hôm đó là ngày 8/8/2015, tôi nhận được cuộc điện thoại của người anh họ. Anh báo tin “có một cô bạn trong nhóm Búp Trên Cành đang đi tìm em, anh đã cho số điện thoại của em rồi”.
 
Tôi ngỡ ngàng, hồi hộp. Khoảng nửa tiếng sau, điện thoại reo và đầu dây kia, giọng nói nhẹ nhàng tình cảm. Tim tôi đập rộn ràng, bao kí ức mến yêu ùa về sau gần 40 năm xa cách. Em giới thiệu rằng em là Phạm Thị Minh Châu quê ở Phú Châu, Đông Hưng, Thái Bình, em là thành viên của nhóm Búp Trên Cành. Em vào sau tôi 5 khoá tức là em kém tôi 5 tuổi. Ngày em vào học thì tôi đã vào Nam rồi. Em kể rằng các bác các chú (các thầy dạy sáng tác) hay nhắc đến chị cùng các anh chị các khoá trước, nhắc về những tác phẩm thành công của mọi người. Và em chính là người đã đọc để thu thanh tác phẩm Cây Bồ Kết của tôi (tác phẩm tôi viết năm 12 tuổi đã được phát sóng nhiều lần trong chương trình phát thanh thiếu nhi của Đài Tiếng Nói Việt Nam). Vì vậy, em thuộc lòng tác phẩm của tôi, biết rõ quê tôi và có ý đi tìm (dù hai chị em chưa một lần gặp mặt).
 
Lần này, các thế hệ Búp Trên Cành đi tìm nhau về họp mặt. Và em lại đi tìm tôi. May mắn sao trên chuyến xe từ Thái Bình đi Hải Phòng hôm ấy, khi chạy qua xã tôi, em lại hỏi thăm; người lái xe là anh họ của tôi đã cho em biết tin và số điện thoại . Hai chị em đã có buổi chuyện trò lịch sử. Em dạy tôi cách lập facebook để kết nối với em và bè bạn. Em chọn luôn cả “nick name” cho tôi. Hôm đó và nhiều ngày sau nữa, tôi lâng lâng hạnh phúc như đang trong giấc mơ tuyệt đẹp.
 
Qua Châu tôi kết nối được với em Trần Huyền Tâm (Phó Cục trưởng Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao), Trần Thu Huê (Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh tỉnh Long An), Nguyễn Nga (Trưởng phòng kỹ thuật Sở Điện Lực tỉnh Thái Bình), Bùi Lan Anh (Trưởng phòng Đài Truyền hình tỉnh Thái bình); Phạm Minh Yến, Lê Nhã theo nghề báo; Đặng Việt Thủy (Phó Tổng Giám đốc Kho bạc nhà nước). Chị Lã Thị Bắc Lý, em Vũ Huy Thông, em Đào Thanh Bình ...đều là tiến sĩ, giáo sư hoặc phó giáo sư ở những trường đại học lớn ở Hà Nội. Một số chị em khác Toán, Liên, Phạm Lan Anh, Vân  Hương, Minh Hương, Đỗ Thị Huệ, Bùi Thái Phúc, Thu Hằng ....cũng là giáo viên dạy phổ thông như tôi và Châu. Thuý Hằng, Minh Hạnh... và vài bạn nữa lại làm quản lý. Bùi Thanh Huyền là doanh nhân thành đạt. Nói chung Nhà Búp chúng tôi qua hơn 10 năm đào tạo, học sinh các khoá đều ổn định và thành công.
 
Niềm vui ngày gặp lại của nhóm Búp Trên Cành thật rộn ràng ấm áp bên các thầy xưa: Nhà văn  Bút Ngữ, nhà thơ Kim Chuông, nhà thơ Lê Bính, nhà điêu khắc Hà Trí Dũng, Nhà văn Đức Hậu, Võ Bá Cường…
 
Tôi không về được nhưng các thầy các bạn vẫn gửi quà (biểu tượng của Búp Trên Cành) và cuốn sách có các tác phẩm của chúng tôi xuất bản từ năm 1990. Đó là những món quà xiết bao ý nghĩa cổ vũ tôi viết tiếp.
 
Tháng 1/2017 tôi ra Hà Nội nhận giải thưởng văn chương của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam lần thứ nhất. Bước xuống sân bay, em đã đón tôi cùng thầy Kim Chuông và trao cho tôi lẵng hoa tươi thắm. Em còn cẩn thận mua hai chiếc khăn ấm (một cho tôi và một cho chị bạn tôi đi cùng) Biết tôi xa quê đã lâu không quen chịu lạnh, miền Bắc đang cuối đông, em đã chuẩn bị cho tôi áo ấm, găng tay tất chân (chu đáo ân cần như người em ruột thịt, dù đây mới chỉ là lần đầu gặp mặt).


May be a closeup of 1 person and standing
 
Chúng tôi đã có bữa ăn quây quần ở nhà chú nhà thơ Kim Chuông. Ăn xong, em bóp chân cho tôi vì lúc đó tôi hay bị nhức chân (ân tình như người em gái nhỏ). Em chọn trang phục cho tôi mặc khi lên nhận giải ”Sao cho sáng tươi và sang trọng”. Lòng tôi dạt dào niềm biết ơn thầy, biết ơn em và ngập tràn hạnh phúc.
 
Sau này, Nhà Búp chúng tôi thường có những ngày đi chơi ở Vườn Vua - Khu nghỉ dưỡng cao cấp giữa bát ngát màu sen (theo lời mời chân tình của gia đình Trần Huyền Tâm). Hoặc những buổi đi ngắm hoa trên Bãi Đá Sông Hồng.., ở đâu Châu cũng là người chuẩn bị trang phục, đồng phục cho cả nhóm - những bộ quần áo đủ màu điệu đàng và duyên dáng. Lại còn luôn mời theo thợ chụp ảnh đẳng cấp để bạn bầu có những tấm ảnh thật đáng ngắm trong những khoảnh khắc không bao giờ quên của cuộc đời .
 
Ngày 19/11/2020 tôi lại có dịp ra Hà nội nhận quyết định vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đúng vào ngày hiến chương các nhà giáo. Ngại ảnh hưởng niềm vui của Châu và các bạn - đa số là nhà giáo, tôi không dám mời mặc dù trong lòng tôi mong đợi. Nhưng thầy Kim Chuông, Minh Châu từ Hải Phòng về; Bùi Lan Anh, Nguyễn Nga... từ Thái Bình lên; Các bạn ở Hà Nội thì hầu như đều có mặt. Châu bảo: “Em phải sắp xếp việc nhà để về với chị chứ! 20/11 thì năm nào cũng có nhưng ngày trao quyết định quan trọng này thì chỉ có một thôi!”
 
Sự có mặt của Thầy, của bạn, của em trong nhóm Búp Trên Cành cùng rất nhiều hoa, quà và sự chăm sóc tỉ mỉ của mọi người khiến tôi thấm thía rằng: không phải là việc được trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khiến cho tôi tự hào và hạnh phúc; mà chính là tôi biết mình đang được sống trong tình cảm thân thương yêu mến của bạn bầu, của những người yêu quí!
 
Ngày ấy, Châu chuẩn bị cho tôi một cây dù màu tím nhạt rất xinh, miếng rửa mặt cho nước da luôn mịn màng sáng đẹp, và bánh trái. Có cả món bánh quê mà tôi thích nhất. Em lúc nào cũng tỉ mỉ chăm sóc tôi bằng tấm lòng của người em gái.
Cuộc sống bao đổi thay. Những lúc gia đình tôi có việc buồn, em luôn là người động viên, khi gọi điện, lúc nhắn tin dài hơn trang giấy để dặn dò; Khi tìm gửi những video hài cho tôi xem cho vui trở lại... Ngày sinh nhật tôi em viết những dòng nhắn nhủ đầy niềm quan tâm, yêu quí. Tình cảm em dành cho tôi thật ưu ái, đậm đà! 
 
Phạm Thị Minh Châu là một cô giáo giỏi được nhiều thế hệ học trò yêu kính; là một giọng đọc “ăn Micrô” trên sóng phát thanh; là cây bút thật dễ thương trên cả hai lĩnh vực: Thơ và văn xuôi. Nhưng hơn hết, em là một người em, người bạn thật chân thành, chu đáo; ấm áp yêu thương. Nhờ mối duyên Lành chúng tôi gặp nhau qua tác phẩm, Châu đã trở thành cầu nối đưa tôi tìm được về với Ngôi nhà văn học thưở ấu thơ. Ở đó, tôi được thắp lên nguồn cảm hứng sáng tạo. Thành công đã tìm đến với tôi. Trong mỗi niềm vui gặt hái được của tôi đều có các thầy, có Châu cùng bạn bầu Búp Trên Cành động viên khích lệ.
 
Tôi biết ơn em vì em đã chắp cánh cho tác phẩm của tôi đến với thính giả gần, xa. Em đã đi tìm, đưa tôi về với văn chương,về với những ký ức tuổi thơ tươi đẹp, về với những người thầy tài hoa, nhân hậu, về với những bạn bầu hiếm gặp trên đời. Em đã dành cho tôi tấm vé đi tuổi thơ quí giá. Tôi thích gọi em bằng cái tên thân thiết của riêng mình: Phượng Vàng Xinh Đẹp của tôi!
 
Bùi Biên Linh 


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.