- Tản Văn
Sự giác ngộ
Thứ tư - 07/06/2023 16:02
(Ảnh: Tranh Sen của Đặng Phương Việt)
SỰ GIÁC NGỘ
Có một nhà sư cho rằng cần kiến nghị Unesco vinh danh sự Giác ngộ của Đức Phật Thích Ca.
1. Không phải Đức Phật đạt toàn giác sau 49 ngày ngồi gốc cây bồ đề. Sau lần giác ngộ ban đầu ấy, Đức Thích Ca luôn tự đề cao giác ngộ bản thân qua mỗi ngày. Ngày hôm nay giác ngộ rồi lại thấy điều giác ngộ hôm qua là chưa đúng, chưa đủ. Suốt 80 năm, ngày nào Đức Thích Ca cũng đề cao giác ngộ. Sự giác ngộ của giây phút nhập Đại Niết Bàn khác rất nhiều so với sự giác ngộ ban đầu dưới cây bồ đề. Giác ngộ là một quá trình chứ không phải là đích.
2. Giác ngộ vốn là thứ ai tu luyện người ấy hiểu, và mức hiểu cũng khác nhau tùy trình tu. Đấy là tầng thứ tu luyện. Thế nên cùng học 1 bài từ 1 thầy mà sự thấu đạt của mỗi học sinh lại khác nhau, có người thông minh, kẻ ngu đần. Trong giới Phật giáo, chưa ai đạt được đến tầng của Đức Thích Ca, tức là chưa ai hiểu đủ được những gì Đức Thích Ca đã giác ngộ. Mặc dù thế, Phật giáo đã nhập thế hàng nghìn năm nay, trở thành hệ tư tưởng, triết học lớn, lớn đến mức khỏi cần phải ai lên tiếng công nhận, vinh danh. Thế nên, ở khía cạnh này mà nói, sự vinh danh là không cần thiết.
3. Ngoài ra, giáo lý Phật giáo là trừ bỏ danh sắc, chú tâm vào trong, né tránh thị hiện. Người thường thì thôi không chấp, chứ kẻ xuất gia mà đề xướng vinh danh Giác ngộ của Phật thì đó là sự báng bổ Đức Phật vì đi ngược giáo lý.
4. Giác ngộ của Đức Thích Ca là thứ cao quý bất khả tư nghị. Thứ cao quý ấy đâu phải thứ để cho bọn lậu học bình phẩm, đánh giá đâu. Mà đánh giá, bình phẩm thì phải hiểu, bản thân họ đủ hiểu và đủ trình độ để đánh giá chưa? Nói Phật giáo sẽ đến thời mạt chính là mạt từ bên trong, từ những kẻ phá hoại Phật pháp như thế. Lại nhớ dự ngôn của Đức Thích Ca, mới thấy rằng thời Pháp mạt, sư tăng tha hoá, còn không tự độ bản thân được thì nói gì đến độ người.
Tác giả: Dương Chính Chức