- Thể ký
Dấu ấn tuổi thơ (V): Kỷ niệm một dòng sông
Thứ ba - 08/07/2025 08:40
(Ảnh: Pixabay)
V - DẤU ẤN TUỔI THƠ: KỶ NIỆM MỘT DÒNG SÔNG (*)
(Lê Quang Tuệ)
... Nói về những kỷ niệm ấu thơ, những trò nghịch ngợm tinh quái ở quê hương, mà không nhắc đến con sông Diêm Hộ thì sẽ là thiếu sót.
Con sông sau làng, đê cao ngất. Từ thị trấn Diêm Điền về quê tôi, bạn đi qua cầu trên sông, đó chính là dòng Diêm Hộ. Ngày xưa không có cầu...
Đó là con sông cửa bể, nước mặn chát, lên xuống theo thủy triều. Khi nước xuống, sông cạn rặc, chỉ rộng vài chục mét. Nhưng nước lên thì bát ngát, mênh mông, rộng hàng trăm mét, sóng bạc đầu cuồn cuộn.
Chẳng biết sông Bạch Đằng xưa, dâng sóng dữ dìm chết giặc Nguyên Mông thế nào, nhưng cứ nhìn dòng Diêm Hộ lúc triều cường, gió mạnh, thì đủ biết cái uy của Hà Bá là không nhỏ.
Ngày xưa chưa có cầu, qua sông Diêm bằng đò ngang, đã có bao chuyến đò oan nghiệt, để lại câu ca nghe rợn cả người:
“Sóng cửa Trà, ma cửa Hộ”.
Tuy nhiên, với tôi, con sông Diêm Hộ thật hiền hòa, thân thiết. Tuổi ấu thơ ngày nào không có mặt trên sông. Bao kỷ niệm vui buồn gắn với dòng sông quê thân thương ấy. Và bài hát duy nhất trong đời mà tôi sáng tác, cũng là nói về dòng sông Diêm. Đó là bài “ Bến sông hò hẹn”(**).
Những trưa hè nóng bỏng, đánh trâu ra đồng là nhảy xuống sông ngay. Nước trong xanh, mát rượi, tha hồ vùng vẫy, quẫy đạp, thỏa chí tung hoành. Chẳng lo làm đứt bè dừa, bè ngổ nhà ai, chẳng sợ ai thu mất quần áo đem về dìm vào nồi nước tiểu khai nồng, vì tội làm vỡ chuồng bèo; hay cọ phải lá han vứt chìm xuống ao để ngăn lũ trẻ tắm và nô nghịch. Mà lá han thì ngứa nhức vô cùng, phải bảy ngày mới khỏi.
Ngày ấy chưa có giếng, cả làng tắm ở ao, nước ăn cũng gánh từ ao về, đổ vào chum vại dùng dần. Tuy nhiên, có ao tắm riêng và ao ăn nước riêng. Mỗi xóm có một ao ăn nước và một ao tắm. Ao nào cũng thả bèo nuôi lợn và có bè dừa, bè ngổ, hay bè rau muống để ngăn ra. Xóm tôi tắm ở ao nhà ông Tộc B, ăn nước ao nhà ông V (bố chú Nghĩa). Ao nhà ông B trước cửa nhà anh Đẩu bây giờ, lối vào nhà anh Hùng cũ. Ông Tộc B thì đã mất rồi, cả nhà ông chuyển vào Đắk lắk từ lâu, không còn ai ở lại quê hương. Cả hai cái ao ấy và nhiều ao khác, bây giờ không còn nữa, đã bị lấp làm thổ cư, cùng với sự gia tăng dân số của làng. Nhưng ngày xưa, đó là ao tắm.
Mùa hè, cứ chiều về cả xóm ra đây tắm, đông vui nhộn nhịp. Con gái thường tắm về đêm, con gái ý tứ hơn thì gánh nước về nhà tắm. Nhưng phần lớn là tắm ở ao. Đàn bà cởi áo, yếm ra, vắt lên cành tre, rồi kéo cao cạp quần lên che ngực mà lội xuống. Đàn ông thì “vô tư” hơn, thản nhiên cởi tuột mắc lên cành, khăn vắt lên vai, hai tay khum khum che “đồ”, lừ lừ tiến xuống. Còn trẻ con thì bất chấp, quần áo vứt đâu cũng được, gái trai nhất loạt cởi... truồng. Có đứa cởi truồng sẵn từ nhà chạy ra cho tiện.
Người lớn lội ra nước đến ngang lưng, đứng đâu tắm đó. Còn trẻ con thì như những con loăng quăng, lặn ngụp đuổi nhau, trồng cây chà cây chuối, xông cả vào chuồng bèo; bè dừa, bè ngổ vỡ tung. Và đó là cái nạn như tôi đã kể trên, mà đứa nào cũng khiếp, nhưng không chừa được.
Chỉ một khoảng ở ngay cửa cầu ao, nhiều người lên xuống nên đất dẽ, toàn cát, đỡ lầm. Còn xa hơn một chút là bùn lá đặc quánh, sủi bọt đen ngầu...
Nhưng bất chấp, với lũ trẻ điều ấy có sá gì. Tắm xong, hay nói đúng hơn là, nô nghịch thỏa thuê xong, đến mức ngón tay thì seo lại răn reo và bụng thì lạnh ngắt, trương lên anh ách mới chịu lên bờ. Cáu bẩn bám đầy tai, đầy cổ. Xoa cọ qua loa, rồi bịt mũi, hụp ngửa một cái cho tóc tớn lên, thế là xong.
Lên bờ mặc quần áo, người sặc mùi bùn. Một lát sau nước khô đi, thì eo ôi! mốc lên như địa y trên thân cau vậy...
Trong tình cảnh ấy, thì con sông Diêm hộ thật hiền hòa, hào phóng quá chừng. Nước mặn chát, trong xanh, mát rượi, tha hồ vùng vẫy. Vừa sát trùng, vừa không bị cáu bám. Trừ những ngày tháo cống Trà Linh. Nhưng bù lại, những ngày ấy lại có cái thú bơi vớt bèo tây và bắt rạm bám trong rễ bèo, từ trên sông nước ngọt đổ về. Những cái thú sông nước ấy, chỉ đặc ân cho lũ trẻ chăn trâu. Người lớn và đám trẻ con ở nhà không có được.
Thật tiếc và buồn cho những ai, tuổi ấu thơ không có một dòng sông trong ký ức. Sông nước làm cho người ta sống phóng khoáng hơn, can đảm hơn và hiểu mình hơn.
Gắn bó với dòng sông từ nhỏ, chưa đầy mười tuổi tôi đã bơi vượt con sông đó lúc triều lên. Ấy là lần ra sông chăn trâu như mọi bữa, thấy thuyền hợp tác cắm sào gần đó, không có ai trông, bọn nhóc liền nhảy lên tập chèo, tập lái. Loay hoay thế nào thuyền trôi ra đến giữa sông, không làm sao chèo vào bờ được, vì có đứa nào biết chèo đâu. Mà gió lại thổi sang bờ bên kia... Cứ tình cảnh này thì thuyền trôi sang bên kia sông là cái chắc. Mà phải trôi rất xa mới dạt được vào bờ... Hoảng quá, bọn trẻ lần lượt phi xuống sông bơi vào bờ, bỏ mặc con thuyền lênh đênh không người lái trên sông...
Lên đến bờ rồi, tất cả ngồi nhìn con thuyền mà lo lắng. Nó sẽ dạt vào đâu? Người ta sẽ lấy mất, quân Trà Bôi là chẳng phải vừa. Mất thuyền sẽ rắc rối to. Người ta sẽ điều tra ra kẻ đầu têu. Sẽ bắt đền nhiều tiền lắm. Bố mẹ sẽ phải đền, không đền người ta sẽ trừ vào phương án (***). Và tất nhiên sẽ bị ăn đòn, mà chắc là chí tử...!
Đứng lặng nhìn con thuyền trôi xa dần, mà lòng bấn loạn lên bao nhiêu lo lắng, hoang mang...
Rồi đột nhiên tôi quyết định: Phải bơi sang ngay để giữ lấy con thuyền.
Nhìn dòng sông mênh mang, giữa dòng sóng bạc đầu trắng xóa. Bọn trẻ nhìn tôi ngờ vực, nghi ngại. Nhưng lòng đã quyết. Cởi quần áo giao lại cho bọn trẻ, tôi nhảy xuống sông.
Bơi... Bơi... Bơi sải, bơi sấp, bơi nghiêng gối sóng... Rồi ra đến giữa sông, nhìn hai bờ đều thấy xa, hơi ngợp. Nước lại càng mát lạnh, xanh ngắt, trong veo, nhìn thấy cả chân tay mình nghều ngoào, khua khoắng, càng dễ nản. Thì bơi ngửa. Ngửa mặt nhìn trời, chẳng cần biết đang bơi ở đâu. Chỉ thấy mây đang bay như đang bơi ở trên trời. Ngước lên bờ thấy lố nhố trẻ con và cả người lớn nữa, đứng nhìn theo chỉ trỏ. Và đám người ấy cứ nhỏ dần, xa dần...
Thì ra, lúc tôi bơi, bọn trẻ nhìn theo hoảng quá, gọi người lớn ở dưới đồng lên cầu cứu. Nhưng mọi người lên đến đê, thì tôi đã sang được quá nửa sông rồi, không ai nghĩ gọi lại hoặc bơi sang cứu nữa. Họ biết chắc thằng nhóc sẽ sang được tới bờ.
Và quả nhiên, bơi ngửa chán, tôi quay sang bơi sấp. Lật ngửa lại thấy bờ đã tới gần, vài chục sải nữa là có thể chạm chân xuống đất. Lòng phấn chấn lạ thường, nên lại càng bơi khỏe. Và tôi đã hoàn thành chuyến bơi vượt sông đầu tiên trong đời mình như thế, khi chưa tròn mười tuổi.
Một chuyến bơi đầy ấn tượng, tôi còn nhớ đến tận bây giờ.
Trong cuộc đời sau này, những năm tháng chiến tranh ác liệt (1972), làm người lính trinh sát, tôi còn bơi vượt sông Hiền Lương, sông Thạch Hãn, sông Cửa Việt, những con sông miền Trung nước chảy xiết, trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh. Tôi đã rất tự tin, vượt qua một cách an toàn, chính nhờ những ngày ấu thơ vùng vẫy trên dòng sông Diêm Hộ ấy. Và bạn cũng đừng quên rằng, tôi là con trai của một thủy thủ thuyền vận tải đá Tràng Kênh, Hải Phòng thời thuộc Pháp.
Lần ấy sang bờ, tôi lại thuyền ngồi thở. Mọi người cũng đi lấy thuyền khác sang sông, giúp tôi đưa thuyền và đưa cả tôi về. Mọi việc xuôi chèo mát mái, đâu lại vào đấy cả...!
Và còn bao nhiêu kỷ niệm với dòng sông. Những lúc triều xuống, bãi bồi hiện ra với vô vàn còng, cáy và cá thoi loi, thác lác. Những con cá sống cả trên bờ, cả dưới sông, mắt thô lố, nhảy choi choi như nhái, thậm chí leo được cả lên cây. Đào bắt được nấu canh với chuối xanh thì ngon tuyệt hảo. Những con còng còng, mai bóng loáng, đủ màu sặc sỡ, như một mảng sơn mài, với hai cái càng đỏ rực, đẹp như con tuấn mã. Chúng hiện lên dày đặc trên bãi, lập lòe như những đốm lửa. Thấy bóng người chúng chạy thụt ngay vào lỗ, như chưa từng có sự tồn tại của chúng trên cõi đời này. Người đi qua, chúng lại hiện lên như có phép màu. Và mắm còng thì ngon tuyệt hảo, còn còng còng nấu canh mồng tơi thì, ăn vào... quên chết!
Những con cò, những con giang, những con bồ nông to tướng, lững thững đi trên bãi, thỉnh thoảng lại tớp được con gì, ngấc cổ lên “tắc tắc” nuốt. Những đàn vịt giời từ đâu ập đến, sà xuồng kín một khoảng sông, vẫy vùng, ngụp lặn, nô đùa một lúc rồi lại rào rào cất cánh bay đi...
Phong cảnh thật thanh bình.
Thú vị nhất là mỗi khi biển động, nước triều cường, một vài chú cá heo to như trâu, lạc đàn vào sông không ra được vì nước rút, cứ nghì ngoạp, thì thùm, quay đi, quay lại một quãng sông. Bà con đứng trên bờ ngắm nhìn, thì thầm đầy bí ẩn: “Ngựa ông về đấy!”. Rồi họ vỗ tay làm nhịp, miệng hô: “Heo trắng heo tốt. Heo lộn ta xem! ”. Chừng như cũng hiểu được tiếng người, hay vì bị kích động, các chú cá heo càng múa lộn hăng hơn. Nhẩy lên quẫy đạp, lộn mình phơi cái bụng trắng loáng, hay nhô đầu lên mặt nước thở phì phò, làm nước hai bên bờ dềnh lên. Vài ngày sau nước lên, các chú lại thuận dòng ra biển, sum họp cùng đồng loại...
Đấy là ngày xưa, ngày tôi còn nhỏ. Chứ những năm sau này, người ta chẳng kiêng nể gì. Đám dân quân có súng trong tay, sẵn sàng nã vào “ngựa của ông”. Có lần họ bắn “ông” bị thương, rồi chết trôi dạt vào bãi sú Bích Đoài, nghe đâu nặng hàng tấn. Người ta xẻ thịt “ông” rồi gánh vào làng bán rất rẻ. Nhà nào cũng mua, nhưng không ăn được, trừ những bọn “đại phàm” “ thằn lằn, rắn ráo”, vì mùi "ông" rất tanh và thịt "ông” thì rất nhiều máu. Rửa mãi vẫn đỏ lòm lòm. Nhà tôi, mẹ cũng mua vài ký để “hóa cho ông”, nhưng chẳng ai ăn được, chỉ béo bọn lợn lai kinh tế. Thật đúng là đồ... ăn như lợn!
Nghe nói, cả chục năm nay không thấy “ông” về. Chắc “ông” chả thèm về nữa, chứ “ông” thì sợ quái gì mấy chú dân quân ranh con, ngựa non háu đá ấy.
Với đám trẻ chăn trâu, dòng sông là nhịp sống. Nước triều lên thì tắm dưới sông. Nước triều rút thì chơi trên bãi. Đủ mọi thứ trò. Có lúc hứng chí, cả bọn bốc phù sa trít cho nhau kín hết cả mình, chỉ chừa đôi mắt, trông như một lũ tượng đất biết đi, hay một đàn tiểu yêu, tiểu quái trong phim "Tây du ký". Và mát thì phải biết!
Chán rồi thì nhảy xuống sông, là đâu lại vào đấy cả...
Ôi! còn bao nhiêu kỷ niệm với dòng sông. Dòng sông là một phần cuộc đời tôi những ngày thơ ấu và sẽ còn chảy mãi đến suốt cuộc đời, kể làm sao hết được...
Mockba - 2005
Hà My - 7.2018
—------------
(*) Trích một chương trong tự truyện "CHUYỆN TRONG NHÀ" viết cho các con khi đang ở Mockba. Theo yêu cầu và góp ý của bạn tôi, tôi sửa lại cách xưng hô cho đại chúng hơn.
(**) Bài hát "Bến sông hò hẹn" viết năm 1978.
(***) Phương án: là từ chỉ cách ăn chia, phân phối theo chế độ hợp tác xã lúc đó.