• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Như Sen Đồng Tháp

Thứ tư - 09/07/2025 08:52



(Ảnh: Pixabay)


NHƯ SEN ĐỒNG THÁP

(Bùi Thị Biên Linh)

1. Thời thơ ấu 

Thời thơ ấu của Trần Thu Huê và tôi gắn bó bên nhau đẹp như miền cổ tích dành cho những đứa trẻ nhà quê quen đầu trần chân đất. 

Mùa hè năm 1976, sau khi thi học sinh giỏi văn toàn quốc, chúng tôi được Ty giáo dục tỉnh Thái Bình giới thiệu cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tuyển chọn về lớp đào tạo sáng tác văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi khóa học đầu tiên trên cả nước có 12 học trò. Bạn lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi. Chúng tôi được học tập dưới sự dạy dỗ của những nghệ sĩ hàng đầu của cả nước: Nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Phong Thu, nhà thơ Kim Chuông, Lê Bính, Nguyễn Khoa Đăng, họa sĩ Hà Trí Dũng, nhạc sĩ Hoàng Vân... Nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng đã viết cho lớp tôi một bài vui theo thứ tự ngồi học.

Cái Hạnh ngồi cạnh cái Huê

Cái Huê ngồi kề cái Lý

Cái Lý bắt bí cái Huyền 

Cái Huyền ngồi liền cái Biển

Cái Biển ý kiến cái Chi

Cái Chi hồ nghi cái Hảo

Cái Hảo níu áo cái Lan

Cái Lan phàn nàn thằng Tuân

Thằng Tuân rất thân thằng Hùng

Thằng Hùng nổi khùng thằng Đôn

Thằng Đôn hỏi dồn cái Hương

Cái Hương văn chương rất khá

12 đứa rồi đây nhá. 

Cả lớp họp thành bài thơ.

Ngoài giờ học sáng tác, chúng tôi còn được lên thư viện của Hội đọc sách. Thứ bảy, chủ nhật, cả lớp sẽ được các chú phụ trách lớp chở đi xem phim ở rạp và vào thư viện tỉnh đọc sách. Đó là cả thế giới kỳ diệu như trong ước mơ của chúng tôi. 

Chiều chiều rủ nhau ra khoảng sân trước Hội chơi đùa. Huê ngày đó gầy gò, bé con con, trán mọc cái mụn đầu đinh to tướng, tóc đỏ què thắt đuôi chuột. Sắp đi tham quan vịnh Hạ Long cô Oanh y tá, vợ nhà thơ Bùi Công Bính sửa soạn cho các cô cháu gái trong lớp năng khiếu. Huê được cô cắt cái “đuôi chuột” đi thành mái tóc xõa ngang vai trông dễ thương hẳn ra. 

Lê Quang Đôn, em trai út của nhà thơ Lê Bính mới may được bộ quần áo mới. Cái quần bằng vải phíp mềm và cái áo sơ mi ngắn tay. Cậu chàng diện quần áo mới, mặt mày hớn hở vì được nhà thơ Phạm Hổ khen bài thơ viết về “Anh chủ nhiệm hợp tác xã”. 

Hoan hô anh Vượng. 

Chủ nhiệm xã ta. 

Lo việc mọi nhà. 

Quên con đau mắt!. 


Hồi đó, nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng có bài thơ anh chủ nhiệm rất hay, chúng tôi đều thuộc lòng. 

Phấp phới hồn anh cơn gió thổi

Anh làm chủ nhiệm đã ba năm

Ba năm vật lộn cùng khó khăn.

Vì thế khi bị Đôn trêu về cái nhọt trên đầu, Huê đã cao giọng véo von: Phấp phới quần Đôn cơn gió thổi; Đôn ta, tức khí đọc một lèo: Trông xa tưởng bãi cứt trâu/Lại gần thì hóa ra đầu cái Huê

Cứ thế, lũ chúng tôi hùa theo, vừa chọc ghẹo, vừa đuổi nhau chạy khắp sân. Nhà thơ Lê Bính đứng trên hiên nheo mắt cười: 

- Lũ nhóc này khá đấy! 

Trong kỳ đi thực tế ở Quỳnh Trang, trong lúc chúng tôi còn lúng túng chưa biết viết gì thì “Tí Huê” đã có tác phẩm được bác nhà văn Nguyễn Hoa khen ngợi. 

Nói chung, ngay từ khi còn bé, Huê đã tỏ ra là cô bé nhanh nhẹn, thông minh và giỏi viết. Học sinh từng đạt giải nhì thi học sinh giỏi quốc gia lớp 4/5 cơ mà!

Những kỷ niệm thời thơ ấu còn mãi in sâu trong ký ức chúng tôi. Nó là một khoảng trời tươi xanh, dịu ngọt mỗi khi nhớ về. 

Tôi theo cha mẹ vào miền Nam lập nghiệp bỏ dở năm cuối của hệ đào tạo 5 năm. Mang theo bao kỉ niệm về Búp Trên Cành cùng bè bạn. Từ phương Nam xa xôi, tôi vẫn dõi về quê hương vào khoảng đời đẹp đẽ tinh khôi ấy. Bẵng đi thật lâu, chúng tôi không liên lạc được với nhau kể từ khi ấy. 39 năm sau, tháng 8 năm 2015, các bạn tôi trong nhóm Búp Trên Cành tìm nhau về họp mặt. Mỗi đứa một phương trời, một nghề nghiệp khác nhau nhưng tình yêu Văn chương và những ký ức yêu thương thời thơ ấu đã thôi thúc chúng tôi từ mọi nẻo tìm về. Ríu rít các cuộc điện thoại từ Lam. Châu ở Hải Phòng, Trần Huyền Tâm ở Hà Nội, Trần Thu Huệ ở Long An, Nguyễn Nga, Vân Hương, Thúy Hằng, Bùi Lan Anh ở Thái Bình quê lúa, Toán ở Tây Nguyên... 

Lúc đó do sức khỏe của bản thân không tốt, tôi đã không về dự ngày họp mặt tại quê nhà được. Huê đã nhận biểu tượng của nhà Búp mang vào miền Nam cho tôi. Huê cũng là thành viên nhóm Búp tôi gặp lại bằng xương bằng thịt đầu tiên sau gần nửa đời xa cách. Đó là dịp Huê đi công tác ở Tây Nguyên, ghé qua địa bàn Bình Phước, đoàn nghỉ lại ở nhà khách Tỉnh ủy tại Đồng Xoài. Tôi từ Phước Long đi xuống. Phút gặp nhau bao xúc động bồi hồi Huê thật khác xưa, cao ráo, mảnh mai và sang trọng. Cô bé nhỏ xíu có cái cán dô bướng bỉnh năm nào giờ đã là Phó Chủ tịch của một huyện vùng miền Tây sông nước. Huê mang quà của Toán từ Tây Nguyên gửi cho tôi kèm theo chiếc khăn choàng màu tím Huê mua khi đi công tác ở nước bạn Lào.

Còn tôi, tôi mang cho Huệ ít hạt điều Bình Phước và cuốn sổ lưu bút có trang viết của nàng ấy ngày chia tay. (cuốn lưu bút nhỏ bằng bàn tay mà tôi đã nâng niu cất giữ mấy chục năm qua). Chúng tôi kể cho nhau nghe về gia đình, công việc. Tôi thầm thán phục rằng Huê thật giỏi dang. 

Ngày cưới con trai tôi hai vợ chồng Huê vượt đường xa vài trăm cây số đến chia vui, không quên mang cho tôi rất nhiều thứ quà đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười bát ngát hương sen. Mỗi thứ quà ấy là cả tấm lòng chăm chút nên ngon ngọt vô cùng. Niềm vui của tôi được nhân lên khi ngày trọng đại của gia đình có bạn quý đến chia vui. 

Không chỉ với tôi, Huê sống ân tình chu đáo với các bạn học thời thơ ấu. Mỗi lần lên thăm tôi, Huê đều ra Phước Bình thăm Tụ (bạn học cùng Huê ngày thơ bé). Huê bảo: “Em nhất định phải đến, vì nhà Tụ còn khó khăn. Chúng em ngày xưa thân nhau lắm”. Trong số các bạn nhóm Búp Trên Cành, Huê là người đến thăm tôi nhiều nhất. Dù Huê rất bận rộn việc cơ quan, việc gia đình, con cháu. 

Ngày anh Dũng chồng Huê mất vì bạo bệnh, đương mùa dịch dã, tôi đã không về được. Thương Huê một mình gánh vác lo toan mọi việc, nuôi dạy con cháu, vun đắp tương lai cho các con, chống chọi với nỗi cô đơn chống chếnh. Nhưng Huê vốn là một người bản lĩnh, vững vàng nghị lực. Em gồng mình chăm sóc các con, các cháu, chăm sóc ngôi nhà rộng với rất nhiều cây cối. Lấy sự bận mải cho vơi dần nỗi buồn đau trống trải. Nhiều đêm hai chúng tôi nhắn tin gọi điện cho nhau đến gà gáy sang canh. Tôi thương Huê và càng nể trọng người em gái cùng quê về trí tuệ tài năng và lòng nhân hậu. Đã có lúc tôi liên tưởng Huê như hoa sen Đồng Tháp. Vừa bình dị vừa rất quý, rất thơm.

Huê kể cho tôi nghe những gian khó ngày mới về Long An công tác. Về những ngày cán bộ xuống bám dân.

Nắng hay mưa cũng chống xuồng đến những nhà dân khó khăn, những gia đình chính sách. Mỗi chuyến đi khảo sát phải thực sự tận tâm để đem đến cho người dân nguồn sống bằng những sự hỗ trợ kịp thời, những chính sách đền ơn đáp nghĩa. Nhiệm vụ của Phó chủ tịch phụ trách mảng văn hóa xã hội cho Huê được gần dân, hiểu dân và được nhân dân hết lòng thương mến. Chiếc áo bà ba, khăn rằn đặc trưng của phụ nữ miền Tây Nam Bộ chẳng hiểu sao lại rất hợp với vóc dáng mảnh mai của Huê làm tăng thêm vẻ mộc mạc và duyên dáng của người nữ cán bộ gần dân, vì dân. Rất nhiều ảnh đẹp chụp Huê trên những con xuồng đang lướt nhẹ trên sông nước hoặc giữa những đầm sen bạt ngàn, đồng lúa mênh mông. Những chuyến đi công tác bằng phương tiện “Rất miền Tây” giữa thiên nhiên bát ngát của miền Tây Nam Bộ sẽ còn lưu giữ mãi ký ức về người con gái đồng bằng Bắc Bộ đã xa quê thăm thẳm mấy chục năm trời góp một phần cuộc đời mình hòa vào mỗi nhành điên điển, mỗi đài sen, mỗi mùa nước nổi, mỗi mái tranh, dòng kênh, cây cầu… và cả trong những mơ ước những buồn vui của cuộc sống con người, nơi vùng đất phương Nam ấy. Đó mới thực sự là những gì Trần Thu Huê đã sống.

Mỗi lần Huê lên Bình Phước là chúng tôi lại vào khu vườn ruộng thênh thang nắng gió và hương thơm của lúa, của điều của gia đình tôi. Có khi vui hơn, Tâm từ Hà Nội, Toán từ Tây Nguyên, Ngọ từ Bình Dương, Huê từ đồng bằng Sông Cửu Long, Châu từ thành phố Cảng, Nga, Lan Anh, Hạnh, Hằng từ quê lúa... đã có đôi lần tụ họp về đây. Chúng tôi tung tăng hái rau, bơi thuyền, soi cua, đào củ. Huê luôn nhanh nhẹn giỏi nhất trong mọi việc. Cùng được thưởng thức những món ngon ấy bằng cảm xúc của một thời thơ ấu. Nghe biết mấy thân thương tìm về. Mỗi lần gặp là một lần thêm hiểu nhau hơn, tin nhau hơn, thương hơn những tâm tư sâu kín, để sẻ chia và đồng cảm với nhau hơn.


2. Những trang văn thơm hương sen Đồng Tháp

Là cây bút văn xuôi nhanh nhẹn và sắc sảo của Nhóm Búp Trên Cành với “Mưa ở Quảng Nạp” “chuyện cây lúa, Trần Thu Huê tiếp tục để lại dấu ấn tâm hồn và trí tuệ của mình qua nhiều bài ký ngồn ngộn hơi thở và cảnh sắc của mảnh đất Tân Thạnh Long An và vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Trải nghiệm cùng cô bao cung bậc cảm xúc giữa xứ sở của nước trời, cây trái mênh mông, giữa thảo thơm dịu ngọt của từng ngọn gió, từng nhánh lúa, búp sen. Huê cảm nhận cảnh sắc và cuộc sống con người thật tinh tế. Văn Huê nhẹ mà chắc. Cái chắc của người am hiểu hiện thực, cái nhẹ nhàng bay bổng của ngôn ngữ, giọng điệu giàu cảm xúc và nghệ thuật viết của văn chương. Không phải ngẫu nhiên Trần Thu Huê chọn thể Bút ký Văn học để gửi gắm những tâm tư khát vọng của mình. Bởi Bút ký phản ánh sự kiện, con người và những địa danh có thật, người viết chủ yếu viết về những trải nghiệm thực tế của bản thân, mang đậm dấu ấn cảm xúc, suy nghĩ quan điểm riêng nên bút ký nghệ thuật thường chứa đựng những trầm tư, chiêm nghiệm về những vấn đề lớn như con người, đất nước.

Mỗi tác phẩm của Huê đều là sự hòa quyện của yếu tố hiện thực và trữ tình. Vừa giàu hình ảnh, nhạc điệu vừa có sự kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố miêu tả, biểu cảm, tâm sự, hồi tưởng khiến cho mỗi tác phẩm không chỉ là những trang tư liệu khô khan mà nó là sự kết tinh của ngôn ngữ nghệ thuật và cảm xúc, cảm hứng sáng tạo.

Bao đời nay, cây sen vẫn như người nông dân Nam Bộ mộc mạc, chân chất chịu thương chịu khó lặng lẽ góp sức cho đời… từ cây sen, tôi học được bài học của riêng mình “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” yêu sen, gắn bó với loài quốc hoa này đã là ngọn nguồn cho những trang văn thật hay, thật lãng mạn, thật sâu sắc của Huê về sen. Hãy cùng thưởng thức món Trà sen tuyệt hảo qua những con chữ có hồn và cảm nhận tinh tế của Thu Huê để thấy sen ân tình với con người biết bao.

“Để có ấm trà sen đúng điệu, buổi chiều, người ta sẽ chọn những nụ hoa lớn, bỏ vào trong đó một nhúm trà ngon buộc nhẹ những cánh hoa lại. Qua một ngày một đêm, trải qua nắng gió và sương đêm chắt lọc những tinh túy của trời đất, hương sen thấm vào từng cánh trà… trà sen sóng sánh vàng, xanh ngát hương thơm, nhâm nhi thưởng thức tách trà nóng ấm trong mơn man gió đồng, thấy t6am hồn thư thái lâng lâng lạ…”

Những trang ký của Huê dẫn dụ người đọc về với sông nước miền Tây mênh mang trong cái hồn nhiên dịu lành của tình người tình nước tình sông, tình cây trái “xuồng chạy chậm lại rồi rẽ vào con kênh nhỏ. Hai bờ kênh là nhãn, chôm chôm, xoài, mận xanh mướt. Những chùm chôm chôm đỏ tươi lấp ló trong những cành lá xanh như mời gọi. Dòng sông Hậu hiền hòa mang phù sa màu mỡ đưa nước ngọt về vun bồi cho những vườn cây trái làm nên miệt vườn trù phú” và “giữa buổi trưa nhưng chung quanh mát rượi bởi gió từ sông Hậu thổi lồng lộng, trong không gian bốn bề tràn ngập màu xanh cây trái”.  

Địa danh “Cồn Sơn” hấp dẫn trong ánh nắng vàng rực rỡ, nền trời trong xanh, những cụm mây trắng bồng bềnh trôi, sóng nước sông Hậu xôn xao bên mạn xuồng, gió vẫn thổi mơn man” theo Dòng hồi ức của người cán bộ gắn bó gần cả cuộc đời với miền đất không phải quê hương mà níu kéo mà diết da, nồng đượm, là bao ân tình của một thời gian khó. Với Thu Huê, đó là nơi yêu thương gọi về dạt dào, kỷ niệm của một thuở thanh xuân gắn bó với công việc nơi vùng đất lạ lùng. Nơi thiên nhiên ưu đãi con người bằng bao sản vật. “Ở dòng kênh Dương Văn Dương, cá nhiều vô kể. Chỉ cần nhấn chìm chiếc xuồng cũ xuống cặp mé kênh, bỏ vô đó mấy nhánh trà, lục bình, sau vài ngày tát cạn nước kéo xuồng lên là được cả rổ vừa cá, cua, tôm... đủ loại” vào mùa nước nổi, các cán bộ trẻ ở tập thể chống xuồng vào rừng tràm bắt chuột... chế biến ra gần chục món ăn hấp dẫn hài hước và đáng nhớ nhất là kỷ niệm về “đoàn khách trẻ từ thành phố Hồ Chí Minh về giao lưu với đoàn thanh niên cơ quan được đãi món “chuột khìa nước dừa, chuột nướng ăn với rau răm... ai cũng khen nức nở. Hỏi thịt gì anh bạn tôi trả lời tỉnh queo: con sóc tràm. Sóc ở Đồng Tháp Mười nhỏ xíu, ở trong rừng tràm rậm rạp tụi tôi nghe bum miệng, hổng dám cười thành tiếng”. Có khi là canh nấu cơm bằng bếp trấu cho cả tập thể hơn 20 người ăn. Đi công tác bằng xuồng trên mênh mông sông nước với một cô gái trẻ quê lúa là một thử thách không hề nhỏ. Nhưng trong cái lạ lẫm ấy vẫn là những trải nghiệm nhớ mãi không quên. Bình dị thôi, nhưng khi đã đi qua bao nắng mưa của cuộc đời, khoảnh khắc ấy đã đọng lại thành một “vùng trời thương nhớ” của Trần Thu Huê.

Trong Những Ngày Tươi Đẹp; người đọc không chỉ được hòa mình vào trời nước Đồng Tháp Mười “gió thổi rất sâu..." mà còn được cùng người nữ cán bộ này đến với nhiều miền đất khác. Đường đến với nước bạn Lào và lắng đọng những câu chuyện ở địa danh lịch sử: cánh đồng Chum Xiêng khoảng để “Tôi như thấy những bóng áo xanh, tiếng hô xung phong của bộ đội tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng bộ đội Pathết Lào trong trận chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ những người dân Lào hiền lành chất phác”. Để rồi: “Tôi đưa mắt nhìn bao quát cánh đồng Chum thấy mình thật nhỏ bé giữa mênh mông bao la đất trời của ngổn ngang hàng hàng chum đá...”

Đó còn là miền Đông đất đỏ Bazan với bạt ngàn điều, cà phê, cao su nhưng kỳ diệu là những khoảng đồng trên núi xanh ngát màu của lúa ở Bình Phước xa xôi... Đó còn là những cảm xúc lắng đọng những ngẫm suy về con người trong “Câu Chuyện Của Biển”. 

Trang văn nào của Huê cũng ăm ắp trải nghiệm, có cái háo hức say mê, có những nét trầm sâu lắng. Đọc nó người đọc không chỉ biết về những trải nghiệm và góc nhìn riêng của tác giả về từng sự kiện, cảnh sắc mà còn hiểu thêm những gì đang diễn ra trong cuộc sống xã hội rộng lớn của con người. Lý luận văn học đã chỉ ra rằng “Bút Ký hay không chỉ là ghi chép mà nó là sự tổng hòa của những khám phá, suy ngẫm và truyền cảm hứng từ cái thực”.

Tôi đặc biệt thích tác phẩm Quỳnh Hương trong tập sách này. Tôi đã chứng kiến cái buổi chiều mưa giữa Tây Nguyên đại ngàn lộng gió, có người chiến sĩ trẻ vượt hàng trăm km mang đến tặng Huê một chậu cây Quỳnh thay cho thủ trưởng của mình vì yêu cầu của công tác mà đành lỡ hẹn với người bạn thân yêu.

Và rồi tôi được đọc những trang văn mà mỗi chữ, mỗi câu đều được viết ra từ bao bồi hồi xao xuyến.

“Tôi ôm chậu cây nghẹn ngào… anh không quên ước mơ của tôi từ mấy tháng trước. Chậu cây này thay anh về bên tôi để buổi chiều Cao Nguyên không lạnh nữa…”.

Hoa quỳnh vốn đã quý đã đẹp, trong sự trân trọng, nâng niu của những cảm xúc yêu thương nhung nhớ, nó càng trở nên tuyệt diệu hơn, cái giây phút hoa quỳnh nở càng trở nên huyền diệu hơn, lãng mạn và bay bổng vô cùng: “Trời chuyển tối, dưới ánh trăng, tôi nhận thấy búp hoa như đang cựa mình dần dần hé mở. Ước gì giờ có anh ở bên tôi cùng tôi ngắm hoa, ấm áp hạnh phúc biết bao! Nhưng đêm nay, anh lại đang làm nhiệm vụ… “Trăng dần lên cao, ánh trăng soi rọi hai bông hoa quỳnh e ấp dịu dàng… Những cánh hoa trắng muốt tinh khôi bao quanh đài hoa xinh xắn với những cọng nhụy vàng. Hương thơm của quỳnh không nồng nàn như hoa Ngọc Lan… mùi hương rất nhẹ, thoang thoảng ngọt ngào thanh khiết… Ai đó ví hoa Quỳnh là nữ hoàng bóng đêm bởi vẻ đẹp kiêu sa huyền bí của loài hoa chỉ nở trong đêm nhưng tôi lại nhận ra nét đẹp dịu dàng, khiêm nhường lặng lẽ hiến dâng hương sắc dù chỉ trong mấy giờ đồng hồ ngắn ngủi…”

Những cảm nhận tinh tế của trái tim yêu đã trở nên lung linh ngọt lịm qua từng con chữ.

Đọc: Những Ngày Tươi Đẹp của Trần Thu Huê, người đọc được cùng cô viễn du trên những vùng quê thân thuộc mà mới mẻ trên quê hương đất nước Việt Nam yêu quý và đồng cảm cùng cô trong những yêu thương, những gắn bó và dâng hiến.

“Tôi đã chọn ở lại nơi này là quê hương thứ hai của mình, đứa con gái út bướng bỉnh của mẹ muốn thử xem sức chịu đựng của mình tới đâu, muốn tự mình lớn lên. Dù nhiều vất vả, khó khăn, có lúc tưởng như quá sức chịu đựng với những biến cố và nghiệt ngã, với biết bao vui buồn trong cuộc sống và công việc, nhưng tôi luôn biết ơn mảnh đất Đồng Tháp Mười đã cho tôi có được sự trưởng thành, những người dân chân chất hiền hòa, những đồng nghiệp cộng sự đã cho tôi sự ấm áp thân tình và cũng thấy ấm lòng khi được góp một phần nhỏ bé trong những đổi thay của một huyện”. Và đó là lựa chọn, là lẽ sống là những tin yêu để còn mãi “Những ngày tươi đẹp” mà Trần Thu Huê đã và đang mang theo suốt cuộc đời.


Bùi Thị Biên Linh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.