- Thể ký
Niềm vui ngày gặp lại
Thứ ba - 19/05/2020 14:00
Chiều 23/7/2016, từ Phước Long, Bình Phước, tôi tìm về Sài Gòn thăm chú Nguyễn Khoa Đăng, một nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch và còn là nhà luật gia nổi tiếng nữa. Ông là người thầy ân cần, đặc biệt của tôi ngay từ thuở thiếu thời.
Ngày ấy, tôi 11 tuổi. Sau khi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, tôi được tuyển về theo học sáng tác văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi của tỉnh Thái Bình khóa học đầu tiên của cả nước năm 1976.
Tôi trở thành học trò của Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và các nghệ sĩ nổi tiếng của Thái Bình và của cả nước kể từ buổi ấy.
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng - Kim Chuông và sau đó là Kim Chuông – Lê Bính, được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình giao vai trò “Chủ nhiệm”, trực tiếp quản lý, chăm sóc dạy dỗ chúng tôi từ nghiệp vụ văn chương đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Về với Hội, ngày ấy sau những phút thư rỗi, tôi thường hay chơi với Quỳnh Vân con gái đầu của chú Nguyễn Khoa Đăng. Vân kém tôi 1 tuổi nhưng cứ gọi nhau là “cậu“ và xưng “tớ” rất thân thiết. Có hôm hai đứa mải chơi quên giờ ăn thế là bị phạt, Vân và tôi không được ăn mì tôm một bữa.
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng vốn là một nhà giáo ở Vũ Thư Thái Bình. Ông là một thầy giáo dạy toán rất giỏi. Có lẽ, do giỏi môn toán là yếu tố thứ nhất, phần nữa, là một nhà văn, nhà thơ, với cách lập ngôn ấn tượng, khoa học, logic và dễ hiểu… Học sinh học thầy Khoa đều đem lòng mê say kính phục.
Tôi nhớ, sau những phút rời bút, chờ có được lưng vốn để viết tiếp tác phẩm, phút giải lao, “thầy Khoa” còn dạy khá nhiều chúng tôi ở lớp Văn cả môn sinh vật nữa. Cách dạy của thầy Khoa vô cùng thú vị. Thầy rất khéo biến hóa những bài học môn sinh thành thơ cực kỳ dễ nhớ. Đến nỗi, chúng tôi nghĩ, với Thầy Khoa, có lẽ cái gì cũng có thể trở thành thơ được.
Chúng tôi có mười hai đứa trong lớp, mỗi đứa một tính cách, đươc sắp xếp ngồi cạnh nhau theo “ dãy bàn kê hình chữ U, trong hội trường Hội Văn học Nghệ thuật. Một buổi, Thầy giáo, Nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng làm “thơ vui” tặng chúng tôi như sau:
“Cái Hạnh ngồi cạnh cái Huê
Cái Huê ngồi kề cái Lý
Cái Lý bắt bí cái Huyền
Cái Huyền ngồi liền cái Biển
Cái Biển ý kiến cái Chi
Cái Chi hồ nghi cái Hảo
Cái Hảo níu áo cái Lan
Cái Lan phàn nàn thằng Tuân
Thằng Tuân rất thân thằng Hùng
Thằng Hùng nổi khùng thằng Đôn
Thằng Đôn hỏi dồn cái Hương
Cái Hương văn chương rất khá
Mười hai đứa rồi đấy nhá
Cả lớp họp thành bài thơ “
Có lẽ, nhờ bài thơ ghép vần, kể tên ngộ nghĩnh này của thầy Khoa mà đến tận bây giờ, dù đã 40 năm, chúng tôi vẫn nhớ được cái tên, rồi vị trí ngồi của mình và các bạn trong cái lớp học thân thương ấy.
Mỗi lần đi tham quan, đang được mang tiếng là “nhà thơ, nhà văn” của cơ quan Văn học “một tỉnh chứ lại?”, tất cả chúng tôi ngồi trên chiếc xe lúc lắc, dọc đường luôn vang lên tiếng cười, tiếng xướng họa, với bao nhiêu bài thơ vui, “thơ Con Cóc” ra đời.
Còn nhớ, lần đi tham quan Vịnh Hạ Long, chúng tôi được các nhà văn cho lên thăm đồi thông ở Yên Lập – Quảng Ninh, một cảnh đẹp thật hùng vĩ với những cây thông cao vút, thẳng tắp. Quê tôi toàn đồng bằng, lần đầu được lên núi, không những tôi, mà ai nấy đều hăm hở, trèo đồi như không hề biết mệt. Nhưng leo lên đã khó, xuống lại càng khó hơn. Phải cố kìm chân mới đi chậm lại được vì cứ như đang có một lực đẩy lớn nào đó ngay từ phía sau mình. Thế là, cậu bạn Lê Quang Đôn, thơ hay, vốn tinh nghịch nữa. Đôn làm cuộc liều, chạy thẳng xuống đồi. Sợ quá. Bất thình lình, Đôn bị ngã lăn quay, miệng vập vào hòn đá. Máu tuôn ra. Nhưng, may quá. Đôn không bị gãy răng, chỉ bị chảy máu, và cầm ngay được. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng lúc ấy vừa lau miệng cho Đôn vừa ứng tác câu thơ và đọc:
“Hôm lên Yên Lập thăm rừng
Bạn Quang Đôn ngã bị sưng cả mồm“
Lập tức nhà thơ Kim Chuông và chúng tôi hùa theo:
“ Không béo mà cũng chẳng còm
Là Trương Thị Hảo như con Thạch Sùng
Lí nhí là bạn Vương Hùng
Tiếng nói như tiếng kèn đồng bị hen“
Trời ơi. Vui quá. Chúng tôi, ai nấy được trận cười, sướng tràn nước mắt.
Lại nhớ, một lần, chúng tôi được Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thái Bình trân trọng mời cơm chiêu đãi “những nghệ sĩ nhí“ tại nhà khách UBND tỉnh. Nơi ấy, sang trọng quá! Từ bé đến bấy giờ, quả tình, đời tôi, một cô bé nhà quê mười một tuổi, chưa bao giờ có được phút giây hạnh phúc ấy. Các bạn tôi, nhiều người cũng thế. Bởi vậy, có một chuyện buồn cười là: Khi cô phục vụ nhà khách chỉ cho chúng tôi chỗ đi rửa tay, chỗ đi vệ sinh … Tất cả, nơi nào cũng sạch sẽ thơm tho, sáng bóng. Chúng tôi đứng ngắm nghía mê mẩn. Có đứa còn vã nước trong cái bồn “giống cái chum nhỏ màu trắng, có nắp đậy, nước trong veo lên tay. May quá ! Đúng lúc ấy, chắc là chờ các cháu thấy lâu, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đứng dậy “đi tìm”….Và, ông đã “bắt được “ cảnh cu Tứ đang lấy tay múc thứ nước kia. Chú Khoa hết hồn, kêu lên, rồi kéo vội Tứ ra ngoài, lấy khăn với xà phòng trên cái giá, xả nước trong vòi, bảo Tứ vệ sinh lại sạch sẽ…
Trời! Ngày ấy, mỗi chúng tôi còn lạc hậu đến vậy. Mà toàn những đứa nhà quê, nghèo, đã mấy khi được lên phố phường, chứng kiến cảnh sinh hoạt văn minh cơ chứ. Bây giờ nhìn lại, nghĩ mà thương một thuở, chưa xa.
Hôm ấy, bữa cơm lãnh đạo tỉnh chiêu đãi, chúng tôi được ăn một bữa toàn “món ngon, vật lạ”. Món nào cũng được cắt được thái, được xếp vào đĩa vào tô cực kì đẹp và lạ mắt.
Dự tiệc mặn xong, chúng tôi được mời lên phòng khách của bác Phó Chủ tịch tỉnh ăn trái cây, bánh kẹo, uống nước ngọt và đọc những sáng tác của mình cho các Bác lãnh đạo nghe .
Đỗ Mai Hương thay mặt các “nhà văn nhí” phát biểu cảm tưởng. Bùi Thanh Huyền, Lã Bắc Lý, Minh Hương, Phạm Vương Hùng… đọc thơ. Thu Huê, Sóng Biển, Lan Anh, Nguyễn Nga … đọc những đoạn văn ngắn. Đến lượt Lê Quang Đôn – Cậu chàng làm thơ này vừa bé, vừa thấp nên khi đọc xong, mọi người vỗ tay khen thì bác thư ký của chủ tịch tỉnh ghé tai qua nhà văn Nguyễn Khoa Đăng nói nhỏ: “Sao anh không bảo cháu, đứng lên đọc cho trang trọng”. Chú Khoa bật cười, giải thích: “Cháu đang đứng rồi đấy chứ anh. Vì cháu nhỏ nên chỉ cao bằng người ta ngồi thôi”. Mọi người nghe tiếng đều “cười ồ”. Từ hôm ấy, chú Khoa gọi Lê Quang Đôn bằng biệt hiệu “Thi sĩ đứng như ngồi”.
Bây giờ, mỗi lần nghĩ về lớp viết văn ngày ấy, tôi thường nhớ tới những kỷ niệm thật vui, thật thân thương với các bạn. Với hai nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng và Kim Chuông, người gắn bó, tận tụy với tất cả chúng tôi. Nhớ nhất, những buổi mải việc với chúng tôi, đã trễ giờ không kịp về ăn cơm. Có hôm bác Cương cấp dưỡng phải đi vét những nồi mì tôm còn lại của chúng tôi, giành “hai thầy” ăn tạm cho đỡ đói. (Hồi ấy, cả nước khó khăn lắm. Tiêu chuẩn, chế độ có chừng, tiền lương các nhà văn đang hưởng ở cơ quan lại thấp). Sau này, nghe kể lại nhiều về sự chăm sóc thầm lặng của hai thầy Nguyễn Khoa Đăng và Kim Chuông, cả lớp chúng tôi càng thương, càng biết ơn những người thầy làm văn chương thật giàu lòng nhân ái.
Mấy năm trời, ở lớp học văn chương của Hội, để chúng tôi có được những ngày học trên lớp, những buổi vui chơi, được xem phim trong rạp được vào thư viện lớn đọc sách, được viếng Lăng Bác, được đi tham quan nhiều trên đất nước … Các Bác, các chú trong cơ quan Hội phải đi gõ cửa các cơ quan đơn vị trong tỉnh giúp đỡ, từ chế độ ăn học , đi thực tế đến việc công bố các tác phẩm trên Đài phát thanh hay việc in ấn bài vở trên các Báo chí trong tỉnh và cả nước.
Không gì là ngẫu nhiên, nguồn cội có được của đời tôi bắt đầu từ lớp đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học đã làm nên nguồn động lực , đắp bồi… Để sau này, khi tôi chọn lựa con đường theo nghề dạy học, tôi vẫn thấy sự tiếp nối, sự nối dài và chuyển hóa của sợi dây liên hệ, gắn bó nhiều chiều của những gì ra đi và đem lại với tôi. Bởi thế, khi đang là học sinh vừa tốt nghiệp cấp III, ngay cả khi đã theo ngành sư phạm, tôi vẫn luôn nhận được sự ưu ái, đó là lời mời từ những lĩnh vực khác như: đại học y khoa, “chân” Biên tập Văn nghệ cho phòng Văn nghệ Xuất bản Sở Văn hóa Thông tin Sông Bé, Biên tập cho Nhà xuất bản, Biên tập cho Đài truyền hình hoặc làm cán bộ Giáo dục huyện … từ buổi còn rất trẻ. Lý do ấy là gì? Tôi hiểu, một cái nền tri thức. Một niềm tin từ “cái CÓ” trong tôi ở chặng đường tôi có.
Cảm ơn Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Cảm ơn nhà văn Tô Hoài, Phạm Hổ… Cảm ơn nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, Kim Chuông, những người thầy trực tiếp, tận tụy với chặng đường tôi bước. Những kiến thức văn chương tôi học được từ các thầy ngày ấy đã giúp tôi làm tốt “sự nghiệp” trồng người. Tôi được học sinh và phụ huynh vô cùng yêu mến và tin tưởng. Dù ở trường, tôi không dạy văn nữa mà chuyển về dạy “giáo dục công dân”, bằng văn bằng thứ hai tôi có. Nhưng, nhà tôi là một trung tâm học văn nhỏ. Có những em phải hợp đồng xe ô tô đưa đón để mỗi chủ nhật nhóm ở xa gần 50km để được học và nghe tôi giảng về tác phẩm văn học mà các em cần học để thi đại học. Thầy hiệu trưởng trường tôi gọi đùa đó là “cô dạy đã có thương hiệu rồi”. Tôi sống thanh thản được với nghề, bởi sự cống hiến trong lao động chân chính của đời mình. Học trò của tôi nhiều em đã đậu thủ khoa môn văn vào các trường chuyên của tỉnh, các trường đại học danh tiếng cả nước. Nhà tôi, quanh năm đông đúc học trò và luôn tràn ngập sắc hoa do học trò và phụ huynh quý tặng. Tôi có cơ hội dạy miễn phí cho các học trò nghèo yêu thích môn văn, và chắp cánh cho những em học trò có tâm hồn, có niềm say mê văn học. Học trò của tôi từng làm thơ, viết báo về tôi, về một cô giáo mà tự các em trao cho tôi những danh hiệu yêu thương. Nào là, “Người thầy truyền cảm hứng”. Rồi “Người thầy đẹp nhất”… Nhóm hâm mộ trên mạng xã hội còn lập fan giành tình cảm cao đẹp, tôn kính cho cô giáo Biên Linh.
Thực tình, niềm hạnh phúc bình dị ấy khiến tôi luôn ấm áp, yêu thương. Rồi cuộc sống nhiều thay đổi, khi chúng tôi học hết năm thứ 2 thì chú Khoa chuyển vào công tác tại tỉnh Kiên Giang. Thầy trò, chú cháu bặt tin từ đấy.
Bây giờ, đã qua 40 năm xa cách, tình cờ lên PB tôi mới “gặp“ lại được nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, một người thầy, người chú năm xưa. Tôi vui mừng tìm được địa chỉ và háo hức vượt quãng đường hơn 300km từ nhà tôi xuống thành phố Hồ Chí Minh thăm chú. Cô chú Nguyễn Khoa Đăng đón tôi ân cần thân thương và ấm áp, khiến tôi như được trở về gia đình của chính tôi, gia đình thuở thiếu thời ngày ấy. Tôi huyên thuyên kể cho cô chú Khoa Đăng nghe hành trình học hành và nghề dạy của tôi. Chú Khoa ngồi lặng nghe. Thỉnh thoảng lại gật đầu, hài lòng. Chú hỏi thăm về chuyện gia đình, chuyện làm ăn, sinh sống của gia đình tôi. Tôi rất ngạc nhiên vì chú đã 75 tuổi mà vẫn vô cùng minh mẫn, vẫn viết, vẫn hoạt động văn nghệ say mê.
Xúc động nhất, khi nhìn chú lên lầu lấy sách xuống tặng. Nhìn đôi chân chú không còn nhanh nhẹn nữa, tự nhiên tôi thấy lòng nghẹn nghẹn. Những cuốn sách chú tặng tôi là tâm huyết nhất của đời người nghệ sĩ. Có bài chú viết tôi đã thuộc lòng từ khi còn bé. Bài hát “Em đi giữa biển vàng“ của Nguyễn Khoa Đăng do nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc, là một trong 50 bài hát được thiếu nhi Việt Nam yêu thích nhất thế kỷ 20, được vang lên nhiều lần trong chương trình “Giai điệu tự hào“ của Đài truyền hình Việt Nam. Cuốn “Nước mắt một thời” của nhà văn, đã được phát hành ở nhiều nước trên thế giới. Tôi cũng mạo muội tặng chú cuốn thơ nhỏ bé như những dòng nhật ký cuộc đời tôi. Cuốn “Ý nghĩa ban mai“ do nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2015. Tôi ghi đôi dòng trân trọng: “Cháu kính tặng chú cô với muôn niềm biết ơn”.
Cô Vi, vợ nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cầm cuốn sách, bảo tôi: “Sách nào người ta tặng chú, cô đều đọc, có khi còn đọc trước cả chú. Nhất là, Bùi Thị Biên Linh, một nhà giáo, nhà thơ. Người học trò xưa của nhà văn cùng quê lúa Thái Bình”.
Tôi thật vui. Sắp tới đây, chú Khoa hứa, sẽ vượt hơn 300km đường xa lên thăm tôi và tặng sách cho trường tôi đang dạy. Chú đi cùng các bạn là giáo sư, tiến sĩ cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ những người yêu sách ở thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi hồi hộp đón chờ một cuộc hội ngộ nhiều niềm vui và ý nghĩa.
Ngày 23/7/2016- 6/8/2016
Bùi Thị Biên Linh