• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Bầu trời ngàn năm hạc vàng mây trắng đợi

Chủ nhật - 08/03/2020 22:49

Vẫn là buổi chiều xuân chợt nắng, chợt mưa. Và lòng người cứ ngập tràn niềm thương nỗi nhớ vỗ về nơi cõi thế. Một cảm giác rất lạ, không giống những chiều tháng 3 của những ngày xưa tháng cũ. Bỗng dưng thấy thèm được ngắm nhìn những vạt nắng vàng mơ lung linh lung linh nơi mắt hồ sóng biếc. Thèm được dõi theo những dải mây bông màu trắng bồng bềnh nơi xanh núi, theo vờn mỏng mây trời vươn mãi cõi xa xanh. Thấy thiếu vắng và trống trải. Có cái gì đó thoáng qua rồi đọng lại trong kí ức mình, mà sao mình không thể định hình được. Thấy vu vơ nhớ tới một cái tên nào đó, như bồi hồi, như quá đỗi thân quen. Một cái tên chỉ mới đọc lên thôi mà đã thấy như bao huyền thoại của xứ Thần Châu hiện về, lung linh trong thơ, lung linh giữa đời, lung linh giữa đạo.

Có bạn hỏi mình vì sao những cánh hạc và vầng mây đợi chờ ngàn năm của vùng đất Thần Châu đã xuất hiện rất nhiều lần trong các bài thơ, văn của mình. Thực sự thì mình mới chỉ biết đến xứ sở hạc vàng mây trắng qua các áng thơ Đường. Nhưng những cái tên như Vũ Xương, sông Dương Tử, Lầu Hạc Vàng, bãi cỏ thơm Anh Vũ như khắc trong tiềm thức của mình, rất gần gũi và thân quen. Rồi một lần đọc trên mạng, thấy có tích truyện hay lắm về Lầu Hạc Vàng, một trong Tứ đại danh lâu của Trung Quốc, nơi nổi tiếng với huyền thoại về một vị tiên cưỡi hạc vàng bay lên trời trong cảnh tượng thù thắng của những vầng Bạch Vân ngàn năm đón đợi. Tích truyện như sau:

“Ngày xưa, ở vùng đất Vũ Xương có một quán rượu nhỏ nằm ngay dưới chân núi Xà Sơn, hướng ra dòng sông Dương Tử. Chủ quán rượu là một người đàn ông tên là Tâm tốt tính và rất dễ gần. Một hôm, có người ăn mày rách rưới ghé vào quán ông Tâm xin một chén rượu. Ông Tâm vui vẻ rót cho lão ăn mày một bát rượu lớn. Liên tiếp mấy tháng sau, ngày nào lão ăn mày cũng đến quán ông Tâm chỉ để xin chén rượu uống. Lần nào, lão ăn mày cũng được ông Tâm hào phóng đưa cho một bát rượu, như thể hai người đã từng là bạn tri kỷ của nhau.

Một hôm, lão ăn mày nói với ông Tâm: “Xem ra tôi nợ ông nhiều rượu rồi mà không có tiền trả”. Ngừng một vài giây, người ăn mày lấy ra một miếng vỏ cam mang theo từ cái túi ở bên người và vẽ lên tường một con hạc vàng từ miếng vỏ cam ấy rồi nói tiếp: "Nay tôi có việc phải đi. Tôi để lại con hạc vàng này để trả ơn ông. Khi nào gặp cảnh khó khăn thì ông vỗ tay gọi. Con hạc sẽ từ trên tường bước ra nhảy múa để mời khách hàng phục vụ ông". Người ăn mày nói xong và rời đi.

Rồi một dạo mưa gió không thuận mùa. Quán của ông Tâm ngày một vắng khách. Chợt nhớ lại lời dặn của ông lão ăn mày, ông Tâm ra chỗ bức tường và vỗ tay. Ngay lập tức, một con hạc vàng từ bức tường hiện ra và nhảy múa. Thấy quá lạ, mọi người tụ tập đến quán của ông Tâm xem con hạc múa. Nhờ vậy mà quán rượu của ông Tâm đông khách và nổi tiếng khắp nơi. Cũng bắt đầu từ đó, ông Tâm làm ăn phát đạt, và trở thành một người giàu có ở đất Vũ Xương.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, vào một buổi chiều trời trong, nắng vàng, gió nhẹ, lão ăn mày trở lại quán rượu. Nhìn thấy lão, ông Tâm vui mừng quá đỗi, cảm ơn và ngỏ ý muốn được chu cấp nuôi nấng lão ăn mày suốt đời. Nhưng ông lão ăn mày cười đáp: “Tôi trở lại đây không phải là để ông báo đáp đâu. Xem chừng giờ thì tôi đã trả ông xong món nợ rồi”. Dứt lời, ông lão lấy ra một cây sáo, thổi một điệu nhạc. Khi tiếng sáo cất lên, những đám mây trắng như bông trên bầu trời Vũ Xương chợt chùng chình, chùng chình hạ thấp dần xuống. Từ giữa những vầng mây trắng như tuyết đang bồng bềnh ấy, một con hạc vàng dang rộng cánh bay về phía hai người.

Lão ăn mày cưỡi lên lưng hạc, từ biệt ông Tâm với nụ cười an nhiên rồi nhẹ nhàng theo cánh hạc bay về trời.

Chủ quán vô cùng cảm kích. Ông tin rằng người ăn mày đó chính là một vị Tiên từ trời xuống để giúp đỡ ông.

Sau đó, ông Tâm đã dùng toàn bộ tài sản của mình để xây nên ngôi lầu đẹp để tưởng nhớ đến vị Tiên này. Ngôi lầu ấy có tên là Lầu Hoàng Hạc, nằm bên bờ sông Dương Tử, ở thành Vũ Xương, ngay trước sân quán rượu nơi hai người đã gặp gỡ và từ biệt nhau tại đây.”

Câu chuyện trên có vẻ như chẳng liên quan gì đến buổi chiều mưa nắng thất thường này. Nhưng cũng chính nhờ nó mà mình chợt định được chính xác nơi mà nỗi nhớ mình đang hướng tới. Nơi ấy từng là nơi gặp mặt tao đàn của các văn nhân mặc khách thời xưa. Nơi ấy, vào thời Đường (618-907), các thi nhân đến đây để vừa thưởng ngoạn phong cảnh non nước mây ngàn hữu tình, vừa uống rượu làm thơ. Nơi ấy, Thôi Hiệu đã để lại cho thế nhân một tuyệt tác đường thi:

LẦU HẠC VÀNG

Người xưa cưỡi hạc đi rồi

Chơ vơ lầu vắng bên trời đứng trông

Hạc vàng đi có về không

Ngàn năm mây trắng như lòng vấn vương

Cây in sông lặng Hán Dương

Bãi Anh Vũ cỏ đơm hương, xanh rì

Chiều buông, đâu lối về quê

Trên sông khói tỏa sóng về buồn dâng.

(Chuyển ngữ: Bùi Đại Dũng)


Đọc lại bài thơ, như thấy bãi cỏ tiên Anh Vũ nức thơm ngọn gió sớm chiều đang lãng đãng quanh đây. Như thấy dòng sông Dương tử trong xanh bóng liễu đang vỗ về cơn gió núi. Như thấy cánh hạc vàng đang lấp loáng bay về nơi ấy - nơi ngàn năm mây trắng vẫn đợi vẫn chờ…

Trần Huyền Tâm 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.