• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Sự lựa chọn

Thứ ba - 12/05/2020 23:15

Cuộc sống chính là kết quả của những lựa chọn. Có câu rằng, bạn chính là tác giả của cuộc đời mình. Bản nhạc cuộc đời ấy hay dở thế nào, giai điệu trầm bổng ra sao, vui buồn như thế nào… là do bạn quyết định, do bạn sáng tác ra. Bạn có quyền chọn niềm vui cho ánh mắt của mình mỗi sáng mai thức dậy. Bạn cũng có quyền chọn sự cau có cho vẻ mặt của mình khi ánh hoàng hôn khép lại mỗi buổi chiều đông...

Mỗi lần nói đến sự lựa chọn, tôi lại nghĩ đến bài hát “Mỗi ngày tôi chọn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từng câu, từng chữ trong bài ca ấy đều mang đến cho tôi tâm trạng thật sâu lắng, tuyệt vời. Tôi thích sự lựa chọn của ông, từ việc chọn cho mình những bông hoa thơm buổi sáng sớm, những nụ cười cho ước mơ và hiện thực, một tia nắng trời óng ả hay một làn gió mát lành, cho đến chọn con đường đi đến với anh em bè bạn... Nhưng ấn tượng nhất vẫn là đoạn kết của bài hát:

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi ngẫm lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống…

Có thể thấy rằng họ Trịnh là người thật tài và đã ngộ. Ông đã đạt được cảnh giới tinh thần cao với tâm thái tĩnh tại. Dường như ông đã biết được ông từ đâu tới, ông là ai và sống vì đâu. Mà không chỉ bài hát này mà các ca từ trong mỗi bài hát của ông đều cho thấy ông là người như vậy. Những tác phẩm như “Ở trọ”, “Ngẫu nhiên”, “Đóa hoa vô thường”, “Em hãy ngủ đi” hay “Một cõi đi về”…., đều là thể hiện cái tinh thần ấy, cái cảnh giới ấy. Bỗng dưng, tôi ao ước được như ông, muốn biết được tôi là ai, vì sao tôi sống trên đời, tôi từ đâu tới nơi này…. Thế là, tôi quyết cất công tìm hiểu trải nghiệm của một người “chọn ngồi thật yên” như ông đã nói.

Nhà Phật giảng rằng, muốn trả lời được những câu hỏi trên, muốn có được cuộc sống vô ưu, an nhiên tự tại, muốn được giải thoát khỏi những nỗi đau khổ của con người thì cần phải tu luyện. Nếu ai tin lời giảng của Phật, biết được mọi sự trên đời này đều là hữu duyên, là không phải ngẫu nhiên, thì mới có thể tin được những gì mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết, tin được những điều mà một người một thiền định có thể nhìn thấy. Còn không thì, có nói đến cả trăm lần, thuyết phục đến khản cả giọng… cũng chẳng thể tin được, cũng chỉ là mất công vô ích mà thôi.

Đức Phật Thích Ca Mầu Ni đã từng giảng rằng có tới 8 vạn 4 ngàn phép tu Phật. Và kiểu tu nào thì chắc cũng là gian khổ lắm. Bởi tu là chọn đơn côi, là quay mặt lại với thế giới sôi động ở ngoài; tu cũng là phải nhẫn nhường, ít nói thôi, để nhìn lại mình, để rồi tu tâm sửa tính. Có cả kiểu tu giữa đời thường, tu với bản thân mình, tu tại tâm, kiểu tương tự như câu này: 

Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.

Trong ba nẻo đường tu nêu trên, nhiều người cho rằng tu chùa là dễ nhất, còn tu tại gia là khó nhất. Tu ở chùa, là có môi trường tĩnh lặng, thuần khiết dành cho người chuyên tu, là tách xa với thế giới người thường. Người vào chùa chuyên tu chỉ cần tu tập, đọc kinh, rèn dưỡng mình trong một môi trường không tranh, không đấu, không nhộn nhạo đỏ đen như ở ngoài xã hội đời thường. Tu tại gia, tức là tu với bản thân mình, hướng vào tâm mình mà tu, lấy những khó khăn, trở ngại, những lời khen, tiếng chê, những mâu thuẫn của đời thường để rèn mình, để rũ bỏ những cái tâm không tốt, để trở thành một người tốt, một người có thể ngộ cảnh giới tinh thần cao. Tu là tu tâm sửa tính của chính mình thôi. Cũng nói tu là cần quên những điều không đáng nhớ. Tu để có một cái tâm thanh tịnh.

Mọi sự trên đời này không có gì là ngẫu nhiên cả. Mọi người đến thế gian này cũng đều là hữu duyên, đều là do an bài mà tới. Chỉ có điều, do sống ở cõi mê nên mọi người là chưa nhớ ra duyên phận của mình thôi. Như vậy thì, suy ra, cả cái nhớ hay cái quên cũng đều có duyên cớ của nó. Nhà Phật là hữu duyên nhắc mọi người nhớ lại. Vì thế nên mới buộc chỉ cổ tay, rắc muối vào đầu để mọi người cùng ngộ ra, nhớ ra. Mà muối là từ những giọt nước mắt của Phật còn lưu lại trên trần thế.

Có nhiều nghiên cứu cho thấy thành phần của nước mắt của người và nước biển là giống nhau. Có truyền thuyết nói rằng biển trên trái đất của chúng ta chính là giọt nước mắt của Phật. Giọt nước mắt cứu độ xót xa cho những đắng cay và khổ đau của cõi người…Tâm từ bi của Đức Phật là một trong tứ vô lượng tâm. Ngài đã lưu lại giọt nước mắt của Ngài trên trần thế, để nhắc nhở loài người tìm kiếm đại đạo, tìm con đường giải thoát khỏi sáu ngả luân hồi. Đó là giọt nước mắt cứu rỗi chúng sinh.

Trong kiếp nhân sinh này, có những con người, có những kí ức mà chúng ta không thể nào quên đi được. Tất nhiên, nếu đã thốt lên lời “không thể quên được”, hẳn người nói đã nặng trĩu tâm tư tình cảm, nặng tới mức cũng hóa thành ngơ ngẩn. Và chắc hẳn sẽ hoang mang lắm, sầu lòng lắm khi được nghe trả lời rằng “thôi, quên đi”…Thực sự thì, khi kí ức đã gọi tên mình, mình đã có những nỗi nhớ “không thể nào quên được”, thì mọi lời khuyên đều là vô nghĩa cả.

Nhưng vì sao những người đã ngồi định lại, đã sống chậm, lại khuyên chúng ta rằng chỉ nhớ những điều cần nhớ và nên quên những thứ cần quên. Hay tại bởi có rất nhiều điều chúng ta cần phải nhớ lại trong đời mà ta chưa đạt được trình của họ. Và những thứ cần quên đi, nếu chưa quên được ngay, thì chúng ta cần phải học cách quên một cách dần dần. Hóa ra họ khuyên vậy là để hành trang trở về của chúng ta thêm nhẹ nhàng thôi. Ôm nhiều thứ quá, cũng mệt mỏi lắm, khó chịu lắm. Nhất là khi, có những thứ không đáng nhớ nó cứ hiện ra vào đúng lúc ta không cần đến nó, ta đang muốn quên đi để được thăng hoa. 

Rồi tôi cũng biết được rằng muốn tu sửa tâm tính để trở thành người tốt, để nâng cao cảnh giới của mình thì tôi phải tự mình. Đó là lần tôi lên đỉnh Fansipan. Lúc ở trong cáp treo, tôi thích thú thấy mình như đang trôi giữa trời, xa xa bên dưới kia là mặt đất với nham nhở vết sẹo thời gian. Nhưng khi rời cáp treo, tôi phải đặt những bước nặng nề trên những bậc đá cheo leo để cố đi lên cao hơn nữa. Phía trên kia và xung quanh tôi lúc đó chỉ là mịt mờ khói sương hư ảo. Rồi tôi trải qua cái cảm giác tim đập mạnh và nhanh; thấy khó thở, khó định. Nhớ lại khuyến cáo ở đầu đường: “trên này không khí loãng, lượng ô xi rất ít, quí khách nên đi chậm”, tôi đã làm theo nhưng có lẽ do tôi chưa đạt chuẩn nên khi lên đến đỉnh có cột mốc ghi độ cao 3143m, nói thật, tôi rất mệt. Và trong tâm không hề vui chút nào. Bởi việc lên đỉnh Fansipan hôm ấy, là tôi đi cáp treo từ chân núi lên đến gần đỉnh rồi, và tôi chỉ phải leo có mấy chục bậc đá thôi. Thế mới biết cái gì không phải tự mình, của mình thì có rồi cũng chẳng thấy quý, có rồi cũng mất.

Cuộc sống luôn có bao nhiêu điều mà mãi sau này ta mới nhận ra nó là vô lý hay có lý. Nhận thức quả thực là một quá trình. Và có một điều rất có lý nhưng tôi đã ngộ ra rất muộn: thời gian bây giờ là trân quý và mọi thứ quay quanh chúng ta chỉ là huyễn hoặc, hư ảo. Kết luận này là cảm giác rất chân thành của tôi lúc ở đỉnh Fansipan, khi tôi thấy mình như đi giữa hai miền hư thực. Thấy bên biết đã tỉnh còn bên mê vẫn trong giấc ngủ vùi. Thấy nao nao hụt hẫng khi nghĩ về thời không và sinh mạng. Trong số chúng ta, rồi mai kia, ai bị tan biến trong hư vô, ai phải nhập lục đạo và ai sẽ được trở về…

Ngắm nhìn bông hoa bé nhỏ đang nở rất kiêu hãnh trên một khe đá khô cằn, tôi chợt mỉm cười. Khi từ bi nở hoa trong lòng người, rồi mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp vi diệu. Khi đã biết Đại Đạo là vô hình, thì phải tự mình làm việc mình cần làm thôi, phải tự mình có những lựa chọn cho mình thôi.

 

Mỗi ngày tôi chọn….


Trần Huyền Tâm

 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.