• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Hoa đèn

Thứ sáu - 08/05/2020 22:45

 

 

"Qua sông thì phải lụy đò

Tối trời phải lụy đến cô bán dầu"

 

Mình đang ấp ủ viết về tiếng gọi "đò ơi" ở quê nhà với tâm trạng của một người lữ khách, rồi tâm trạng của người có nhà ven sông và cả tâm trạng của một anh lái đò khi đã có những ngày tháng làm anh lái đò thực sự ngay bến sông quê. Nhưng ký ức về con sông Ngàn Phố sao mà bộn bề đến vậy. Đã từng đi dọc chiều dài con sông quê trên hầu như tất cả phương tiện đường thủy ngày đó., mình chưa biết mở đầu cũng như kết thúc câu chuyện như thế nào. Thôi, cứ tạm lan man về câu ca dao thứ 2 vậy.

 

Thật ra là mình không hề quen cô bán dầu. Cô ấy ở trong câu ca dao xưa cho nên mình chỉ biết thế này: Trong hoàn cảnh "tối trời" người ta mới nhắc đến cô bán dầu thì chứng tỏ loại dầu mà cô ấy bán không phải là loại dầu ăn dùng để nấu, chiên, xào hay loại dầu gió để xoa mỗi khi cảm mạo, mà đây là dầu đèn, dầu để thắp sáng. Mà cũng chẳng phải là thứ dầu hoả, hay còn gọi là dầu Tây (do người phương Tây đưa sang). Dầu đèn ở đây là các loại dầu thực vật. Mà các bạn thuộc lứa 6x về sau đã nhìn thấy chiếc đèn dầu thực vật chưa nhỉ? Còn nhớ hồi ở quê, có lần chui lên chạn (dạng gác lửng để tránh lụt), mình tìm thấy một vật rất lạ. Nó được làm bằng đồng, hình dáng hơi giống cây đèn để bàn ngày nay. Cũng có một chân đế hình tròn và một cái cần cong cong., phía dưới treo một cái đĩa cũng bằng đồng, trông như đĩa cân nhưng nhỏ và sâu hơn. Bà bảo đó là chiếc đèn dầu lạc ngày trước. Mới đây mình có hỏi thêm về đèn dầu lạc thì mẹ bảo: "Bấc đèn dầu lạc không làm bằng vải mà bằng ruột của một loại cây mà ta gọi là ruột bấc. Ngày trước, dân Nghệ Tĩnh trồng được nhiều lạc nên thường dùng đèn dầu lạc; miền núi và trung du phía Bắc có nhiều dầu trẩu, dầu sở; riêng miền Nam chủ yếu là dầu dừa với 2 xứ dừa nổi tiếng là Tam Quan (Bình Định) và Bến Tre. Còn nhớ hồi cấp I có bài thơ nói về tâm trạng của một em bé tập kết ra Bắc:

 

"Xa ba năm vẫn nhớ

Em nhớ gian nhà nhỏ

Sáng ngọn đèn dầu dừa"

 

Lại kể về cô bán dầu. Cho dù ông cha ta có quan niệm "sống dầu đèn, chết kèn trống", nhưng ngày trước đời sống khó khăn nên dân ta dùng đèn dầu rất tiết kiệm. Hễ có được những đêm "trăng thanh gió mát" là khỏi thắp đèn. Mâm cơm bày ra sân. Xong bữa, bố ngồi trên chõng tre uống nước chè và hút thuốc lào. Mẹ ngồi sàng gạo. Lũ trẻ chui nhủi chơi trốn tìm khắp vườn. Còn những đêm tối trời thì mọi nhà đều đi ngủ sớm để tiết kiệm dầu. Với mẹ hay bà thường tảo tần thức khuya dậy sớm thì cũng tranh thủ làm những việc không cần tới đèn. Nhưng cũng có những đêm khuya nhà bất chợt có việc mà đèn lại hết dầu nên đành phải đến nhà cô bán dầu. Lúc này (nhất là những đêm rét mướt), cô ấy đã cuộn tròn trong tổ ấm. Phải trình bày hoàn cảnh, phải nói khó, tóm lại là phải "lụy". Thôi, quan trọng là tình làng nghĩa xóm "tắt lửa tối đèn có nhau" nên cô cũng chịu khó giải quyết sau vài lời càu nhàu. Ấy thế mà có một trường hợp, dù bất cứ hoàn cảnh nào người ta cũng không nghe cô bán dầu phàn nàn lấy một tiếng. Đó là anh học trò nghèo ở cuối làng. Học trò thì theo nghiệp đèn sách. Nhà nghèo nên không thể mua được nhiều dầu để dự trữ. Mùa thi đã tới gần. Anh học trò phải "sôi kinh nấu sử" thâu đêm suốt sáng. Bởi thế, chuyện đêm khuya hết dầu đối với anh là rất thường xuyên. Lại nữa, anh chàng không chỉ phiền lụy đêm hôm mà còn hay mua chịu. Số nợ tiền dầu ngày càng dài ra. Rồi một hôm, người dân kéo ra đầu làng để chứng kiến "võng anh đi trước, võng nàng (bán dầu) theo sau". Thế là anh học trò nghèo vừa trả được cái nợ ân tình, vừa khỏi phải trả món nợ dầu đèn. Có bà mẹ thầm nghĩ: "Giá mình cũng sắm cho cái hĩm một gánh dầu . . . ".

 

Những tưởng kết thúc như vậy là có hậu, là vẹn cả đôi đường. Thế mà có người lại bảo: Anh học trò nghèo có thể không phải "lụy đến cô bán dầu" nếu biết vượt khó bằng cách dùng đèn đom đóm như cụ Mạc Đĩnh Chi thuở nào. Ấy chết, nói vậy chứng tỏ bạn chưa đọc cuốn "Đom đóm học nhập môn". Vào những đêm tháng 3 (Đom đóm bay ra hoa gạo đỏ, mình thường cùng lũ trẻ trong xóm đuổi bắt đom đóm. Vì đã đọc chuyện Mạc Đĩnh Chi nên có lần mình đã tóm gần chục con đom đóm loại to, sáng cho vào một vỏ trứng gà. Rồi mình soi vào một cuốn sách. Hỡi ôi, không thể đọc được một chữ, dù cỡ chữ nhỏ hay to. Thì ra, đom đóm thì lập lòe (sáng-tắt), mà chúng đâu có đồng loạt lóe sáng. Hơn nữa, chúng đâu có nhất loạt phưỡn bụng ra phía trước để mà làm đèn. Lại nữa, nếu không che miệng vỏ trứng lại thì lũ đom đóm sẽ bay đi hết. Mà đậy lại thì làm quái gì gọi là đèn nữa. Hóa ra, đèn đom đóm của cụ Mạc Đĩnh Chi chỉ là một giai thoại nhằm tôn vinh tinh thần vượt khó của anh học trò nghèo. Ấy thế mà gần đây lại có bài báo viết về một tấm gương học trò vào những năm 60 cũng vượt khó bằng đèn đom đóm!!! Thế mới nói, muốn mượn chuyện xưa để nịnh thì cũng phải đọc qua một lần cuốn "Đom đóm học nhập môn" sắp sửa ra mắt chứ.

 

Viết tới đây thì tay đã mỏi. Lại nhớ một lời còm của anh giáo Trần Quốc Lộc: Nếu status lắm chuyện thì chia làm 2. Vậy nên để hôm nào có điều kiện mình sẽ kể tiếp về chiếc đèn dầu Tây và hoa đèn của tuổi học trò nhé!

 

Trần Anh Chiến

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.