- Trang văn
Nhớ mãi một thời người đẹp!
Thứ năm - 07/05/2020 09:51
Ảnh: Ông Nguyễn Ký, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh
Thế là thêm một người thân nữa của tôi đi về cõi vĩnh hằng. Trong đời người, tính cả quan hệ gia tộc và những giao tiếp xã hội, ta quen biết bao người. Trong vô vàn mối quan hệ ấy ta có được mấy người thân? Ông đối với tôi là một người thân, và tôi gọi ông bằng chú. Chú Nguyễn Ký. Nhận được tin ông mất mà tôi không cầm lòng được. Đêm khuya ngồi nhớ những kỷ niệm về ông mà cảm xúc cứ trào lên.
Ban Nghiên cứu của Thủ tướng được thành lập năm 1998 từ tiền thân Tổ tư vấn Kinh tế, cũng là năm tôi được nhận về Ban làm việc. Gần 6 năm làm việc ở đây là quãng thời gian lý thú nhất, hạnh phúc nhất mà tôi có được trong cuộc đời công tác của mình. Điều kiện tốt đẹp ấy phần lớn được tạo lập bởi tình cảm, niềm tin và sự chia sẻ mà ông dành cho tôi, một thanh niên non nớt xuất thân từ một gia đình công nhân nghèo từ vùng quê xa xôi.
Có được quan hệ thân thiết trong môi trường cơ quan nhà nước, giữa hai cá nhân hoàn toàn khác biệt về vị thế, tuổi tác, quê quán, điều kiện xuất thân và kể cả sở thích nữa... có thể không phải là chuyện phổ biến. Với bản tính cương trực và nhân bản, ông đã dành cho tôi một tình cảm tôn trọng mà bao dung độ lượng. Ông thường xưng là chú nhưng gọi tôi bằng tên mà hiếm khi gọi tôi bằng cháu. Đó có thể là thói quen hay tập quán mà ông thích, nhưng tôi thấy dường như mình được tôn trọng hơn. Với niềm tin ấy, tôi mạnh dạn và thẳng thắn hơn khi nêu ra những quan điểm và ý kiến riêng của mình trong quá trình làm việc.
Ngoài công việc chuyên môn, ông thường thủ thỉ kể cho tôi nghe những chuyện mà ông tâm tư suy nghĩ, và cả những kinh nghiệm va chạm trong đời. Ông có kể tôi nghe về một quyết định quan trọng trong cuộc đời cán bộ của ông là bổ sung chức năng cho Trường Đảng của Huyện thành nơi dạy nghề. Giản dị như vậy nhưng là một tầm tư duy lớn của một con người biết lo cho nhân dân và bất chấp sự phản kháng của những phường giá áo túi cơm, lúc nào cũng muốn tròn trịa, bóng mượt. Đi công tác Tây Nguyên để đánh giá nguyên nhân của hai sự kiện 2001 và 2004, tôi được cùng ông tiếp xúc với nhiều cấp độ thông tin. Ông cứ trăn trở với câu hỏi điều gì là bản chất của sự việc, mặc dù đã có báo cáo chính thức về nguyên nhân tác động bên ngoài.
Đôi khi ông gọi tôi về ăn trưa cùng, ăn cơm bà nấu trong điều kiện hết sức giản dị trong phòng trọ của Nhà khách số 10 Chu Văn An, gần cơ quan. Bà hay nói đùa rằng ông “Ăn cơm chúa, múa tối ngày”. Cơm “Chúa” thực ra là cơm bà mang gạo từ quê ra và chính tay bà nấu, cũng chỉ là cơm canh với một vài món mặn trong đó có cà muối mặn của quê nhà Hà Tĩnh. Tôi hiểu điều bà yêu và thương ông, mà câu nói đùa thực ra là “ăn cơm vợ và toàn lo chuyện đâu đâu”. Ông lo lắng cho mọi việc từ việc đổi đất lấy hạ tầng, đền bù đất đai, nông thôn mới, cho đến thể chế hỗ trợ doanh nghiệp và cải cách hành chính. Đến khi về nghỉ hưu, ông còn lo lắng về ô nhiễm môi trường, lao động việc làm, an ninh quốc phòng, đầu tư nước ngoài, trong đó có dự án Formosa. Hôm nay, tôi bỗng trào nước mắt khi hiểu thêm về “cơm chúa” và “múa” tối ngày của ông là như vậy.
Kính cẩn tiễn biệt Ông, một tài năng, một nhân cách lớn; một tấm gương về ý chí, nghị lực. Xin cung kính bái biệt Chú, một người thân thiết đã để lại cho cháu những lời dạy quý báu và tình cảm sâu sắc không phai mờ.
Hà Nội, 22/4/2020.
Bùi Đại Dũng