• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Hè về! Nhớ….

Thứ bảy - 02/05/2020 17:19

 

 


Hoa phượng


Khi lớn lên mình mới được đọc nhiều câu thơ, nghe nhiều nhạc phẩm về hoa phượng. Hay nhất có lẽ là câu "cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi...". Còn hồi bé, mỗi khi hoa phượng nở cùng tiếng ve ran là bọn trẻ biết rằng sắp được nghỉ học. Quẳng hết sách vở vào một góc nhà rồi tha hồ chạy nhảy. Không phải (hay là không được?) học thêm học bớt gì cả. Với bọn trẻ như mình, hoa phượng không phải để ép vào trang vở, để mà mơ mộng, mà bâng khuâng. Bọn mình thường lấy nhị hoa cài vào nhau rồi giật nhẹ, đầu nhị bên nào bị rụng là thua. Chỉ vậy thôi mà chơi hoài không chán. Thỉnh thoảng lại ngắt một cánh hoa chủ bỏ vào mồm (mỗi bông phượng có một cánh chủ màu trắng chấm đỏ, cọng rất mập). Một vị chua chua lan trong miệng thật dễ chịu. 


Thuở ấy sao mà có nhiều thứ lá, hoa, quả hoang dại có thể bỏ mồm đến thế! Chỉ cần nó đem lại một vị ngòn ngọt, chua chua, chát chát là bọn trẻ cho vào mồm tuốt, miễn là không độc(!). Còn nhớ có một loài cây mọc hoang chỉ cao tầm ba bốn mươi phân nhưng cành lủng lẳng trái trông như những chiếc đèn lồng to bằng ngón chân cái. Bọn mình hay lấy trái đó đập vào trán, nghe kêu cái "bốp". Bọn trẻ quê mình gọi là cây "bốp bốp". Khi chín, vỏ ngoài khô lại, còn quả bên trong to bằng đầu đũa, ngả màu vàng, căng bóng, bỏ vào mồm có vị chua chua, ngòn ngọt. 


Gần đây, nghe báo chí nói đó là cây tầm bóp có nhiều dưỡng chất quý mà "Nhựt bổn" mua với giá rất cao. Có lẽ nhờ ăn phải nhiều cây quả "bổ dưỡng" mà lứa bọn mình cũng thông minh không kém lứa con cháu bơ sữa sau này!!! 






Ve sầu


Cái nắng hè chói chang được hỗ trợ bởi cái gió càng thổi càng nóng có tên là Gió Lào làm cho mặt đất quê tôi khô khốc, bạc phếch một màu. Ấy vậy mà dưới mấy gốc cây to, tán rộng, nơi đang tràn ngập tiếng ve là một vùng đất thẫm ướt. Bọn mình hay chạy đến, ngửa mặt lên hứng những làn nước mỏng, mát rượi do những chú ve ban tặng.


Quê mình (Hương Sơn, Hà Tĩnh) có rất nhiều mít. Vườn nhà mình có hơn chục cây mà tôi không biết tuổi, chỉ biết là lõi của nó có thể làm cột nhà. Ơ hay, sao đang nhớ đến ve lại nói đến mít? Bởi mít là nguồn cung cấp "vũ khí" cho bọn trẻ bắt ve. Chỉ một cái que nhỏ quấn đầy nhựa mít (mét mít) buộc vào cây sào là có thể chinh chiến cả buổi trưa. Nhựa mít có thể lấy ở cuống quả mít mà bà hái vào nhà. Thế nhưng thỉnh thoảng mới có một quả chín mà ve thì kêu ra rả suốt ngày, cho nên phải tìm nguồn "vũ khí" ngay gốc cây mít. Bọn trẻ thường xách dao chặt củi (dao đăn) len lén tìm một gốc mít nằm khuất ở góc vườn, nhằm vào chỗ vỏ cây mỏng cho lắm nhựa, phang mạnh vài nhát. Một lúc sau quay lại thu chiến lợi phẩm. Nếu bạn nhỏ nào nhà không có mít thì âm thầm sang vườn hàng xóm kiếm một ít. Cái loại nhựa mít này dính lắm, chỉ cần chạm khẽ vào cánh là tóm ngay được một chú ve, ngay cả lũ chuồn chuồn cũng chung số phận. Nhưng sẽ là thảm họa nếu sơ ý để cái "que vũ khí" đó chạm vào đầu. Chỉ có lấy dầu hỏa mà xoa cho nó tan nếu không muốn dùng kéo cắt phăng mảng tóc đó!!!


Để có thể bay lên cất cao giọng hát, các chú ve phải trải qua thời kỳ ấu trùng. Ấu trùng ve nở dưới lớp đất mỏng, sát một gốc cây nào đó. Đến khi trưởng thành, ấu trùng bò lên thân cây cách mặt đất vài chục phân để lột. Khi ve thoát ra chỉ để lại một cái vỏ màu nâu, dọc lưng có một vết nứt dài, từ xa trông giống hệt như một chú ve đang bám vào cây. Bọn trẻ vẫn thường gỡ vỏ ve sầu chơi, nhưng phải nhẹ tay nếu không sẽ bị vỡ. Bà vẫn bảo: Vỏ ve sầu tán ra cho trẻ con uống để trị  đái dầm. (Thật may là mình chưa phải uống thứ đó bao giờ!). Sau này mới biết người ta cho rằng ve lột xác để lại vỏ là để đánh lừa các chú chim. Từ đó, con người ta mới có kế "Ve sầu thoát xác".


Câu chuyện của mình về mùa hè đến đây là hết rồi. Chúc các bạn trẻ có nhiều sức khỏe để đi bẻ phượng và bắt ve nhé!!!


Trần Anh Chiến

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.