• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Kỷ niệm đáng nhớ về một người thầy

Thứ hai - 11/05/2020 10:51




 

(Kính tặng thầy Phan Xuân Hạn và những người thầy đáng kính khác, nhân ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo 20.11)

 

 

Đêm nay, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một trong những người thầy đáng kính của mình. Đó là thầy Phan Xuân Hạn, người Nghệ Tĩnh. Rất tiếc, tôi không biết địa chỉ cụ thể của thầy và bây giờ thầy sống ra sao.
 

Đó là thầy chủ nhiệm, đồng thời là thầy dạy toán của tôi hồi lớp 7. Thầy dạy rất giỏi, thể thao rất cừ, chơi đàn ghita và hát thật hay. Nhưng cái để lại ấn tượng sâu sắc nhất, là thầy rất mẫu mực, tận tụy và hết lòng thương yêu học trò của mình. Vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng. Xứng đáng là một người thầy mẫu mực , một bậc mô phạm, mà tất cả học trò chúng tôi hằng kính trọng.

 

Tôi còn nhớ, có lần do ăn uống bậy bạ, tôi bị đau bụng dữ dội ở lớp, vãi cả ra quần. Thầy giao lớp cho lớp trưởng, rồi vội vã cõng tôi ra trạm xá cấp cứu. Tự tay thầy chăm sóc, an ủi, động viên tôi, như người cha chăm sóc cho con. Lại có lần, một thanh niên địa phương to lớn, đuổi đánh một học trò vào đến tận lớp. Thầy vừa kịp đến, trông thấy, liền vứt cặp sách xuống sân trường, lao vào quật cổ hắn xuống đất, bảo vệ học trò của mình.

 

Ngoài giờ dạy học, thầy thường kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về những gương học trò giỏi, chuyên cần, thông minh, dũng cảm và trung thực. Về những nhân tài đất nước và về chính cuộc đời thầy ngày còn nhỏ, đi học ở quê. Nhà nghèo đói, vất vả, nhưng thầy vẫn rất chăm học và học giỏi. Điều này tôi tin hoàn toàn. Ngoài những giờ lên lớp, thầy thường dành thời gian đến thăm gia đình học sinh. Không một học trò nào trong lớp không được thầy đến thăm tận nhà, ít nhất một lần.

 

Riêng tôi, hai lần thầy đến thăm nhà, tôi đều làm thầy phiền lòng, tôi rất ân hận. Nhưng tất cả cũng đã qua rồi. Và thầy cũng đã tha thứ cho tôi ngay từ ngày ấy. Lần đó, vào một buổi chiều, thầy đến thăm nhà, tôi đang chăn trâu ngoài đồng, về được mẹ tôi kể lại.

 

Thầy đến thăm, tưởng buổi chiều tôi tự học ở nhà. Nhưng ngày ấy trẻ con nhà quê làm gì có chuyện buổi sáng lên lớp, buổi chiều tự học ở nhà như bây giờ. Mà buổi học, buổi làm. Chỉ được học thêm vào buổi tối thôi. Mà buổi tối cũng chỉ được học đến 9 giờ là phải tắt đèn đi ngủ. Vì học khuya... tốn dầu lắm!

 

Thầy đến nhà, ngồi ở cái bàn tôi vẫn ngồi học, có vài quyển vở vứt lổng chổng và mấy que tre đập dập làm bút vẽ. Đó là cái bàn gỗ lim cổ, đến nay vẫn còn, mặt bàn nhẵn thín, bóng lì, đen kít và cứng như thép. Mỗi lần lọ mực gần hết, khó bơm hoặc chấm, tôi lại đổ mực lên góc bàn, mực không thấm vào gỗ được. Rồi vẽ tranh cũng vậy, tôi biến cái góc bàn thành cái bảng pha màu. Và lần ấy, tai hại thay! Thầy lại mặc áo pôpơlin trắng, vô tình đã chống cả cánh tay áo lên góc bàn đầy nhọ nồi, mực, son và các loại màu nham nhở khác.

 

Thời ấy (những năm sáu mươi của thế kỷ trước) thuốc tẩy không có, xà phòng rất hiếm, mà quần áo thì lại càng hiếm hơn. Mỗi năm mỗi người được cấp tem phiếu mua 2m vải, may áo thôi quần. Thế mà cái áo trắng đẹp đẽ nhất của thầy, bây giờ thành loang lổ hết cả. Thầy giận lắm. Nên khi nói về việc học hành của tôi, thầy nhắc đi nhắc lại với mẹ: “Học giỏi! Giỏi! Nhưng bửn, bửn. Nghịch bửn!” Thầy nói giọng miền trung, mà đến tận bây giờ mẹ tôi vẫn còn nhớ và hay đùa trêu tôi: “ Giỏi! Giỏi! Bửn! bửn...” là như vậy.

 

Một lần khác, thầy đến thăm vào buổi tối. Đó là một đêm trăng rất sáng. Ở nhà quê ngày ấy không có điện, những đêm trăng sáng là ngày hội của trẻ con. Với một đứa trẻ hiếu động và sục sặc như tôi thì làm sao mà ngồi nhà cho được. Tôi đang chơi trận giả. Trận chiến giữa trẻ con hai xóm Đông - Tây. Chiến cục đang ở vào giai đoạn cực kỳ ác liệt. Nghĩa là quân ta và quân địch đã tràn vào trận địa của nhau, đang tàn sát, hoặc bắt hàng phục đối phương làm tù binh.

 

Tôi dẫn đầu một tốp, mai phục ở một ngõ hẻm vắng và tối. Từ xa có bóng người lớn đi tới, cúi nhìn dưới chân thấp thoáng có bóng trẻ con. 

Tôi đoán chắc, quân địch đang lợi dụng địa hình địa vật, nấp sau người lớn để xâm nhập trận địa của mình. A! thế thì “tương kế tựu kế”, mày bị quân ta phát hiện rồi! Tôi ra hiệu cho quân sĩ nép kín, còn mình cầm một cây gậy gỗ làm súng, nép sát tường hẻm. Quân địch vừa kịp tới, liền nhảy xổ ra hô: xung phong ! Và vung gậy lên. Cả tốp lao ra, toan quật đối phương xuống đất.

 

Nhưng gậy vừa giơ lên, liền bị một cánh tay cứng như thép giữ chặt và tiếng chú Q... (ông chú họ nhưng học cùng lớp với tôi) rành rọt:

 

  • Ơ! Tuệ, về nhà đi, thầy giáo đến thăm đấy!

 

Chợt nhận ra thầy Phan Xuân Hạn, tôi hoảng vía, bỏ luôn cả súng, vắt giò lên cổ chạy thục mạng.

 

Lát sau bình tĩnh lại, thấy lo lo. Sợ thầy vào nhà, sẽ mách bố mẹ về tội láo với thầy. Và nhân đã tức sẵn, thầy sẽ tha hồ mà kể tội nghịch ở lớp, ở trường, biết đâu chẳng bịa thêm ra mà vu để bố đánh cho bõ ghét. Thế là tôi lò dò về nhà nghe ngóng tình hình. Hé mắt vào khe liếp, thấy trong nhà thắp đèn, thầy ngồi với bố mẹ ở giường, vừa uống nước vừa trò chuyện vui vẻ. Thầy khen tôi học giỏi, nhưng ham chơi mà nghịch, lại là trò nhỏ nhất lớp, còn dại lắm.

 

Thầy đưa “cây súng” cho bố mẹ, kể lại câu chuyện vừa rồi, với thái độ vui vẻ, pha chút khôi hài. Xong thầy dặn đi, dặn lại:

 

  • Ông bà đừng đánh em, nó còn dại, hãy bảo ban, khuyên răn và dành thời gian cho em học tập, năm nay là năm cuối cấp (như lớp 9 bây giờ), quan trọng lắm!

 

Rồi thầy xin phép ra về cùng đệ tử Q... của thầy.

 

Tôi lẹ chân phóng trước ra ngõ chuồn đi, mà lòng thấy lâng lâng, vì thầy đã không làm như tôi nghĩ. Thế là thoát nạn! Nhưng lần ấy đã ghi vào ký ức của tôi cho đến tận bây giờ. Và còn biết bao kỷ niệm về thầy mà tôi không sao kể hết được...

 

Trong cuộc đời sau này, ở những môi trường học tập, công tác khác, tôi còn may mắn được học với nhiều bậc thầy đáng kính nữa.

 

Ôi! Bất hạnh thay cho những ai, tuổi ấu thơ không được cắp sách đến trường, không có một thời học trò hồn nhiên, ngây thơ và sôi động.

Hạnh phúc thay cho những ai, thuở học trò được học với những bậc thầy như thế!

 

 

Hà My - 18.11.2018

Lê Quang Tuệ

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.