- Trang văn
Lão "Hỳ mặt nạ"
Thứ tư - 11/03/2020 11:31
Nhà thơ Kim Chuông đã có 37 tập sách trình làng, gồm: 23 Tập thơ, 14 tập Văn xuôi (trong đó, có cả Tiểu thuyết, Truyện ngắn, Bút ký, Tiểu luận phê bình Văn học ...Trang văn Nhà Búp trân trọng giới thiệu Truyện ngắn Lão “Hỳ mặt nạ” của ông, rút trong tập Truyện “Trong bóng ngày đi” - NXB Hội Nhà văn, 2018
Chuyện xa lắm. Ngày ấy, thuở còn mồ ma giặc Pháp, dân Tẩm Thượng bảo nhau. Thằng Hỳ sinh ra, được thả về sống ở Gò Bơn này là do ông trời đã bày nên trò ấy.
Hỳ họ Vũ, tên thật là Tiếu. Tiếu là cười. Hỳ là âm thanh của cái cười. Cũng là cười! Sự ăn khớp của Hỳ từ vẻ mặt, nét nhìn, giọng nói, tất tật đều toát lên cái cười nom rất “hài và ngộ”.
Hỳ thấp, đậm. Lông mày bên đực, bên cái. Đôi mắt lúc nào cũng háy lên như mỉa mai, cười cợt.
Chả biết, Hỳ, chàng trai có nước da đen suộm, gương mặt hóm kia là con cái nhà ai ? Số phận có gì trong khoảng tối cất giấu. Xóm Gò Bơn chỉ biết lỗ mỗ, kể với nhau rằng, Hỳ vì cờ bạc mà khuynh gia bại sản. Từ miền ngược lánh nạn, chạy tản cư về đây, Hỳ cắm lều ở “gốc đa ông Sắn”, thành dân ngụ cư của vùng trại lẻ.
Không tấc đất cắm dùi, không vợ con, quê kiểng. Hằng ngày, trên cánh bãi mênh mông lau lác, người ta thấy, Hỳ thường đeo chiếc giỏ lúc lắc bên hông, lao vào bụi cỏ săn cáy, hoặc ngồi lặng với chiếc vó bên ngã ba con đập. Những phiên chợ Râu, Cầu, Lác, Mét với con cua, con cáy hay mẻ cá kiếm được là chiếc phao cứu sống cuộc đời vật vờ, côi lẻ của Hỳ.
Là dân ngụ cư, nhưng Hỳ được người Gò Bơn rất khoái. Hỳ đặc biệt khéo, có duyên trong giao tiếp. Căn lều dưới gốc đa của Hỳ chẳng lúc nào vắng bóng người qua lại. Ai làm đồng, sớm chiều, dù vội mấy cũng phải tạt qua căn lều của Hỳ chốc lát. Họ uống với Hỳ bát nước vối, kéo hơi thuốc lào hay tán gẫu dăm ba chuyện tếu.
Hỳ có tài bịa chuyện. Giọng rỉ rả. Hỳ bắt chước được đủ thứ tiếng. Từ giọng nam cao, nữ thấp, giọng trầm, giọng khàn khàn vịt đực.. Những chuyện Hỳ kể, xem ra chẳng đâu vào đâu. Nhưng qua miệng Hỳ, thật hấp dẫn. Chả thế, có người đã bỏ nhỡ cả buổi cày đồng ngồi nghe Hỳ bịa chuyện. Nhiều cô, dạng “nóng máy” đã thích Hỳ ra mặt. Có lần, vì ghen tuông, ba bốn cô đã túm áo, lôi nhau xuống tận bến sông cãi lộn, dìm nhau. Có người phát hiện, cô Chồi, cô Thướng, còn bị Hỳ “thả bùa mê”, thỉnh thoảng lại giấu chồng, dúi cho Hỳ củ khoai, tấm bánh, có khi cả cút rượu để lúc nào cũng chen đám người, ngồi sát vào Hỳ, nài Hỳ ba hoa những chuyện tầm phào, rồi tự sướng mà cười chảy cả hai hàng “vong linh” dàn dụa lên mặt.
Chẳng biết, chàng Ê-Dốp trong “Nghìn lẻ một đêm” giỏi khua lưỡi, chinh phục bà thị trưởng thế nào. Riêng tài “ba hoa” của Hỳ đã choàng lên đời Hỳ tai họa mà cả Gò Bơn này không ai là không biết đến.
Số là, Hoa Mạn, vợ Chánh tổng An Bồ, giàu nứt đố đổ vách. Là vợ một đại địa chủ xinh đẹp, Hoa Mạn chuyên phấn son, ăn diện, “nghiền” Hồng Lâu Mộng, Kim Bình Mai và các loại tiểu thuyết “dâm thư” như các bà chuyên nghiền trầu thuốc. Trong trò chuyện, Hoa Mạn thỉnh thoảng “đá” một đôi câu tiếng Pháp, mặt vênh lên, nom dáng vẻ rất “cành vàng lá ngọc”.
Vậy mà, một lần, Hoa Mạn đã cho vời Hỳ đến để “mục sở thị” chuyện đồn đại về “tài khua môi uốn lưỡi” đã để lọt vào tai “bà lớn” chuyện chàng trai từ nơi nào về “gốc đa ông Sắn” cắm lều.
Quả tình, ngay buổi đầu xáp mặt. Một phút, hai phút. Khi mặt trời chưa lên khỏi ngọn tre, lúc ngước lên, bóng mặt trời đã gần đứng đỉnh đầu ... Hoa Mạn vẫn ngồi giương đôi mắt long lanh, miệng đớp từng lời, nhìn Hỳ dẫn Hoa Mạn vào mê cung chuyện trên trời, dưới biển.
“Trời, một gã có một kiểu điển trai. Thật đàn ông. Một số kiếp có gì oan khiên đang trú ngụ, ẩn khuất trong Hỳ. Có một mạch nước ngầm với khoảng xanh lấp lánh không dễ thấu tường và nắm cầm ở bóng hình cái con người đang ngồi cách Hoa Mạn chưa đầy gang tấc.” Hoa Mạn chỉ mường tượng và cảm được như vậy. Còn Hoa Mạn, “bà Chánh” Tổng An Bồ đâu biết. Vũ Hắc Hỳ, cái chàng trai lang bạt này cũng là con của một “địa chủ” vùng sơn cước . Nhà Hỳ do cờ bạc mà bại quỵ. Cha Hỳ, một viên quan nhỏ bản địa trót dính vào vụ kiện cáo, tranh chấp liên miên mà chịu thua, để cửa nhà ly tán.
Thực tình, đâu cần phải giải thích nhiều. Bằng linh cảm của đàn bà giàu nhạy cảm. Bằng ngọn lửa của con tim đang đốt lên làm Hoa Mạn phát rồ không kìm được. Bằng quyền lực của kẻ giàu sang đang hét ra lửa ở một vùng. Hoa Mạn từ chỗ coi khinh, dọa nạt Hỳ, bỗng lúc nào đã dịu lành, ngọt ngào, mơn trớn … Để rồi, đứng trên thế “bà lớn”, Hoa Mạn sai đám lâu la mang nước nóng cho Hỳ tắm. Lấy quần áo đẹp cho Hỳ vận. Dọn cơm rượu cho Hỳ ăn. Rồi tự tay khóa chặt cửa phòng, Hoa Mạn trút bỏ xiêm y, kéo Hỳ lên giường cùng nhau “mở đấu trường”, làm trận “ngàn năm mịt mù mưa gió ”.
“Chánh Lý ư? Chúng là loại cứt. Cái vỏ thối. Xác của những con ngựa giấy.” Hoa Mạn sướng rên, nằm chềnh ềnh trên giường, mắt nhắm tịt, phơi nguyên thân hình trắng ngộn, miệng hét lên câu ấy. “Có những kẻ ngỡ vùi trong xó tối (Hoa Mạn chỉ Hỳ), nó có thể ngồi trên đầu, nhổ bọt vào mặt loại vênh vang, bịp, “sĩ dởm” ấy.
Trò đời, miếng lạ. Lại ăn vụng. Hoa Mạn say, bắt Hỳ đến nhà, thường xuyên diễn trò “cố sự tân biên”(1) cho sướng “cái mảnh tình”, chỗ thiên địa vui tính đã khéo bày nên trò ấy. Nhưng, ham quá. Việc bại lộ. Nhờ uy “sư tử” của Hoa Mạn chở che trước “cơn lôi đình” của ông Chánh An Bồ vốn nhu nhược trước “pháí yếu” mà Hỳ chỉ bị một trận đòn rồi tống cổ, cút xéo khỏi đất làng.
Bỏ đất ngụ cư, Hỳ trốn chạy về một vùng xa lắc. Phải tới hàng thập kỷ biệt tăm. Khi Gò Bơn không mấy ai còn nhớ đến tên Hỳ nữa, người ta bỗng thấy Hỳ vác mặt tìm về xóm lẻ.
“Kìa. Hỳ lều vó”. Hỳ gốc đa ông Sắn” phải không ?” Có đôi người nghi hoặc. “Đúng Hỳ rồi. Vẫn dáng người thấp đậm. Da den. Mắt háy lên như trêu ghẹo … Có điều, ngần ấy năm, Hỳ lang bạt phương nào. Vợ con đâu. Sao hắn đi một mình ? Trên vai lại gánh cả tầng tầng những sắc màu, toàn mặt nạ, mặt nạ.”
Ồ. Đúng Hỳ “gốc đa ông Sắn rồi đó. Vẫn dáng vui, xí xớn. Hai chân đá đưa nom giống “phường chèo”. Hỳ đi trước. Vài tốp trẻ con, có cả người lớn cũng rồng rắn, mặt mày hớn hở chạy theo sau. Hỳ dừng ở ngã ba đường, đứng giữa những vòng người vây kín. Tiếng cười vui ồn ào, náo nhiệt. Tiếng gọi. Tiếng trêu đùa cứ rộ lên như đám hát hay một đám hội hè.
- Này, ông “mặt nạ” ơi ! Thằng cười ơi ! … Nhiều tiếng gọi Hỳ ríu ran cứ réo lên như thế - Quan Vân Trường đây à ? Đây, chú Tễu nữa phải không? Ồ. Ông Trương Phi hả? Hổ hay sư tử đấy. Ôi, múa đi. Múa thử xem nào ? Oai quá. Oách quá. Ôi, thật ngộ. Buồn cười quá. Vui quá ...
Hỳ cắm cây gậy xuống vệ đường. Những chiếc mặt nạ đủ sắc màu rực rỡ bay lên theo chiều gió. Hỳ đứng lọt giữa tiếng gọi vui rối rít. Hỳ tháo từng chiếc mặt nạ buộc trên cây sào chụp lên mặt mình, huơ chân múa tay, một mình làm nhiều vai diễn. Giọng Hỳ ồm, vang. Mình Hỳ nhập vai. Khi là hổ báo oai phong. Khi là võ tướng. Khi làm “thằng cười”, tay cầm chiếc quạt, mặt bỡn cợt vênh lên, vờ dọa xung quanh ... Lũ trẻ con thích chí chạy ré, xô dạt vào nhau. Có đứa trượt chân ngã. Có đứa nghịch, vội nhổm dậy, nhằm chỗ hở, đùa, kéo áo, kéo tay Hỳ. Có đứa giằng lấy chiếc mặt nạ, múa may trêu lại những đứa trẻ khác.
Người xem. Rồi người mua tíu tít. Chỗ này nhạt trò, Hỳ lại thủng thẳng vác gánh mặt nạ đi lòng vòng đến một quãng xa khác. Cắm chiếc gậy buộc lòa xòa những mặt nạ đủ các sắc màu, Hỳ lại độc tấu với nhiều vai diễn đã thuộc làu trong óc. Tụi trẻ vẫn khoái chí bám theo Hỳ từng bước. Lúc nào, quanh Hỳ cũng đông chật những vòng người.
“Nào, cho mua “thằng cười” này”. “Ê, mặt nạ ơi. Mấy đồng ông Ba mươi hẻ ? Đầu kỳ lân bao nhiêu ?” “Mẹ ơi. Con thích ông quan võ”. “Bố ơi. Mua cho con chú Tễu này này ...”
Hỳ vừa bán hàng, vừa diễn trò. Mồ hôi trên trán tóa ra ướt đẫm.
Buổi ấy, đã trưa giặt. Khi bán hết mặt nạ, như bao nhiêu lần, mọi người bỗng chốc biến đi đâu hết. Đường làng vắng teo. Một mình Hỳ trơ ra côi cút. Hỳ tìm vào một căn nhà nằm khuất sâu trong lối ngõ nhờ ăn gói cơm nắm qua trưa. Chủ nhà không biết, Hỳ là một dân ngụ cư, người cắm lều bên “gốc đa ông Săn” thuở nào. Còn Hỳ, người tìm về Gò Bơn xứ cũ, nơi chứa bao kỷ niệm thuở lang bạt, buồn vui với “bi kịch tình, nhố nhăng” xa ngái. Thì ra, về đây, Hỳ biết, ngày kháng chiến bùng nổ, giữa tranh tối tranh sáng, chánh tổng An Bồ thất thế. Hoa Mạn đã theo chồng trốn chạy vào Nam. Cô Chồi, cô Thướng, người “phải lòng” Hỳ thuở nào giờ đã nên ông, nên bà. Mấy cậu nhỏ chăn trâu, lúc nào cũng quấn lấy Hỳ nay đã xung vào lính, đang lận lội đuổi giặc trên những vùng biên ải. Không ai biết, ngày ấy, rời Gò Bơn trốn đi, trong một trận càn, Hỳ bị giặc bắt lính. Duyên kiếp không chịu buông người có “cái lưỡi Ê-Dốp” như Hỳ. Do có tài biến hóa ở mấy đường “khua lưỡi”, Hỳ được vợ “Sếp” đồn Thiết Tranh mê mệt, đòì “Sếp” đưa Hỳ về phục vụ trong bốt . Cú thứ hai trong đời, chẳng những Hỳ đã nhiều lần được vợ “Sếp” lừa chồng , một “viên quan Tây”, cùng nhau làm những trận mây mưa, “lên bờ xuống ruộng”. Thế rồi, một ngày, chẳng hiểu, đấy có phải là sự “giác ngộ” cách mạng hay ý nghĩa cùng có chung cội nguồn nơi quê hương, tổ tiên nòi Việt. Hỳ cũng không tự thức được rõ rệt. Nhưng, một sớm tinh mơ, từ sự “quyến rũ” của Hỳ, vợ Sếp và Hỳ đã làm nội công cho du kích vượt sông, luồn vào bất ngờ phá đồn, cướp bốt. Trận đánh của du kích và bộ đội địa phương giành thắng lợi. Nhưng, đau đớn thay, “vợ Sếp” mà Hỳ nguyện thề rồi sẽ cưu mang, dắt díu, cùng nhau làm “người của muôn sau” đã bị giặc rượt đuổi và bắn chết khi vừa bơi qua sông. Hỳ bị thương nhưng cố mang được xác “người tình” vượt qua bãi ngô. Trong đêm chiến tranh thật căng và u tịch, Hỳ đã lo xong việc “mồ yên mả đẹp” cho người tình, người “lính tân binh” đang trên đường tìm về “đội ngũ những người con trong tình yêu quê hương, Đất nước.” Liền đó, mấy năm trời, Hỳ xung vào bộ đội địa phương tham gia đánh giặc khắp các vùng đồng bằng, biên ải. Lạc bóng gia đinh. Lạc bóng quê hương. Nhỡ nhàng tuổi xuân. Nhỡ nhàng chuyện tình ngang trái. Bi kịch với buồn vui. Khóc hết nước mắt. Cười cũng hết nước mắt. Rời lính, Hỳ lang thang khắp hội hè, quê kiểng. Và, có lẽ, từ trút bỏ áo lính, rồi ít ngày được mời đi với gánh hát rong, Hỳ đã học được một người chuyên làm những mặt hàng “mặt nạ”. Hỳ thích chơi trò này. “Ừ. Duyên kiếp của đời Hỳ, hay là “nghiệp” đó chăng. Hỳ không dám nhìn thẳng vào “gương mặt thật” của đời mình nữa. “Mặt nạ”. Mặt nạ. Là mình. Khác mình và giễu mình. Hay quá. Hỳ nghe lỏm. Mặt nạ có từ triều đại Chosun ở Hàn Quốc. Tầng lớp quý tộc Yangban hay thầy cúng Mudang thường mượn mặt nạ để thổ lộ nỗi đau buồn, phẫn uất hay trào phúng, ra oai … Hoedryung, nhân vật truyền thuyết ở làng HahWe là người làm mặt nạ đầu tiên. Ở Tàu, “mặt nạ” thịnh hành từ thời “Tam quốc diễn nghĩa”. Ở châu Phi, mặt nạ đã trở thành nghệ thuật đặc biệt. Từ thế kỷ thứ mười, kho báu mặt nạ Dogon chứa những kiệt tác nghệ thuật mặt nạ nổi tiếng thế giới. Rồi, các dân tộc thiểu số ở nhiều châu lục, người ta đã làm mặt nạ dùng cho các trò diễn, trò tế lễ, trước khi đi săn bắt thú rừng. Trên sân khấu, trong các vai hề, mượn cớ chống lại cường quyền, áp bức, tố cáo thói hư tật xấu đời người. Lấy tiếng cười làm vũ khí tranh đấu, mua vui … “Mặt nạ” đã đi theo đời Hỳ trong tâm tưởng như thế.
Đã mấy năm trời, Hỳ vui và kiếm sống bằng nghề mặt nạ. Hỳ một mình lang bạt du chơi và đem bán khắp miền quê, kẻ chợ, những lễ hội, đình đám tế lễ.
Buổi ấy, sau hàng chục năm biệt tích, không hiểu bước chân rong ruổi thế nào đã dẫn Hỳ về Gò Bơn thuở trước. Khi mặt trời đứng bóng, Hỳ đã bán hết gánh mặt nạ trên vai. Tay Hỳ chỉ còn một chiếc gậy chỏng chơ. Như bao nhiêu lần, hết mặt nạ. Chẳng ai thân thiện với Hỳ nữa. “Ừ. Hỳ còn gì để cho đám đông rồng rắn đi theo ? Đời gã buồn, nhạt toẹt. Một khoảng tối hay ít, dở nhiều. Một dòng nước mắt của một gã đàn ông. Một thân kiếp lạc đường, đi lang thang, lẻ bóng trên mịt mờ mặt đất…”
Hỳ vừa đi vừa nghĩ. Gã quay lại con đường buổi sáng đi qua, tụi trẻ con vẫn tụ tập đông vui. Hỳ giơ tay hôn gió, giọng véo von : “Chào nhé. Chào nhé”. Bọn trẻ nhìn Hỳ lạnh nhạt. Có đứa ngước lên rồi dửng dưng vùi đầu vào trò chơi đánh đáo. Hỳ gật đầu chào mấy người lớn bên cạnh. Họ cũng chỉ đáp lại Hỳ bằng cái cười nửa miệng, giọng cụt lủn : “Hết mặt nạ rồi hả ?”… Rồi quay gót tụt vào lối ngõ.
“Ừ. Hết mặt nạ rồi. Chỉ còn cái mặt thật của thằng Hỳ thôi đây! Chán quá phải không? Ừ. Chỉ còn thằng Hỳ. Ông Trời sinh ra nó. Từ miền ngược chạy về ngụ cư bên “gốc đa ông Sắn” rồi trốn chạy. Rồi, bây giờ thì lang bạt kỳ hồ với gánh hàng mặt nạ như thế…”
Không lạ gì sau hàng trăm, hàng ngàn lần diễn ra như vậy. Nhưng hôm nay, không hiểu sao, Hỳ buồn quá, hai chân đi như chạy về phía con đê xa tít. Tới “gốc đa ông Sắn” thuở nào, Hỳ đứng lại, ngửa cổ lên trời cười vang. Tiếng cười của Hỳ vọng mãi vào chân đê, bến nước. Nhưng, lạ thay, sau chuỗi cười vừa dứt, đôi mắt Hỳ bỗng nhòe đi. Hai gò má ướt đầm giọt nước.
Quê Trạng – Vĩnh Bảo, Thu, 2007
Kim Chuông
(1) Nghĩa : Chuyện cũ chép lại.