• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Gửi Sài Gòn dấu yêu

Thứ ba - 24/08/2021 21:17




GỬI SÀI GÒN DẤU YÊU

(Tản văn: Vũ Thanh Huyền)


Tôi yêu Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh từ lúc nào không biết. Thành phố phương Nam nắng và gió. Nắng chang chang và mưa thì ào ạt, không có kiểu thời tiết “ẩm ương” như miền Bắc quê tôi. Mưa phùn dầm dề suốt giêng hai, nồm ẩm làm cho cả những bức tường, nền nhà ốp gạch men cũng phải đổ mồ hôi hay mưa ngâu lộp độp suốt cả tuần lễ.


Tình yêu với Sài Gòn, không chỉ bởi tôi đã có một thời gian ngắn ngủi sống ở đó mà thành phố như một cô gái trẻ năng động, tràn đầy sức thanh xuân đã quyến rũ biết bao người. Nhịp sống tất bật, hối hả cả ngày cũng như đêm với những con đường tấp nập, náo nhiệt và cư dân Sài Gòn cũng thật đôn hậu cởi mở mà hào sảng, phóng khoáng Những điều đó cũng đủ làm cho lòng tôi thấy nao nao, se sắt mỗi ngày khi nghe thông tin dịch bệnh của thành phố trên phương tiện thông tin đại chúng.


Mùa hè năm 2021 này đường phố Sài Gòn vắng tanh, bến tàu, sân ga, phi trường và những nơi công cộng không còn nhộn nhịp đông vui như trước. Mỗi chúng ta bất chợt thấy ngồ ngộ, là lạ và không khỏi bâng khuâng, xót xa trước cảnh phố phường im lìm nép mình trong đại dịch. Hình ảnh thành phố giới nghiêm, mọi hoạt động gần như ngưng trệ, nhà nhà đóng cửa, không còn cảnh hối hả tất bật mà có phần lặng lẽ, buồn hiu hoang vắng. Hình ảnh đó làm cho trái tim tôi thấy nghèn nghẹn. Thành phố tĩnh lặng quá, tĩnh lặng đến nao lòng, nó gợi nhớ cho ta hình ảnh của hơn bốn mươi năm trước khi toàn miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh.


Ngày ấy, cha tôi cũng chỉ mới bước vào tuổi đôi mươi, ông đã cùng bạn bè cùng trang lứa, gác lại những ước mơ lên đường vào Nam đánh Mỹ vào đầu những năm 1970. Ông đã có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn mùa xuân năm 1975 ấy. Nhưng có không ít đồng đội ông đã ngã xuống ở đâu đó trên những cánh rừng, trên những con đường dẫn vào thành phố mà không được hưởng giây phút “Đất nước trọn niềm vui”. Trong kí ức của ông vẫn luôn có một Sài Gòn, hào hoa quyến rũ mà tình nghĩa yêu thương.


Đại dịch COVID-19 tràn qua như một trận đại hồng thủy kinh hoàng nhất trong lịch sử, làm chao đảo cả thế giới không kể là nước giàu hay nghèo. Nó đưa chúng ta bước vào một cuộc chiến mới, không kém phần gay go, ác liệt như những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trước đây. Cuộc chiến không có bom rơi, đạn nổ, không có máy bay gầm rú trên bầu trời và đạn pháo chát chúa của giặc, cuộc chiến với Sars-CoV-2 với nhiều biến thể nguy hiểm, gieo rắc cái chết cho loài người. Và những ngày này Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta đang là tâm dịch của cả nước. Mỗi ngày số ca mắc mới lên tới hàng ngàn người, Bao gia đình, công nhân, người lao động và cả thành phố phải chịu tác động nặng nề của đại dịch. “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, câu nói của hơn bốn mươi năm trước lại đang là hành động của mỗi người dân Việt Nam hôm nay. Không khỏi bùi ngùi xúc động khi chứng kiến lễ xuất quân của các đoàn y bác sĩ, tình nguyện viên từ các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương... họ đã lên đường, chia lửa chống dịch với Sài Gòn, với miền Nam yêu quý. Trong thời tiết mùa hè này, họ phải mặc trên mình những bộ đồ bảo hộ, nhiều người kiệt sức. Nhiều tình nguyện viên lái xe cấp cứu đưa đón các bệnh nhân F0, đã mấy tháng ròng mà chưa được nghỉ ngơi về thăm nhà. Có những người đã hoãn lại lễ cưới của mình, có cả người mẹ trẻ phải xa đứa con nhỏ, có người cha mẹ qua đời không về thăm viếng. Họ gác lại tất cả những tình cảm riêng tư của  mình để vào Sài Gòn chiến đấu giữa tâm dịch, mong một ngày cuộc sống sớm trở lại bình thường. Niềm tin, tình yêu, khát vọng cống hiến như ngọn lửa rực cháy trong tim họ. Thế mới thấy sao thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”, mới thấm thía hơn câu ca dao “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nghĩa tình ấy, gửi Sài Gòn dấu yêu còn mang nặng trên những chuyến xe nối đuôi chở lương thực, thực phẩm tiếp tế cho Sài Gòn. Nào là rau, củ quả, gạo muối, cá thịt... Nhiều trẻ em, người già đã hiến tặng những đồng tiền dành dụm của mình để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Không chỉ là “của ít, lòng nhiều” mà nó còn chứa đựng bao tình cảm thân thương của những người con cùng chung một tổ tiên con Rồng cháu Lạc, mong miền Nam, thành đồng Tổ quốc, sớm vượt qua cuộc chiến này.


 


Đúng là “Có qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”. Đất nước chúng ta là một đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, trải qua bao cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm, chống giặc thiên tai, nhưng chưa bao giờ khuất phục. Tình đoàn kết, yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào chưa bao giờ phai nhạt, càng trong hoàn cảnh khó khăn, tình cảm ấy lại càng nhân lên gấp bội. Sài Gòn ơi, xin gửi người những tình cảm, những dấu yêu và cả giọt mồ hôi, hy sinh của người hậu phương để cùng người chống dịch.


Tôi, cha tôi hay mỗi người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu, mỗi ngày đều luôn lắng nghe, luôn dõi theo và luôn đồng hành sẻ chia cùng với Sài Gòn. Chúng ta nhất định sẽ vượt qua, sẽ chiến thắng. Để một ngày bình yên sẽ về trên hương, đất nước, những con đường Nguyễn Huệ, bến nhà Rồng, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành... lại đông vui tấp nập, hát khúc khải hoàn.


VTH

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.