• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Mắm cáy của bà

Thứ tư - 29/03/2023 10:33




MẮM CÁY CỦA BÀ

(Tác giả: Phan Hà)


Ngày nhỏ, mỗi khi đi học về, tôi phụng phịu từ ngoài ngõ, cái tật bụng đói là mặt bí xị ra. Nhất là nhìn vào mâm cơm chỉ thấy trơ ra đĩa rau muống luộc với bát mắm cáy. Thế nào bao nhiêu cái đói trôi đi hết. Tức quá mà không làm gì được, vì mỗi cái tội. Bà tôi to nhất nhà, mà món ăn bền bỉ nhất của bà là MẮM CÁY. 


Vậy là cả nhà tôi ai cũng phải theo bà. Nhiều đêm nằm gối đầu tay bà phe phẩy quạt mo, tôi cứ nân na bắt chuyện, không hiểu sao bà lại yêu cái thứ nước sền sệt, đen sì có mùi hơi khó chịu ấy đến thế! 


Người lớn thật là lạ, từ bố mẹ tôi cho đến các dì chú đều không thích ăn thịt mà lại hâm mộ cái nước chấm đưa vèo ba bốn bát cơm. Lạ thật ăn bún lá bà tôi cũng chấm mắm cáy, nấu lá khoai lang cũng cho mắm cáy, chấm rau muống, rau dền, ngọn khoai lang cũng bằng mắm cáy. Thịt chân giò luộc cũng chấm nước cáy.


Mỗi khi pha mắm bà thường gọi tôi đến nhờ bóc tỏi, loại tỏi gió, nhánh bé tí tẹo thơm nức, rồi ra vườn hái chanh, ớt. Sau đó tỏi gió nhánh nhỏ được bà đập nhuyễn cho vào bát, băm ớt bé tí tẹo, cho vào bát vắt chanh, cho mì chính, đường quấy đều, cho nước cáy vào bát khuấy cho sầu bọt lên. Nhìn ánh mắt cử chỉ, hà hít hương vị đồng quê của bà, một đứa trẻ con như tôi chẳng hiểu gì, cái thứ nước chẳng có gì ngon ấy ngày nào cũng gắn với bữa ăn gia đình tôi. 


Sau này lớn hơn một chút tôi theo bà đi câu cáy ở bãi bồi sông Hồng.  Nghề câu cáy thật ra công phu và tỉ mỉ, phải thật kiên trì. Bà tôi chỉ biết đi câu chứ không biết làm bẫy cáy. Nhưng số bà rất sát cáy. Có ngày hai bà cháu câu được 3 kg, về vừa nấu canh, làm mắm. Đặc biệt món trứng cáy rán lá lốt là món ăn khoái khẩu nhất của tôi, canh cáy và trứng cáy hai món ấy tôi ăn ngày hai bữa không biết chán.
 

Tôi cũng đi nhiều nơi, sống nhiều vùng, nhưng thú thật không một loại mắm cáy nào ngon bằng mắm cáy bãi bồi quê tôi: MẮM CÁY THÁI BÌNH.


Khi câu cáy về xong bà đổ ra chậu cho một nắm muối vào ngâm, bóp vào đó vài quả khế chua, ngâm hai tiếng đồng hồ. Sau đó lột mai, bóc yếm, bẻ cái mồm cáy, bóc trứng, rửa sạch để ráo nước, cho vào cối đá giã thật nhuyễn, trộn muối bóp kỹ. Sau đó bà cho vào một cái vại ủ kín tránh vía độc, bà bảo làm mắm cáy mà gặp vía độc phụ nữ có mang hay vía đám ma thì coi như cả mẻ cáy bỏ đi hết. Ủ khoảng 10 ngày sau đó đem vại mắm ra phơi. Ban ngày phơi nắng ban đêm phơi sương, phơi khoảng một tuần thì ngấu. Bà tôi bảo, mắm cáy ngon hay không còn phụ thuộc vào thính. 


Đến bây giờ bà tôi đã đi xa mấy chục năm nhưng bữa cơm gia đình tôi chưa bao giờ thiếu món nước chấm nghĩa tình đã ăn sâu vào tiềm thức các thế hệ cháu con. 


Mấy chục năm rồi hình ảnh người bà tần tảo tay khum lưng còng lọc cáy cần mẫn, tỉ mỉ, lại phần cho đứa cháu tội nghiệp cái còng cáy cái, đứng gặm cả buổi chiều không gặm hết vài ba cái. Bao nhiêu năm qua, dòng đời xuôi ngược chị em tôi vẫn sống thảo thơm giữa hương vị quê nhà... Với mùi mắm cáy của bà dung dị và tình người. 


Bà ơi! Xuôi ngược đã từng. Con đen lận đỏ kiếp nhân sinh như vậy, nhưng mắm cáy của bà vẫn nuôi chị em con không lớn...vẫn nghĩa tình thảo thơm dư vị quê nhà!


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.