- Trang văn
Muồng Hoàng Yến
Thứ năm - 16/04/2020 08:38
"Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn"
Mùa hè ba năm trước tôi nghe nhà bên ấy tiếng mẹ ru con. Nhìn sang dưới bóng cây muồng hoa vàng rực, tiếng người mẹ ru con đung đưa chiếc nôi xinh xinh, nhẹ nhàng, dung dị. Nó toát lên một cái đẹp của miền quê, dung dị, nhẹ nhàng và rất nên thơ! Một người phụ nữ rất đẹp. Gương mặt trái xoan, mái tóc dài buông xõa! Em bé trong nôi thì là trai hay gái, lớn hay bé thế nào thì tôi không rõ, chỉ biết nó cũng mặc một bộ đồ giống mẹ, tuyền một màu vàng rực. Ô hay, hai mẹ con thiếu phụ này ở đâu mà sao mình không biết và chưa từng gặp bao giờ nhỉ? Một thắc mắc nhỏ tự nhiên đến và thấy lòng chợt vẩn vơ buồn!
Mùa hè đi qua, khi những bông muồng hoàng yến cuối cùng rụng xuống đất tiếng ve râm ran ngày hè vụt tắt, cũng là lúc tôi không còn được nghe những bài hát ru con từ phía nhà bên ấy nữa ! Nhìn sang nhà bên cửa đóng then cài, ngõ nhà bên ấy, từng lớp lá khô rụng đầy xạc xào trước gió !
Hè năm sau, rồi hè sang năm nữa cũng vậy! Thấp thoáng bên thềm, dưới tán cây muỗng vàng, bóng thiếu phụ áo màu hoàng yến lặng lẽ đưa nôi, Tiếng hát ru con của người thiếu phụ hòa trong thanh âm tiếng ve đầu hạ thật buồn, nhưng đem cho tôi một cảm giác yên bình và xuyến xao đến lạ!
Rồi cũng như những mùa hạ trước, khi tiếng ve cuối hè không còn réo rắt, nhà bên ấy đã đóng cửa tự bao giờ, bóng người thiếu phụ cùng em bé bên ấy lại tự nhiên cũng mất hút ! Họ đi khi nào, đi đâu chẳng một ai biết ! Chỉ biết trước sân chỉ còn vài cánh hoa hoàng yến héo quắt cùng lớp lá khô rụng đầy ! Một cơn gió mạnh thoảng qua, đẩy những chiếc lá khô xoay tròn xoay tròn tới bên thềm giếng ! Nghe xa xăm đâu đây giọng ai thật não nề ai oán làm tôi buốt tới tận sống lưng:
À ơi ! Gió đưa hoa cải về trời
Rau răm ở lại, chịu lời đắng cay !....
*****
Mùa Covid.
Gã không phải dạy mà chỉ phải tới trường vệ sinh trường lớp và chuẩn bị dạy online. Trưa. Nắng ơi là nắng! Rát hết cả mặt!
Hực...hực...
Xe lăn bánh thêm vài vòng rồi tắt hẳn...
Ủa. Sao thế? Mình mới đổ xăng hôm qua, sao mà hết được… Dừng lại, đạp và đạp… xe vẫn không nổ máy
Chiếc Honda Dame thuộc hàng cổ hiếm khai sinh từ một ngàn chín trăm lâu lắm… chả khi nào bị sự cố này,
Nhiều người nói gã mua xe mới đi nhưng gã cứ lấy cớ là kỷ vật của ông bố để lại nên không nỡ, chứ thực ra với đồng lương giáo viên cấp 2 phải nuôi hai cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, còn vợ gã chỉ có hai sào đất trồng hoa… thì mua xe mới là cả một vấn đề… Thôi cứ lên xe, đạp là nổ, tới trường là được... Chậm mà chắc, đỡ tốn tiền.
Chắc là phải mua xe mới rồi đây....! Bụng bảo dạ nghĩ thầm như thế.
- Anh giáo ơi! Vào uống nước nghỉ ngơi chút đã! Tiếng mời của bà lão già bán nước dưới gốc đa ven đường làm gã giật bắn cả mình. Ra chiều lịch sự để kìm hãm nỗi sợ trong lòng, gã lễ phép:
- Con cảm ơn bà! Con đang vội về!
Thật ra là gã cứ phân vân vì chỗ này thường ngày đâu có quán xá gì mà sao nay lại có quán nước nhỉ?
- Thì cứ vào uống bát nước vối cho đỡ khát đã, xe thì cứ để đấy tí nữa già sửa cho.
- Đạp thêm vài lần nữa xe vẫn không nổ máy, miễn cưỡng gã dắt xe rồi lặng lẽ ngồi vào cái ghế gỗ. Bà lão đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm, áo nâu vá ba bốn miếng nhưng rất sạch sẽ. Ơ hay! Nhìn kỹ hơn gã thấy bà này có nét gì quen quen mà gã không lý giải được. Chắc ngày còn trẻ bà cũng đẹp lắm.
- Anh giáo uống nước đi. Giọng bà lão cắt ngang dòng suy nghĩ của gã
- Dạ, Bà bán nước ở đây lâu chưa bà? Không đợi bà trả lời gã hớp một ngụm nước vối. Hương vị lạ gã chưa từng uống bao giờ. Ngọt và mát thế nhỉ!
- Anh giáo à! Không trả lời thẳng vào câu hỏi, bà nói tiếp:
- Có chuyện này muốn nói riêng anh giáo, anh có đồng ý giúp tôi không?
******
- Reng Reng Reng!
Chuông điện thoại bỗng reo.
Trưa nắng thế này, ai gọi cho gã nhỉ ! Gã cầm điện thoại lên. Đang định gắt lên vì bị cắt ngang câu chuyện, gã nhìn thấy tên Vợ trên điện thoại nên giọng chùng xuống:
- Anh đang trên đường về. Sắp tới nhà rồi.
Gã vừa nói hết câu thì xe đã dừng xịch trước cổng nhà.
Cái quái quỷ gì thế này? Xe mình có hỏng hóc gì đâu.
Gã giữ kín suy nghĩ trong đầu, bởi gã thuộc dạng nể vợ từ nhỏ. Tuy nhiên gã vẫn cứ thắc mắc và lấy làm lạ lắm lắm!
Có lẽ nào mình bị mộng du không nhỉ!
Gã ấm ức đem suy nghĩ này vào trong suốt bữa ăn làm vợ gã gắt lên:
- Ông chê cơm tôi nấu rồi hả? Hay là thích ăn phở rồi!
Gã giật bắn mình, nhưng cố giữ bình tĩnh ngồi ăn tiếp. Im lặng là vàng. Phương châm mấy chục năm nay làm chồng của gã là như thế mà!
Tối đến, làm ra vẻ chăm chú làm giáo án online nhưng thật ra gã đang ngó ra phía nhà bên ý, xem động tĩnh thế nào.
19 giờ, 21 giờ rồi 22 giờ, nhà bên ấy vẫn im lìm chỉ có tiếng gió đu đưa mấy nhánh muồng đùa lên mái ngói nhà bên nghe xào xạc. Đêm lặng câm, gã cũng lặng câm như thế! Rồi nhẹ nhàng tắt điện gã mở to mắt nhìn lên trần nhà và suy nghĩ miên man.
Sáng hôm sau, gã dậy sớm. Gã mang khẩu trang lấy xe đạp đi vòng quanh xóm, cố ý xem nhà bên thế nào! Cửa vẫn khóa im lìm. Cây muồng không héo nhưng tuyệt nhiên không thấy có một bông hoa vàng nào. Lạ nhỉ .Gã tự hỏi chính gã. Cất xe đạp vào nhà, đánh răng rửa mặt xong, ăn vội vã vài miếng cơm nguội, gã lôi của để dành của gã ra, kiểm tra săm lốp, chùi cái bugi cho thật cẩn thận rồi vào nhà lấy cặp, đeo khẩu trang rồi đến trường. Đến gốc đa gã cố tình đi chậm lại nhưng tuyệt nhiên không thấy một bóng người. Trên đường chỉ có nắng và hắn song hành. Trời không có một chút gió. Có tiếng chim bìm bịp kêu ở nơi nào đó rất xa như trêu ngươi gã.
Tới cổng trường, tay bảo vệ khẩu trang kín mít, đưa cho gã chai sát khuẩn tay rồi mở cổng cho gã. Đường vắng tanh, trường vắng tanh... Con mẹ “em cô Vy” này ghê thật. Nó khoá cả 3/4 người dân trên thế giới ở trong nhà mất rồi, may mà có mấy con chim không sợ mụ chứ không thì...
Rồi gã vào phòng, chả biết làm gì. Gã lau chùi bàn ghế, tưới cho mấy châu cây cảnh rồi mở nhạc ra nghe. Lại là bài Sắc màu quen thuộc. Những giai điệu và lời hát gã đã thuộc làu mà sao nghe thấy liêu trai đến lạ.
Gã nghe đi nghe lại mấy lần rồi lẩm bẩm:
“Một màu xanh lam, chấm thêm màu chàm
Thời chinh chiến đã xa rồi sắc màu tôi
Một màu đen đen, một màu trắng trắng
Chiều hoang vắng chiếc xe tang đi vội vàng
Một đường cong cong, nối bao đường vòng
Họa người dưng nhớ khuôn mặt bắt hình dong”
Nhớ tới chuyện trưa qua, gã tranh thủ về sớm, tắt điện thoại rồi lặng lẽ, chậm chậm đi về.
Hực...hực.
Xe lại chết máy, giọng bà cụ bữa qua đon đả:
- Anh giáo vào uống nước.
Gã giật bắn mình, nhưng cố trấn tĩnh:
- Dạ, cho cháu ly nước
- Anh có quen con Hoàng Yến nhà tôi có phải không? Bà cụ bán nước hỏi gã.
- Dạ, gã trả lời như một thói quen...
- Biết anh là người tử tế nên già này mới nhờ anh.
- Dạ... gã cứ dạ mà chả biết là vì sao nữa
- Hoàng Yến là đứa ở ngay gần nhà anh. Nó thường mặc áo màu vàng ru con đấy. Tội nghiệp!
Gã lại dạ, rồi lặng im nghe bà lão nói tiếp:
- Nó là con gái lão, nó sinh ra ở Kinh thành Huế, nhưng rồi lão đưa nó ra Lý Sơn trốn giặc ở đó. Vì ở Huế nhà có trồng một cây muồng đẹp lắm mà lão lại thích màu vàng nên đặt nó là Hoàng Yến.
- Nó lớn lên, xinh đẹp nhất đảo. Nó phải lòng rồi lấy chồng ở đó. Chồng nó là ngư dân của đảo trong Hải đội Hoàng Sa của triều đình. Khi nó có thai được 5 tháng thì chồng nó mất trong một chuyến đi biển ở Trường Sa. Nó ra biển, lập mộ gió cho chồng, hơn 3 tháng sau nó mất. Già mai táng hai mẹ con ở cạnh ngôi mộ gió rồi hàng ngày thắp hương cho cả gia đình.
- Quá đau buồn, già này muốn chết đã hai lần nhưng lần nào cũng được cứu.
- Mười năm sau, già rời đảo về quê cũ. Già cất một căn nhà tranh, đào một cái giếng và trồng một cây muồng hoàng Yến để tưởng nhớ con cháu. Thấy cây, thấy hoa là thấy người. Nhờ có nó mà mụ già này đã sống được đến cuối đời. Ngôi nhà ở sát nhà anh giáo đấy. Hai năm trước bão đổ vào đảo, làm khu mộ của ba đứa nó tổn hại nghiêm trọng. Giờ già chẳng có cách nào để sửa sang nhà cửa cho bọn chúng. Nhà già thì sao cũng được, nhưng chúng nó là một gia đình lại có đứa nhỏ nữa. Tội nghiệp. Anh giáo giúp già và giúp chúng nó với. Bé gái đẹp và dễ thương lắm.
Bà lão vừa nói vừa chép miệng rồi giơ tay quẹt mắt.
Gã lặng người. Tội nghiệp bà lão. Gã bặm trợn thế thôi chứ gã cũng hay mủi lòng lắm:
- Dạ để cháu tính! Gã nói mà không biết vì sao lại nói những lời như thế
- Anh giáo giúp tôi nhé! Già không bao giờ quên ơn và sẽ phù hộ độ trì cho.
Ngoài trời nắng rất to, chỉ vài tiếng chim ríu rít trên cành và đâu đây có tiếng gà con gọi mẹ. Gã tái mặt, mồ hôi ròng ròng trên trán.
Gã đứng dậy và dắt xe định bụng tìm chỗ sửa xe thì nghe tiếng của ai đó...
- Xe anh giáo có sao đâu. Lên xe về sớm đi.
Gã vội ngồi lên xe, đạp nhẹ. Xe chạy bon bon về tới nhà. Gã xuống xe, dắt xe vô sân.
Tối đó gã không ngủ được. Vợ gã thấy gã không ngủ được thì nói khẽ:
- Hôm nào mình ra Lý Sơn mua về ít giống tỏi Cô Đơn về trồng nhé.
- Mừng thầm trong bụng nhưng gã giả đò gắt toáng lên:
- Ừm! Nhưng mà phải hết lệnh cách ly xã hội đã chứ.
Mấy hôm sau gã gom hết số tiền tiết kiệm giấu vợ mà gã dự tính để mua xe.
Hắn lên cái xe cà tàng đi ra Quảng Ngãi. Mua tỏi giống xong, gã tìm hỏi và thuê người xây dựng lại khu mộ cho gia đình Hoàng Yến.
Cũng vừa vặn số tiền mà gã mang theo.
Về nhà, khoan khoái trong lòng gã chuyên tâm làm việc, trồng tỏi, nuôi gà. Tuy nhiên tuyệt nhiên gã không thấy bà lão bán nước ở gốc đa đó nữa.
Công việc thuận buồm xuôi gió, vợ con khỏe mạnh chẳng ốm đau gì. Vài năm sau, gã xây nhà mới, mua cho vợ gã một cái xe mới. Gã lại trồng một cây muồng cạnh giếng. Lạ thay, cây muồng nhà bên thì không bao giờ nở hoa nữa còn cây muồng nhà gã lại nở hoa suốt cả bốn mùa. Thi thoảng gã lại ra bờ giếng một mình mở nhạc ra và nghêu ngao hát:
Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng
Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang vu
Một màu nâu nâu, một màu tím tím
Màu nâu tím mắt em tôi ôi đẹp dịu dàng...
Lương Duyên Thắng