- Trang văn
Nhớ Tết
Thứ ba - 21/01/2020 12:00
Xuân đã về đầu ngõ nhưng chưa vội "Giơ tay bồng ông Phúc vào nhà" mà cứ vẩn vơ nhớ Tết. Năm nay mình đã có "ngũ ngũ" cái xuân xanh, kể từ khi đến tuổi biết nhớ (chứ không phải là tuổi biết yêu) thì cũng ngót nghét nửa thế kỷ được ăn Tết rồi. Tết nào cũng vui, cũng đáng nhớ. Giờ mà ngồi ghi lại đầy đủ trong ký ức thì có mà . . . ra Tết! Thôi, ta cứ nhớ về cảnh Tết thật xa ngái trong câu đối: THỊT MỠ, DƯA HÀNH, CÂU ĐỐI ĐỎ - CÂY NÊU, TRÀNG PHÁO, BÁNH CHƯNG XANH.
Chỉ với 14 chữ mà dân ta đã vẽ được cảnh sắc Tết với 6 vật phẩm tiêu biểu, trong đó có 3 vật phẩm thuộc về đời sống vật chất, 3 vật phẩm thuộc về đời sống tinh thần. Thế mới hay các cụ xưa luôn cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Bây giờ lý luận nhiều, học thuyết lắm nhưng giữ được lối sống cân bằng như vậy cũng đâu có dễ.
Trong 3 món ăn, dưa hành chỉ là món ăn kèm trong bữa Tết nhằm làm cho cái bụng người ta nhanh chóng tiêu xong thịt mỡ cùng bánh chưng. Tuy chỉ để ăn kèm nhưng dưa hành dễ ăn, vả lại nếu thiếu nó lắm khi "bụng dạ bất yên", không chừng mất cả Tết!!!
Bánh chưng thì khỏi nói nhiều, đó là món ăn đặc trưng nhất trong hương vị Tết. Bánh chưng gắn với truyền thống dân tộc cùng những đêm thức đến sang canh chờ đón Giao thừa với mục tiêu là chiếc bánh con bà gói riêng và đặt trên cùng nồi bánh.
Nhưng mình lại ấn tượng nhất là thịt mỡ. Nghe đến thịt mỡ thì rất nhiều người, đặc biệt là phái "muôn đời xinh đẹp", cảm thấy ngán. Có nhà từ lâu đã cạch hẳn món này (mà không biết rằng mỡ động vật rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể). Nhưng những người cùng thời với tôi nhớ lại những năm 70 - 80 xem nào: Hồi đó, thỉnh thoảng mới mua thịt lợn nhưng mẹ chỉ chọn miếng nào thật nhiều mỡ. Rồi mẹ cẩn thận lọc hết mỡ để rán lấy mỡ nước mà ăn dần. Khi rán lửa phải liu riu cho mỡ ra thật kiệt, tóp chỉ vàng mà không bị cháy. Người ta lại lấy cái sự khô kiệt của tóp mỡ để ví von: "Đời ra tóp!". Khi mẹ vừa vớt tóp mỡ ra, thằng bé nhón vội một miếng bỏ tọt vô mồm. Nghe "xèo" một cái, sướng tê cả lưỡi. Đến ngày Tết, bà chỉ có 1 chú gà trống dành cúng chiều 30. Những lần cúng khác bà luộc một miếng thịt lợn bày lên mâm. Khi được bà bảo thắp hương vái, thằng bé cứ ước giá được cầm miếng thịt luộc mà cắn một miếng thật to (theo cách nói bi giờ là " ngập chân răng"!!!) Ngay cả khi được ăn bánh chưng, thằng bé cũng nhăm nhe góc nào có nhiều nhân với miếng thịt mỡ béo ngậy đã được nấu thật kỹ, vừa cho vào miệng là tan luôn mà không hề ngán. Lại nhớ hồi học cấp 3 chuyên Phan Bội Châu (Nghệ Tĩnh) không hiểu sao mà cứ mỗi lần thằng Cường với thằng Thận báo mỗi đứa 2 suất là y như rằng bữa đó nhà ăn có . . . thịt! Và mặc nhiên bữa đó mỗi đứa được chia 2 suất thịt, mỗi suất có 3 miếng thịt mỡ to bằng 2 ngón tay với độ dày rất chi là . . . khiêm tốn! Hiện tượng này chắc chỉ Lê Hải Hà, nguyên Lớp Phó phụ trách Văn nghệ - Đời sống, mơí có thể giải mã được. Rồi tới đại học, tình hình chất béo trong bữa ăn vẫn không được cải thiện. Sinh viên phải "chế" thơ cụ Nguyễn Khuyến để tả bát canh "toàn quốc":
Váng mỡ theo làn hơi gợn tí
Lá hành trước gió khẽ đưa vèo.
Trong 3 món của đời sống tinh thần, thú thật là mình chỉ biết cây nêu qua "Sự tích cây nêu" trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi. Còn nhớ vào đầu những năm 70, mình và ông anh cứ "phục kích" ở Cửa hàng Phát hành sách để mua cho trọn 4 tập của bộ này. Mình rất ấn tượng chuyện Phật bày cho dân ta làm cây nêu để xua đuổi ma quỉ.
Nhưng ấn tượng mạnh vẫn là pháo. Từ bé mình đã cùng lũ con nít rình rập để lăn vào cướp pháo xịt trong các đám cưới hay pháo chiều 30. Đặc biệt, mình có ông anh rất thích pháo mà lại nhát gan. Hễ có pháo là anh lại giao cho mình đốt, còn ông thì tránh ra xa và . . . bịt tai. Ngày xưa, Trường Đại học Luật bọn mình đóng ở Quán Gánh (Thường Tín) lân cận "công xưởng pháo Bình Đà". Hễ vào tháng 12 dương là Ký túc xá lại nhộn nhịp vì pháo. Nói không ngoa là 100% phòng nội trú của nam đều chứa pháo. Ít thì chục bánh mang về quê đốt Tết và làm quà; nhiều thì cả trăm bánh phục vụ bà con quê hương và kiếm tiền tàu xe. Trường mình lại có nhiều anh chị đi bộ đội về nên ngày 22/12 cả khu Ký túc xá cứ nổ ầm ầm như đánh trận. Rồi có một lần, mình đạp xe cùng thằng bạn học Tổng hợp vào Bình Đà mua cho nó một vali pháo. Trên tàu về quê, một bác Thuế vụ phát hiện và đòi phạt. Ối giời ơi! Sinh viên tranh thủ kiếm tiền vé về với mẹ. Nhịn ăn để mua thêm bánh pháo thì lấy đâu ra tiền nộp phạt! Bác Thuế vụ nghe chừng hiểu sự tình nên tuyên bố chỉ tịch thu 02 bánh pháo!!! Ngày trước, nếu "con gà tức nhau tiếng gáy" thì lúc Giao thừa "hàng xóm hơn thua tiếng pháo". Từ bánh pháo tép có thể cầm trên tay mà đốt, người ta sản xuất pháo cối, rồi mua thuốc pháo về cuốn pháo đùng bằng giấy xi măng để kết thành tràng. Nổ thì cứ gọi là "tan xác pháo"! Tộ nghiệp mấy con chó đêm Giao thừa. Cứ cúp tai nằm bẹp dúm dưới gầm giường. Nhà nào mới mua cún con mà không buộc cẩn thận thì đêm Giao thừa nó hoảng hốt bứt dây chạy mất (dép). Chả thế mà dân ta có câu: "Khiếp như chó khiếp pháo!". Từ những hệ lụy của pháo nổ, ngày 01/01/1995 Chính phủ quyết định cấm pháo nổ. Ngày 02/01/1995, vợ mình lên xe hoa trong yên bình. Những tưởng đã 1/4 thế kỷ trôi qua, pháo chỉ còn là kí ức trong câu hát: "Chiều nao pháo bay đầy trước ngõ, tạ từ thơ ngây dáng hoa đi lấy chồng . . . ". Vậy mà mấy năm gần đây, không ít bà con miền Trung lại buôn bán và đốt pháo vào dịp "Tết đến Xuân về". Hóa ra dân miền Trung ta vẫn thích . . . nổ!!!
Cuối cùng là "câu đối đỏ". Mình không dám lạm bàn về nét đẹp văn hóa này. Chỉ biết rằng ngày trước, cả nhà mình rất cẩn trọng khi tìm mua câu đối Tết. Rồi làm cái nhà. Phòng khách rộng hơn nhưng lại không tính chỗ treo câu đối. Tuy vậy, mình vẫn nhớ mãi câu đối mà ý nghĩa của nó dù ở bất kỳ thời đại nào cũng phải trân trọng và gìn giữ:
TỔ TIÊN NHÂN ĐỨC MUÔN ĐỜI THỊNH
CON CHÁU THẢO HIỀN VẠN TẾT XUÂN
Trần Anh Chiến