- Trang văn
Quê hương lạ
Chủ nhật - 04/08/2024 15:19
(Ảnh: Tam Tran)
QUÊ HƯƠNG LẠ
(Hoàng Tố Uyên Rose)
Ra khỏi sân bay, cái đầu tiên đập vào tôi là hơi nóng ngột ngạt, hoàn toàn ngược lại với không khí trong máy bay. Sau đó là tiếng ầm - một âm thanh rì rầm bám theo tôi suốt ba bốn tuần, không một lúc nào ngưng nghỉ.
Ngoài cửa sân bay đã đông đúc người đến đón. Các nhân viên giơ biển hiệu, những người thân nét mặt vui vẻ, những em nhỏ quẩn quanh vẻ sốt ruột và một số đon đả mời chào taxi. Khi vào xe thì sự ầm ĩ tạm thời dừng lại, chỉ còn tiếng máy lạnh ro ro, tiếng trò chuyện thân mật của tài xế và những bản tin vội vã, phấn khích từ đài phát thanh.
Ánh đèn lướt loang loáng qua người và xe máy khắp nơi. Giao thông là một sự tổng hợp từ tiếng còi to, tiếng động cơ gầm rú, ánh đèn lấp lánh và những vạch sang đường cho người đi bộ mà không ai để ý đến. Ban đêm thì mọi thứ đều lung linh và sống động: những khách sạn phô trương; những con đường tồi tàn; những tòa nhà chọc trời long lanh phản chiếu trên mặt nước sông đen; những cây dừa in bóng bị gián đoạn bởi các biển quảng cáo nhấp nháy.
Ban ngày thì dường như một sự u mờ, nặng nề phủ lên mọi thứ. Hoặc là bụi bặm trộn với hơi nóng ẩm ướt và nắng rát hoặc mây xám giăng và mưa như trút nước. Thành phố luôn chật kín. Tiếng ồn luôn hiện diện.
Tôi về đến nhà ông bà và một cuộc hội ngộ ồn ào, mừng rỡ xảy ra. Ông luôn ôm tôi chặt hết cỡ như thể niềm vui làm đau ông còn tôi ôm bà thì cẩn thận, nhẹ nhàng vì bà thấp hơn tôi cả một cái đầu.
Vài ngày mà cũng có thể là vài tuần tiếp theo trôi chậm rãi. Đây là thời gian dành cho gia đình và tôi đã cố gắng coi trọng sự thật là mình đang được ở đây nhưng cái nóng cứ ép chặt vào người, không buông bỏ.
Trước kia thỉnh thoảng chúng tôi cùng nhau đi tắm biển, nơi cát chảy giữa các ngón chân, nơi nước mặn cuốn người vào lòng.
Bây giờ thì điều đó đã trở nên quá mệt mỏi đối với ông bà. Chúng tôi chỉ đến KFC quanh góc phố và mua kem rẻ tiền, chưa kịp ăn thì nó đã tan chảy rồi.
Đôi khi tôi vào thăm thành phố, nơi giao thông áp đảo mọi người. Tôi cố gắng giữ thăng bằng dọc theo vỉa hè gập ghềnh, qua nhiều nhà hàng, giữa những chiếc ghế nhựa thấp, màu xanh mà mọi người ngồi trò chuyện và uống bia.
Một lần tôi đạp xe cùng ông ra bờ sông, một con sông uốn khúc thong dong khắp thành phố.
Ở đấy thì yên tĩnh. Những cây dừa đung đưa nhẹ nhàng trong gió. Chúng tôi gặp một bà cụ đang ngồi nghỉ trên ghế băng bên bờ. Ông tôi bắt chuyện ngay. Ông thích nói chuyện với người lạ trong khi tôi đứng ngượng ngùng và chỉ hiểu một vài đoạn vì tiếng Việt không thạo lắm. Bà nói khẽ như những lời thì thầm khôn ngoan của tổ tiên chúng tôi, những người luôn theo chúng tôi bất cứ đi đến đâu, ngay cả khi đó là một bán cầu khác, nơi mà tôi sinh ra, nơi mà cha mẹ tôi đã đến từ nhiều năm về trước; khẽ như những lời thì thầm khôn ngoan của tổ tiên chúng tôi, những người mà chúng tôi thường cầu nguyện khi lịch âm sang một năm mới, họ đến với chúng tôi, ngồi xuống bàn ăn trong nhà và cả mấy tiếng sau mâm cỗ cúng vẫn còn nguyên. Chúng tôi được biết bà lão đã chín mươi sáu tuổi. Khi chúng tôi đạp xe đi tiếp thì ông nói với tôi rằng: “Ông không biết tại sao bà luôn nghĩ đến cái chết, bà có thể dễ dàng sống đến già như vậy“.
Tôi đi qua một hỗn hợp đầy màu sắc của những ngôi nhà. Chúng thường hẹp và cao nhưng mỗi ngôi nhà được thiết kế một kiểu khác nhau. Có những biệt thự xây theo phong cách Pháp, những tòa nhà hoàn toàn hiện đại được trang trí công phu và ngay bên cạnh, cách đó không đầy nửa mét là những túp lều gần như đổ nát, màu xám bẩn trông giống như một tấm thảm chắp vá sắp rách. Những con đường quá hẹp hoặc quá rộng, cảm giác như chúng sắp nổ tung vì quá nhiều người đang cố gắng làm tròn bổn phận của họ, đang sống cuộc đời của chính họ, gia đình họ thì liên tục di chuyển, con cái của họ bám sau lưng, ngồi trên xe máy, họ đưa chúng đi học hoặc đi mua sắm - từ giữa những con đường dọc ngang ấy lóe lên những khoảnh khắc yên tĩnh: con mèo túc tắc đi cạnh đường; cột điện đứng lặng; người bán dừa ngồi bệt trên nền đất, hai lon bia mở trước mặt; một bà lão đóng cửa sổ lại để tránh tiếng ồn.
Thế rồi những tuần đó trôi qua như gió và ngày ấy đã tới, ngày mà tôi lên xe trở lại sân bay. Từng cuộc trò chuyện với ông bà dường như bị lãng quên, bị chìm xuống trong bốn tuần ồn ào tôi ở thành phố xa lạ này. Đến ngày cuối cùng tôi mới nhận ra rằng: những tuần dai dẳng này chỉ là một mảnh vỡ của cuộc đời tôi và một mảnh nhỏ hơn nữa của cuộc đời ông bà, để rồi những cái ôm chia tay còn tha thiết hơn nữa, hơn cả lúc chúng tôi gặp nhau. Bà thúc giục chúng tôi ra khỏi cửa sớm hơn một tiếng vì sợ chúng tôi lỡ chuyến bay và ông ôm tôi chặt đến nỗi làm cho tôi còn cảm được vòng tay của ông khi đã ngồi trong taxi. Trên máy bay tôi khóc. Từ trên cao nhìn xuống thành phố tỏa sáng muôn màu và vô số người đang qua lại trên đường nhỏ như những con kiến. Tôi nghĩ rằng, ở một chỗ nào đấy, dưới đó, siêu nhỏ, ông bà tôi ngồi trước tivi và xem bóng đá. Khi trở lại tôi rất khó ngủ, không chỉ vì múi giờ chênh lệch mà còn vì cảm giác không yên lòng. Khi ở nhà thì tôi nhớ gia đình. Khi ở cùng gia đình thì tôi lại không Ở NHÀ.
Tôi dần quay trở lại cuộc sống cũ và ngôi nhà xa lạ, rực rỡ của một thế giới khác mờ nhạt dần trong ký ức. Ngày này nối sang ngày khác và hiếm khi ông bà gọi điện hỏi thăm, đúng ra là không bao giờ.
Cuộc sống của ông bà trôi qua bên cuộc đời tôi.
Sự bồn chồn không rời bỏ tôi trong cuộc sống hàng ngày. Khi tôi đi qua thành phố, bị chen lấn bởi mọi người trong tàu điện ngầm; khi tôi đang chờ đèn giao thông chuyển từ đỏ sang xanh; khi mặt trời lặn và tôi tưởng tượng mình cảm được trái đất đang quay; khi ông già trong cửa hàng, có thể đang nghĩ về cháu của mình, không thể cúi xuống để nhặt được những quả dâu tây chín; khi những chiếc xe buýt lượn trong bùng binh làm hành khách loạng choạng; khi tôi quan sát những người lên xuống xe; khi tôi nghĩ về hàng triệu người có gia đình riêng, về những người nhớ họ ở khắp nơi trên thế giới đang vội vã sống cuộc đời của họ… Trong khi cuộc đời tôi tiếp tục trôi mà không thể nào nhấn nút tạm dừng thì tôi quên ở đâu là NHÀ CỦA MÌNH.
Munich 28.09.2022
Hoàng Tố Uyên Rose
——-
* Nguyên tác tiếng Đức, bài được giải nhất Cuộc thi viết năm 2024 tại trường chuyên Maria Theresia Gymnasium München