- Trang văn
Hòn Sơn
Thứ tư - 31/07/2024 14:13
(Ảnh: Trần Thu Huê)
HÒN SƠN
(Trần Thu Huê)
Hòn Sơn – hay còn gọi là xã đảo Lại Sơn, tọa lạc trên vịnh Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 65 km. Đây là hòn đảo nhỏ nằm giữa đảo Nam Du và đảo Hòn Tre, diện tích chỉ hơn 11 km2 nhưng lại có rất nhiều bãi biển đẹp đến nao lòng và quần thể núi rừng nguyên sinh xanh mát mắt. Hòn Sơn còn khá hoang sơ, dân cư thưa thớt, nơi đây là điểm đến lý tưởng cho những ai ưa khám phá và thích hòa mình với thiên nhiên bao la…
Con tàu Supper Đông bắt đầu hành trình đưa chúng tôi đến với đảo. Ban đầu sóng cũng khá cao, con tàu dập dềnh rẽ sóng ra khơi, khoảng 15 phút sau thì nghe êm hơn và có lẽ hành khách cũng dần quen cảm giác trên tàu đi biển. Một số người – nhất là các bạn trẻ rủ nhau ra boong tàu ngắm cảnh và chụp ảnh để ghi lại khoảnh khắc được hít căng lồng ngực gió biển trong lành, được cảm nhận cái bao la, mênh mông của trời và biển. Đảo đã dần hiện ra phía xa xa. Bầu trời trong hơn, những đụn mây trắng trôi lững lờ. Trời xanh, biển xanh như hòa vào nhau..
Tàu cập bến trong nắng vàng dịu, gió thổi mơn man. Trên cầu tàu, rất đông người đang chờ lên tàu trở về đất liền. Tôi ngạc nhiên khi thấy cả một dãy hàng trăm chiếc xe máy có treo sẵn mũ bảo hiểm đậu san sát nhau, sau mới biết đó là xe cho du khách mướn, vì phương tiện đi lại trên đảo chủ yếu bằng xe máy, xe ôtô chỉ dành để phục vụ đoàn khách trên dưới 10 người.
Bữa cơm trưa ở đảo cũng đầy đủ cá, cua, tôm, mực… tươi ngon nhưng rau thì rất ít, khi chúng tôi ngỏ ý muốn thêm một ít rau xanh cho nồi lẩu và một dĩa trứng chiên… thì chủ quán cười cười: ở đây khách đặt nhiêu, tụi em làm nhiêu, không thêm được nữa, cơm thì có thể thêm được chớ rau và trứng thì khó vì toàn phải mua từ đất liền ra…
Buổi chiều chúng tôi xuất phát đi tham quan đảo. Cứ 02 người một xe máy, xe mướn của khách sạn hay mướn ngay ở cầu tàu cũng thế: 200.000 đồng/ngày đêm, xăng do chủ xe đổ sẵn đầy bình. Nhận xe, tôi cảm thấy hơi bất ổn. Xe cũ, không đèn xi nhan, không đèn chiếu sáng, có xe không có thắng (phanh) tay, mũ bảo hiểm cũng cũ không kém, dây nón không cài được mà chỉ có thể buộc, nhưng chúng tôi được quán triệt là khi di chuyển phải đội mũ bảo hiểm, nếu không sẽ bị phạt và “xe thì không mất nhưng mũ bảo hiểm sơ sểnh là mất liền nên phải giữ kỹ”. Mỗi xe máy có ghi thêm tên của khách sạn ở phía sau…
Hòn Sơn – đúng như tên gọi, là núi đá mọc lên giữa biển. Người ta san núi để làm đường, xây dựng nhà ở và các công trình dân dụng khác. Nước sinh hoạt được dẫn từ trên núi xuống với những đường ống nhỏ rải dài cặp bên lề đường đi. Phía trước đảo, một bờ kè kiên cố chắn sóng. Để có một hệ thống các công trình hạ tầng như hiện nay, biết bao công sức, tiền của đã đầu tư nơi đây – nơi mà chỉ thấy toàn là núi đá và biển. Con đường chạy vòng quanh đảo đổ bê tông khá rộng rãi. Tuyến đường quá đẹp chạy vòng ôm chân núi, một bên là núi đá với những rừng cây tự nhiên xanh mướt, một bên là biển bao la. Có đoạn đường đi nằm sát biển, ngồi nghỉ chân bên kè đá, đón gió biển thổi mơn man, thấy sảng khoái vô cùng. Có nhiều đoạn đường khá cao, nhìn xuống bãi biển thấy con người thật bé nhỏ… Ven bờ biển, những rặng dừa cao lênh khênh, cây dừa mảnh dẻ tựa bên nhau, dẻo dai, mạnh mẽ trước sóng và gió.
Điểm tham quan đầu tiên là tượng Rùa đá khổng lồ. Một khối đá lớn hình con rùa nằm cặp sát bờ biển, sóng vỗ trắng xóa xung quanh, được tô vẽ thêm các mảng màu rất sống động. Nhìn từ phía sau, giống như con rùa đang nằm phơi nắng, đầu cất cao. Từ phía trước, như thấy con rùa đang từ từ trườn xuống biển. Bao năm rồi, Rùa đá nằm đó cho khách phương xa chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của thiên nhiên hòa quyện sự sáng tạo của con người thổi hồn vào đá, tạo nét riêng cho bãi biển xinh đẹp này…
Đến Hòn Sơn mà chưa đến bãi Xếp có cây dừa nằm thì chưa phải đã tới Hòn Sơn. Đường xuống chỗ cây dừa nằm phải qua một con dốc ngắn gần như dựng đứng. Xe honda cứ đậu ở ven đường, móc nón vào cốp xe, khóa lại là yên tâm. Bãi biển nơi đây rất ít cát mà chủ yếu là đá, rất nhiều hòn đá lớn nhỏ xếp bên nhau, đủ mọi hình thù, tất cả đều được nước biển mài nhẵn. Cây dừa khá dài, nằm ngả rạp vắt mình qua mấy tảng đá lớn, ngọn lá cất cao lên, như con rồng đang hóng về phía khơi xa.
Rời bãi Xếp, chúng tôi lại lên xe, men theo con đường quanh đảo đến với miếu lăng ông Nam Hải. Ở các hòn đảo đều có ít nhất 01 miếu thờ thần biển, với đức tin nguyện cầu cho trời yên, biển lặng, bà con ngư dân làm ăn thuận lợi. Miếu thờ xanh mát bóng cây, sóng biển rì rào ngày đêm. Phía sau miếu có những phiến đá rất rộng và bằng phẳng ghép vào nhau, như có sự sắp xếp của con người. Sau khi vào thắp nhang trong miếu, mọi người ra đây thoải mái chụp ảnh đủ mọi tư thế nằm, ngồi trên phiến đá, nếu mạnh dạn không sợ độ cao thì có thể leo lên những mỏm đá để chụp những bức ảnh đứng giữa bao la trời biển. Tôi thì thích ngồi ngắm những con sóng từ khơi xa đang mải miết hướng về phía bờ, để gió thổi tung mái tóc, nghe trong lòng thư thái lạ.
Quê tôi không ở sát biển, nhưng cũng không quá xa, từ năm 12 tuổi lần đầu đến với biển Đồng Châu, tôi đã biết mình yêu biển rất nhiều. Biển trong tôi luôn là nỗi khát khao, mỗi năm, ít nhất vài lần tôi lại tìm về với biển. Tôi đã đi đến rất nhiều vùng biển theo dọc chiều dài bờ biển của đất nước, cảm nhận vẻ đẹp riêng có của mỗi vùng biển ấy, luôn háo hức với bao điều mới mẻ. Như biển Hòn Sơn này, cho tôi sự tĩnh lặng trong vẻ đẹp bao la của trời, cái sôi nổi mênh mông của biển hòa quyện với sự tĩnh lặng nhưng kiên cường của đá.
Buổi chiều đã lắc rắc mưa, sóng biển mỗi lúc một lớn, có đoạn bọt sóng tràn qua cả bờ kè. Không đi tắm biển, chúng tôi thả bộ theo bờ biển, ngắm sóng, ngắm đá, gió thổi lồng lộng, cứ muốn hít căng lồng ngực, tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp giữa thiên nhiên bao la mà hùng vĩ.
Con đường vòng quanh đảo có những khúc cua thật đẹp, có lúc như đang đi xuyên giữa rừng nguyên sinh rậm rạp, có lúc hòa mình trong mênh mang của trời và biển. Tôi vô cùng thích thú khi gặp một thác nước róc rách từ trên núi cao chảy xuống – Thác Không K.. Những dòng nước trong vắt chảy tràn trên những bậc thang đá, róc rách, hơi nước mát lạnh. Đây là nguồn nước quý giá của đảo, người ta xây bờ tường khá cao để nước không tràn qua đường đi mà gom lại vào một hồ chứa nhỏ. Ven đường, hoa xuyến chi nở trắng ngần rung rinh dưới những cánh bướm dập dờn. Chúng tôi dừng chân ở một quán nước nhỏ ven đường và tấm “bảng quảng cáo” viết bằng bút dạ trên mảnh bìa cát tông, nét chữ học trò: “ở đây có sữa chua”, vài bộ bàn ghế đơn sơ. Người phụ nữ dáng thấp đậm chắc nịch, nước da ngăm ngăm mang nét duyên đặc trưng của người miền biển. Cô bé học lớp 7 nhanh nhẹn cắt những bịch sữa chua tự nhà làm để mời khách. Ở đảo đã có trường học từ bậc mẫu giáo đến cấp 3. Lên tới Đại học, các em sẽ vào đất liền, như chị gái của em đang học ở TP. Hồ Chí Minh. Mẹ em vốn là người ở thành phố Rạch Giá, vì yêu cái chân chất của chàng trai xứ biển mà theo chồng ra đảo. Ngày cưới, chỉ có một số ít người bên chồng vô rước dâu, cũng chỉ có cha mẹ cô dâu đưa con ra đảo. “Tại hồi đó đi lại khó khăn lắm, tàu cũng không hiện đại như bây giờ”. Hỏi chị lấy chồng xa quê có buồn không, chị cười, lắc đầu. “Giờ ở đảo đầy đủ và cũng vui mà. Ảnh lo làm ăn, yêu thương con lắm. Nhớ cha mẹ thì lên tàu hơn 1 tiếng là được gặp rồi”… Chị cười, ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc
Trụ sở Biên phòng nằm ở bên sườn núi, giáp bờ biển trước đảo. Khu nhà xây dựng kiên cố tựa lưng vào núi, trạm ra đa, trạm phát sóng cũng như mọc lên từ núi. Từ nơi đây, quan sát được cả một khu vực rộng lớn xung quanh đảo. Có bộ đội biên phòng, bà con yên tâm hơn, nhất là những khi mưa bão, biển động, anh em đã hỗ trợ bà con rất nhiều, góp phần giữ bình yên cho đảo.
Chuyến đi của chúng tôi phải kết thúc sớm hơn dự kiến vì bão số 1 đang tiến vào biển đông, sóng biển càng lớn hơn, bầu trời âm u báo hiệu sẽ có mưa lớn, đã có quyết định dừng hoạt động các chuyến tàu đưa rước khách ra đảo. Thật tiếc vì dự định chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh chưa kịp thực hiện. Hẹn lần sau sẽ khám phá nhiều hơn nữa nhé - Hòn Sơn!
Kỷ niệm Hòn Sơn, Kiên Giang – tháng 11.2023
Trần Thu Huê