- Văn học dân gian
Cái lờ
Thứ sáu - 24/07/2020 15:03
Có lần, đọc trên vtc.vn thấy có ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Bình rằng: "Du lịch Đà Nẵng làm như cái lờ, đợi du khách như con cá chui vô rồi chén chứ chẳng có sản phẩm gì mới, thu hút khách đến tham quan". Mình đồ rằng có nhiều người không hiểu rõ nên cứ nghĩ lệch đi. Vì thế, mình xin nói về cái lờ mà ông dân biểu đã nêu trong bài báo.
Lờ là loại dùng để bắt cá, có nhiều loại. Loại to dài từ 0.5 đến 1m, gọi là “lờ bầu” (thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy). Loại nhỏ gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…Khi cá chui vào Lờ rồi thì không quay ra được nữa bởi miệng Lờ là hình phễu, dễ vào khó ra.
Lờ được đặt ngay bên mỗi trổ ruộng, nơi người ta cuốc ngang bờ cho nước chảy, cá thường đi qua lại. Khi đặt, ép lờ sát vào trổ, bứt cỏ phủ ngụy trang và xiên một cây que cắm sâu xuống đất, giữ lờ không trôi. Mỗi lần đặt khoảng chục lờ rồi đợi khoảng một giờ sau đi thăm, kéo lờ lên.
Thả Lờ hay đặt Lờ ngoài ý nghĩa về sinh kế ra nó cũng là một thú vui, tao nhã hay không thì tùy quan điểm người dùng Lờ.
Thực ra, đâu chỉ riêng Đà Nẵng, mà cả Việt Nam đều vậy. Nên ý bác Bình chắc cũng muốn đề cập đến ở diện rộng hơn, ví như: "Du lịch Việt Nam làm như cái lờ, đợi du khách như con cá chui vô rồi chén chứ chẳng có sản phẩm gì mới, thu hút khách đến tham quan".
Sau này, nếu có ai ghét mình mà chửi mình là: Nhìn mặt mày như cái lờ thì phải hiểu rằng, cái mặt mình nó rất hãm, rất có tính sát sinh, nhìn giống y như cái lờ!
Dương Chính Chức