- Văn học dân gian
Rằm tháng Giêng
Thứ bảy - 24/02/2024 12:30
RẰM THÁNG GIÊNG
(Dương Chính Chức)
1. Hôm nay Rằm tháng Giêng. Rằm đầu tiên của năm, thế nên người ta dành cho nó nhiều trọng thị, cúng kiếng, bày biện thịnh soạn. Bởi vậy Việt Nam ta mới có câu ăn tết cả năm không bằng Rằm tháng Giêng. Từ "tết" trong câu này không phải chỉ Tết Nguyên đán đâu, mà là chỉ các lễ tiết trong năm.
Tháng Giêng là tháng âm lịch đầu tiên nên còn có các tên khác là Chính Nguyệt (正月), Thượng Nguyên (上元)... Có thuyết nói Giêng chính là đọc chệch từ Chính (正) mà ra, vậy nên tuy có ý kiến nói tháng đầu tiên của DL và ÂL đều gọi là Tháng Giêng (đã từng có thời kỳ lịch cũng ghi tháng đầu tiên của DL là Tháng Giêng) nhưng thực ra nó chỉ là tháng đầu tiên của ÂL thôi.
Rằm tháng Giêng là cái tên phổ biến nhất người Việt hay dùng. Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triêu Tiên cùng dùng chung nhiều tên khác nhưng phổ biến nhất là Nguyên Tiêu (元宵). Nguyên là đầu tiên, thứ nhất. "Tiêu" là đêm, ngược với Đán (Nguyên đán) là buổi sớm.
Bên Triêu, Hàn gọi Rằm là 보름 (borum - 보름 vừa là 15 ngày, vừa là ngày thứ 15). Người ta gọi Rằm Tháng Giêng là 정월대보름 (正月 大보름). Rằm tháng Giêng của Triêu, Hàn còn có 1 tên nữa là 십오야 (十五夜, thập ngũ dạ). Dạ là đêm, vậy là giống chữ Tiêu (宵). Sao Trung, Hàn, Triêu lại cho chữ Tiêu vào? Đó là vì phải đến nửa đêm trăng mới tròn nhất (mãn nguyệt), sáng nhất, mới là đạt cực đại của minh (sáng), viên mãn (tròn đầy).
2. Tại Hàn Quốc, Triều Tiên, một số ngày Rằm khác cũng được coi là Lễ như:
- Rằm tháng 6, người Hàn gọi là 유두 (流頭, lưu đầu), đây là tên tắt của 동류수두목욕(東流水頭沐浴, đông lưu thủy đầu mộc dục), tức tắm gội trên thượng nguồn dòng nước chảy về phía Đông.
- Rằm tháng 7, gọi là Bạch Trung (白中), Bách Chúng (百衆), Bách Chủng (百種), Vong hồn nhật (亡魂日), ngày vừa lễ vong linh, vừa để vật dụng nông nghiệp được nghỉ ngơi.
- Rằm tháng Tám, gọi là 추석 (秋夕, thu tịch), 대보름 (Rằm Cả), 대만월 (大滿月, đại mãn nguyệt), 한가위.
Lưu ý là Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Tám đều gọi 대보름 nhưng rằm tháng Giêng phải gọi đủ 정월대보름.