- Văn học dân gian
Quay đầu là bờ - Hồi đầu thị ngạn
Thứ hai - 18/03/2024 15:12
HỒI ĐẦU THỊ NGẠN
(Dương Chính Chức)
Hồi đầu thị ngạn (tiếng Hán 回頭是岸 tiếng Hàn 회두시안 - Hồi đầu thị ngạn). Ở đây Hồi là trở lại, Đầu là đầu, Thị là là, Ngạn là bờ. Hồi đầu thị ngạn chính là "quay đầu là bờ" (머리를 돌리니 바로 언덕이다), một câu thông dụng trong Đạo Phật.
Câu này vốn ở trong truyện Đạo Phật thời nhà Nguyên, Trung Quốc, tác phẩm có tên là 度柳翠 (도유취 - Độ Liễu Thúy), kể về La Hán (나한, 아라한) Nguyệt Minh (月明) độ kỹ nữ Liễu Thúy hướng theo Phật đạo.
"Người của tục thế luôn tranh cãi ngắn dài, luôn đánh nhau kiểu mi chết ta sống, trầm luân trong bể khổ vô biên. Nhưng chỉ cần biết tội, hối cải là về bỉ ngạn" (속세의 인간들은 서로가 길다 짧다 다투고, 너 죽고 나 살자 싸움이 그치지 않는, 끝이 없는 고해 속에 빠져 허우적거리더라. 하지만 지은 죄를 드러내고 회개하면 바로 피안이다).
Ý "chỉ cần hối cải là về bỉ ngạn" chính dịch từ câu "hồi đầu thị ngạn".
Cũng có câu là khổ hải vô biên (고해무변/苦海無邊), hồi đầu thị ngạn (회두시안/回頭是岸), sinh giả ký dã (생자기야/生者寄也), tử giả quy dã (사자귀야/死者歸也), ý là tuy bể khổ vô bờ, nhưng chỉ cần quay đầu lại là sẽ về bỉ ngạn, sống chỉ là tạm, chết là trở về (고해는 끝이 없으나 고개를 돌리면 곧 피안이요, 삶이란 묵어가는것이요 죽음이란 돌아가는것이요).
Ở đây, ta thấy dùng từ "bỉ ngạn" (피안). Bỉ ngạn không phải là tên 1 loài hoa. Thế giới luân hồi đầy khổ đau bởi sinh lão bệnh tử, bởi tham dục, bởi sân si gọi là Thử ngạn (此岸, 차안), tức bờ bên này. Còn thế giới của giác ngộ, tự tại chẳng có khổ đau, ràng buộc thì gọi là Bỉ ngạn (彼岸, 피안), tức bờ bên kia (생로병사의 고통, 탐욕, 어리석음 등으로 윤회하는 이 세계를 '이쪽 언덕'이라는 뜻의 차안(此岸)이라고 하고 반대로 모든 고통과 속박에서 자유로운 깨달음의 세계를 저쪽 언덕이라는 뜻의 피안이라).
Có người sẽ thắc mắc bờ bên kia là phải bơi đi mới đến, sao lại gọi là quay đầu, chẳng phải quay đầu là bờ bên này sao. Trong Đạo Phật có một khái niệm là phản bản quy chân (返本歸真, 반본귀진), tức là vốn gốc ta ở nơi giác ngộ, vì sai lầm mà lao vào bể khổ, cứ bơi mãi không thôi, đến khi xa quá, bờ mê hoá gần, bờ giác hoá xa, thực ra quay về bờ giác mới là quay về bản chất chân thiện vốn có.