• dau-title
  • Văn học dân gian
  • cuoi-title

Văn hóa thần truyền

Thứ bảy - 22/04/2023 15:16


(Ảnh: Đặng Văn Tôn)


VĂN HÓA THẦN TRUYỀN


Cả một nền văn hóa Việt Nam 4000 năm lịch sử hoặc xa hơn là văn hóa 5000 năm của  vùng đất Thần Châu Hoa Hạ Trung Hoa đều rất tin vào Thần, vào Phật, vào Tiên...

Tách nền tảng chung của Văn Hóa Thần Truyền ở vùng Đông Á ấy thành những đặc sản của từng dân tộc e rằng nhiều lúc chúng ta sẽ bỏ đi những giá trị quý báu. Thực ra thực thể văn hóa của một vùng rộng lớn này là Đại Đồng Tiểu Dị. Cái biểu hiện rõ nhất cho văn hóa tôn thờ Thần, nhấn mạnh những giá trị Đạo đức chính là nằm trong ngôn ngữ. Mà đây là ngôn ngữ tượng hình. Nó ghi ý và hiển nhiên khi đọc có tiếng, có âm thanh kèm theo.

Hầu hết các chữ Thánh Hiền đều như những sinh mệnh  trực quan sinh động; đều được mỗi người  lý giải để cho ra đời những biểu tượng, hình tượng khác nhau. Hầu như người nào cũng có thể trở thành "nhà văn, nhà luận lý" để tiếp cận với hệ thống chữ này. Tôi gọi đó là một thứ chữ Động chứ không Tĩnh. Tùy theo tầng thứ, tùy theo cái Tâm con người thanh khiết ở mức nào, ngộ Đạo đến đâu mà người ta sẽ giảng chữ Thánh hiền đến đó. Dù rất chủ quan và không theo logic khoa học hiện đại nhưng ai có nói gì thì cũng phải giải thích chữ, giải thích những khái niệm văn hóa của cha ông trên cái nền Đạo đức. 

Hôm nay, tôi muốn bàn về hai chữ THẦN VẬN.

CHỮ THẦN 

Chữ Thần có mặt trong từ ghép tiếng Việt như: *thần tiên ( một người tu theo phái Đạo Gia, có nhiều phép lạ)

*thần diệu (thần bí và kỳ lạ) 

* thần khí (tinh thần, tư thái hiện ra ngoài) 

Theo "Từ điển Hán Việt" thì nó có 5 thứ nghĩa sau:

1. (Danh) Trời đất sinh ra muôn vật, đấng chủ tể gọi là "thần". ◎Như: "san thần" 山神 thần núi, "thiên thần" 天神 thần trời, "hải thần" 海神 thần biển.

2. (Danh) Bậc thánh, không ai lường biết được gọi là "thần".

3. (Danh) Bậc hiền thánh sau khi chết, được người ta sùng bái linh hồn, gọi là "thần".

4. (Danh) Sức chú ý, khả năng suy tưởng, tâm trí. ◎Như: "tụ tinh hội thần" 聚精會神 tập trung tinh thần. ◇Tam quốc diễn nghĩa 三國演義: "Bố tri thị Điêu Thuyền, thần hồn phiêu đãng" 布知是貂蟬, 神魂飄蕩 (Đệ bát hồi) (Lã) Bố biết chính là Điêu Thuyền, tâm thần mê mẩn.

5. (Tính) Kỳ lạ, huyền diệu, không phải tầm thường, bất phàm. ◎Như: "thần đồng" 神童 đứa trẻ có tài năng vượt trội, "thần cơ diệu toán" 神機妙算 cơ mưu liệu tính lạ thường. § Ghi chú: "thần thông" 神通 nhà Phật nói người ta vốn có tuệ tính thiên nhiên, thông suốt vô ngại, biến hoá bất thường, ai tu chứng được phần đó gọi là "thần thông". ◎Như: "thiên nhãn thông" 天眼通 con mắt thần thông trông suốt hết mọi nơi, "tha tâm thông" 他心通 có thần thông biết hết lòng người khác.

CHIẾT TỰ 

Trong cấu hình của chữ thì phần bên trái là chữ THỊ một bộ chữ xuất hiện hầu hết trong các chữ liên quan đến các sinh mệnh cao cấp mà con người luôn kính trọng, thờ phụng. Chẳng hạn chữ Phúc,chữ Lộc, chữ Lễ (lễ bái, lễ phục, lễ nghi...).

Bởi chữ Thị này nghĩa gốc là bàn thờ độc thường đặt ở chính điện hoặc đặt ngoài Trời cúng Thần Linh.

Chữ bên trái là chữ THÂN.

Trong 12 con giáp thì nó ứng với con khỉ. 

Thực ra nó là biến thể của chữ ĐIỆN. Những sưu tầm  cổ xưa nhất còn cho ta thấy những tia chớp ngoằn ngoèo đánh xuống đồng không mông quạnh. Đó là sức mạnh kinh khiếp của Thiên Nhiên. Kèm theo chớp giật là Sấm gầm, là năng lượng làm rừng cháy trong mưa. Là bão giật, sóng xô.. Người xưa cho đó là sự phẫn nộ của Thần. Con người càng tích Nghiệp thì Thần phải cảnh cáo và dùng sức mạnh ghê gớm của mình cảnh báo thậm chí hủy diệt một địa khu nào đó để răn đe, trừng phạt . 

Chỉ nội cái ông Thần Sét Thiên Lôi này, khi tôi còn nhỏ, vào mùa mưa bão miền Trung, bà tôi luôn bắt tôi thành kính xin lỗi ông đừng nổi giận giáng tai họa khôn lường. Thời ấy sau một đợt giông bão, ra nhìn những cây chuối đổ gục, nhìn những trái mít xanh lăn lóc và những cành nhãn,những búp măng tre bị gãy, người ta đã xót xa lắm rồi! 

Cả thế giới cổ đại đều sợ, đều kính Thần. Chỉ nói tới Thần Sét là ta đã nghĩ tới một sức mạnh loài người nhỏ bé không thể chống đỡ nổi. Thần có quyền năng sáng tạo và có khả năng hủy diệt. 

Kinh Dịch gắn sấm sét với nỗi sợ bởi nó xuất phát từ sự đổ vỡ thế cân bằng Âm và Dương. Tục truyền xưa có một ông vua làm lễ hiến sinh tế Thần Linh trên núi Thái Sơn thì một cơn giông tố mưa như xối và sấm chớp kinh hoàng đã không cho ông vua thực hiện. Thần đã chối bỏ triệt để và dứt khoát Đạo đức, tư cách của ông ta.

Quẻ Chấn trong Kinh Dịch là tương ứng với sấm sét, là sự rung chuyển vũ trụ báo hiệu mùa Xuân. Cái Vui của Thần cũng khác chúng ta! 

Chúng ta cũng biết rằng vị Thần cai quản Olympia là Vị Thần Sấm Sét, chúa tể của các Thần. Đó là Zeus, quyền năng vô hạn. Dưới Zeus là rất nhiều vị Thần khác chi phối đời sống con người. Và ai cũng phải kính trọng và ngưỡng mộ. 

Thực ra,thế giới xưa từ Đông sang Tây đều tin vào những sinh mệnh cao cấp hơn, đầy quyền năng hơn đang chi phối vũ trụ và nhân loại. 

Hầu hết các nhà khoa học, nhà văn, nhà hiền triết phương Tây như Newton, như 

 Albert Einstein, như Tolstoi, Huy-go đều tin Chúa,Thần. Hơn 70% các nhà khoa học được giải Nobel của Mỹ là có Tín ngưỡng. Thực ra, khoa học chân chính và niềm tin vào Thần rất có ý nghĩa cho sự sáng tạo và thúc đẩy văn mình. Đáng tiếc là khoa học ngày nay bất chấp những giá trị đạo đức đang làm tăng trưởng Tâm chấp trước, kích hoạt sự vị kỷ và dục vọng hưởng thụ. Nó đang dẫn chúng ta vào đường cùng. Nó xóa sổ Thần ra khỏi ký ức loài người đáng thương. Để rồi, ngạo mạn coi mình là tất cả. 

Nhân loại không tin Thần thực ra là đã bỏ áo cà sa để mặc áo giấy. 

Nhà thơ La-mác-tin của Pháp nói đại ý: Chúa và chư Thần có thật, triển hiện cho con người, nhưng con người lại không tin. Ma quỷ có thật nhưng chúng luôn nói với loài người không hề có chúng tồn tại. Và loài người rất tin.

Người xưa tin Thần nên tôn trọng Đạo Đức. 

Người nay tin vào Vật Chất và tôn trọng hưởng thụ. 

Người xưa sống là tự chế ước bản thân. 

Người nay là phóng túng để giải phóng mọi dục vọng. 

Người xưa tin rằng "Trên đầu ba thước có thần linh", "Phật vô xứ bất tại", "Thần Phật nhiều như cát sông Hằng". Do đó, họ tin định lý nhân quả, về Thiện báo và Ác báo. 

Người xưa cho rằng, mỗi lời nói ra, đặc biệt là thề ước với Thần Linh là rất nghiêm túc, nghiêm trọng. 

Khi Kiều được làm Phu Nhân của Từ Hải, nàng hành hình những kẻ gây oán cừu với mình. Nàng nói những người ấy đã thề độc với Thần Linh thì giờ đây luật nhân quả thực thi. Đây là Thần trừng trị họ chứ không phải Kiều: 

“Thề sao thì lại cứ sao gia hình”

Thử nghe Bạc Hạnh lừa Kiều thề thốt ra sao  nhé :

"Một nhà dọn dẹp linh đình

 Quét sân, đặt trác, rửa bình, thắp nhang.

Bạc Sinh quỳ xuống vội vàng,

Quá lời nguyện hết Thành Hoàng, Thổ Công.

Trước sân, lòng đã giãi lòng,

Trong màn làm lễ tơ hồng kết duyên,"


Thông qua Kiều, Nguyễn Du luôn phát biểu quan điểm nhân quả mà ông tin là quy luật vũ trụ, là hành động thực thi công lý bất vị tư của Thần. 

Nào là:

"Nàng rằng lồng lộng trời cao, 

Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta?" 

[TK câu 2381-2382]

Nào là :

"Mấy người bạc ác tinh ma, 

Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương." 

[TK câu 2393-2394]


 

Người xưa, cũng thường nói về câu chuyện BỐN BIẾT để nhắc nhở về sự thanh liêm ngay chính, biết kính sợ Thần Linh của con người… Truyện cổ dân gian Việt Nam có kể chuyện này thông qua một ông quan phiếm chỉ. Thực ra, nó bắt nguồn từ một nhân vật có thật để lại tiếng thơm cho sử sách  

Chuyện kể rằng:

Dương Chấn sống thời Đông Hán nổi tiếng thanh liêm và đức độ. Trên đường đi nhậm chức, ông gặp  Vương Mật – là người mà mình đề bạt khi đang làm Thứ Sử Kinh Châu. 

Vương Mật mang theo năm cân bạc trắng, đợi đến nửa đêm lấy ra để báo đáp ân nghĩa xưa. Dương Chấn nói: “Chúng ta là bạn cũ, ta rất hiểu thái độ làm người của ông, ông cũng hiểu biết ta, vì sao lại làm thế?”

Vương Mật nói: “Bây giờ là đêm khuya khoắt vắng người, không có ai biết cả”

Dương Chấn nói: “Trời biết, Thần biết, ta biết, ngươi biết, sao có thể nói là không ai biết được?” 

Vương Mật nghe xong, hổ thẹn mà rời đi. 

Về sau, Dương Chấn làm Trác Quận Thái Thú, không bao giờ ông nhận lời giúp người vì việc tư. Con cháu của ông và những người dân thường đều được đối xử như nhau. Ông thường ăn rau dưa, đi bộ ra ngoài thành không tiền hô hậu ủng, và cuộc sống vô cùng giản dị, để lại tiếng thơm  cho hậu thế. 

(Còn tiếp)

Tác giả: La Vinh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.