- Góc chia sẻ
Tình báo và gián điệp
Thứ năm - 05/10/2023 15:10
(Ảnh: Bin Binie)
Tình báo (정보) và gián điệp (간첩)
Hôm nay, ta tìm hiểu chút tình báo, xem tình báo là gì. Thực ra, đây là kiến thức sơ đẳng đối với ai có học, hay hiểu về chữ Nho. Vì "tình báo" là từ chữ Nho - 情報 mà ra.
1. Tình báo.
情報 (Tình báo), ở Việt Nam, nó là 1 từ ít được nhắc đến. Nếu có thì cũng rất ít, và rất hẹp. Người ta hiểu về nó như là 1 cái tên của một công việc kỳ bí.
Ở Hàn Quốc, Triêu Tiên, 情報 (정보) lại là một từ vô cùng phổ biến, được nhắc đến suốt, thậm chí người dân bình thường họ còn nói với nhau "thế nhé, có tình báo gì thì báo tôi nhá".
Bởi, nghĩa gốc của 情報 (tình báo, 정보) thực chất chỉ là thông tin thôi. Tình là tình trạng, tình hình, Báo là tin tức. Hồi mới sang Bình Nhưỡng, gần khách sạn Ryugyong 105 tầng có cái toà gọi là 평양정보센터 (Bình Nhưỡng tình báo trung tâm), nghe thấy khiếp, bảo toà nhà ấy chắc ghê lắm, trung tâm tình báo cơ mà. Hoá ra, nó chỉ là Trung tâm thông tin viễn thông thôi. Hàn Quốc họ cũng có 과학기술정보통신부 (Khoa học kỹ thuật tình báo thông tín bộ), cũng có chữ "tình báo", nhưng kỳ thực cũng chỉ là Bộ khoa học công nghệ thông tin viễn thông thôi.
Tất nhiên là ta hay Hàn Quốc, hay nước khác cũng đều có cơ quan làm nghiệp vụ tình báo, ví dụ như 국가정보원 (國家情報院, NIS) của Hàn, hay CIA của Mỹ, hay MI6 của Anh.
Dù là tình báo thông thường, hay chuyên sâu thì tất cả đều có điểm chung. Đấy là tín tức, là thông tin, là các kỹ thuật tìm tin, moi tin, phân tích và xử lý tin.
Tình báo là như thế.
2. Gián điệp
Người làm công việc đi tìm tin, moi tin, tìm hiểu tình hình đối phương, ta gọi là tình báo viên (情報員, 정보원), hay điệp báo viên (諜報員, 첩보원), gián điệp (間諜, 간첩), thám báo (探報, 탐보), liêm thám (廉探, 염탐). Còn nhiều tên khác nữa nhưng gián điệp là cái tên phổ biến nhất, và hay bị sợ nhất. Khi nhìn nhận công việc đó hợp pháp thì ta gọi là tình báo, khi nhìn nhận hoạt động đó mang tính bất hợp pháp, ta gọi là gián điệp. Nôm na là vậy.
Cơ quan quản mấy việc ấy gọi là Cơ quan tình báo (情報機關, 정보기관), Cục tình báo (情報局, 정보국), Cục liêm thám (廉探局), như NIS, CIA, MI6 chẳng hạn.
3. Có gián điệp thì phải có cơ quan đối phó lại gián điệp. Việt Nam ta gọi là phản gián (chống gián điệp), Hàn Quốc, Triêu Tiên gọi là 방첩 (防諜, phòng điệp).
Nhiều nước, cơ quan tình báo kiêm luôn phản gián, cũng có nơi tách bạch, tình báo riêng, phản gián riêng. Có những nước thì tách tình báo làm cơ quan độc lập, có nước thì đưa nó làm một bộ phận của một bộ. Có nhiều nước, các bộ đều có bộ phận tình báo riêng kiểu tình báo công an, tình báo quân đội. Tuy đều là tình báo nhưng mối quan tâm khác nhau. Nhiều khi cùng 1 thông tin, nhưng sẽ được phân tích, xử lý theo góc nhìn khác nhau.
Trong quan hệ đối ngoại, tình báo là lĩnh vực có thể hợp tác công khai, họ công khai thân phận luôn, khỏi giấu diếm, kiểu tôi là CIA đây, tôi là MI6 đây. Cái đó được đối tác tôn trọng. Nhưng cũng có những người hoạt động ngầm, khoác áo bình phong để do thám, moi tin đối phương. Nếu bị phát hiện có thể bị sở tại xử lý tội danh gián điệp, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì trục xuất, nặng nữa thì bắt tù.
Cán bộ ngoại giao đôi khi cũng bị/được nhìn nhận là người thực hiện hoạt động tình báo nhưng hoạt động công khai. Mà phàm đã là tình báo thì công khai hoạt động khó hơn vì luôn bị đề phòng, giữ khoảng cách, rất khó moi những loại tin kín, hehe. À, khi gọi 1 cán bộ ngoại giao là gián điệp thì là sở tại có ý không hoan nghênh, cảnh báo và người đó có thể sẽ đối mặt với một số biện pháp xử lý của sở tại, ví dụ như buộc phải rời khỏi nước đó chẳng hạn.
Thông tin luôn quan trọng. Ai nắm được thông tin sớm hơn, nhiều hơn thì người đó nắm được lợi thế và khả năng chiến thắng, thành công nhiều hơn.
Dương Chính Chức