- Lý luận - Phê bình
Mơ trắng tinh khôi
Thứ bảy - 06/05/2023 18:03
(Ảnh: Van Pham)
MƠ TRẮNG TINH KHÔI
(Về tập thơ Mắt trong của Bùi Việt Phương)
Nếu không tình cờ đọc được bài Mã thơ Bùi Việt Phương của PGS.TS Phùng Gia Thế trên Facebook, chắc tôi còn tiếp tục chịu thiệt thòi dài dài bởi không hiểu vì sao những bài thơ hay như thế mà không chịu đến với một người yêu thơ, “thuộc thơ bạn hơn cả thơ mình” như tôi.
Từng bài là thơ, dĩ nhiên rồi, nhưng cả tập lại được sắp xếp theo một cấu trúc có ý đồ mạch lạc. Nên tôi không tốn công tìm kiếm và sắp xếp một “dị cấu trúc” nào cho tập thơ của anh để đọc nữa, mà cứ lần lượt thưởng thức theo thứ tự từ trang đầu tới trang cuối.
Đàn kiến đi tìm thời gian đã mất
Loay hoay sa lầy trên sắc nhọn
(Đàn kiến)
Thật nhanh chóng xác định được rằng đàn kiến chỉ là công cụ để tác giả gửi gắm, nhờ vả gì đó.
Đàn kiến đi ngang qua tiếng thở dài
Tuổi gọi rỗng ngực ta từng nhịp,
Từ chủ thể đàn kiến đã chuyển sang vị trí quan sát viên rồi.
Nín thở ngược phía mùi hương
Kìm nén qua giọt sương
Râm ran khuy áo cài vì nhau mùa trước
Cái kìm nén qua chỉ giọt sương thì dễ bị phá vỡ lắm? Hãy chú ý, khuy áo trước khi cài (lại) thì hẳn là đã cởi, và chú ý từ râm ran là “ở trạng thái cảm thấy có một cảm giác nào đó như đang dần dần lan truyền rộng ra khắp cơ thể hoặc bộ phận cơ thể” (Từ điển tiếng Việt). Tiếc rằng tất cả đã thuộc về “mùa trước”.
Đàn kiến bò vào giấc mơ đêm trước
Tỉnh giấc, bao giờ cũng lỡ mùa hoa
Nhiều lá rụng làm sao ta nhớ được?
Những thiện chí của đàn kiến không đem về được kết quả như ý!
Tha ký ức về cho ta dại dột…
Đàn kiến đã thực hiện được chức năng ủy nhiệm của nhân vật trữ tình là “tha ký ức về cho ta”. Tuy nhiên bài thơ lại không hề “có hậu” bởi anh ta nhận ra mình đã dại dột bởi thành quả của cuộc “tìm thời gian đã mất” luôn hết sức nửa vời, khiến anh ta hụt hẫng và trống trải thêm mà thôi.
Chiếc áo này đan xong chưa mùa xuân?
Cuộn mặt trời bên kia đồi còn rối
Có ai gỡ đâu, giữa ngày đang vội…
(Với mùa xuân sẽ đến)
Bài thơ có cái tên nôm na như rất nhiều bài khác trong tập, tạo cảm giác đơn giản dễ dàng để thâm nhập, nhưng bạn đã lầm!
Tình yêu, hôn nhân được ẩn dụ qua hình ảnh đan / dệt (mộng) đã có nhiều trong văn học. Thừa kế là hợp lý và cần thiết. Chúng ta sẽ định lượng đóng góp của tác giả qua phần phát triển.
Ở khổ thơ trên, hai câu sau lại trả lời cho chính câu đầu. Có vẻ như “kiển tố vừa đố vừa giảng?”, hay tác giả thích đùa nhưng lại không đủ sức đùa dai? Không, tôi cho rằng anh đang tổ chức một đối thoại!
Những ngày dài trôi tuột đi đâu?
Bàn tay vụng về lỡ thành ghềnh, thác,
Người chưa yêu ngồi đan ngày mai
Chúng mình ngồi gỡ những ngày đi lạc
Rút lại một tiếc nuối
Nhói buốt bờ môi nhau
Vẫn tiếp tục là đối thoại, là bên hỏi bên trả lời. Chỉ có điều, hình như tình yêu tả một cách trần trụi thì cũng “trong chán, ngoài thèm”? Tất nhiên, dù chán nhưng vẫn “chúng mình” là tốt rồi. Vả lại, thành “ghềnh thác” được cho thấy nội lực ghê gớm của bàn tay, dù tự nhận “vụng về”. Câu thơ này mang một hàm ý nếu khắc phục xong được cái vụng về thì bàn tay này cũng ra trò đấy!
Ai từng rút cả bóng mình ra đan
Mới biết mùa xuân ngắn ngủi
Vâng, cấu trúc của câu đầu gợi nhớ câu hát “Những ai được chết vì yêu – Là đang sống trong tình yêu” (Bài Ta chẳng còn ai). Tuy nhiên chết vì yêu dễ hơn “đan” rất nhiều, bởi việc đan đòi hỏi sự bền bỉ nhẫn nại kèm cả khôn ngoan. Nhưng cái khôn trong tình yêu luôn chỉ mang tính tương đối và hai mặt, vì đến “bóng mình” còn bị “rút” ra lấy sợi!
Thật thương, dù mùa xuân còn chưa tới mà nhân vật trữ tình đã biết nó “ngắn ngủi”, nguyên nhân sâu xa hẳn là không đan một mạch cho xong được mà cứ luôn vừa đan vừa gỡ. Và cái tên bài thơ được đặt đầy chủ đích chặt chẽ chứ không hề tùy hứng!
Họ gói được đêm
Thì ta mở ra ngày,
(Phụ nữ)
Vậy là xứng đáng (về tầm vóc) với nhau và bù trừ cho nhau, tốt quá rồi.
Ta nhặt được bầu trời
Họ đánh rơi mặt đất.
Ồ thế cũng có lúc lệch pha, hay một cách gắt gỏng hơn là kẻ làm người phá ư?
Ôi phụ nữ
Luôn ở bên kia là có thật.
Thì phải có ở cả hai bên nó mới thành trò bập bênh được chứ? (Tình yêu như cái bập bênh – Hai người hai phía bập bềnh nhớ nhau – thơ Hồng Quang?)
Nhưng chỉ họ như cỏ được
Úi giời ông ví thế bằng ví họ với nhà thơ lừng lẫy Walt Whitman rồi còn gì? (Nếu bạn muốn tìm tôi – Hãy tìm dưới gót giày của bạn – Bài hát chính tôi).
Tình yêu gõ cửa
Lại tin là mùa xuân,
Ô thế ông nhà thơ không muốn họ như vậy sao? Thực ra là ông đang ca ngợi thái độ sống hóa ra rất hiện sinh và đầy tỉnh thức của họ: Sống hết mình với hiện tại; không nuối tiếc quá khứ, không lo lắng tương lai:
Để dành đôi giày đẹp nhất
Giẫm lên hoang sơ của chính mình
Đến với người ta…
Ra dáng “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của nàng Kiều thuở nào.
Phụ nữ là hạt giống
Giữ được cho mình cũ kỹ, già nua
Ôi bạn đọc, đừng vội vàng bất mãn với từ “cũ kỹ, già nua” bởi đó là hình ảnh bề ngoài của họ khi lên nương, khi lội ruộng, khi bịt kín như ninja để tránh bị bắt nắng trên đường phố. Và tỏa sáng đúng lúc chính là sự khôn ngoan, như một đội bóng đạt phong độ đỉnh cao trong những trận cầu then chốt vậy.
… Còn ta ân hận như mùa.
Nói là ân hận thôi, chứ sống khác đi, đông không ra đông xuân chẳng ra xuân thì đàn ông sẽ không ra là đàn ông nữa, nhà thơ ạ.
*
* *
Những cái cây lọc lõi nắng, mưa
Bỗng rùng mình hoang dã
(Đêm tháng Giêng)
Tôi làm quen với phép nhân hóa từ tiểu học, chẳng hạn cây chào hỏi, cây reo mừng; nhưng vẫn ngỡ ngàng trước từ “lọc lõi”. Không phải nhà thơ dùng phép nhân hóa, mà chính anh từ thế giới của cây bước ra nên thuộc những đặc điểm “như người” của cây đến thế.
Mùa sinh sôi không biết gọi tên từng loài
Nhưng bao giờ hồ hởi, cả tin cũng trùng tên, cùng tuổi
Biếc xanh…
Phương đã “quán chiếu” một cách sâu sắc rằng mọi cái tên đều là giả tạm! Và đêm tháng Giêng ấy không có chỗ để tâm phân biệt khởi lên.
Bước chân tổ tiên trở về
Dặn từng gốc cây trong vườn kiên nhẫn với người chủ mới,
Thì ra sự gắn bó sâu sắc với cây được trao truyền tới nhà thơ từ những thế hệ trước.
Những người nịnh nọt hoa
Tráo trở với quả
Dù luôn kinh sợ thắp hương dưới cội
Tổ tiên chỉ cần lá rụng ấm lòng thôi.
Hóa ra mối tương tức không chỉ là giữa cây với người thiện mà cả với người bất thiện! Và sự bất thiện dù với cỏ cây thôi cũng theo một hành trình phi tuyến chứ không đơn giản là on-off.
Một năm tưởng đi tới đâu
Hóa ra lại loanh quanh trong thao thức không lời
Nhà thơ ơi, anh khổ vì chữ “tưởng” kia thôi; chứ suy cho cùng “thao thức không lời” có thể là bệ đỡ sinh ra cả một thiền phái “vô ngôn thông”. Còn nếu than loanh quanh thì hơi thở của chúng ta cũng chỉ loanh quanh trong và ngoài cái mũi; nhưng nó cứ thử dừng mà xem, sẽ xảy ra chuyện gì?
Hồn vía siêu nhiên dặn gì cây chanh cây bưởi?
Thơm cả những cái gai mới nhú dưới mặt trời.
Mùi thơm của “cả những cái gai mới nhú” chính là lời của siêu nhiên, và cảm thức bi quan ở trên đã được thay thế bằng hơi ấm.
Đêm tháng Giêng
Từng giọt sương nhát đục
Phù điêu tóc bạc một người…
Chịu đựng từng nhát đục của sương, để rồi thành một phù điêu dẫu rằng tóc bạc, thì cũng rất xứng đáng, phỏng ạ?
Phẩm cách “như từ thế giới của cây bước ra” của Bùi Việt Phương còn thể hiện ở nhiều bài thơ khác.
Anh thuộc lòng đất mà cũng là lòng người:
Những nương cao, ruộng thấp đến già
Mới biết cất giấu ngày mai trong hạt,
(Hiển nhiên)
Con người không hiển nhiên tồn tại
Anh nghe rõ lời của cây:
Măng kể nhanh một đời tre sống chậm
(Măng rừng)
Anh thậm chí thấy cây “hữu linh”:
Một nghi lễ nhọn hoắt
Hiến tế cao xanh, nõn nà trinh bạch
Tín ngưỡng tự bao đời
Cây vì người:
Mùa đã gùi xuân
xuống chợ cho bà
Cây tái sinh mạnh mẽ như đội quân:
Hốc đất tự vùi mình ủ thêm mầm đắng
Mùa sau lại cuộc dấy binh
Nhưng bất kể những thấu cảm đó, anh vẫn mạnh mẽ nhìn nhận thực tại bất cân xứng:
Bà ngồi chợ phiên
đợi thật lâu
Người mua đã nhấc lên từ sớm nay
… Và buổi chiều đặt xuống
Từ “mua” và “nhấc lên” đầy khích lệ của câu đầu đã bị thay thế bằng từ “đặt xuống” ở câu sau.
Tác giả đã khéo léo sắp xếp những hành động khác nhau của những người khác nhau thành như của cùng một người. Và tôi bàng hoàng nhận ra họ có cùng một danh từ chung là “người mua”! Tôi thích thú với những cách tân hình thức nho nhỏ, không tuyên bố mà rất sắc nét này.
Nhiều bài thơ của tập có cấu trúc chặt chẽ như một truyện siêu ngắn, dẫn dắt độc giả qua nhiều nấc vui, lo, lạc quan, hụt hẫng; cùng nhiều cái kết bất ngờ mà cái kết của bài này là một ví dụ.
Xin dẫn thêm một số ví dụ nữa:
Nơi em ngước lên
Hoa sẽ nở trái mùa
(Đôi mắt)
Cái bất ngờ của kết là ở chỗ đôi mắt em bỗng có sức mạnh siêu nhiên!
Bàn tay em gầy bình yên mách bảo
Tin nhau rồi nắng lên…
(Phố vừa qua một cơn giông)
Hoặc sức mạnh siêu nhiên nằm nơi niềm tin.
Người có thể nhai dở miếng trầu
Vôi vì ai cũng trầm mình cốt đỏ
(Ông bình vôi)
Cái kết cho thấy trong vôi nhang nhác hồn cốt của vị Bồ tát Thường Bất Khinh, gặp bất kỳ ai cũng nói “Ngài là một vị Bụt tương lai”.
Cuốn sổ và tôi vừa tới hôm nay
Cây bút chì vắng mặt…
(Nhật ký)
Cái kết trêu ngươi bằng một hiện thực không bao giờ hết bất toàn.
Biết đâu mai này, ta ngồi đối diện
Vẫn chưa tìm thấy nhau…
(Hình như…)
Sự bất toàn ở ngay cả trong dự liệu!
Kịch tính mang theo không cần ghè, đẽo,
Chỉ những gì thật lặng mới mang theo…
(Lặng)
Cái kết xác quyết một bài học thanh lọc để mỗi người có thể đi xa trên lựa chọn của mình.
*
* *
Phương thân thiết “như một” với cây cối là chúng sinh vô tình đã đành, anh còn có mối giao cảm với cả các vật vốn được xem là vô tri:
Ngày bỗng tuềnh toàng quá
Đồ đạc ngồi canh mình bỏ trốn
Bụi bặm thì rong chơi
(Ở nhà)
Anh nhận ra “nhân tính” ở đấy:
Đường mòn đã già nua
(Đường mòn)
Mây bị mẹ mắng
Còn ta giời đày
Phương dành nhiều lời ngợi ca nghị lực sống lì lợm trong cuộc đua với thiên nhiên:
Người cứ đi
Cho mưa phải tạnh
(Đường mòn)
Vừa mạnh mẽ vừa bền bỉ:
Như chẳng biết chiều hôm
đã chôn nắng cuối rừng
Mẹ lại ra vườn xới một ban mai bất tử…
Không chỉ con người mà chim chóc cũng đầy bổn phận:
Cánh chim vừa ra khỏi tổ
Đã tự nhốt mình vào bổn phận
Vỗ cánh thế nào
ở mỗi một âu lo?
(Danh dự của buổi sáng)
Và tung lên vật xuống bởi bổn phận:
Đêm, là cái tổ khổng lồ
Ngày, là con sẻ đi hoang
Bay bằng cánh mà mòn móng
Mót phải lời kinh trên mái chùa làng
Trong sự cảm thông sâu sắc ấy, anh khởi tâm đại từ bi:
Thu về sợi cước
Tuột khỏi tay “bóng chim, tăm cá”
Ta thấy mình đàng hoàng trong buổi sớm bước ra…
Điều đáng quý là Phương có mối tương giao sâu sắc với loài hữu tình. Anh “ngợi ca” đức tính trung thành của chó nhưng không bị dính mắc vào đó:
Trong nước bọt vang lên:
“Con chó khôn lắm, chỉ nghe lời chủ”
Ai đang hỏi mua sự trung thành?
(Lại bắt đầu trung thành với một con người)
Nhưng biết chấp nhận sự thay đổi vì sinh tồn của nó:
“Ta” phải đứng dậy đi rồi
Lại bắt đầu trung thành thêm với một con người
Phần nào cũng như “bạn vong niên” của những người già, anh hiểu họ:
Người già chẳng đi đâu vẫn nhìn sau, ngó trước
Săn được thú ngẫm rừng
Được cá thì lo nước
Chỉ quên nhớ cho mình chỗ vắt áo, gài dao.
(Người già)
Tới đây tôi lại nhận ra ở tầm cao tư tưởng thì nhân loại gặp nhau: Kinh Thánh cựu ước cũng dạy tín đồ của mình khi thu hoạch hãy để lúa ở một góc ruộng cho chim ăn. Con người cần khai thác thiên nhiên để có nguồn sống nhưng không được phép tận thu, tận diệt.
Con người được phép có những nét khác với tự nhiên, nhưng không được phép đối lập với nó:
Người hay nhắc đến hoa,
Muôn thú thường tìm cỏ,
Người già của núi nghĩ lâu vào trong gió
Và khi đó sẽ thành mối tương sinh tuyệt đẹp:
Núi cựa mình lớn thêm trong bóng những người già
*
* *
Ngôn ngữ thơ của Bùi Việt Phương đậm chất miền núi, thậm chí vẫn lấy đó làm nền vững chắc cho những cách tân của mình, chứ không phải theo hướng nôm na và hoang dã.
Mâm cơm vội, bản nghèo, tên khó đọc
Gắp vội tiếng gà vào bát khách đường xa
(Biên thùy)
Những bài học “văn dĩ tải đạo” được truyền đạt tinh tế, không cao giọng:
Hai mươi tuổi, em sinh sau trận mạc
Hái một nhành hoa có nhớ vết tăng cày?
Hai mươi tuổi, có người xuyên lửa đạn
Đi hết cánh rừng mận trắng để thành mây.
Hai cụm từ “hai mươi tuổi” được đặt cạnh nhau để làm nổi bật sự tương phản, cũng là ẩn dụ một quan hệ nhân – quả.
Người miền núi trong thơ anh vừa hiền hòa vừa mạnh mẽ. Với thiên nhiên họ:
Nhường thú nước nguồn, mượn lá những đôi tai
Nhưng khi cần bảo vệ biên thùy thì:
Lưỡi dao ngắn, bàn chân bè, áo vải
Chụm lưng thành bất khuất dãy Hoàng Liên
Và họ nhận được sự đồng điệu của thiên nhiên:
Hôm nay sông chảy cho ngày sau nữa
Để đôi bờ kịp đến với mùa xuân
Trong mạch trữ tình công dân, Phương còn có bài Dòng họ. Ngay từ khi mới đến với nhau đã đối đãi hết lòng, dù từ những dòng họ khác nhau. Ở lớp bình dân học vụ:
Bài học hôm nay là nhúm muối
Lớp học hôm nay như chiếc lá
Khi có thủy thì sẽ có chung:
Mai ngày lòng tin sắt lại như đá
Mưa xối đến đâu cũng chẳng nhạt bao giờ
Khi vũ khí đã hoàn thành bổn phận:
Giải phóng bàn tay khỏi cây súng,
Những gái, trai khác mường, xa họ
Chỉ cần yêu nhau là thành rể, thành dâu.
Sự giao thoa của tình lẫn việc đã đi xa hơn cả giới hạn vùng miền:
Những con gà rừng lớn lên
Bằng ngô đất lành Mường Muổi
Dưới mái nhà người châu thổ Sông Hồng
Và thiên nhiên đồng hành cùng con người, kể cả trong đau thương mất mát:
Năm ấy, dòng sông mãi chưa thấy lũ về
Cứ một màu trong xanh đến lạ
Những mất mát đau thương cũng không phân biệt vùng miền:
Một người xứ Đông,
Mãi nằm lại dưới mây trời Tây Bắc
Hệ quy chiếu họ tộc đã được mở rộng ra thành hệ qui chiếu quốc gia.
*
* *
Tôi chú ý đến những bài thơ Phương đối diện và đối thoại với chính mình, bởi đó là nơi con người anh bộc lộ trực tiếp nhất.
Bộc lộ nét buồn thương và bé nhỏ:
Đỗ thuyền ở quãng chiêm bao
Nửa đêm tỉnh giấc hư hao phận này
Khúc thu là khúc giời đày
Buồn chưa kịp gỡ, hơi may đã về…
(Khúc thu)
Bộc lộ sự ngộ nhận:
Chúng nhặt được buổi trưa
Cứ ngỡ cả mùa màng
(Lập thu)
Bộc lộ sự hữu hạn:
Đời người đi rất nhiều
Nhưng chỉ như một ngăn kéo nhỏ
Và bộc lộ cả khả năng đề kháng nhỏ nhoi:
Một màu khăn ai đó
Làm sao gió lạnh biết ùa về?
Tất nhiên trước sức mạnh “siêu nhiên” quá lớn thế thì chẳng ai nói mạnh được.
Anh bộc lộ nguồn gốc có nét đặc thù của mình:
Từ nhỏ tôi sống trong rừng mùa hạ
Về vườn mùa xuân, phải qua phố mùa thu
(Mưa…)
Anh không sợ cái nguy cơ “người già đi mà trái tim còn trẻ”:
Tôi cứ sống, như lửa thì phải thức
Còn giấc mơ chưa biết ngủ bao giờ
Giấc mơ cùng tôi, đói no, tất bật
Tóc bạc rồi, mơ vẫn trắng tinh khôi
(Giấc mơ)
Anh ý thức khi không còn mộng mơ cũng khác nào “vong bản”:
Năm tháng quá bình yên thành xa lạ
Giấc mơ cô đơn phiêu bạt ở góc trời
Tôi lạc phố, lạc mùa và có lẽ…
Lạc cả lối về với chính trái tim tôi.
Với một tập sách mỏng chỉ 43 bài thơ, Bùi Việt Phương đã ôm chứa được rất nhiều nội dung; được chia thành ba trạng thái lớn là nghĩ, tìm và lặng. Sự phong phú ở ngôn ngữ, giọng điệu, đề tài đã tạo điều kiện để độc giả thưởng thức một cách marathon mà không biết mệt.
Chúc anh trên hành trình sáng tạo sẽ còn rất dài lâu, giữ được bình yên để làm nền tảng và những giấc mơ làm bệ phóng cho sự thăng hoa.
Hà Nội, những ngày rét ngọt năm Nhâm Dần
Hoàng Liên Sơn