- Lý luận - Phê bình
Người đánh thức hồn thời gian
Thứ tư - 12/04/2023 10:37
(Ảnh: Bích Nga)
NGƯỜI ĐÁNH THỨC HỒN THỜI GIAN
Những người hiểu ý nghĩa việc làm của Phạm Hữu Hiến thường gọi anh bằng cái tên trân trọng “Người đánh thức hồn thời gian”.
Là người con xứ Huế nhưng lớn lên gắn bó với Bình Phước - mảnh đất xa xôi nơi miền Đông bạt ngàn nắng gió, Phạm Hữu Hiến đã yêu say mê mảnh đất ẩn chứa trong lòng biết bao dấu tích lịch sử từ thời thơ ấu xa xăm của nhân loại. Chính niềm yêu đó đã nuôi dưỡng và thắp lên ngọn lửa khát khao khám phá những bí ẩn kỳ vĩ đã bị phủ dầy lớp bụi thời gian. Hành trình đánh thức thời gian của anh suốt hơn 20 năm bền bỉ, trải qua bao khó khăn, thách thức, vui buồn.
Chọn ngành văn hóa học, Phạm Hữu Hiến đã chọn con đường thú vị nhưng lặng thầm tìm tòi, cống hiến. Luôn khát khao chinh phục nhiều kiến thức về văn hóa và khảo cổ đã thôi thúc anh học tập không ngừng. Mùa xuân 2022 này, Phạm Hữu Hiến đã hoàn thành năm thứ nhất bậc học để lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành văn hóa học tại trường Đại học Khoa Học Xã hội và Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyện trò với nhà văn hóa học nhiệt huyết này tôi bị cuốn đi cùng những câu chuyện của anh trong hành trình đi tìm di chỉ Thành Đất Tròn của người tiền sử. Đây là di sản văn hóa cấp quốc gia. Các nhà khảo cổ cho rằng: nếu được quan tâm hơn nữa, nó đủ điều kiện trở thành di sản thế giới.
Di chỉ Thành Đất Tròn là nơi sinh sống của cư dân tiền sử, theo một số tài liệu nghiên cứu của Nguyễn Khánh Trung Kiên, nó có từ khoảng 3900 năm trước. Việc tìm kiếm di chỉ này có ý nghĩa lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn. Đó là lịch sử của một vùng đất. Sử dụng bản đồ mắc ca rê cũ kết hợp với vệ tinh; trong quá trình tìm kiếm đôi khi gặp nhiều khó khăn do vệ tinh yếu, cây rừng, cao su, điều che phủ dày đặc. Phạm Hữu Hiến cùng các cộng sự đã trăn trở tìm ra phương pháp rất hiệu quả: đó là tìm gặp, hỏi và nhờ sự trợ giúp của những già làng, người đồng bào dân tộc S’tiêng. Người giúp đỡ các anh nhiều nhất là ông Điểu Kiêu. Trong số di chỉ Thành Đất Tròn đã tìm thấy, tỉnh Bình Phước đã có 72 di chỉ. Huyện Bù Gia Mập là nơi tập trung nhiều nhất. Chỉ riêng xã Phú Nghĩa đã có 14 di chỉ. Niềm vui ngập tràn khi đoàn khảo cổ tìm thấy ở địa bàn xã Bình Tân hai Thành Đất Tròn to giáp nhau, bổ sung cho số thành đã tìm thấy trước đó. Điều thú vị là các di chỉ ở Bình Phước đều giống nhau ở những điểm chung: cùng hình tròn, cùng ở trên đồi cao, có cửa ra, cửa vào. Cái lớn nhất có diện tích 17ha, cái nhỏ nhất cũng phải vài ha. Ngoài những nghiên cứu khảo cổ về Thành Đất Tròn, các nhóm khảo cổ khác còn tìm thấy lúa thuần chủng cùng với những mảnh gốm có hoa văn, đàn đá... đã làm sáng lên một chặng đường lịch sử, làm sống dậy đời sống, lao động của người tiền sử trên mảnh đất này.
Có một Tiến sĩ khảo cổ học đã cho rằng: “Di chỉ Thành Đất Tròn ở Bình Phước tương đương với di chỉ của Đông Sơn. Nhưng di chỉ ở đây giữ được hiện trạng nguyên vẹn hơn, đẹp hơn”. Với Phạm Hữu Hiến, niềm vui như được nhân lên cùng ý nghĩa to lớn của việc được góp sức cùng các nhà khảo cổ đánh thức dậy lịch sử của vùng đất màu mỡ những di chỉ văn hóa này.
Hữu Hiến đã nhiều lần được mời báo cáo và tham dự các hội thảo quốc gia, quốc tế về khảo cổ học. Anh tâm sự rằng: mỗi dịp được dự hội thảo, được lắng nghe những nhà khảo cổ tên tuổi trong nước và thế giới là dịp để bản thân anh học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý giá. Nó tương đương với vài năm, thậm chí cả chục năm tự học tập, tự tìm tòi. Ngày 25/11/2022, Phạm Hữu Hiến lại thêm một lần được mời trình bày tham luận về đề tài: “Văn hoá của người dân tộc S’tiêng” tại trường Đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh.
Phạm Hữu Hiến rất tâm đắc và dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu về hôn nhân của người S’tiêng. Với anh, đó là những phong tục và nghi lễ hết sức đặc sắc, độc đáo. Đó là những nét văn hóa không hề bị lẫn với các dân tộc khác sinh sống lân cận. Anh kể rất say sưa về các nghi lễ vừa chân chất hơi thở cuộc sống, vừa rất trang trọng thiêng liêng của người S’tiêng khi dựng vợ, gả chồng. Qua lời kể và ánh mắt lấp lánh niềm say mê của nhà khảo cổ, người nghe như thấy bụi tre Thiêng trong sóc - nơi treo nhau thai, cuống rốn của bao thế hệ con người. Người S’tiêng đã gửi bụi tre Thiêng cất giữ phần thân thể, của mỗi đứa trẻ được sinh ra và nó trở thành một phần cuộc đời họ ở đó. Nét văn hóa ấy đẹp và đầy chất thơ đẫm màu huyền thoại... và còn nhiều, rất nhiều sinh hoạt, đời sống, tinh thần của người dân nơi đây đã “quyến rũ” anh. Nặng tình với đất, với người S’tiêng, với những phong tục tập quán, những vui buồn, ước mơ... của họ, Phạm Hữu Hiến đã dành 5 năm nghiên cứu sâu về văn hóa của người dân tộc S’tiêng ở Bình Phước. Đề tài được viết bằng kiến thức sâu sắc, giàu sức thuyết phục của anh đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá rất cao. Năm 2021, người nghệ sĩ của Hội Văn nghệ dân gian Bình Phước, Phạm Hữu Hiến đã vinh dự đón nhận giải nhì A (không có giải nhất) cho công trình nghiên cứu này.
Ngày nay, đến thăm Bảo Tàng Chiến Dịch Đường 14 Phước Long, nhiều du khách không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp trang nghiêm, hiện vật phong phú, nhưng ít ai biết rằng nơi ấy có rất nhiều mồ hôi, công sức của Phạm Hữu Hiến cùng đồng nghiệp. Những ngày Nhà Trưng Bày được phát triển xây dựng thành Bảo Tàng là những ngày các cán bộ, công nhân viên phải làm việc bất kể thời gian. Không quản ngại khó khăn thiếu thốn, ngày nắng cũng như ngày mưa, nhóm do Phạm Hữu Hiến phụ trách vẫn miệt mài kiếm tìm, phục dựng, sắp xếp hiện vật. Ngôi nhà dài của người S’tiêng trong Bảo Tàng (nơi du khách rất thích thú) cũng do anh trực tiếp xin tre từ Vườn quốc gia Bù Gia Mập mang về, tỉ mỉ, cưa, đục, lắp ráp nhiều ngày mới xong. Cô Ngô Thị Minh Đông - Nguyên, Trưởng Phòng văn hóa thị xã Phước Long đã dành cho Hữu Hiến lời ngợi khen đầy trân trọng: “Phạm Hữu Hiến là người tài năng và nhiệt huyết. Khi làm việc, anh luôn tận tâm và sáng tạo, hết lòng vì công việc. Có nhiều lúc quên ăn, quên ngủ cho kịp tiến độ. Mỗi chi tiết trong bảo tàng Phước Long đều có sự cẩn thận, chỉn chu của anh giúp sức.”
Không chỉ say mê nghiên cứu văn hóa, khảo cổ, Phạm Hữu Hiến còn được nhiều người quý trọng bởi tấm lòng nhân ái. Nhờ sự kết nối của anh với các mạnh thường quân ở thành phố Hồ Chí Minh mà những người nghèo, những cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn có được mái nhà, những bữa ăn no. Sinh thời, ông Bùi phó Vĩnh Chủ tịch Ban hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bù Gia Mập đã đánh giá rất cao sự kết nối của Phạm Hữu Hiến cho công tác thiện nguyện. Ông gọi Hữu Hiến là “Người có tấm lòng vàng, kết nối được những tấm lòng vàng”.
Hơn 20 năm gắn bó với công tác Bảo tàng ở Bình Phước, những chuyến đi tham quan bảo tàng ở nhiều vùng đất khác nhau (phần nhiều là tự túc) Phạm Hữu Hiến đã tích lũy được nhiều kiến thức quý giá. Anh tự ví mình như hạt giống được ươm mầm, phát triển trên mảnh đất màu mỡ của lịch sử và văn hóa ở tỉnh Bình Phước. Hữu Hiến luôn thấy mình là người hạnh phúc và may mắn khi được làm việc mà anh yêu thích.
Mùa xuân năm 2023 này, Phạm Hữu Hiến đã trở thành giảng viên chuyên ngành Văn hóa học của trường Đại học Bình Dương.
20 năm qua là bước chuẩn bị tạo đà, nay anh bước sang lĩnh vực mới vững vàng, đầy hứa hẹn. Là giảng viên, anh sẽ truyền ngọn lửa đam mê cho nhiều thế hệ sinh viên. Khi được hỏi “công việc làm cán bộ quản lý bảo tàng” của một tỉnh và công việc của người truyền lửa, Hữu Hiến tâm sự rằng: với anh, Bình Phước và công tác bảo tàng đã đem đến cho anh rất nhiều hạnh phúc. Rời xa công việc thân quen, bước vào lĩnh vực mới với nhiều thử thách có làm cho anh vừa hồi hộp vừa nao nức? Hữu Hiến đã cho rằng: anh quyết định chọn làm giảng viên cũng là bước thứ hai làm cho kiến thức về văn hóa, khảo cổ... có cơ hội lan tỏa và phát triển sâu rộng hơn nữa. Anh ước mong sẽ có nhiều sinh viên mai sau say mê tận tâm. Anh tin những giá trị văn hóa khảo cổ sẽ ngày càng được đánh thức; anh mong mỗi người trong chúng ta càng hiểu rõ về cội nguồn, quá khứ, càng biết trân trọng và sống có ý nghĩa hơn cuộc sống của mình hôm nay. Và tôi tin những ước mong đánh thức thời gian của anh sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và trân trọng.
Bùi Biên Linh