• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Trái tim thắm đỏ

Thứ tư - 12/04/2023 10:32




TRÁI TIM THẮM ĐỎ


Tôi tin rằng ai từng đọc cuốn sách “Nghệ sĩ Tân Nhân và Xa Khơi” của nhiều tác giả” do nhà xuất bản văn học ấn hành năm 2017 sẽ đồng cảm cùng tôi trong những rung động thẩm mỹ cao đẹp về trái tim thắm đỏ, về những ước nguyện thiêng liêng “Tôi ca hát vì Người - Tổ quốc” và tình yêu đầy thương cảm dành cho các con, tình yêu đớn đau và cao thượng dành cho “mối tình đầu” một thuở của nghệ sĩ Tân Nhân - bà là một tượng đài nghệ thuật trong lòng nhiều thế hệ yêu âm nhạc Việt Nam. 

Tôi yêu sách và đọc nhiều thể loại nhưng những cuốn sách viết về chân dung những người tài năng, những anh hùng luôn mang tới cho tôi cảm xúc đẹp và bài học về cuộc đời. Cuốn sách này hấp dẫn tôi bởi từng trang, từng trang là những dốc mốc đáng nhớ; là những gì “chân thực nhất bề bộn và sầm uất nhất” về hành trình cuộc đời cùng những buồn vui, khổ đau, hạnh phúc mà Tân Nhân đã trải. Bên cạnh đó còn có những bài viết thể hiện tình cảm trân trọng mến yêu của những nhạc sĩ, ca sĩ, nhà báo, nhà văn viết về bà. Âm hưởng chung của cuốn sách là sự bay bổng diệu kỳ, sự thăng hoa, sự bất tử của cái đẹp.  

Nghệ sĩ ưu tú Trương Tân Nhân Sinh năm 1932 tại làng Mai Xá, xã Do Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tiếng sóng Cửa Việt, ánh trăng vùng trời miền biển và tiếng hò mái nhì trên sông Thạch Hãn cùng những lời ru của mẹ đã ôm ấp, nuôi dưỡng vẻ đẹp, tâm hồn, tài năng của Tân Nhân thành người nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn. Cuộc đời nghệ sĩ của Tân Nhân là cuộc đời người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Và bà đã sớm nhận chân được ý nghĩa: “Đời người bé nhỏ nhưng lịch sử của một dân tộc thì to lớn”. Và bà đã hát bằng tài năng và trái tim thắm đỏ của mình. Tiếng hát hiến dâng trọn vẹn tình yêu thiêng liêng cho Tổ quốc. Tân Nhân từng viết: “Nếu có lúc nào đó luồng gió thời cuộc giết đi những tâm hồn tươi trẻ thì truyền thống tốt đẹp của cha ông xưa… vẫn tiếp sức cho con người tiến lênTổ quốc ơi! Tôi ca hát vì Người”.

Mỗi trang viết của bà, người đọc cảm nhận được nhiệt huyết của trái tim thắm đỏ, tinh thần lạc quan, tình yêu con người, tình yêu Tổ quốc. Khi trái tim con người thắm đỏ tình yêu Tổ quốc, họ sẽ “Say mê lao động tìm tòi sáng tạo đem lại cho tôi niềm vui sống. Tin vào ngày mai để quên bớt những khổ đau vấp váp trên đời” – như bà từng viết. Khi hát trên chiến hào hay trên sân khấu lộng lẫy ánh đèn, dù khi băng rừng lội suối hay khi được học tập, biểu diễn ở những nước phát triển, phồn hoa, Tân Nhân luôn tâm niệm “Văn nghệ sĩ phải có đức tự tin. Tự tin có cơ sở, biết khiêm tốn học tập, biết nâng cao mình lên”.

Tên tuổi bà đã ngân vang, lắng đọng mãi trong tâm hồn thính giả. Nhắc đến bà, thính giả không thể không nhắc đến “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ, Câu Hò Bên Bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp. Thính giả và những nhà chuyên môn cho rằng: Không nghệ sĩ nào hát “Xa khơi” qua được Tân Nhân. Tại sao ư? Vì bà đã hát bằng cả tình yêu, nỗi niềm và những khát khao, bằng cả số phận của cuộc đời mình, số phận của quê hương, Tổ quốc trong những năm tháng chiến tranh. Tác giả Vĩnh Linh đã cho rằng: “Tân Nhân đã hát bằng cả con tim đang rỉ máu đòi thống nhất Bắc - Nam”.

Xa khơi” đã trở thành “niềm hạnh phúc và tự hào” của bà. Bài ca ấy đã đưa tên tuổi, tâm hồn, tài năng của Tân Nhân đến với triệu triệu khán thính giả từ hậu phương đến tiền tuyến. Ca khúc và người nghệ sĩ đã hóa thành “tượng đài âm nhạc”. Xa khơi đã làm rực sáng tên tuổi Tân Nhân và chính Tân Nhân đã đưa “Xa khơi” thành ca khúc trữ tình bậc nhất viết về khát vọng thống nhất thành “tượng đài âm nhạc”. Cùng với “Xa khơi”, nhạc phẩm “Câu hò bên bờ Hiền Lương” đã trở thành “Hai bài hát cùng vang lên, càng giục giã mọi người gắng sức làm việc và chiến đấu” (Tố Hữu).

Ông Nguyễn Trọng Luân, nguyên chiến sĩ trên mặt trận Tây Nguyên diễn tả: “Giữa chiến trường Tây Nguyên, tiếng ve mùa khô bỗng ngưng bặt, chỉ có tiếng hát của nghệ sĩ Tân Nhân bay cao giữa rừng. Tôi bỗng thấy mình khỏe ra như hôm hành quân ra trận”

Tân Nhân đã chôn chặt chuyện riêng đau buồn để sống và cống hiến cho đất nước. Giọng hát ấy, thiên tình sử đôi bờ ấy mãi mãi ở lại cùng lịch sử đau thương, oanh liệt của dân tộc ta. Với Tổ quốc, với nhân dân, Tân Nhân là người con chiến sĩ, là người nghệ sĩ yêu quý của nhân dân. Với gia đình, bà là người mẹ yêu con bằng tình yêu thiết tha đau đáu. Bà yêu các con bằng cả sự chịu đựng, hy sinh, vượt lên mọi tủi buồn đau khổ, sinh ra con, bảo vệ con. Nhiều khi do hoàn cảnh công tác, bà không được ở gần để chăm sóc các con như bao bà mẹ khác. Vì tương lai của các con, bà luôn phấn đấu. Các con cháu của bà đều trở thành những người tử tế, tài năng, hiếu thảo. Các cháu con của Tân Nhân luôn tự hào về người mẹ, người bà nghệ sĩ, tài danh của mình.

Không phải là nhà thơ nhưng Tân Nhân viết nhiều thơ cho con cho cháu. Những bài thơ mộc mạc, thấm đẫm yêu thương.

Tôi đã rưng rưng khi đọc bài bà viết “Nhân Ngày Soạn Chúc Thư”. Thời khắc người mẹ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết quy luật nghiệt ngã của tạo hóa; phải xa những người yêu thương đến với miền xa thẳm. Tân Nhân viết bằng tất cả bồi hồi song vẫn thấm đẫm tin vào sự luân hồi, vào sự tái sinh.

“Yêu các con mẹ hóa kiếp luân hồi 

Tình mẹ con mình bất tử”

Sau mối tình đầu trắc trở đau thương với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Tân Nhân đã gặp được người chồng yêu bà bằng tình yêu thiết tha và duy nhất. (Nhà báo Lê Khánh Căn). Và bà xứng đáng có được tình yêu như thế! 

Tân Nhân đã sống và trao đi một tình yêu cao thượng dẫu trải qua bao cay đắng đớn đau. Những năm cuối đời, bà vẫn trăn trở và dành cho nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ một nghĩa cử ân tình. Sự bao dung và cao thượng ấy chỉ có ở những ai thực sự tử tế và nhân hậu. Bà làm đơn gửi Bộ Văn Hóa Thông Tin đề nghị cho phép sử dụng các tác phẩm âm nhạc của Hoàng Thi Thơ vì: “Mặc dù không cùng hàng ngũ chúng ta... nhưng những sáng tác của nhạc sĩ đều mang âm hưởng dân ca, đậm màu sắc dân gian, nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước” và còn vì “Tôi với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng thấy mình có trách nhiệm với tình cảm này”. Những dòng chữ ấy, chạm vào người đọc là rung động tận cùng sâu thẳm trái tim niềm thương cảm, ngưỡng mộ và trân trọng.

Trái tim thắm đỏ của nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân đã theo những con sóng thời gian chảy mãi đến “Xa khơi”. Nhưng những gì bà gửi lại cho cuộc đời, cho nghệ thuật sẽ mãi được thắp lên. Như người con trai cả của bà - nhà báo, nhà văn Châu La Việt đã viết:

Đâu đó giữa đất trời và trong tâm hồn những đứa con của mẹ, những bạn bè anh em, những thế hệ vẫn vang vọng Xa Khơi, Câu hò bên bờ Hiền Lương... Tiếng hát, tiếng đẹp của mẹ mãi mãi là vĩnh cửu giữa cuộc đời này”.


Tác giả: Ngô Nguyễn An Khuê

*

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.