• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Gương mặt của làng

Thứ tư - 14/10/2020 18:46


Viết về gương mặt của làng là một việc khó bởi nhìn nhận về một con người được coi là tiêu biểu có cái gì đó trừu tượng mông lung chưa kể quan điểm đánh giá của mỗi người là khác nhau. Đất Bách thuận ta thời chiến tranh cũng có người đã là cán bộ cấp cao làm đến chức thứ trưởng của một bộ trên trung ương hay hàm đại tá trong quân đội. Đó là những người con của dòng họ Nguyễn Đình và Nguyễn Kim nổi tiếng, họ hoàn toàn xứng đáng là những gương mặt tiêu biểu của quê hương mình. Nhưng những người đó không sống ở quê hương không sống cùng chúng ta bởi trọng trách của họ ở tầm quốc gia nên chỉ được nghe danh chứ rất ít người biết họ. Bởi vậy tôi muốn viết về một con người cũng xứng đáng được tôn vinh đang sống cùng chúng ta, những con người bình thường như bao con người khác, chức vụ cũng chẳng có gì cao sang. Đó là ông trưởng trạm y tế một thời, "bác sĩ của làng" - ông NGUYỄN NHƯ Ý.  


Xin được viết sơ qua về cái trạm y tế thủa xưa đó là một dãy nhà cấp 4 được xây đã lâu lớp ngói đã rêu cũ cùng với thời gian nằm heo hút bên trong một mảnh vườn nhỏ khuất sau những rạch dâu. Ở đó ngoài ông trưởng trạm còn có thêm vài cô y tá giúp việc, cơ sở vật chất thiếu thốn mọi bề. Trạm xá khi đó chỉ có vài dụng cụ khám nghe, cái bàn giúp phụ nữ lúc sinh nở, tủ thuốc thì nghèo nàn chỉ có vài loại thuốc cảm cúm kháng sinh, thăm khám bệnh hay cấp cứu dưới ánh sáng của đèn dầu. Nhưng những con người đó bằng tâm huyết nghề nghiệp, bằng trách nhiệm của người thầy thuốc đã chăm sóc sức khỏe cho cả vạn người, thật đáng khâm phục ý chí của họ


Trở lại với ông "bác sĩ"của làng. Đó là một người đàn ông tuổi trung niên dáng người dong dỏng cao ,giọng nói sang sảng, tính tình vui vẻ như thanh niên nhưng trong công việc đầy trách nhiệm nghiêm túc và là người có trình độ chuyên môn tốt nhất thời đó. Hành trang của ông là một cái túi y tế khoác trên vai cùng với cái xe đạp cà tàng rong ruổi khắp xóm thôn làng xã. Nay có người đau ốm mai có người đến ngày sinh nhất nhất đều thấy có mặt ông chăm lo chỉ đạo mọi mặt, nơi nào đó cần thì có thể tìm tới ông bất kể lúc nào dù trời nắng hạ hay mưa phùn gió bấc. Chuyện đêm đông vùng dậy khi đang ngon giấc ngủ hay lúc đang dang dở bữa ăn nhưng khi có người ốm người đau thì vẫn với hành trang đơn giản đó ông sẵn sàng lên đường bằng cả một tinh thần trách nhiệm mà không hề đòi hỏi kêu than. Người dân Bách thuận ai ai cũng biết và yêu mến ông từ người lớn tuổi đến những em bé mà chỉ cần nghe thấy những tiếng chào hỏi của người dân dành cho ông ta cũng cảm nhận được lòng kính trọng của họ. Tôi cũng không rõ ông đã làm công việc này đã bao năm chỉ biết rằng ngay từ khi còn bé tôi đã được nghe danh biết việc làm của ông và cũng chưa nghe thấy ai phàn nàn gì về tinh thần phục vụ cũng như trách nhiệm của một thầy thuốc ở ông. Khó khăn là thế,thiếu thốn như thế  nhưng trạm y tế xã thời ấy do ông đứng đầu đã làm được rất nhiều cho nhân dân. Tôi cứ nghĩ rằng đã bao con người được sinh ra, bao người khác có được sức khỏe trở lại là nhờ những bàn tay chăm sóc của đội ngũ thầy thuốc này. Những viên thuốc từ họ dù có vị đắng, mũi kim tiêm có thể nhói đau nhưng họ đã cho ta cái quý nhất là sức khỏe và rất có thể giữ được mạng sống cho những ai đó ngày hôm nay.... 


Tôi chẳng phải nhà văn để dùng những lời hoa mỹ tâng bốc một ai đó. Tôi cũng chẳng biết có ai cùng đồng cảm với mình để vinh danh người thầy thuốc này hay không nhưng vẫn cứ mạo muội viết ra để ca ngợi con người này. Giờ đây người thầy thuốc này đã nghỉ hưu, tuổi ông đã cao, nghiệp thầy thuốc đã không thể làm nhưng tôi tin rằng nhiều người vẫn nhớ và biết ơn ông .Cuối cùng tôi cũng xin nói điều này, ông là trưởng họ của dòng họ NGUYỄN NHƯ trong làng và là anh họ lớn nhất của tôi. Nhưng tôi viết về ông là viết về tấm gương của người thầy thuốc chứ không bao giờ vinh danh ông như vinh danh một người anh họ....


Viết từ cộng hòa SÉC tháng 4 - 2014

Nguyễn Như Thạnh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.