- Tản Văn
Ngày tình yêu đáp lại
Thứ sáu - 13/03/2020 22:22
Cứ đến dịp Tháng Ba về là đất trời Hà Nội lại tinh khôi một màu muốt trắng hoa Sưa. Sắc trắng hoa Sưa làm cho Hà Thành trở nên yên bình một cách lạ lùng. Những bông hoa trắng, thanh tao, dịu dàng, nhỏ xíu, xốn xang lòng người như đang nhắc ta rằng ngày Valentine Trắng, ngày của tình yêu thương đáp lại đã tới.
Ngày 14/3 là ngày Valentine Trắng (White Valentine, White Day hay là Ngày đáp trả), tức là ngày mà những người là đối tượng được nhận yêu thương trong ngày Valentine Đỏ (14/2) sẽ đáp lễ cho nửa bên kia của mình. Có thể, ngày Valentine 14/2 ngọt ngào vẫn chưa đủ với những con tim đang yêu nên người ta đã dành thêm ngày Valentine Trắng để thể hiện tình cảm với người thương yêu của mình chăng?
Nghe nói rằng, ngày Valentine Trắng xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới là ngày 14/3/1965, ở Nhật Bản, khi mà một chàng trai bán kẹo dẻo muốn đáp trả lại tình cảm của cô gái thầm thương trộm nhớ mình từ ngày Valentine 14/2, đã làm tặng nàng một hộp kẹo thật lớn, trắng như tuyết. Và thế là, từ đó, trên thế gian này có ngày Valentine Trắng - “Ngày Đáp trả”.
Trong Ngày này, không còn gì ý nghĩa hơn là việc bạn sẽ đáp trả lại người đã yêu thương mình trong suốt thời gian dài những món quà hoặc lời nói cảm động, dễ thương và chân thành. Mặc dù ngày Valentine Trắng 14/3 không phổ biến như ngày Valentine 14/2 nhưng trong ngày này vẫn có nhiều người tặng quà cho một nửa của mình và món quà thông thường được người nam tặng cho người nữ là bánh quy, kẹo và socola trắng.
Tháng Ba với miên man sắc trắng yêu thương ấy đã cho mình cảm giác ngọt ngào và mới mẻ. Nó như còn nguyên cái ẩm ướt của tiết trời Tháng Ba, vừa nồng nàn tinh khôi vừa nhạt nhòa sương khói, suy tư vật vã hay trong trẻo như giọt nước hồ tĩnh lặng, như ánh mắt ngây thơ vui vẻ của các cô bé độ tuổi lên 10, tay nâng niu những bông hoa dại của mùa xuân. Là Tháng Ba ngoài Bắc, nơi trời đất đang vào độ ẩm ương, nhập nhằng, quá mù ra mưa. Là tâm trạng dỗi hờn, có đôi chút ngẩn ngơ, như suy tư, như chợt ân hận vì đã phạm phải lỗi lầm gì gì đó. Tháng Ba nhắc lại những ký ức ngọt ngào, để nhắn gửi điều gì đó cho một nửa của mình với tất cả bao dung, nhẫn nhịn, đậm đầy yêu thương, từ bi và thiện lành.
Và chân dung tình yêu trong tháng Ba của mình luôn là một sự bao dung, nhẫn nhịn, đậm đầy yêu thương, từ bi và thiện lành. Mình đã viết bài thơ “Khi quá khứ gọi tên nhau” trong hơi thở nồng nàn của một Tháng Ba đậm đầy nghĩa tình như thế:
Ai đem chạch bỏ ngọn đa
Để tơ trời níu duyên ta với mình
Xanh xanh rau diếp bên đình
Gỗ lim hoá giải nợ tình nơi nhau.
Nước trong mà giếng thì sâu
Thương nhau ta nối dây gầu dài thêm
Để rồi quá khứ dịu êm
Không vu vơ gọi riêng tên chúng mình...
Bài thơ có nhắc đến các nhân vật trong một bài thơ tỏ tình khuyết danh:
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình
Bao giờ rau diếp làm đình
Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta.
Trước hết nói về con cá Chạch. Đó là một loài cá thân dài, tương tự như lươn, sống vùng nước cạn hay bùn lầy. Vì là cá nên chạch không thể sống xa nước, huống chi là đẻ trứng trên ngọn cây đa. Ngược lại, sáo là một loài chim thường thấy ở vùng quê. Là loài chim nên sáo không thể xuống dưới nước đẻ trứng được.
Lâu nay, người ta thường hiểu đây là một lời từ hôn kênh kiệu, dựa vào sự kiện không thể xảy ra để thách thức, từ chối lời cầu hôn của những người đeo đuổi mình. Tuy nhiên, một lần thầy giáo của mình đã giải những lời nhắn gửi trong bài thơ này bằng một phương trình toán học. Sau một hồi giản ước, cộng cộng, trừ trừ, thầy đã cho ra kết quả là “ta có mình và mình có ta”. Thầy bảo đây không phải là một chuyện viển vông, huyền hoặc đâu đâu, mà người xưa chỉ muốn nhắn nhủ rằng, nếu cứ kiên nhẫn, cứ bao dung, quyết tâm nan nhẫn, năng nhẫn, nan hành, năng hành, làm việc với tấm lòng yêu thương chân thành thì cuối cùng, mọi điều không có gì là không thể.
Cũng có một chuyện khác nói về nguồn gốc của bài thơ khuyết danh nói trên:
“Ở vùng nọ có một cô gái rất đẹp, con một ông Bá Hộ. Cô đang tuổi cặp kê nên có biết bao nhiêu chàng trai quanh vùng thầm yêu, trộm nhớ, ngày đêm mơ việc giương cung bắn sẻ. Cô nàng từ nhỏ sống trên nhung lụa nên coi thường mọi người, vẫn không thèm để mắt đến một ai. Để thách thức mọi người, cô nàng đã đưa ra câu đố, nếu ai giải quyết được thì sẽ chấp nhận kết hôn, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.
"Bao giờ chạch đẻ ngọn đa,
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình".
Bao nhiêu chàng trai trước đây trồng cây si nhưng trước câu đố quá hóc búa đều phải chịu bỏ cuộc, đi tìm vợ khác. Duy chỉ có một chàng tá điền mồ côi quyết tâm âm thầm nhận sự thách thức. Anh ta đã bỏ biết bao thời gian vả công sức học hỏi kinh nghiệm của các bô lão cũng như tìm hiểu trên thực tế về tập quán sống của giống cá chạch và loài chim sáo. Sau đó, anh ta tìm cách nuôi và phối giống các loài này. Trải qua mấy năm trời với bao nhiêu thất bại tưởng chừng làm anh nản chí nhưng tình yêu và lòng tự tin đã thúc đẩy anh phải đạt tới mục đích. Cuối cùng, anh ta đã thành công trong việc gây sinh sản loài cá chạch trong môi trường nhỏ hẹp nghĩa là trong một bồn nhỏ đặt trên ngọn cây đa. Việc nuôi chim sáo dưới nước lại càng khó khăn hơn vì anh phải đóng một cái thùng đặt dưới nước, đặt lồng chim vào đó và hàng ngày bơm không khí vào.
Không ngờ vật đổi sao dời, bao năm qua biến cố đã xảy ra cho gia đình cô gái. Ông Bá Hộ đột nhiên lâm bệnh nặng, sau thời gian điều trị hao tài tốn của đã từ trần. Bà Bá Hộ buồn rầu rồi cũng mất theo chồng. Cô gái giờ đây gia tài khánh kiệt phải đi cấy lúa thuê kiếm sống.
Anh tá điền đem thành quả của mình tìm lại người xưa. Đôi bên gặp nhau trong sự ngỡ ngàng. Cảm động trước tấm chân tình của chàng trai, cô gái đã đồng ý trao duyên. Hai người sống chung thật là hạnh phúc.”
Câu chuyện về con cá chạch cho ta một lời nhắn gửi: Nơi nào có sự hiện diện của tình yêu thương, của lòng bao dung, nhẫn nại thì nơi ấy sẽ có hạnh phúc viên mãn.
Cuối cùng, thay cho lời kết, mong các tình yêu hãy trân quý thời gian, đừng bao giờ lãng phí thời gian, dù chỉ là một phút giây, bởi chúng ta đang được cấp một cơ hội để làm việc gì đó thể hiện tình yêu thương của mình đối với nửa kia của mình đấy.
Hãy trân quý hôm nay, hãy sống như thể không có ngày mai để làm bằng được những gì mà mình cần phải làm, cho mình và cho tình yêu của mình!
Trần Huyền Tâm
(Tản mạn miền sương khói - Tản văn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2019)