- Trang văn
Bà tôi
Thứ năm - 26/12/2019 13:53
Bà tôi đã 80 nhưng còn nhanh nhẹn lắm, dáng đi vẫn thẳng và hàm răng hạt na còn đều tăm tắp. Bản tính lam làm, quán xuyến của bà thì chẳng con cháu nào bằng. Nhưng bà có lúc thất thường khiến nhiều người khó gần. Ngày tết, con cháu đến thăm, có đứa nói "Cháu quý bà nhất”. Bà bảo ngay: "Tao chẳng quý đứa nào”. Bà hay ngồi một mình trong phòng rất lâu mà không biết bà làm gì. Các cô, các chú đến chơi bảo bà nên đi tập thể dục. Bà bảo: "Đường bụi thế này, có mà ốm thêm”.
Thỉnh thoảng bà đi chợ, dù chẳng mua gì. Hôm lên Đồng Xuân, bà cho tôi theo. Đi ngang ngang dọc dọc, mỏi hết cả chân. Có nhiều người bán hàng quen biết bà nên gọi với theo chào hỏi. Bà cũng không dừng lại lâu để trò chuyện. Lúc về, bà cứ lẩm bẩm cái này hạ, cái kia lên, còn tôi chỉ thấy buồn cười. Tôi nói đùa rằng: "Bà định mua cả cái chợ này chắc?”. Bà cốc vào đầu tôi: “Ra chợ thì phải biết cái này, cái kia chứ; thế mắt mày để ở đâu?”. Tôi nghĩ bà già rồi, lẩm cẩm cũng nên.
Chiều hôm trước, tôi cùng bà ra chợ xanh mua thức ăn. Bà bảo: "Mua rồi về trước đi”. Tôi ra hàng thịt chọn rồi trả tiền. Vừa định ra về thì đã thấy bà đứng bên cạnh: "Con gái gì mà đi chợ không biết khảo giá, hàng này ngon nhưng đắt; về sau phải lựa mà mua”. Tôi không dám nói gì nhưng thấy ấm ức trong lòng. Ra cổng chợ, bà ghé lại mua nhãn. Con bé nhà quê bán hàng ríu rít mời gọi. Cái thúng đặt trên chiếc xe đạp của nó chỉ còn vài ba chùm nhãn, lá héo tóp. Tôi định sang hàng khác thì bà kéo lại, hỏi giá rồi trả tiền mà không mặc cả câu nào.
Tôi hả lòng hả dạ vì tìm được sơ suất của bà. Gắng lấy giọng đĩnh đạc, tôi bảo: “Nhãn nó không được tươi, mà chiều rồi nó còn phải bán rẻ nữa. Sao bà không mặc cả”. Bà ôn tồn nói: "Trả rẻ nó mấy đồng để làm gì. Cháu không thấy cái cặp sách nó để ở đáy thúng à?”. Tôi choáng người, nhận ra rằng mười mấy năm ở gần mà tôi hầu như chưa hiểu bà tôi. Có lẽ tôi bắt đầu trở thành người lớn rồi chăng?
Bùi Đại Dũng