• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Một trí tuệ hồn nhiên minh triết

Thứ bảy - 01/06/2024 18:05


(Ảnh: Đại Dũng)


 

MỘT TRÍ TUỆ HỒN NHIÊN MINH TRIẾT

(Bùi Đại Dũng)

 

Tôi gặp ông lần đầu tiên năm 1998 khi được phỏng vấn sát hạch để chuyển về làm việc tại Ban Nghiên cứu của Thủ tướng tại trụ sở cũ ở số 6 phố Bà Huyện Thanh Quan. Ấn tượng nhất với tôi khi gặp là cử chỉ lịch thiệp, có phần khiêm nhường của ông. Bộ quần áo ông mặc giản dị, chỉn chu, tuy có điều khác thường là chiếc áo sơ mi không có cổ bẻ và chiếc thắt lưng là của quân đội. Sau này, tôi có hỏi ông về chiếc thắt lưng. Ông nói nó là một kỷ vật của một thời không thể quên. Còn chiếc áo thì ông bảo không thích mặc áo cổ bẻ; mặc dù mỗi dịp tiếp khách, ông đều mặc sơ mi cổ bẻ… để phòng phải thắt cà vạt.


Không biết vì sao mà ông ưu ái dành cho tôi khá nhiều thời gian quý báu ở cơ quan, dù để chỉ dẫn thêm trong công việc hay chia sẻ những chuyện rất riêng tư. Ông có nói không muốn ăn thịt vì sợ cảm giác thớ thịt chạm vào răng, do đó Cô Lan làm ruốc phải nghiền nhỏ chứ không xé thành sợi bông. Những trao đổi tình cảm như vậy thật có lẽ là hiếm giữa hai người khá khác biệt về tuổi tác và cương vị trong một cơ quan Nhà nước, nơi mà người ta thường dè chừng, xét nét.


Ông kể về tuổi thiếu niên, cảnh cùng nhóm bạn lang thang trên phố phường Hà Nội, cảm xúc lúc đi ngang cửa nhà mà không dám vào vì ngại lũ bạn phát hiện ra thân thế của mình. Ông kể về thời điểm gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Nam Trung Bộ và sau đó được điều về làm thư ký cho thủ tướng. Ông mỉm cười ý nhị: “Có người nói chú là thư ký... lâu năm nhất thế giới”.


Ông kể và giảng cho tôi nghe những thông tin vô cùng mới lạ về xu thế phát triển của một số trường phái thơ trên thế giới, trong đó có loại thơ không câu, không từ ngữ, mà chỉ là tổ hợp của những âm tiết được sắp xếp có ngữ điệu, tiết tấu nhất định. Ông nói về những phát kiến mới của các nhà vật lý lý thuyết, về hạt cơ bản và về cấu trúc vũ trụ. Tôi không hiểu được, một người bận rộn như ông, sao có thời gian thả mình vào những lĩnh vực kỳ ảo và háo hức cập nhật thông tin một cách hồn nhiên, tươi trẻ đến như vậy.


Tôi cũng tập tọe làm thơ và cả gan đưa nhờ ông góp ý. Ông dành thời gian đọc và có lần trầm tư nói: “Thơ này thuộc dạng thơ thế sự, nhưng làm thơ thế sự là việc khó lắm đấy cháu ạ!”. Ông dành thời gian mấy tuần liền đọc và góp ý cho luận án của tôi, rồi ngồi cặm cụi viết tay 3 trang nhận xét chi tiết, kể cả chỉnh sửa câu chữ dịch từ tiếng nước ngoài chưa chính xác. Tôi nhớ rõ khi gặp Ông năm 2004 để tâm sự về dự định xin chuyển công tác ra khỏi Ban Nghiên cứu. Ông không trả lời trực tiếp mà chỉ nói một cách nhẹ nhàng: “Có lẽ ít người làm công việc thư ký lâu như chú. Nhưng thư ký không phải là một nghề đâu cháu ơi!”.


Đêm nay, tôi ngồi xem lại những trang thơ và những tập thơ mà ông tự tay trao cho trong gần 20 năm qua. Từ “Thân tặng…” của lần ghi tặng đầu tiên, ông chuyển thành “Thân ái và trân trọng tặng bạn…”. Có lẽ khi tuổi tác và trí tuệ của ông càng vươn tới những tầm cao hơn thì sự hòa đồng giữa ông với mọi người, mọi vật ngày một gần gũi và mật thiết hơn; và dường như nhận thức của ông ngày càng giản dị và trẻ trung hơn. Những điều ông nói và viết toát ra một tâm hồn lớn với trí tuệ minh triết và cách nhận thức hồn nhiên như không vướng bận tuổi tác, không vướng bận vị thế, không vướng bận gánh nặng của kinh nghiệm đường đời.


Ông đã viết rất nhiều do yêu cầu công việc, và đã dành những năm tháng chín nhất của cuộc đời mình để viết cho mình và cho cả những người ông không quen biết. Từ tập thơ “Cửa mở” xuất bản năm 1970 đến tập “Cửa đã mở” xuất bản năm 2007; hơn một phần ba thế kỷ mới có được thêm được một từ với biết bao gian truân, kiên định. Thế nhưng, dù “cửa đã mở” thì tâm hồn lớn ấy vẫn thấy “Bơ vơ Đông đảo”, mà tự mình “Nhặt nắng trong sương” suốt “Cỏ dọc đường trần”.


Vài năm gần đây, mỗi lần đến thăm ông, tôi lại được ông cho thêm những kiến thức mới lạ. Ông nói về Phật, về những triết lý thâm sâu trong kinh điển Phật giáo. Dường như ông đã đạt tới “bất không” của trí huệ bát nhã khi tìm tòi ở “Cát dưới chân người” để thấy “Một ngày một thủa luân hồi cát[1]. Ông tìm trong “Sống” thấy sự “An nhiên”[2] và kết tinh thành “Nắng”. Còn bây giờ, chắc ông đang “…nhận về một tôi mới tinh khôi[3].


Đã nhiều người viết về ông. Tôi chỉ xin chia sẻ với mọi người cảm nhận của mình về ảnh hưởng từ ông, một tấm gương về năng lực nhận thức và hiện thân của một nhân cách lớn, một trí tuệ Trần Việt Phương:


Vàng Tâm


Chiếc lá mầm tròn trịa,

Lá trưởng thành lõm khuyết.

 

Trái cây non căng tròn,

Trái cây già khía sâu vết đời chịu đựng.

 

Con tim nhỏ màu xanh,

Con tim lớn

đọng lại mùa thu,

đọng lại nắng trời,

một đời góp nhặt.

 

Cái màu

không sợ thời gian

không sợ vô thường.”

 

Đêm 9 tháng 5 năm 2017

Bùi Đại Dũng

-------------------

[1] Một câu trang đầu trong tập “Cát dưới chân người”.

[2] Một câu trong bài “Thế”, tập “Sống”.

[3] Một câu trong bài “Ở”, tập “Cỏ dọc đường trần”.

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.