• dau-title
  • Truyện ngắn
  • cuoi-title

Tiểu thuyết: Lính Miền Đông (2)

Thứ tư - 21/06/2023 13:54

      

        TIỂU THUYẾT LÍNH MIỀN ĐÔNG
                        (Nhà văn Biên Linh)
--------

             (tiếp theo)

Những chiến sĩ quân chủ lực Nam tiến lần này được nghỉ 3 ngày, chờ được phiên chế về đơn vị mới. Trạm dừng chân giữa vùng đồi núi giăng giăng. Những cánh rừng lồ ô xen lẫn những cây cổ thụ cao chất ngất. Đây là vùng đất đỏ. Loại đất Bazan mầu nâu đỏ xốp và mầu mỡ. Ở miền Đông này phần lớn là đồi, chỉ có vài ngọn núi, cao hơn cả là núi Bà Đen ở Tây Ninh và núi Bà Rá ở Phước Long. Hai ngọn núi này đều là vùng chiến sự đang cần bổ sung lực lượng. 

Từ vị trí tập kết nhìn lên, núi Bà Rá uy nghiêm như chiếc nón lá khổng lồ màu xanh úp trên mặt đất. Núi xanh thắm  cây lá. Ngày Lê mới được điều về đây vài năm trước đã được nghe nhiều về ngọn núi này.

Đầu tháng 5/1965, Bộ Chỉ Huy quân sự Miền quyết định tổ chức chiến dịch mùa khô tiến đánh tiểu khu quân sự Phước Long, chi khu quân sự Phước bình. Tiểu đoàn 840 chủ lực của khu 6 là đơn vị chủ công phối hợp cùng hai trung đoàn của Miền và các lực lượng vũ trang khác tham gia chiến dịch thực hiện hành trình chiến đấu mới.

Trước tình hình tương quan của ta và địch, Đảng đưa ra chủ trương đường lối chiến lược “Cách mạng không ngừng”. Xây dựng ba thứ quân chiến đấu, đồng thời trên ba vùng chiến lược. Tỉnh ủy Phước Long chỉ đạo khu ủy K25 quyết định thành lập các đội công tác vũ trang tuyên truyền có nhiệm vụ thọc sâu, bám sát lòng địch trên địa bàn, tổ chức diệt ác trừ gian. Đội công tác cắm chốt trên ngọn đồi có tên gọi “Đồi 230” bị địch đánh tập kích khiến gần như toàn bộ hy sinh. Sau đau thương ấy, tỉnh ủy Phước Long quyết định tách K25 thành 3K đó là K11, K14,và K17. Trong đó K11 là mũi nhọn ở địa bàn hoạt động phía Nam từ Cầu Rạt phía bên kia dòng Sông Bé; Phía Đông từ Đức Liễu về; Phía Tây từ cầu Sông Bé tiếp giáp Bù Đốp trở lại. Hoan, Lê và Khiêm cùng năm người khác được phân công về đội công tác đặc biệt.

Địa bàn hoạt động của đội gồm toàn bộ Chi khu Phước Bình, tiểu khu Phước Long. Đại bản doanh đặt trên núi Bà Rá. Ngọn núi này vững chãi uy nghi với độ cao gần 800 mét so với mực nước biển. Bà Rá sừng sững, bí hiểm và oai linh. Bà Rá oai nghiêm giữa hệ thống bốt đồn quân giặc. Phía Bắc có các dinh điền các ấp chiến lược: làm vành đai bao bọc gồm: Phước Tín, Phước Lộc, Phước Quả, Phước Yên, Phước Vĩnh... Xen giữa các đình điền, các ấp chiến lược là đồn bốt của địch đủ các lực lượng: Nghĩa quân, Dân Vệ, Bảo An.  

Phía Đông Nam ngọn núi là chi khu quân sự Phước Bình, sân bay quân sự Phước Bình và các đơn vị chủ lực của địch đóng quân. Phía Đông Bắc Bà Rá án ngữ bởi hệ thống dinh điền ấp chiến lược, mỗi ấp chiến lược, chúng bố trí một trung đội nghĩa quân. Phía Tây Bắc là ranh giới có địa hình tự nhiên hiểm trở bởi dòng Sông Bé, có hai ngọn thác lớn là Thác Mơ và Thác Mẹ chảy qua. Mùa mưa, nước chảy xiết. Địch cho rằng ta khó có thể đột nhập theo hướng này. Phía Tây Nam, dưới chân núi chúng cắm nhiều đồn, nhiều chốt. 

Trên đỉnh núi, địch bố trí thường xuyên từ hai trung đội có khi cả đại đội Bảo An truyền tin, trấn giữ. Chúng xây dựng cả sân bay dã chiến trên đỉnh núi. 

Nhiệm vụ của đội công tác là ngoài những nhiệm vụ khác của Ba mũi giáp công còn phải thường xuyên tập kích, phục kích, đột nhập vào đội hình của địch. Quân địch rất ranh ma, chúng thường xuyên đổ quân tăng cường lên đỉnh núi, hành quân truy quét tiêu diệt lực lượng của ta. Ban đêm chúng bắn đạn cối 60 ly và đạn M79 xuống xung quanh núi để uy hiếp tinh thần cán bộ, chiến sĩ ta. 

Để bao vây lấn chiếm địa bàn, chúng dùng nhiều thủ đoạn khuyến khích đồng vào dân tộc STiêng ở các ấp chiến lược lên núi phát rừng làm rẫy. Nguy hiểm nhất là có khi rẫy của đồng bào vừa mới phát gần sát với điểm trú quân của ta. Mùa khô, địch tổ chức cho đồng bào đốt rẫy đốt rừng. Phần lớn rừng trên núi bị đốt cháy trụi. Khói lửa ngùn ngụt. Tro than đỏ bị gió thổi bay đến đâu gặp cỏ, lá khô cháy bùng đến đó. Nóng như thiêu bởi có những cây to khô mục cháy âm ỉ rất nhiều ngày. Đây là thời gian vô cùng khốc liệt mà chiến sĩ Đội Bà Rá phải trải qua. Đói cơm, đói muối, địch phong tỏa mạnh. Toàn đơn vị vẫn quyết tâm bám trụ. Địch càng điên cuồng pháo kích không kể ngày hay đêm. Do có chỉ điểm nên một số cơ sở của ta dưới núi bị bắt bớ, đánh đập, tù đầy. Nhiều cơ sở quần chúng hoang mang từ chối tiếp xúc với quân giải phóng. Hàng ngày, địch vẫn tập trung phi pháo bắn lên núi, nhất là những nơi chúng nghi ngờ chỗ trú quân của ta. Lương thực dự trữ cạn dần. Nguồn tiếp tế từ hậu cứ không có. Trong lúc chưa tìm ra giải pháp tối ưu, đơn vị buộc phải cắt giảm chế độ ăn. Lương thực, thực phẩm chính là rau rừng, quả dại. Liên tục hàng tháng trời thức ăn chủ yếu của Đội là trái sung, chuối rừng, củ nần. Củ nần vừa đắng vừa chát. Ngâm nước, rửa, rửa xong lại ngâm cả chục lần mới có thể nấu ăn. Khé cổ nhưng phải cố mà nuốt. Nhiều đêm chiến sĩ trong đội phải lần mò tìm đến những vườn mít bị bỏ hoang tìm hái mít non, mít già, gặp là hái hết. Mít luộc, mít trộn, mít phơi khô... ăn chống đói. Ăn uống kham khổ, thể lực anh em bị suy kiệt rõ. Người nào cũng phờ phạc, mắt trũng sâu. Đói cơm đã khổ, đói muối càng khổ hơn. Nhiều người đã bị phù thũng, cơ thể mệt mỏi đến không buồn cử động. Mấy chị nuôi sáng kiến lấy cỏ tranh, lồ ô non phơi khô đốt lấy than hoà vào nước cho có vị mằn mặn. 

Nếu cứ dai dẳng như thế, sức quân sẽ kiệt quệ. Bí thư k ủy ra quyết định cho đơn vị tổ chức vượt đường, tìm về các chốt của Mỹ cũ, tìm muối và thực phẩm. Nguy hiểm nhưng đó là giải pháp khả thi nhất trong giai đoạn này. Lê là một cán bộ dân vận giỏi, có nhiều kinh nghiệm lại biết cả tiếng S’Tiêng dẫn theo ba chiến sĩ tìm cách móc ráp với quần chúng, từng bước vực dậy phong trào cách mạng. Kể từ đó, đồng bào trở thành tai mắt cho quân giải phóng. Hàng ngày, bà con giả đò lên rẫy, mua giùm và chuyển gạo lên cho bộ đội. Có ngày được cả hàng trăm kg gạo. Bà Rá trở thành kho lương thực dã chiến phân phối cho các đơn vị lân cận. 

 

Đêm đầu tiên ở Miền Đông, Hoan không sao ngủ được. Anh như người bơi giữa biển cả mênh mông, phía xa kia là bến bờ, là những trận chiến cam go và những người đồng đội, ngoái nhìn lại, thấy dải đê hiền hoà xanh mướt cỏ mùa xuân, thấy cánh đồng lúa đang thì con gái và vòm trời tháng ba chớp trắng những cánh cò. Thấy sóng nước đậm màu phù sa của con sông Thái bình dìu dặt vỗ bờ. Những vườn Vải Thanh Hà nức tiếng cả một vùng đang từng chùm ửng hồng ngọt lịm. Thấp thoáng trên lối ngõ, mát rượi bóng tre, hình ảnh mẹ lom khom quét lá. Đâu đây những làn khói thơm mùi rơm rạ mới tỏa lan ấm áp cùng tiếng gọi trâu về...

Đêm trong vắt và tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng thở đều đều của đồng đội sau chặng đường dài hành quân hối hả. Vậy là Hoan đã cách xa quê nhà gần hai ngàn cây số. Quê hương đã thăm thẳm xa, nhưng trong lòng Hoan nó gần như chưa hề xa cách. 

Buổi sáng đầu tiên tỉnh giấc ở Miền Đông, Hoan thấy khí hậu ở đây thật đặc biệt. Trưa qua, lúc đến trạm, nóng không thua gì trưa hè ngoài Bắc, chiều dịu đi rất nhanh, khoảng 9-10 giờ đêm mát như mùa thu, gần sáng lạnh lạnh như khoảnh khắc đầu đông, còn sáng lúc mặt trời vừa lên đã ấm áp trong trèo như buổi sáng mùa xuân. Nắng non tơ dưới tán lá của những cây rừng nhiều năm tuổi. Tiếng chim hót trên vòm lá. Hoan cùng mấy anh em trong tiểu đội ra suối lấy nước. Suối nhỏ, nước trong vắt. Phía trên bờ, chỗ có những tảng đá to như cái bàn có một máng nước bằng nửa thân cây lồ ô già (một loại tre thân cao, to) dẫn nước từ lòng ngọn đồi cao chảy ra. Nước đựng trong ống tre và những can nhựa Mỹ (chiến lợi phẩm). Dọc đường từ suối về trạm, Hoan phát hiện ra đất ở đây thật tốt. Người dân trồng nhiều ngô khoai và sắn, cây nào cũng xanh mỡ màng tươi tốt. 

Giá không có chiến tranh, mảnh đất này sẽ tuyệt vời biết mấy – Hoan thầm nghĩ.

Cơm trưa xong (thực ra là khoai mì luộc thêm chút muối mè), Hoan tranh thủ viết thư về cho mẹ và các anh chị. Mỗi khi có thời gian viết thư về nhà, lòng Hoan lại dạt dào hạnh phúc. Anh báo tin đã đến địa bàn đóng quân tại Tỉnh Phước Long ở  miền Đông Nam Bộ. Anh kể cho mẹ cùng các anh chị biết về những thuận lợi của mình khi ở đây. Trong những thư gửi về nhà, Hoan không bao giờ kể về gian khổ mà anh cùng đồng đội đã trải qua. Hoan chỉ kể những gì may mắn để mẹ cùng người thân đỡ lo lắng. Hoan hình dung cảnh mẹ sẽ bắt chị dâu anh hoặc thằng cháu nội học lớp 5 đọc đi đọc lại lá thư. Mẹ sẽ thắp hương khấn tổ tiên và bố phù hộ cho Hoan chân cứng đá mềm, cho chiến tranh sớm kết thúc để đứa con út mà bà rất mực thương yêu được lành lặn trở về. 

Đã phiên chế xong. Hoan và Khiêm cùng được điều động về khu 6, tăng cường cho tỉnh Phước Long. Phối hợp giữa tiểu đoàn 840, bộ đội và lực lượng tại địa phương đánh chiếm các dinh điền, ấp chiến lược mà địch bố trí ở ngoại vi các chi khu quân sự và tiểu khu Phước Long. 

Hoan rất phấn khởi khi có anh Khiêm là đồng hương cùng về chung đơn vị. Còn có cả Lê - người mà mới gặp vài ngày Hoan đã thấy nể trọng bởi sự thân thiện, từ tốn, luôn quan tâm đến mọi người, đặc biệt là những câu chuyện rất hay anh kể về Bà Rá. Hoan phỏng đoán rằng Lê chắc phải là thầy giáo đi kháng chiến.

Dẫn đường cho các chiến sĩ mới là nữ giao liên. Cô mặc bà ba đen, khăn rằn, mũ tai bèo. Hoan, Khiêm và Lê đã sẵn sàng. Quân tư trang gọn gàng đợi lệnh. Người nữ giao liên giới thiệu sau cái bắt tay chào hỏi:

- Tôi là Oanh. Tôi sẽ đưa các đồng chí về đơn vị mới. Quân địch có thể đi ruồng bố bất chợt. Chúng cài rất nhiều mìn đủ loại nên yêu cầu các đồng chí phải bình tĩnh, thận trọng bám sát và tuân thủ mọi hướng dẫn của tôi!

Hoan xốc lại ba lô trên vai cùng Khiêm và Lê bám sát cái dáng nhỏ nhắn thoăn thoắt của Oanh. Oanh khác hẳn những cô gái vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bộ bà ba đen gọn gàng nhưng mềm mại bó sát thân hình tròn trặn, nổi bật nước da khỏe khoắn. Đôi mắt to nghiêm nghị và đôi tay chắc khỏe. Từng bước chân của Oanh nhanh nhẹn, dứt khoát. Đi sau người nữ giao liên ấy, Hoan thấy yên tâm lạ thường. 

Đi gần nửa ngày, mọi người đã mệt và đói ngấu, Oanh tìm một bóng cây to, cô chăm chú quan sát xung quanh rồi nói  

- Ta nghỉ một chút. Uống nước. Ăn cơm rồi đi tiếp!

Cô nhanh nhẹn lấy cơm vắt đựng trong cái bồng (loại túi may bằng vải để đựng tư trang cá nhân) luôn mang theo bên mình, đưa cho các thành viên. Hoan mở bình tông nước, tợp một hớp nhấp giọng cho đỡ khát, không dám tu mạnh. Khiêm và Lê cũng vậy. Oanh bật cười 

- Các đồng chí cứ uống nước đi. Gần đây có mội nước. Ta sẽ lấy sau!

Được lời như cởi tấm lòng, cả ba uống thỏa cơn khát. Cơm vắt độn bắp (bắp nhiều hơn gạo) nhưng ai cũng ăn ngon lành. Hoan chỉ vào bụi cây gai có hoa tim tím nho nhỏ mọc đầy bên đường hỏi Oanh 

- Cây này là cây gì mà đẹp thế đồng chí?

- Cây mắc cỡ đó đồng chí à. Có người gọi là…

- Là cây Xấu hổ (-Lê đỡ lời cho Oanh)

Lê cắt nghĩa cho Hoan và Khiêm khi thấy cả hai tỏ vẻ ngạc nhiên về loài hoa có tên như thế.

Cây mắc cỡ (còn gọi là cây trinh nữ, thân màu trắng hoặc màu tím. Lá cây đang nở xoè có người động đến là khép lại nên người  miền Nam gọi nó bằng những cái tên: Cây mắc cỡ hay cây trinh nữ. Lê nói rằng đã có một nhạc sĩ sáng tác ra bài hát rất thiết tha, êm ái về loài hoa này.

- Nhưng những bụi trình nữ già đầy gai nhọn kia thì chẳng đáng yêu chút nào – Khiêm dí dỏm. Hoan, Khiêm và Oanh cùng cười theo. 

Oanh đã ăn xong, cô buộc lại cái bồng cẩn thận rồi cầm lấy tất cả các bi-đông của mọi người.

- Tôi đi lấy nước. Sẽ quay lại ngay!

- Tôi đi cùng đồng chí! - Hoan đề nghị. Oanh ngần ngừ rồi gật đầu. 

- Cũng được! Cho lẹ!

Hoan xách chùm bình tông rảo bước theo Oanh. Đến chỗ con suối nhỏ chảy ra giữa chân đồi, Oanh chỉ 

- Đồng chí lấy nước! Tôi cảnh giới!

Mỗi người đã có bình tông đầy nước. Tất cả lại lên đường. 

- Còn bao xa thì đến nơi vậy đồng chí?

Khiêm hỏi nhỏ. 

- Nếu không trở ngại gì thì tối sẽ đến nơi!

Oanh đáp, mắt hướng về phía núi. 

- Núi ngay trước mặt nhưng chúng ta không thể đi đường tắt vì bọn địch hay phục kích. Đi đường vòng, xa nhưng an toàn hơn!

Bốn người lại giữ khoảng cách và cẩn trọng tiến bước. Họ len lỏi qua các rẫy điều, cao su và những khu rừng tái sinh. Chờ trời tối hẳn mới lên núi. Đã quen với hành quân trên dải Trường Sơn nên không ai  phàn nàn một câu. 

Hơn 10 giờ đêm mới tới căn cứ. Đây là một hang đá lớn nằm giữa lưng chừng núi. Trên đỉnh núi là nơi địch đóng quân. Chúng còn mở cả trên đó một sân bay quân sự cho trực thăng đáp xuống. Dưới chân núi đồn bốt của địch giăng đầy. Căn cứ của ta vẫn kiên cường chiếm lĩnh phần giữa. Bọn giặc bao phen điên cuồng dùng mọi chiến thuật vẫn không “Nhổ cỏ được bọn Việt Cộng khỏi núi này”. Đó là lời Oanh kể khi về đến cứ. Chị Bảy Tâm đội trưởng đội Bà Rá đón nhóm cán bộ tăng cường với vẻ mặt niềm nở. Chị ân cần dọn cơm đặt trên tảng đá lớn giữa hang. 

- Các đồng chí đã đến, chúng tôi rất mừng. Bây giờ cứ ăn uống nghỉ ngơi cho khỏe. Sớm mai chúng ta sẽ bàn công việc. 

Chị Bảy Tâm cao lớn, tóc bới cao lộ vầng trán rộng. Vẻ mặt chân chất, giọng nói của người Nam bộ to và vang. 

Chị Bảy còn nhắc hai cô giao liên đang ríu rít chuyện trò với Oanh. 

- Mấy nhỏ không được làm ồn. Để cho các đồng chí này nghỉ nghe hông!

Mấy cô gái líu ríu dạ ran nhưng vẫn khúc khích sau lớp vải áo mưa ngăn cách khu vực của nam và nữ trong hang đá. 

Hoan ngủ một giấc dài. Giấc ngủ ngon khiến anh tỉnh táo. Quan sát xung quanh mới thấy nơi đóng quân của Đội Bà Rá quả là kỳ bí giữa thiên nhiên. Phía trước cửa hang có nhiều cây to, dây leo chằng chịt. Hai bên hông cũng chỉ toàn đá và cây. Phía sau có lối thông ra cánh rừng cũng bạt ngàn cây lá.

Đã đến giờ phân công công việc. Ngoài chị Bảy Tâm còn có thêm hai cán bộ từ K Ủy (Huyện ủy). Một người tóc hoa râm, nghiêm nghị tên Sáu Kim, người trẻ hơn tên Ba Tuy. (người Nam bộ luôn gọi tên kèm thứ tự trong nhà).

Đồng chí Sáu Kim trao đổi những ý kiến chỉ đạo về công tác chung của đội. Chị Bảy Tâm nói rõ. Chọn Hoan, Lê và Khiêm. Nghe qua, Hoan đã cơ bản hiểu được nhiệm vụ mà mình đảm nhiệm sắp tới đây. Đội Bà Rá là một đơn vị đặc biệt: không chỉ đánh giặc, diệt giặc trực tiếp mà nhiệm vụ chính là: Ba mũi giáp công, công tác dân vận, công tác binh vận và quân sự. 

Về quân sự, đơn vị sẽ tham gia phối hợp với lực lượng bộ đội chủ lực đánh chiếm các mục tiêu của giặc. Về dân vận phải tìm hiểu móc ráp với nhân dân đặc biệt là đồng bào thiểu số để nắm tin tức của địch, báo cáo kịp thời với cấp trên; huy động sự giúp đỡ về sức người, sức của, của người dân cho kháng chiến như nuôi giấu cán bộ, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho quân giải phóng. Về binh vận, nhiệm vụ chính là phải tổ chức đưa được quần chúng cách mạng vào trong hàng ngũ địch làm nội gián, vận động binh sĩ đào ngũ, bỏ ngũ hoặc không đàn áp đồng bào. 

Nhiệm vụ cụ thể của Hoan là cùng với Khiêm và Lê soạn thảo in ấn truyền đơn, kết hợp với giao liên, giao truyền đơn tới các cơ sở của ta để phát tán trong nhân dân và đội ngũ binh lính địch. Nhờ tài khéo léo trong công tác dân vận lại thông thạo địa  hình nên những người lính địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ rất nhiều cho công việc của Hoan, Lê và Khiêm. Ngược lại, Lê là người có học vấn cao, Khiêm và Hoan cũng tương đối, nên việc soạn thảo in ấn truyền đơn rất phù hợp với ba người. Công việc phát triển thuận lợi. Vài ba ngày, Hoan và Lê lại được lệnh đi theo Sáng và Bảo để tiếp cận các cơ sở của ta. Thời gian tới Bảo sẽ được rút về Tỉnh đội, Sáng sẽ đi học lớp quân chính. Công việc cần có người thay thế. 

Tiếp cận móc ráp với người dân và cơ sở cách mạng tưởng chừng là việc không quá nguy hiểm, nhưng thực ra rất gian nan. Bọn địch rất ranh ma. Chúng phỏng đoán mọi hướng đường quân giải phóng sẽ đi, rồi gài mìn, gài lựu đạn khắp nơi. Có lần Hoan, Lê và Sơn - Chiến sĩ công binh mới được tăng cường đi khảo sát tình hình của địch. Khoảng 8 giờ tối, ba người vượt qua đường ở khoảng cách hẹp giữa hai thôn Phước Quả và Phước Yên. Dò dẫm tìm đường đi vào núi bằng cách cắt đường đi tắt qua hướng bưng nhỏ sau ấp Phước Yên. Tính toán xong, định đi ngay thì Sơn ra hiệu dừng lại. Cậu ta làm động tác rà mìn và phát hiện ra suốt dọc mép bưng, địch đã gài mìn. Sau gần 20 phút, bằng động tác điêu luyện của một người được đào tạo về kĩ thuật phát hiện và gỡ mìn, Sơn đã gỡ được 5 quả mìn Claymore – loại mìn được lính Mỹ mệnh danh là “kẻ hủy diệt bộ binh”. Nhờ có chàng trai trẻ thông thạo về gỡ mìn mà Hoan và Lê thoát chết trong gang tấc.

Đang ăn yên ở thấm thì địch phát hiện vị trí hang đá của ta. Chúng ra sức tấn công bằng súng cối và phi pháo... Bảy Tâm chỉ đạo tất cả dời hang chuyển địa điểm để đảm bảo an toàn. Chị Bảy cùng những người lính gắn bó với Bà Rá từ lâu đã nhanh chóng tìm được địa điểm đóng quân mới, đó là Hang Dơi. Hang đá sâu nằm giữa um tùm cây cối. Vị trí hiểm trở có thể che chắn được đạn và pháo của kẻ thù. Vì hang này có rất nhiều dơi trú ngụ nên mọi người gọi là Hang Dơi. Lúc mới dọn đến, nhiều tảng đá dơi đeo kín mít. Ở đây thích nhất là không có muỗi. Muỗi làm gì còn khi chúng là món ăn khoái khẩu của dơi!. .

- Đội mình có đồ ăn tươi rồi đó!

Chị Sáu cấp dưỡng hớn hở chỉ lũ dơi bám đen vách đá. 

Cả đội nhắc nhau phải giữ yên lặng để dơi không bỏ đi nơi khác. Ai cũng biết thịt dơi sẽ là nguồn thực phẩm quí giá cho các chiến sĩ giữa lúc khó khăn thiếu thốn này. Để bắt được dơi, mỗi lần vài chục con, các chiến sĩ lấy những cành cây nhỏ có nhiều chà nhiều nhánh bó lại từng bó. Mỗi người một bó, nhẹ nhàng tiếp cận chỗ dơi đậu, dùng bó lá quật mạnh. Lũ dơi giật mình hoảng hốt bay ra tứ phía. Mọi người thi nhau quơ, đập. Một số con bay thoát ra, vài chục con rơi xuống đất. Con gẫy cánh, con què chân. Chiến sĩ ta khẩn trương bắt bỏ vào bao cát của Mỹ (loại bao đựng cát đắp công sự của lính Mỹ - chiến lợi phẩm ta thu được từ những lần đánh đồn giặc). Đề phòng bị dơi cắn, phải lấy khúc gậy đè đầu chúng xuống rồi mới bắt. Có dơi, tất cả rộn ràng vào bếp. Hôm đó là ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đơn vị liên hoan về nhà mới bằng một nồi cháo thịt dơi thơm lừng thịnh soạn.

Muốn bám trụ được trên núi này phải thực hiện nghiêm ngặt qui tắc “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Giữa vòng vây của quân thù, sống và chiến đấu trong không gian chật hẹp đầy nguy hiểm, muốn tồn tại thì nhất định phải tuân theo quy tắc:

Đầu tiên, các căn cứ đóng quân của ta phải thường xuyên di chuyển nhưng phải hạn chế tối đa không được để lại dấu vết. Các con đường đi lại quanh các căn cứ hàng ngày phải ngụy trang rất kĩ không để biệt kích thám báo phát hiện truy kích. Mỗi lần đi chuyển, mọi người phải chú ý xoá hết dấu vết. 

Thứ đến, chọn căn cứ trú quân phải là nơi hiểm trở, khó khăn cho địch khi tập kích nhưng lại phải thuận lợi cho ta có đường thoát thân. Vì vậy căn cứ phải có vách đá cao che chắn ở phía trên, có những cây cổ thụ gãy đổ che cửa để có nơi trú ẩn. Căn cứ thường không được bám theo các dòng suối chính để tránh bọn địch truy lùng vào mùa khô. Nhưng phải tìm được nơi có nước. 

Những chiến sĩ có kinh nghiệm đã tìm được những nơi có mạch nước rỏ ra từ các mạch trong khe đá. Họ dùng thân cây lồ ô chẻ đôi ra làm máng dẫn nước về các hồ tự tạo lót bạt ni lông. Những bồn nước trong vắt giữa lưng chừng vách núi được anh em gọi là “Nước tiên”.

Thứ ba là: Nấu không khói. Việc nấu ăn phải tuyệt đối bí mật, ban ngày không được để khói lan ra, ban đêm không được để phát ra ánh sáng. Chỉ một chút sơ sót, quân địch phát hiện mục tiêu, chúng sẽ nã pháo thì thương vong không biết kể sao cho xiết!

Các chị nuôi đã sáng chế ra những cái bếp không khói rất tài tình. Vì thế, đơn vị vẫn có những bữa ăn ngon lành. 

Khổ nhất là cảnh “Nói không tiếng”. Một hai ngày còn đỡ, đằng này đằng đẵng thời gian! Các thành viên trao đổi công việc hoặc yêu cầu gì cũng phải dùng kí hiệu hoặc thầm thì rất nhỏ. Tất cả đều phải nêu cao cảnh giác yên lặng nghe ngóng, phát hiện giặc từ xa. Tuyệt đối không được để địch phát hiện. Đồ dùng sinh hoạt chủ yếu là bằng nhựa, bằng sành... không dùng inox hay những vật dụng bằng kim loại để không gây ra tiếng động lớn. 

Giặc càng xiết chặt vòng vây, đơn vị càng gặp nhiều gian khổ. Khổ nhất là những anh nghiện thuốc lá, thuốc Lào. Lúc đầu cố nhịn, sau đi bới tìm những đầu mẩu thuốc đã vứt từ thuở nào, bóc ra cuộn chung với lá rừng khô hút cho đỡ thèm. Rồi đến mẩu thuốc cũng chẳng tìm được nữa. Đói thuốc, không khí tẻ nhạt hẳn. Mỗi người một góc ít ai chịu nói chuyện nói trò. Tình hình cần phải cải thiện ngay. Chị Bảy Tâm đề nghị:

- Phải họp Chi bộ, động viên chiến sĩ gắng sức chịu đựng. Cũng phải tìm ra giải pháp. Không thể cứ như thế này được!

Trong buổi họp Chi bộ, Tư Cảm - một chiến sĩ người địa phương đề nghị: Phải đột nhập vào cơ sở của ta để nhờ mua giúp thuốc lào thuốc lá và thuốc trị bệnh.

Vì thèm thuốc lâu ngày nên khi vừa nghe Tư Cảm lên tiếng gần như hơn một nửa đảng viên trong Chi bộ hưởng ứng. Thế là kế hoạch được bí mật tiến hành. 

Hoan làm nhóm trưởng dẫn theo Tư Cảm, cùng ba người nữa xuống núi tìm cách đột nhập vào gia đình cơ sở ở Sơn Giang. Đêm trăng non, trời lờ mờ sáng. Họ không đi theo đường mòn vì địch rất hay đón lõng phục kích. Năm người len lỏi băng qua những khu vườn của nhà dân. Đi một đoạn lại dừng, nghe ngóng động tĩnh rồi men dần ra đường lộ chính từ Phước Long đi Phước Bình. Còn khoảng hơn 100 mét nữa là đến nhà bà Chín Sung. Bà có cô con gái đi theo Cách mạng. Gia đình bà là cơ sở của ta. Nhà bà có một cửa hàng tạp hoá khá lớn. Đã nhìn thấy nhà bà Chín phía bên kia đường. Nhưng muốn vào phải vượt qua hai hàng rào kẽm gai cao quá đầu người. Giữa lúc Hoan và hai người nữa đang cắt rào thì địch phục kích. Chúng cho nổ mìn. Một cột khói đen trùm lên. Tiếng nổ vừa dứt, Hoan thấy Tư Cảm ngã quỵ trên hàng rào. Địch đã phát hiện mục tiêu. Chúng tập trung hỏa lực bắn xối xả. Cùng lúc ấy, pháo sáng ở tiểu khu Phước Long bắn lên sáng rực cả bầu trời. Chúng bắn rát quá, nhóm của Hoan không thể nào bò lên lấy xác Tư Cảm được. Cự ly giữa họ và địch chỉ là một con đường. Địch ở trong công sự chủ động tấn công, pháo sáng bắn như ban ngày. Không thể liều lĩnh được. Hoan lệnh cho ba người còn lại rút về. Dù rất đau đớn nhưng hơn đành phải để xác Tư Cảm nằm lại trận địa. Lúc đó khoảng hơn ba giờ sáng. Trên đường trở về, không ai nói một lời...

Sau cái chết bi thương của Tư Cảm, cả đơn vị, không ai dám đả động gì đến chuyện tìm thuốc nữa. Những người ủng hộ kế hoạch của Tư Cảm bữa trước, ai cũng thấy mình có lỗi. 

Tuần sau nữa, đơn vị được bổ sung một người thay Tư Cảm. Đó là Điểu Cho. K Ủy tăng cường Điểu Cho để đơn vị thuận lợi trong việc móc ráp xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc. Điểu Cho hiền lành, vạm vỡ. Đôi mắt to, hàng mi đen dài, đặc trưng của người S’Tiêng. Da nâu bóng, mái tóc cứng như rễ tre. Có Điểu Cho, Hoan và Lê học được nhiều tiếng dân tộc, thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với đồng bào người S’Tiêng. Điểu Cho thông minh tháo vát trong công việc nhưng học tiếng, viết chữ của người Kinh đối với cậu ta là một cực hình. Chỉ có mỗi cái tên mình mà Điểu Cho phải tập mấy ngày mới viết được. Có Điểu Cho, đồng bào không còn sợ, số người tiếp xúc với bộ đội ngày càng nhiều. Họ trở thành những người tiếp tế lương thực thực phẩm cho ta. Điểu Cho còn đưa cả Thị Gái đi theo tham gia Cách mạng. Cuối năm ấy, đơn vị tổ chức đám cưới cho họ. Đám cưới giữa lưng chừng núi, bốn bề là giặc nhưng anh chị em vẫn lo được ít bánh kẹo và nấu một nồi cháo thịt dơi. Lê, Hoan và hai phụ nữ được phân công chuẩn bị phòng tân hôn. Họ dựng cái lán nhỏ ghép một cái giường cưới bằng lồ ô. Lê khéo tay còn lấy ít mực đỏ bôi lên tờ giấy trắng rồi cắt thành đôi chim câu đang tung cánh dán lên vách lán. Hoan nhắc Điểu Cho đọc đến cả chục lần lời phát biểu. Đến khi mọi người quây quần ăn uống, Hoan nhắc, Điểu Cho gãi đầu gãi tai đứng dậy chỉ nói được mỗi hai tiếng “Cảm ơn” còn bao nhiêu lời hay ý đẹp Hoan đã dày công soạn sẵn cho Điểu Cho học thuộc thì cậu ta quên mất hết. Hoan nhắc nho nhỏ. Điểu Cho mới nói được thêm “Hôm nay tổ chức đã cho chúng tôi gắn với nhau”. Trong hang không ai nhịn được cười.

Cánh trai trẻ tìm cách chọc phá đôi tân hôn. Họ lấy ống lon sữa bò xâu vào sợi dây buộc dưới gầm giường. Chờ mãi không thấy tiếng lon kêu, lại lăn ra ngủ. Sáng hôm sau đột nhập kiểm tra thấy cái giường được dựng lên.

Cưới vợ xong, Điểu Cho hăng hái hẳn lên. Điểu Cho thông thạo đường, biết nhiều lối tắt, lội suối như rái cá nên bao phen khiến bọn giặc phục kích đều thất bại.

Đội Bà Rá nhận được lệnh chuyển vũ khí từ cơ sở cách mạng về căn cứ. 

Đêm không trăng sao, tối đen như mực, cả tiểu đội, người sau nghe tiếng bước chân của người trước mà bước theo. Họ chia thành ba tốp để phòng gặp địch. Lặng lẽ và miệt mài, những bó, những bao vũ khí nặng trĩu. Đang đi, Hoan bỗng thấy một vật gì lạnh ngắt quấn vào chân, liền đó là nhát cắn đau buốt. Hoan nhảy dựng người lên, co chân văng thật mạnh. Chiếc dép râu văng ra xa, không nén nổi tiếng kêu khe khẽ. Từ phía sau, có bước chân chạy gấp. Tiếng Điểu Cho:

- Rắn chàm ngoạp cắn rồi đó!

Hoan nghe tiếng xé áo đánh soạt. Điểu Cho cúi xuống, lấy miệng hút máu từ vết thương nhổ đi, lấy vải áo buộc chặt chỗ bắp chân, rồi cõng xốc Hoan lên. Băng rừng, chạy về phía có ánh đèn của trạm quân y dã chiến. Chân Hoan sưng vù, tim buốt nhói như có bàn tay cứng như sắt đang bóp nghẹt, tưởng như không thở nổi. Y tá của trạm cho Hoan uống thuốc trị rắn cắn và tiêm cho anh một mũi giảm đau.

- Hên cho anh đó! Loại rắn chàm ngoạp là cực độc. Không cấp cứu kịp là mất mạng!

Hoan đưa mắt nhìn Điểu Cho thầm Cảm ơn. Không có kinh nghiệm và sự thông thạo của Điểu Cho chắc gì Hoan có hy vọng ngày về!

Dù bớt đau nhưng từ bàn chân đến đầu gối của Hoan vẫn sưng tấy, máu dồn lại làm xuất huyết, các lỗ chân lông tím bầm. Phải đến nửa tháng sau chỗ sưng mới xẹp dần.

Hoan lại tiếp tục công việc. Từ đó, mỗi lần đi công tác, Hoan luôn mang giầy để nếu chẳng may gặp rắn cũng đỡ nguy hiểm hơn. Tình Cảm của Hoan và Điểu Cho cũng ngày càng gắn bó. 

 

Lại nói về Khiêm, người cùng tăng cường về đây với Hoan một lượt. Khiêm hiền lành, dũng cảm nhưng sức khỏe yếu. Hồi còn chiến đấu ở mặt trận Nam Lào, anh đã hai lần bị thương, bị lạc đơn vị. Lần này vào Bà Rá, anh hay bị sốt. Nước da Khiêm xanh như tàu lá. Đôi môi thâm đen. Mỗi khi lên cơn sốt, mồ hôi anh vã ra như tắm, nhợt nhạt. Người nóng hầm hập mà Khiêm luôn miệng kêu rét. Rét. buốt từng đốt xương. Hoan và đồng đội phải đè ghì Khiêm xuống phiến đá làm giường nằm. Hết cơn sốt anh lại miệt mài cùng anh em soạn truyền đơn, ghi báo cáo. Nhưng sức khỏe của Khiêm ngày càng suy kiệt. Anh nằm liệt hai ngày không ăn uống được gì. Muốn dò tìm cách đưa anh đến bệnh viện Binh đoàn cách xa khoảng hơn 50 cây số. Nhưng địch bám sát quá, Khiêm lại rất yếu không thể tự đi, phải có người cáng. Các đồng chí trong đơn vị phải thay nhau chăm sóc cho Khiêm nhưng anh không trụ được nữa. Anh nắm tay Hoan lần cuối rồi khép đôi mắt trũng sâu. Trái tim Hoan như có ai bóp mạnh. Thế là một người đồng chí nữa lại hy sinh! Trong ba lô của Khiêm còn bức thư cho vợ và con trai đang viết dở. Tấm ảnh Khiêm chụp cùng vợ và con trước ngày nhập ngũ dù bị ố vàng một góc vì nước mưa và bụi đất nhưng vẫn hiện rõ đôi mắt chan chứa yêu thương và nụ cười hạnh phúc. Vợ anh ôm con nép vào ngực chồng đầy yêu thương. Khiêm hay khoe với Hoan tấm ảnh này. Đôi mắt ngời ngợi niềm vui Khiêm bảo.

- Sau này còn sống trở về, tớ phải đèo vợ con sang quê cậu. Phải mua cho con trai nhiều thứ đền cho nó. Suốt từ tấm bé chả được bố đèo đi đâu chơi bao giờ. Đẻ con ra mà bố cứ đi biền biệt!

Hoan quỳ xuống bên Khiêm, xiết chặt hai bàn tay xương xẩu. Nước mắt Hoan trào ra từ khi nào!

Chưa kịp chôn cất Khiêm cho tử tế thì quân địch nã pháo liên tiếp vào khu vực Hang Dơi. Có thể có chỉ điểm. Bảy Tâm lệnh cho đơn vị khẩn cấp di chuyển vị trí về địa điểm mới phía bên kia sườn núi để tránh thương vong. Tất cả đều khẩn trương, Hoan và vài người nữa đành phải cạy đá lên làm thành cái huyệt tạm chôn cất Khiêm trong tấm bạt ni lông ngay trong hang đã rồi vội vã rời hang. Vài ngày sau quay lại, đã thấy hàng chục con kỳ đà lớn nhỏ bới xác Khiêm ra mà ăn. Đau đớn bị thảm tột cùng! Đánh đuổi lũ kỳ đà đi, sau đó thu nhặt phần xương thịt còn lại của Khiêm, tiếp tục bó lại đặt xuống hố lấp đá chôn lại. Những lần sau quay lại, không ai còn tìm được thứ gì là thịt xương của Khiêm nữa!

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.